Bán 49% vốn tại FE Credit, VPBank đang từ bỏ “gà đẻ trứng vàng”? Update 04/2024

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 49% vốn của công ty con Fe Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF)- công ty con thuộc tập đoàn tài chính SMBC Group Nhật Bản.

Sau khi chuyển nhượng, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) sẽ được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. VPBank còn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác. Sự kiện này thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhiều người đánh giá, đây là một bước đi dự kiến sẽ thay đổi nhiều tới VPBank trong thời gian tới.

VPbank hiện là một trong những ngân hàng tư nhân quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trên thị trường. Đặc biệt, trên đường đua vốn điều lệ ngành ngân hàng, VPBank đang có nhiều bước tiến vượt bậc. Xét nhóm ngân hàng cổ phần, VPbank trở thành ngân hàng có lợi nhuận nhất nhì. Còn xét về doanh thu, VPBank giữ vững ngôi vị quán quân, vượt xa các ngân hàng khác như MB.

Trong tương lai gần, VPBank có thể tiến tới ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Thậm chí VPbank đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022 với mức tăng tối thiểu lên 75.000 tỷ đồng. Kế hoạch tăng vốn này sẽ sắp thành hiện thực sau khi VPBank hoàn tất chuyển nhượng 50% cổ phần FE Credit cho đối tác SMBC (49%) và một nhà đầu tư khác (1%).

Còn thương hiệu Fe Credit – Công ty tài chính được hậu thuẫn mạnh của VPBank là công ty tài chính tiêu dùng số 1 Việt Nam với thị phần trong tay tới hơn 50%. Hiện tại Fe Credit đang sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước với khoảng 10.000 đối tác chiến lược tại hơn 22.000 điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ trên 12 triệu khách hàng.

Với VPbank, công ty tài chính FE Credit được xem là “con gà đẻ trứng vàng”, mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà băng này. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ đóng góp của FE Credit cho ngân hàng hợp nhất là 12%. Còn theo báo cáo tài chính quý 3/2021 của VPbank, tỷ lệ đóng góp của công ty con FE Credit cho ngân hàng hợp nhất đã xuống dưới 8%.

Công ty tài chính FE Credit

FE Credit là một công ty tài chính tiêu dùng số 1 Việt Nam

Tuy nhiên, trước đại hội cổ đông thường niên năm 2021, VPBank bất ngờ công bố lễ ký kết chuyển nhượng 49% vốn Fe Credit cho đối tác SMBC – công ty con thuộc tập đoàn tài chính SMBC Group của Nhật Bản. Thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỉ USD. Như vậy, VPBank có thể thu về gần 1,4 tỉ USD từ thương vụ này. Đây được xem là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính Việt Nam cho đến thời điểm này.

Việc VPBank bán FE Credit cho SMBC khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu VPbank đàng từ bỏ “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit? hay FE Credit không còn là “con gà đẻ trứng vàng” của VPbank?

Tuy nhiên, theo ghi nhận thông tin từ báo chí, tại Đại hội cổ đông VPBank vào tháng 4/2021, lãnh đạo ngân hàng này khẳng định việc bán 49% vốn tại FE Credit không đồng nghĩa với việc VPBank từ bỏ “gà đẻ trứng vàng”, và nhấn mạnh những quả trứng vàng sẽ tiếp tục được sinh ra ở FE Credit với sự tham gia của SMBCCF.

Sau khi bán vốn tại FE Credit, VPBank vẫn còn giữ lại một nửa sở hữu (50% vốn). FE Credit dù được đổi tên nhưng thương hiệu FE Credit vẫn được giữ nguyên.

Đáng nói, đối với VPBank, việc hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của FE Credit cho SMBCCF sẽ mang lại cho VPBank một lượng vốn rất lớn. Đây chính là bước đệm để hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn điều lệ của ngân hàng trong năm 2022 đã được Đại hội Đồng cổ đông thông qua. Theo kế hoạch này, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng lên 75.000 tỷ đồng trong năm 2022, từ mức 25.300 tỷ đồng hiện tại, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Nguồn để tăng vốn điều lệ sẽ đến từ nguốn chủ sở hữu, dự kiến sẽ đạt 90.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2021.

Ngoài ra, việc thoái bớt một nửa vốn điều lệ tại FE Credit sẽ tạo điều kiện cho VPBank củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác. Trong khi đó, khoản đầu tư của SMBCCF sẽ cho phép công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Nhật Bản này mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực, bằng cách chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.

VPbank bán Fe credit

Đại diện VPBank và đại diện tập đoàn SMBC trao nhau chứng nhận hoàn tất giao dịch chuyển nhượng 49% vốn góp tại FE Credit

Tập đoàn SMBC được biết đến là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỉ USD tại thời điểm 31/12/2020. Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp, và ngân hàng đầu tư trên toàn cầu, với sự hiện diện tại trên 40 quốc gia. SMBCCF là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh trên toàn quốc.

Trước đó, chia sẻ trên Vneconomy, ông Ngô Chí Dũng Chủ tịch HĐQT VPbank cho hay, việc hợp tác với SMBC có thể giúp ngân hàng tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ họ để tiếp tục phát triển FE Credit. Ngoài ra, nguồn tiền thu về từ thương vụ bán cổ phần sẽ giúp ngân hàng mẹ VPBank có thêm nguồn lực phát triển. Như vậy, việc bán đi 1 nửa số vốn tại Fe Credit VPbank không mất đi gà đẻ trứng vàng mà sẽ có thêm nhiều nguồn lực tài chính để phát triển. Có thể thấy, khi hoàn tất thương vụ FE Credit-SMBCCF, VPBank đã hoàn thành xong quá trình chuẩn bị vốn để hướng đến những mục tiêu lớn lao hơn trong tương lai theo những kế hoạch đã được vạch sẵn.

VPBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt hơn 33.200 tỷ đồng, tăng 17% so với 9 tháng đầu năm 2020. Chi phí hoạt động 9 tháng ở mức 7.864 tỷ, giảm 8,8%. Chi phí dự phòng là 13.631 tỷ, tăng 32,3%.

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của VPBank đạt 11.736 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với riêng ngân hàng mẹ VPBank, báo cáo tài chính cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của ngân hàng riêng lẻ đạt gần 10.900 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính lợi nhuận của ngân hàng mẹ đóng góp tới hơn 92% cho lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất. Như vậy, tỷ lệ đóng góp của công ty con FE Credit cho ngân hàng hợp nhất đã xuống dưới 8%.