Tiết kiệm và câu chuyện “cứ ráo mồ hôi là hết tiền” Update 11/2024

“Đầu bạc, lưng còng len lỏi mưu sinh khắp thủ đô” là tựa đề một bài báo ảnh mà tôi từng có cơ hội được đọc và xem trên một trang báo điện tử cách đây một năm. Bài báo là góc chụp chân thực về công việc của những người già mưu sinh ở phố thị Hà Nội chật chội người và xe. Họ làm nhiều nghề khác nhau từ cắt tóc, bán báo cho đến mài dao, bán nước, sửa xe bên lề đường… Ngay khi đọc xong bài báo, tôi có chút nhói lòng nhưng vẫn hoài nghi và đặt câu hỏi với người bạn ngồi bên cạnh: Tại sao ở độ tuổi này họ vẫn phải mưu sinh? Bạn tôi giải thích, có những người bắt buộc phải lao động để kiếm sống bởi “cứ ráo mồ hôi là hết tiền”. 

Thực tế không riêng gì những người già như bài báo đã nêu, những người làm công ăn lương ở tất cả các ngành nghề khác nhau cũng ngày ngày mưu sinh, làm từ công việc chính đến tất bật với “nghề tay trái”. Mà mong muốn duy nhất là tạo ra thu nhập để trang trải cuộc sống và tích lũy thêm. Tuy nhiên, vấn đề tiết kiệm dường như không dễ. Một vận động viên cử tạ từng tâm sự trên bài phỏng vấn với báo Nhân dân rằng, đã trót đam mê nghiệp thể thao, anh sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nhưng quanh năm suốt tháng khổ luyện, đối mặt thường trực với nguy cơ chấn thương, mà cứ “ráo mồ hôi là hết tiền”… 

Mưu sinh để tiết kiệm

Nhiều người vẫn phải mưu sinh kiếm sống

Cuộc sống lao động tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM dù công việc đa dạng với đủ các nhóm ngành khác nhau, nhưng thu nhập lại ở mức thấp so với các chi phí sinh hoạt và ăn uống đắt đỏ. Trên các phương tiện truyền thông không hiếm các câu chuyện được chia sẻ bởi những công nhân làm việc tại các công ty, xí nghiệp về việc chật vật với đồng lương 6 – 7 triệu đồng mỗi tháng. Mức lương ít ỏi nhưng lại phải gánh nhiều loại chi phí từ phòng trọ, ăn uống đến tiền gửi về quê phụ ông bà chăm sóc con cái khiến họ không tháng nào họ dư ra để tích lũy. Cảnh “chưa ráo mồ hôi mà tiền đã hết” cứ thế luôn thường trực. 

Và rồi như một hệ quả tất yếu, vì lương chỉ đủ ăn, không có dư dả để làm những việc khác mà nhiều người lao động quyết định hưởng BHXH một lần và đi làm tự do. Nhiều người chia sẻ, gần chục năm đi làm nhưng không thể để ra được khoản nào tiết kiệm vì lương chỉ đủ chi tiêu các sinh hoạt cần thiết. Đăng ký hưởng BHXH một lần như một cách để họ có thêm một khoản tính toán cho cuộc sống. 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2019, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang tăng với tốc độ tăng trung bình khoảng 11% mỗi năm. Trong đó nhiều nhất là người lao động trong độ tuổi từ 26 – 29. Nói về nguyên nhân gia tăng số người đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, do điều kiện thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay còn quá khó khăn. Hầu hết người lao động có thu nhập vừa đủ hoặc phải hết sức tằn tiện, phải làm thêm giờ mới có thể đủ trang trải cuộc sống, “ráo mồ hôi là hết tiền”. Khi nghỉ việc, hầu hết người lao động buộc phải lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. 

Tất nhiên chúng ta đều biết đây là sự lựa chọn mà không phải người lao động nào cũng mong muốn. Bởi khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Trong trường hợp không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế thì còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám, chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài. 

Thực tế mỗi năm Nhà nước đều có các chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng nhằm hỗ trợ người lao động cải thiện mức thu nhập. Tuy nhiên, trước những khó khăn do dịch bệnh, Bộ LĐ-TB&XH đã bác bỏ đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 đến hết năm do ảnh hưởng của dịch và giữ nguyên mức cũ với bốn vùng. Vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng. 

Với người lao động, vẫn có những người chủ động tìm kiếm các kế hoạch giúp nâng cao “sức khỏe” tài chính bằng cách tự tạo thêm thu nhập thông qua việc làm thêm các “nghề tay trái”. Họ nghiêm túc và có kỷ luật trong việc thực hiện việc tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu ở những giai đoạn khó khăn. Điều này giúp họ được thảnh thơi trong những lúc “ráo mồ hôi”. Tuy nhiên, phần lớn người lao động vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn tiết kiệm và tích lũy tài chính. Những người trẻ vẫn còn bị động với cuộc sống của mình khi chi tiêu hoang phí, chưa biết cách quản lý tài chính cá nhân lẫn việc hoạch định một kế hoạch tiền bạc cho tương lai. Bởi vậy mà cảnh “tiền hết khi ráo mồ hôi” vẫn cứ thế tiếp diễn. 

Tiết kiệm tiền

Mỗi người nên chủ động với kế hoạch tiết kiệm

Rất nhiều người có định kiến sai lầm rằng, lương thấp thì không cần quản lý, không cần tiết kiệm, nhưng sự thật tiền bạc là thứ cần tiết kiệm từng chút một. Chỉ khi tiết kiệm thì chúng ta mới có tiền. Chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho việc lương thấp, thu nhập không được nâng cao bởi một phần của việc tiết kiệm tài chính nằm ở ý thức cân bằng chi tiêu và nhu cầu của mỗi người. Khi lương thấp hay lương cao bạn phải biết cách chi tiêu có giới hạn, có mục tiêu và phải nói không với các nhu cầu chi tiền xuất phát từ cảm xúc. Bởi vậy mới nói, cách chi tiêu quyết định số tiền mà bạn có thể tích lũy được mỗi tháng.

Tôi không đánh đồng việc việc tất cả mọi người trong cuộc sống hiện đại này đều đang chi tiêu hoang phí, nhưng tôi tin chắc là khái niệm tiết kiệm đang bị hầu hết mọi người xem nhẹ. Thiết nghĩ người lao động nên có sự kiến thiết tư duy về tích lũy và “nâng cấp” khả năng chống đỡ rủi ro để gạt bỏ sự đeo bám của tình cảnh “ngừng tay là hết tiền”. 

Còn về mặt chính sách, tôi đồng tình với những chia sẻ mà nhiều chuyên gia đưa ra, cần linh hoạt và đa dạng hơn nữa trong hệ thống, có những giải pháp tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động. Bởi chỉ khi thu nhập được ổn định, nguồn lực tài chính đủ trang trải các chi phí sinh hoạt và có tích lũy thì khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm cũng như dễ dàng hoạch định các kế hoạch tài chính cho tương lai và giai đoạn khi về già.