Thông tin doanh nghiệp bảo hiểm sẽ luôn được minh bạch Update 11/2024

Cơ cấu lại thị trường bảo hiểm: Minh bạch thông tin của doanh nghiệp

Ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm. Đến nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã có 18 doanh nghiệp bảo hiểm, với sự góp mặt của rất nhiều các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu thế giới và khu vực đầu tư phát triển, cam kết hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9/2019, tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 74.477 tỷ đồng, tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là năm thứ 5 liên tiếp thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tăng trưởng với tốc độ cao từ 25-30%/năm. Các sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hóa với hơn 450 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của hơn 9,8 triệu người tham gia bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm hơn 2,1 triệu tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2019, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 353.428 tỷ đồng, tăng 22,18% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 80% tổng tài sản của toàn thị trường. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư trở lại nền kinh tế là 327.916 tỷ đồng, tăng 24%, chiếm 88,6% tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của cả thị trường bảo hiểm. Tổng dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 247.888 tỷ đồng, tăng trưởng 17,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 89,7% tổng dự phòng nghiệp vụ của toàn thị trường.

Cơ cấu lại thị trường bảo hiểm: Minh bạch thông tin của doanh nghiệp

Trong 9 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đã chi trả tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm hơn 14.400 tỷ đồng, giúp các tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm xây dựng và thực hiện các kế hoạch tài chính, tiết kiệm, bảo vệ tài chính trước các rủi ro trong cuộc sống, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

>>>Xem thêm: Luật Kinh doanh bảo hiểm có thể được thay đổi

Theo ông Trung, trong thời gian qua, khung khổ pháp luật đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã không ngừng được hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phù hợp với các chuẩn mực và cam kết quốc tế của Việt Nam. Khi tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đều được đối xử bình đẳng, các quy định pháp luật luôn đảm bảo bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư.

Sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm

Bên cạnh những chính sách pháp luật chung về kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng đã nghiên cứu, ban hành những quy định riêng nhằm tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối mới như bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, kênh phân phối ngân hàng…

Trước tác động của kỷ nguyên số và các cải cách trong công nghệ được ứng dụng ngày càng rộng rãi, nhằm tạo tiền đề cho các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai ứng dụng bảo hiểm kỹ thuật số, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 165/2018/NĐ-CP, bổ sung hướng dẫn đối với các giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm.

Sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm

Để các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục phát huy đà tăng trưởng và phát triển bền vững, đồng thời thực hiện Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019), ông Trung cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cần tiếp tục nâng cao tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin đầy đủ, toàn diện và kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, trong đó tập trung tăng cường kết nối liên thông giữa các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thương mại với các sản phẩm của bảo hiểm xã hội, các sản phẩm tài chính khác của ngân hàng, các quỹ đầu tư, chứng khoán….; khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm mà xã hội có nhu cầu cao, đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi ích tối ưu cho người tham gia bảo hiểm.

>>> Xem thêm: Đến năm 2020 sẽ có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ

Đồng thời, cần đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với kỷ nguyên số, vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo đơn giản trong thẩm định và chi trả quyền lợi bảo hiểm cho đối tượng khách hàng sử dụng công nghệ cao, nhưng vẫn đảm bảo an toàn, thận trọng cho doanh nghiệp bảo hiểm, phòng ngừa và kiểm soát rủi ro tương ứng.

Theo ông Trung, mỗi doanh nghiệp cũng cần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực về tài chính, tăng cường quản trị tài chính, quản trị rủi ro, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cũng cần được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn dân về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm nhân thọ.