Ngày 20/01/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của Thông tư liên quan đến quy chế thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức…
1/ Thêm đồ vật được mang vào phòng thi công chức
Tại Thông tư số 6/2020/TT-BNV, Bộ Nội vụ đã ban hành Quy chế và Nội quy tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Theo đó, trước đây theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nội quy ban hành kèm Thông tư 03/2019/TT-BNV, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, thước kẻ, không được mang vào điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính … trừ trường hợp đề thi có quy định khác.
Tuy nhiên, khoản 4 Điều 1 Nội quy ban hành kèm Thông tư 06/2020 nêu rõ:
Chỉ được mang vào phòng thi thước kẻ, bút viết để làm bài thi và một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo
Như vậy, từ hôm nay, người dự thi công chức, viên chức… còn có thể được mang vào một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo (bổ sung mới).
Chính sách mới có hiệu lực 20/01/2021 (Ảnh minh họa)
2/ Được nhận không quá 20% lượng thuốc đã ký thỏa thuận khung
Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2020/TT-BYT quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế.
Theo đó, khoản 2 Điều 6 Thông tư 22 quy định:
Các cơ sở y tế được xây dựng kế hoạch tiếp nhận thuốc từ nhà thầu tăng thêm không vượt quá 20% so với số lượng thuốc được phân bổ trong thỏa thuận khung đã ký.
Riêng trường hợp cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng thêm vượt quá 20% lượng thuốc phân bổ trong thỏa thuận khung, cơ sở y tế thực hiện theo hướng dẫn sau đây:
– Cơ sở y tế gửi văn bản đề nghị điều tiết thuốc cho Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh;
– Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều tiết của cơ sở y tế, cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có trách nhiệm rà soát số lượng thuốc sử dụng, thuốc còn tồn kho, thuốc còn lại trong thỏa thuận khung của cơ sở y tế trên địa bàn để quyết định điều tiết.
– Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, nhà thầu có trách nhiệm điều tiết thuốc theo yêu cầu.
– Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chỉ điều tiết số lượng thuốc tăng thêm không vượt quá 20% tổng số lượng thuốc được phân bổ trong thỏa thuận khung cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn.
Các chính sách này có hiệu lực từ ngày 20/01/2021.