Chứng khoán là gì? Cổ phiếu, trái phiếu là gì? Update 11/2024

Nếu bạn bắt đầu tìm hiểu về đầu tư hay thị trường tài chính thì chắc chắn là những khái niệm như chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu…là những khái niệm cần được hiểu rõ. Vậy chứng khoán là gì? Trái phiếu là gì và cổ phiếu là gì? Những thuật ngữ này có gì khác nhau. Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt một cách dễ dàng những khái niệm này. Hãy bắt đầu từ khái niệm đơn giản nhất là trái phiếu.

Trái phiếu là gì?

Trái phiếu có thể hiểu nôm na là một khoản vay có kỳ hạn mà người mua trái phiếu (gọi là trái chủ) cho nhà phát hành vay bằng cách mua trái phiếu của nhà phát hành (chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp). Nói cách khác, trái phiếu là một giấy ghi nhận nợ của bên phát hành đối với người mua trái hiếu, tương ứng với khoản tiền theo mệnh giá trái phiếu. Nợ này có thời hạn xác định và lợi tức (lãi suất) được quy định trước tùy theo từng loại trái phiếu.

Trái phiếu là công cụ nợ

Trái phiếu là công cụ nợ

Ở Việt Nam, người mua trái phiếu có thể là cá nhân, ngân hàng, quỹ đầu tư…Chính phủ thì rất ít khi mua trái phiếu, mà thường đóng vai trò nhà phát hành (trái phiếu chính phủ) nhiều hơn. Trái phiếu trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu được phát hành bởi chính phủ (trái phiếu kho bạc), ngân hàng, doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp).

Loại trái phiếu phổ biến hiện nay trên thị trường thường có mức lãi quy định sẵn. Khi sở hữu trái phiếu, bạn sẽ được nhận lãi định kỳ. Khoản tiền gốc (mệnh giá) sẽ được nhận vào ngày đáo hạn của trái phiếu. Ở thị trường Việt Nam, trái phiếu do chính phủ, ngân hàng và các tổ chức tài chính phát hành nhìn chung rất an toàn. Vì vậy, việc đầu tư trái phiếu được đánh giá là ít rủi ro hơn đầu tư cổ phiếu.

Cổ phiếu là gì?

Trong công ty cổ phần, vốn góp được chia đều ra thành các phần bằng nhau. Và mỗi phần đó được gọi là cổ phiếu. Người sở hữu cổ phiếu (cổ phần) sẽ nhận được sổ chứng nhận sở hữu cổ phần do công ty cổ phần phát hành nhằm xác nhận quyền sở hữu đối với cổ phần của công ty đó. Nói cách khác, cổ phiếu là giấy chứng nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một công ty cổ phần.

Người mua và nắm giữ cổ phiếu của một công ty được gọi là cổ đông, nghĩa là họ sở hữu một phần doanh nghiệp này, tỷ lệ sở hữu tuỳ thuộc vào tỷ lệ cổ phần của họ/ tổng số cổ phần của công ty. Khi công ty hoạt động kinh doanh có lãi, mỗi cổ đông sẽ được hưởng mức lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ cổ phần mình sở hữu. Và nếu công ty chia lãi bằng tiền cho các cổ đông thì họ sẽ nhận được tỷ lệ tương ứng và khoản tiền này được gọi là cổ tức.

Cổ phiếu là công cụ vốn. Người sở hữu cổ phiếu chính là chủ sở hữu của doanh nghiệp

Cổ phiếu là công cụ vốn. Người sở hữu cổ phiếu chính là chủ sở hữu của doanh nghiệp

Ở Việt Nam, mỗi cổ phiếu thường có mệnh giá là 10.000đ. Mặc dù vậy, những công ty không niêm yết, không phải công ty đại chúng có thể có cách chia khác và mệnh giá mỗi cổ phiếu có thể không phải là 10.000đ. Cổ phần của các công ty có thể được mua bán tự do trên thị trường và giá trị giao dịch của mỗi cổ phiếu được gọi là thị giá. Thị giá trong hầu hết các trường hợp sẽ có khác biệt với mệnh giá, có thể thấp hơn hoặc cao hơn tùy vào tình hình hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty.

Chứng khoán là gì?

Quay trở lại với vấn đề chứng khoán là gì? Hiện nay, hai loại chứng khoán phổ biến nhất chính là cổ phiếu và trái phiếu. Ngoài ra, chứng khoán còn có thể có những dạng thức khác nữa. Trên thị trường, nhiều loại tài sản tài chính như quyền chọn, nhiều loại giấy tờ có giá..cũng có thể được coi là chứng khoán.

Tuy vậy, ở mức độ cơ bản bạn có thể hình dung là chứng khoán bao gồm cổ phiếu và trái phiếu. Những tài sản tài chính, chứng khoán khác khi được đề cập thường sẽ có tên gọi rất cụ thể và mình sẽ nói thêm ở các phần khác.

Trên thị trường, chứng khoán có thể được giao dịch mua đi, bán lại giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường giao dịch chứng khoán có thể là thị trường tập trung (sở giao dịch chứng khoán) hoặc là thị trường không tập trung (OTC). Chứng khoán giao dịch tập trung tại sở giao dịch chứng khoán được lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD).

Chứng khoán là gì?

Chứng khoán là gì?

Hiện nay, nếu bạn mua cổ phiếu/ trái phiếu lưu ký tại VSD thì bạn sẽ không nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu mà thay vào đó là sở hữu chứng khoán dưới dạng điện tử.

Mua trái phiếu giống và khác gì tiền gửi tiết kiệm?

Trái phiếu và tiền gửi tiết kiệm về bán chất đều là những công cụ nợ. Trái phiếu có thể do chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp phát hành. Ngược lại thì giao dịch gửi tiết kiệm thường chỉ diễn ra ở ngân hàng. Cả hai hình thức này, tổ chức phát hành trái phiếu/ chứng chỉ tiền gửi đều có cam kết sẽ trả cả vốn gốc lẫn lãi suất cho người cho vay khi đến thời hạn quy định.

Tuy nhiên, tiền gửi tiết kiệm là một hình thức đầu tư an toàn và ổn định và gần như không có rủi ro bị mất gốc/lãi. Rủi ro lớn nhất với những ai gửi tiết kiệm (lãi suất cố đinh) là vấn đề lạm phát. Nếu trong thời kỳ bạn gửi tiền, tỷ lệ lạm phát lớn hơn lãi suất tiết kiệm thì lãi suất thực tiết kiệm của bạn sẽ âm. Nghĩa là lạm phát làm đồng tiền của bạn mất giá theo thời gian.

Trái phiếu doanh nghiệp thường có mức độ rủi ro cao hơn tiết kiệm ngân hàng. Chính vì thế mà lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thường cao hơn. Đầu tư trái phiếu sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà đầu tư. Hiện nay trên thị trường đang ngày càng có nhiều quỹ đầu tư trái phiếu như quỹ đầu tư trái phiếu của Techcombank (TCBF), quỹ Bảo Việt (BVBF), quỹ đầu tư trái phiếu VFMVFB, VFF của Vinawealth…Những quỹ này có ưu điểm giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư trái phiếu, giảm thiểu rủi ro.

Lãi suất đầu tư trái phiếu có cao không?

Lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu thường cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng. Lý do thì mình đã giải thích sơ lược ở phần trên là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có nhiều rủi ro hơn gửi tiết kiệm. Còn nếu bạn chỉ đầu tư vào trái phiếu chính phủ thì nhiều khả năng lãi suất còn thấp hơn gửi tiết kiệm. Chính vì thế mà các quỹ đầu tư trái phiếu thường sẽ đầu tư một phần tài sản vào các loại trái phiếu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ luôn ưa chuộng hình thức trái phiếu bởi đây là kênh huy động vốn dài hạn chủ động và hiệu quả. Để thu hút người mua đầu tư vào trái phiếu thay vì gửi tiết kiệm, doanh nghiệp buộc phải đẩy cao mức lãi suất trái phiếu hơn mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm gửi ngân hàng có cùng kỳ hạn.

Sự chênh lệch này thường ở mức 2-3%/năm, có khi còn cao hơn. Hiện nay, có rất nhiều loại trái phiếu có lãi suất thả nổi, ví dụ như VinGroup chẳng hạn có nhiều loại trái phiếu với lãi suất thả nổi = Trung bình lãi suất 12 tháng của VCB, BIDV, Vietinbank, Agribank + 5% chẳng hạn.

Lãi suất đầu tư trái phiếu thường cao hơn gửi tiết kiệm

Lãi suất đầu tư trái phiếu thường cao hơn gửi tiết kiệm

Đa phần các quỹ đầu tư trái phiếu năm 2018 vừa rồi có mức sinh lời từ 8 – 15%/năm. Mức này nhìn chung tốt hơn so với gửi tiết kiệm (khá nhiều). Và năm 2018, đầu tư trái phiếu nói chung còn sinh lời tốt hơn cả đầu tư cổ phiếu (so sánh với VN-Index).

Đầu tư trái phiếu có rủi ro gì?

Mặc dù đầu tư trái phiếu nhìn chung khá là an toàn, nhưng không phải vì thế mà bạn có thể coi nhẹ các rủi ro khi đầu tư trái phiếu. Dưới đây là các rủi ro bạn cần cân nhắc khi đầu tư trái phiếu.

Rủi ro vỡ nợ: Rủi ro này xảy ra với đơn vị phát hành trái phiếu không có khả năng trả nợ. Và nếu công ty/đơn vị phát hành trái phiếu vỡ nợ và mất khả năng thanh toán trái phiếu, trái chủ sẽ mất cả gốc lẫn lãi.

Rủi ro lãi suất: Với các loại trái phiếu lãi suất cố định, khi lãi suất thị trường tăng cao, giá trái phiếu sẽ giảm. Đồng thời với đó là khả năng sinh lợi của trái phiếu trở nên thấp hơn các cơ hội đầu tư khác.

Rủi ro lạm phát: Nếu lạm phát tăng cao hơn lợi suất đầu tư trái phiếu, bạn sẽ chỉ nhận được một lãi suất thực âm. Điều này đã xảy ra trong năm 2005, 2008, 2011 là những năm lãi suất tiết kiệm thấp hơn lạm phát từ 3 – 5%.

Đầu tư cổ phiếu là gì?

Hiểu được chứng khoán là gì, cổ phiếu là gì thì hẳn là bạn sẽ muốn biết đầu tư cổ phiếu là gì?

Đầu tư cổ phiếu chính là việc bạn tiền ra mua cổ phiếu của một doanh nghiệp. Khi đó bạn trở thành cổ đông và đồng sở hữu công ty này (với các cổ đông khác). Tỷ lệ sở hữu tuỳ vào tỷ lệ cổ phần mà bạn nắm giữ. Các cổ đông sẽ cùng nhau chia sẻ lợi nhuận hoặc tổn thất của công ty trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Với cổ phiếu phổ thông, cổ đông sẽ có quyền biểu quyết đối với các quyết định kinh doanh quan trọng của công ty tại Đại hội cổ đông thường niên. Khi đó bạn có thể tham gia trực tiếp vào việc biểu quyết các kế hoạch kinh doanh, bầu hay miễn nhiệm các thành viên quản lý chủ chốt.

Khi công ty kinh doanh có lãi, ban điều hành có thể quyết định chia cổ tức cho các cổ đông. Cổ tức sẽ được trích từ lợi nhuận trả cho các cổ đông tương ứng với cổ phần họ nắm giữ. Tuy nhiên nếu công ty bị thanh lý phá sản, cổ đông chỉ nhận được những gì còn lại sau khi công ty đã trang trải các khoản nợ thuế, nợ ngân hàng hay trái phiếu.

Đầu tư cổ phiếu có rủi ro gì?

Rủi ro lớn nhất khi đầu tư cổ phiếu là công ty làm ăn thua lỗ. Khi đó, phần vốn chủ sở hữu sẽ ngày càng giảm đi, giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ giảm sút nghiêm trọng. Nếu công ty làm ăn có lãi thì tình hình sẽ ngày càng trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, trong một thị trường có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng như lãi suất, lạm phát..thì đôi khi làm ăn có lãi vẫn chưa đủ.

Nếu khả năng sinh lời của công ty thấp hơn lãi suất gửi tiền tiết kiệm/ đầu tư trái phiếu thì rõ ràng là khi đó khoản đầu tư của bạn vào cổ phiếu trở thành một lựa chọn không thông minh chút nào. Chính vì vậy, việc đầu tư cổ phiếu còn có rất nhiều điều để nói mà mình sẽ đề cập ở những bài viết khác tại Blog này.

Hy vọng qua bài viết này bạn đã nắm được một số vấn đề cơ bản giải đáp thắc mắc chứng khoán là gì, cổ phiếu là gì, trái phiếu là gì…Và mong là bạn cũng đã bắt đầu có cái nhìn sơ lược về đầu tư chứng khoán.