Phái sinh lãi suất là gì?
Phái sinh lãi suất (tên gọi tiếng Anh: Interest Rate Derivative) là công cụ tài chính được định giá theo biến động dự kiến về lãi suất. Hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất là việc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao kết và thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất với tổ chức tài chính nước ngoài trên thị trường quốc tế nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc là việc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao kết và thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất với khách hàng trên thị trường trong nước nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất của khách hàng.
(Căn cứ Điều 3, Thông tư 01/2015/TT-NHNN)
Phái sinh lãi suất là gì?
Các sản phẩm phái sinh lãi suất
Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng các loại sản phẩm phái sinh lãi suất, bao gồm:
Sản phẩm phái sinh lãi suất | Đặc điểm | |
Sản phẩm lãi suất kỳ hạn (Forward rate agreement) |
– Vào ngày giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất các bên thỏa thuận xác định mức lãi suất kỳ hạn sẽ áp dụng trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa – Vào ngày đến hạn hợp đồng phái sinh lãi suất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc khách hàng thanh toán một lần duy nhất số tiền chênh lệch giữa lãi suất kỳ hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng phái sinh lãi suất với lãi suất tham chiếu trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa |
|
Sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền (Interest rate swap) |
Sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền (Interest rate swap) | Các bên thỏa thuận định kỳ thanh toán cho nhau khoản tiền lãi bằng cùng một đồng tiền tính theo lãi suất được nhận và phải trả đã thỏa thuận trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa |
Sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền cộng dồn (Accrual Interest Rate Swap) | Là sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền, trong đó ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng có thỏa thuận về khoản tiền lãi được nhận hoặc phải trả được tính theo các mức lãi suất có kèm theo các điều kiện dựa trên biến động tỷ giá, lãi suất thị trường và được cộng dồn theo kỳ thanh toán đã thỏa thuận trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa. | |
Sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền hoặc hoán đổi tiền tệ chéo (Cross currency swap) |
Sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền (Cross currency swap) |
– Các bên thỏa thuận định kỳ thanh toán cho nhau khoản tiền lãi bằng hai đồng tiền khác nhau tính trên giá trị khoản vốn danh nghĩa – Việc trao đổi hoặc không trao đổi giá trị khoản vốn danh nghĩa do hai bên thỏa thuận – Trường hợp có trao đổi giá trị khoản vốn danh nghĩa ban đầu hoặc từng phần trong kỳ hoặc cuối cùng thì áp dụng theo tỷ giá cố định được thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tỷ giá tại thời điểm hai bên ký kết hợp đồng phái sinh lãi suất |
Sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền cộng dồn (Accrual Interest Rate Swap) |
– Là sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền, trong đó ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng có thỏa thuận về khoản tiền lãi được nhận hoặc phải trả được tính theo các mức lãi suất có kèm theo các điều kiện dựa trên biến động tỷ giá, lãi suất thị trường và được cộng dồn theo kỳ thanh toán đã thỏa thuận trên giá trị khoản vốn danh nghĩa – Việc trao đổi hoặc không trao đổi giá trị khoản vốn danh nghĩa do hai bên thỏa thuận – Trường hợp có trao đổi giá trị khoản vốn danh nghĩa ban đầu hoặc từng phần trong kỳ hoặc cuối cùng thì áp dụng theo tỷ giá cố định được thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tỷ giá tại thời điểm hai bên ký kết hợp đồng phái sinh lãi suất. |
|
Sản phẩm quyền chọn lãi suất (Interest rate option) |
Quyền chọn lãi suất giới hạn trần (Interest Rate Option – Cap) |
– Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho khách hàng quyền được mua mức lãi suất giới hạn trần trên giá trị khoản vốn danh nghĩa tại thời điểm trước ngày đến hạn hoặc vào ngày đến hạn của hợp đồng phái sinh lãi suất nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất biến động tăng. – Trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất, khi lãi suất tham chiếu biến động tăng và cao hơn mức lãi suất giới hạn trần, nếu có yêu cầu của khách hàng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện thanh toán cho khách hàng khoản tiền lãi được tính trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất tham chiếu với mức lãi suất giới hạn trần và giá trị khoản vốn danh nghĩa – Trường hợp lãi suất tham chiếu thấp hơn mức lãi suất giới hạn trần, thì không phát sinh việc thanh toán giữa ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng về chênh lệch giữa lãi tham chiếu và lãi suất giới hạn trần. – Khách hàng phải trả phí cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thỏa thuận tại hợp đồng phái sinh lãi suất để mua quyền chọn lãi suất giới hạn trần. Có thể thanh toán một lần vào ngày giao dịch hoặc nhiều lần theo kỳ thanh toán lãi trong suốt thời hạn hiệu lực của hợp đồng (tùy theo thỏa thuận) |
Quyền chọn lãi suất giới hạn sàn (Interest Rate Option – Floor) |
– Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho khách hàng quyền được mua mức lãi suất giới hạn sàn trên giá trị khoản vốn danh nghĩa tại thời điểm trước ngày đến hạn hoặc vào ngày đến hạn của hợp đồng phái sinh lãi suất nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất biến động giảm. – Trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất, khi lãi suất tham chiếu biến động giảm và thấp hơn mức lãi suất giới hạn sẵn, nếu có yêu cầu của khách hàng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện thanh toán cho khách hàng khoản tiền lãi được tính trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất tham chiếu với mức lãi suất giới hạn sàn và giá trị khoản vốn danh nghĩa – Trường hợp lãi suất tham chiều cao hơn mức lãi suất giới hạn sàn, thì không phát sinh việc thanh toán giữa ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng về chênh lệch giữa lãi suất tham chiếu và lãi suất giới hạn sàn. – Khách hàng phải trả phí cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thỏa thuận tại hợp đồng phái sinh lãi suất để mua quyền chọn lãi suất giới hạn sàn. Có thể thanh toán một lần vào ngày giao dịch hoặc nhiều lần theo kỳ thanh toán lãi trong suốt thời hạn hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất (tùy theo thỏa thuận). |
|
Quyền chọn lãi suất kết hợp trần – sàn (Interest Rate Option – Collar) |
– Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho khách hàng quyền được mua mức lãi suất giới hạn trần, đồng thời mua từ khách hàng quyền được mua mức lãi suất giới hạn sàn, trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa tại thời điểm trước ngày đến hạn hoặc vào ngày đến hạn của hợp đồng phái sinh lãi suất. – Trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng phái sinh lãi suất, khi lãi suất tham chiếu biến động tăng và cao hơn mức lãi suất giới trần, nếu có yêu cầu của khách hàng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện thanh toán cho khách hàng khoản tiền lãi được tính trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất tham chiếu với mức lãi suất giới hạn trần và giá trị khoản vốn danh nghĩa – Khi lãi suất tham chiếu giảm và thấp hơn mức lãi suất quyền chọn sàn, nếu có yêu cầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khách hàng phải thực hiện thanh toán cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khoản tiền lãi được tính trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất tham chiếu với mức lãi suất giới hạn sàn và giá trị khoản vốn danh nghĩa. – Trường hợp lãi suất tham chiếu biến động nhưng vẫn nằm trong khoảng giới hạn giữa mức lãi suất giới hạn trần và mức lãi suất giới hạn sàn, thì không phát sinh việc thực hiện thanh toán giữa ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với khách hàng về chênh lệch giữa lãi suất tham chiếu với mức lãi suất giới hạn trần hoặc với mức lãi suất giới hạn sàn. – Khách hàng và ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận tại hợp đồng phái sinh lãi suất về việc trả phí và mức phí phải trả. |
Phân loại sản phẩm phái sinh lãi suất
Các quy định về sản phẩm phái sinh lãi suất
Mục đích hoạt động kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất
– Đối với thị trường trong nước:
- Phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho giao dịch gốc của pháp nhân được cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất từ ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
- Phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho giao dịch gốc hoặc phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất phát sinh từ bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất từ ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
– Đối với thị trường quốc tế:
- Phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất đối với giao dịch gốc còn hiệu lực thực hiện. Giao dịch gốc phải phù hợp với nội dung và phạm vi hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật liên quan
- Phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất phát sinh từ bảng cân đối kế toán của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nguyên tắc hoạt động kinh doanh
– Hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất, phù hợp với quy định
– Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất khi:
- Được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất
- Đã ban hành văn bản quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất phù hợp với quy định, bảo đảm có cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro đối với hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất.
– Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất liên quan đến ngoại hối phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối.
– Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất trên thị trường quốc tế phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế.
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng trên thị trường trong nước như đối với pháp nhân theo quy định
Điều kiện sử dụng sản phẩm
– Với pháp nhân cần đáp ứng được các điều kiện sau:
- Mục đích sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất là phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất đối với giao dịch gốc của pháp nhân đó
- Có giao dịch gốc còn hiệu lực thực hiện, phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh và quy định của pháp luật
- Có khả năng tài chính theo đánh giá của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất để thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh khi thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo thỏa thuận với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất.
– Với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Mục đích sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất là phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất đối với giao dịch gốc hoặc phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất phát sinh từ bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó
- Có giao dịch gốc còn hiệu lực thực hiện, phù hợp với nội dung và phạm vi hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật liên quan. Nếu phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất phát sinh từ bảng cân đối kế toán, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất được người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó phê duyệt
- Có khả năng tài chính theo đánh giá của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất để thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh khi thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo thỏa thuận với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất.
Trách nhiệm của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
– Thực hiện kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất theo đúng quy định
– Ban hành văn bản quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất phù hợp với quy định
– Ngân hàng thương mại phải thực hiện quản lý và kiểm soát rủi ro tập trung tại trụ sở chính của ngân hàng thương mại. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện quản lý và kiểm soát rủi ro theo quy định của ngân hàng mẹ hoặc được ngân hàng mẹ ủy quyền quản lý, kiểm soát rủi ro.
– Yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin, tài liệu chứng minh đủ điều kiện sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định
– Cung cấp thông tin cho khách hàng đầy đủ, chính xác về nội dung của sản phẩm phái sinh lãi suất và các rủi ro có thể phát sinh khi sử dụng sản phẩm
– Tìm hiểu các quy định của pháp luật nước ngoài và diễn biến thị trường quốc tế liên quan đến hoạt động kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất, các thông tin về đánh giá xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tài chính nước ngoài
– Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất, trong đó phân tích các rủi ro lãi suất phát sinh từ bảng cân đối kế toán, phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất phải được người đại diện hợp pháp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó phê duyệt.
– Lưu giữ hồ sơ hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất phù hợp với quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của khách hàng
– Thực hiện việc sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo đúng quy định
– Pháp nhân sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất:
- Cung cấp bản gốc hoặc bản sao chứng thực hợp đồng của giao dịch gốc, các thông tin, tài liệu khác do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất quy định để chứng minh đủ điều kiện sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu đã cung cấp
- Kịp thời thông báo những thay đổi liên quan đến giao dịch gốc để ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét xử lý các vấn đề liên quan đến Hợp đồng phái sinh lãi suất
- Tìm hiểu các quy định của pháp luật và diễn biến thị trường liên quan đến sản phẩm phái sinh lãi suất để xem xét quyết định việc sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất.
– Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất:
- Cam kết:
- Sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất
- Sẵn sàng cung cấp bản gốc hoặc bản sao chứng thực hợp đồng của giao dịch gốc hoặc phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất phát sinh từ bảng cân đối kế toán theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền
- Cung cấp các thông tin, tài liệu khác để chứng minh đủ điều kiện sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất
- Xây dựng và phê duyệt phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất phát sinh từ bảng cân đối kế toán, trong đó có phân tích các rủi ro lãi suất
- Xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và quy định nội bộ về quản trị rủi ro, trong đó phải có nội dung về kiểm soát, quản trị rủi ro đối với việc sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất
Các quy định của pháp luật về sản phẩm phái sinh lãi suất
Các ngân hàng cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất
Ngân hàng Vietcombank
Hiện nay, Vietcombank cung cấp 2 sản phẩm phái sinh lãi suất bao gồm:
– Hoán đổi lãi suất: Mỗi bên cam kết thanh toán khoản tiền lãi tính theo lãi suất thả nổi hay lãi suất cố định cho bên còn lại. Số tiền đó được tính trên cùng một khoản tiền danh nghĩa, trong cùng một khoảng thời gian. Doanh nghiệp có thể hoán đổi lãi suất cố định mà mình đang trả để lấy lãi suất thả nổi từ Vietcombank và ngược lại.
Lợi ích doanh nghiệp nhận được:
- Cố định chi phí, tránh trường hợp lãi suất tăng
- Giúp dự đoán được dòng tiền, chi phí của doanh nghiệp
- Có cơ hội hưởng lãi suất thả nổi khi thị trường thuận lợi hoặc cơ hội để chốt ở mức lãi suất cố định thấp
- Có cơ hội kết thúc trước hạn để thu lợi nhuận.
– Quyền chọn lãi suất bao gồm các hợp đồng sau:
- Trần lãi suất: Nếu lãi suất thả nổi tham chiếu vượt trên một mức lãi suất được hai bên thỏa thuận doanh nghiệp sẽ nhận được một khoản tiền định kỳ từ Vietcombank. Lợi ích doanh nghiệp nhận được:
- Phòng ngừa rủi ro tăng lãi suất bằng cách lựa chọn một mức lãi suất tối đa phải trả
- Chi phí của doanh nghiệp chỉ giới hạn trong mức phí phải trả cho người bán.
- Không bị ràng buộc bởi bất cứ cam kết nào.
- Sàn lãi suất: Nếu lãi suất thả nổi tham chiếu xuống dưới mức lãi suất do 2 bên thỏa thuận thì doanh nghiệp sẽ nhận được một khoản tiền từ Vietcombank. Lợi ích của sản phẩm:
- Phòng ngừa rủi ro giảm lãi suất bằng cách “mua bảo hiểm” nếu lãi suất giảm xuống dưới mức đó.
- Chi phí của doanh nghiệp chỉ giới hạn trong mức phí phải trả cho người bán.
- Không bị ràng buộc bởi bất cứ cam kết nào.
- Collars: Doanh nghiệp thực hiện đồng thời hai giao dịch là mua một trần lãi suất và bán một sàn lãi suất, với cùng lãi suất thả nổi tham chiếu, thời hạn và khoản tiền danh nghĩa. Lợi ích của sản phẩm:
- Phòng ngừa rủi ro tăng lãi suất.
- Việc bán sàn lãi suất giúp doanh nghiệp có thêm thu nhập.
- Reverse Collars: Doanh nghiệp thực hiện đồng thời hai giao dịch là mua một sàn lãi suất và bán một trần lãi suất, với cùng lãi suất thả nổi tham chiếu, thời hạn và khoản tiền danh nghĩa. Lợi ích của sản phẩm:
- Phòng ngừa rủi ro giảm lãi suất.
- Việc bán trần lãi suất giúp doanh nghiệp có thêm thu nhập.
Ngân hàng Techcombank
Techcombank đang triển khai 2 sản phẩm phái sinh lãi suất bao gồm:
Hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo
Là một hợp đồng giữa 2 bên để thỏa thuận về việc hoán đổi lãi suất và khoản tiền gốc bằng một đồng tiền này lấy lãi suất và khoản tiền gốc bằng đồng tiền khác.
Hợp đồng hoán đổi lãi suất
Là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi dòng tiền lãi suất, từ lãi suất cố định sang lãi suất thả nổi dựa vào một khoản gốc xác định trước và ngược lại.
Hai loại hợp đồng này sẽ giúp khách hàng bảo hiểm được cả rủi ro tỷ giá và rủi ro lãi suất từ đó có được lợi thế về lãi suất tốt hơn. Ngoài ra, sản phẩm sẽ được cấu trúc linh hoạt để phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng. Khách hàng chỉ cần có đủ chứng từ cho khoản vốn gốc như tiền gửi, phát hành hoặc đầu tư giấy tờ có giá, vay vốn, cho thuê tài chính, mua hàng hóa trả chậm là đủ điều kiện để đăng ký sản phẩm.
Như vậy, sản phẩm phái sinh lãi suất thường được các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng sử dụng như một công cụ để phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước sự thay đổi của lãi suất thị trường.