Bootstrap là một framework dùng để xây dựng giao diện website phổ biến bậc nhất hiện nay. Nó là nền tảng để cho coder làm việc được nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết.
Khái niệm Bootstrap là gì?
Bootstrap như đã giới thiệu ở trên là một framework chuyên về giao diện (front-end). Nó là một thư viện các class CSS, JavaScript và HTML mà coder chỉ việc gọi ra khi code giao diện cho web, app. Việc thiết kế giao diện với Bootstrap trở nên nhanh chóng và chuyên nghiệp mà không phải một anh coder lành nghề nào có thể dễ dàng làm được.
Nó có thể làm hầu như mọi thứ hiển thị trên web trở nên lung linh huyền ảo chỉ với vài class mà tên class thì cũng tương đối dễ nhớ.
Bạn có thể tạo ra các đối tượng như table, button, forms, navigation,… đẹp, nhanh và đơn giản.
Điều đặc biệt lý giải lý do tại sao nó phổ biến đến như vậy đó chính là – mã nguồn mở. Thật tuyệt vời! Có lẽ các anh coder vẫn thầm cảm ơn Mark Otto và Jacob Thornton là hai người tạo ra nó đầu tiên và đến tận bây giờ vẫn miễn phí.
Cấu trúc và tính năng của Bootstrap
Cấu trúc của Bootstrap là dạng cấu trúc module với nhiều class CSS và JavaScript. Chính với cấu trúc này mà nó tương thích với toàn bộ các framework mã nguồn mở khác như WordPress, Magento, Joomla, Laravel, CodeIgniter,…
Với cấu trúc dạng module như trên thì Bootstrap cung cấp cho chúng ta rất nhiều tính năng tuyệt vời như:
Responsive
Responsive gần như là một tiêu chuẩn bắt buộc đối với mọi trang web trong thời đại hiện nay. Nó giúp trang web có thể thay đổi nội dung tương thích với các độ phân giải màn hình khác nhau. Với sự bùng nổ của các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng, máy tính lai,… với nhiều kích thước màn hình khác nhau, việc trang web hỗ trợ responsive sẽ giúp người dùng đọc nội dung một cách thoải mái và thân thiện nhất. Coder có thể lựa chọn cách hiển thị nội dung giữa các kích thước màn hình khác nhau một cách tùy ý. Bootstrap xây dựng sẵn các class và các đối tượng hỗ trợ responsive một cách hiệu quả. Ví dụ: đối tượng menu trong Bootstrap, khi hiển thị trên màn hình máy tính sẽ xuất hiện đầy đủ các mục, còn khi hiển thị trên điện thoại sẽ tự động thu gọn để tiết kiệm không gian trên màn hình nhỏ.
Thiết kế layout dễ dàng và tiện lợi
Việc thiết kế layout trên Bootstrap cực kì tiện lợi và linh hoạt. Từ phiên bản Bootstrap 4.0, hệ thống grid không còn cố định kích thước của 12 cột, coder có thể thoải mái tùy chỉnh kích thước cho cột nhờ việc Bootstrap đã chuyển sang dùng flexbox.
Xây dựng sẵn các thành phần đồ họa đẹp mắt
Bootstrap cũng xây dựng và thiết kế lại cho chúng ta nhiều thành phần để chúng trở nên sinh động và đẹp mắt hơn. Ví dụ như hệ thống form (biểu mẫu), table (bảng biểu), buttons (nút nhấn), navs (các thanh điều hướng), modal (cửa sổ nhỏ bật ra),… và rất nhiều đối tượng khác. Tất cả đều theo một phong cách thiết kế chung, đồng bộ và đều hỗ trợ responsive. Coder sẽ vô cùng tiết kiệm thời gian khi sử dụng các thành phần có sẵn này.
Xây dựng sẵn các hiệu ứng cho các đối tượng
Các hiệu ứng như shadow (đổ bóng), border (đường viền), color (màu sắc), border-radius (bo cong đường viền)
Và nhiều tính năng hấp dẫn khác mà bạn có thể tìm hiểu trên trang chủ của BootstrapTại sao nên dùng Bootstrap
Có lẽ đây là câu hỏi mà nhiều coder mới vào nghề hay hỏi. Tại sao phải dùng Bootstrap? Mình có thể sử dụng css thuần để làm vẫn được mà. Thì ngay dưới đây sẽ là những lý do để chúng ta phải khuất phục trước nó.
Tiết kiệm thời gian và công sức. Nếu tình thời gian chúng ta sử dụng css thuần để làm một đối tượng so với việc dùng Bootstrap thì nó là một sự chênh lệch quá lớn. Trong khi chúng ta chỉ phải mất chưa đầy 1 phút để có được 1 button đẹp mắt thì nếu code css thuần cũng cả tiếng đồng hồ. Điều đáng nói là không chỉ có tiết kiệm thời gian và công sức mà còn nhiều điều khác mà ta sẽ cùng tìm hiểu dưới đây.
Giao diện đẹp và đồng bộ. Nếu nói về độ đồng bộ thì Bootstrap là bậc nhất. Khi ta thiết kế giao diện tất cả các đối tượng đến bố cục sẽ được đồng bộ theo đúng một kiểu thiết kế, định dạng, màu sắc mà ta mong muốn. Nếu bạn muốn phá cách hoặc nổi bật bạn vẫn hoàn toàn có thể tùy chỉnh thêm theo ý bạn mong muốn. Cách mà Bootstrap làm thực sự là vô cùng chỉnh chu, vậy nên chúng ta có thể thoải mái sử dụng mà không cần tùy chỉnh nếu không thực sự cần thiết.
Dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Nói đến tính năng responsive của Bootstrap là một trong những công cụ giúp web có thể tiếp cận mọi người trên mọi nền tảng thiết bị khác nhau: trên máy tính, điện thoại di động, tablet,… web nổi bật trên máy tính thì cũng nổi bật trên điện thoại thông minh. Bạn không cần phải lo lắng rằng nếu chuyển sang một thiết bị có kích thước khác thì liệu web của bạn còn đẹp nữa không. Những lo lắng về việc mất bố cục web trở nên thừa thãi khi sử dụng Bootstrap. Chính vì vậy mà web của bạn tiếp cận thật dễ dàng đến khách hàng và khách hàng thì dễ sử dụng
Giúp trang web ít lỗi hơn và dễ gỡ lỗi hơn. Bootstrap luôn tự hoàn thiện và làm mới mình đối với các công nghệ và tiêu chuẩn lập trình mới. Thế nên khi sử dụng nó thì các anh coder lại yên tâm thêm một điều là code sẽ ít lỗi hơn. Nghe thật là nhẹ nhõm!
Cách cài đặt Bootstrap
Cài đặt Bootstrap cũng thật sự là đơn giản:
Bước 1: Tải Bootstrap từ trang chủ https://getBootstrap.com/
Bước 2: Tạo thư mục Bootstrap trong module dự án
Bước 3: Nhúng Bootstrap trong thẻ <link></link> trong phần header
Hướng dẫn sử dụng Bootstrap hiệu quả
Để có thể sử dụng Bootstrap một cách hiệu quả và tiết kiệm thời gian, công sức nhất, bạn nên thực hiện một số điều sau:
- Luôn cập nhật phiên bản mới nhất của Bootstrap
- Tận dụng tối đa các thành phần mà Bootstrap đã xây dựng sẵn
- Trước khi tùy biến một thứ gì đó, hãy tìm xem Bootstrap đã xây dựng sẵn cho chúng ta thứ đó hay chưa
Với những chia sẻ nhỏ này nhưng vô cùng hiệu quả để sử dụng Bootstrap.
Kết bài
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về Bootstrap hi vọng với những chia sẻ này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về một framework front-end hot nhất hiện nay.