Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong thời gian qua, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm, 9 tháng năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 74.477 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là năm thứ 5 liên tiếp thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tăng trưởng với tốc độ cao (từ 25 – 30%/năm).
Các sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hóa với hơn 450 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ với hơn 9,8 triệu người tham gia đạt tổng số tiền bảo hiểm hơn 2,1 triệu tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm ngoái, phí bảo hiểm nhân thọ tăng 24,5%
Cùng với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và hiệu quả, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm 9 tháng năm 2019 ước đạt 353.428 tỷ đồng, tăng 22,18% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 80% tổng tài sản của toàn thị trường.
Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư trở lại nền kinh tế là 327.916 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 88,6% tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của thị trường bảo hiểm. Tổng dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 247.888 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 89,7% tổng dự phòng nghiệp vụ của toàn thị trường.
>>> Xem thêm: Bảo hiểm nhân thọ mang đến nhiều quyền lợi thiết thực hơn bảo hiểm y tế
Số liệu thống kê của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cho thấy, 9 tháng năm 2019, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chi trả tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm hơn 14.400 tỷ đồng, giúp các tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm xây dựng và thực hiện các kế hoạch tài chính, tiết kiệm, bảo vệ tài chính trước các rủi ro trong cuộc sống, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
Các chuyên gia nhận định, những kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2019 đã và đang tạo đà vững chắc để thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo.
Đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển bền vững thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tập trung nghiên cứu và xây dựng Luật Bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro nhằm tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động quản trị tài chính, quản trị kinh doanh. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh bảo hiểm, nâng cao chất lượng tăng trưởng của thị trường.
Người dân ngày càng nhận thức rõ, tốt về lợi ích của bảo hiểm nhân thọ
Đồng thời, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện công bố thông tin đầy đủ, toàn diện và kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Một giải pháp quan trọng khác là các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần tiếp tục phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, trong đó tăng cường kết nối liên thông giữa các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thương mại với các sản phẩm của bảo hiểm xã hội…; khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm mà xã hội có nhu cầu cao, đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi ích tối ưu cho người tham gia bảo hiểm.
>>> Xem thêm: 6 tháng đầu năm có hơn 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ
Bên cạnh đó, cần phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm nhằm đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phân phối bảo hiểm, phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm, tạo điều kiện để đưa các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tiếp cận gần hơn với mọi đối tượng khách hàng, tăng độ bao phủ của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Ngoài ra, để hệ thống hóa một cách đồng bộ, toàn diện dữ liệu, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp bảo hiểm cần thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại cho thị trường bảo hiểm nhân thọ.