Nghiệp vụ thị trường mở là gì?
Căn cứ Khoản 1, Điều 3, Thông tư 42/2015/TT-NHNN thì nghiệp vụ thị trường mở (tên tiếng Anh: Open Market Operations, viết tắt: OMO) là việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua, bán giấy tờ có giá với các thành viên. Tại Việt Nam, thị trường mở được điều hành bởi ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Ban điều hành nghiệp vụ thị trường mở có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Điều hành nghiệp vụ thị trường mở
- Quyết định định hướng Điều hành nghiệp vụ thị trường mở trong từng thời kỳ
- Xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình Điều hành nghiệp vụ thị trường mở.
Thị trường mở ở việt nam ra đời năm nào?
Tại Việt Nam, nghiệp vụ thị trường xuất hiện từ lâu nhưng chính thức được triển khai theo Quyết định số 340/1999/QĐNHNN14 ngày 30/9/1999 về việc phê duyệt đề án triển khai nghiệp vụ thị trường mở của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Mục tiêu ban đầu đặt ra thông qua hoạt động của nghiệp vụ thị trường mở là Ngân hàng Trung ương có thể chủ động điều tiết vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng và kiểm soát lãi suất thông qua việc mua hoặc bán các chứng từ có giá ngắn hạn, nhằm thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Việc mua bán giấy tờ có giá diễn ra rất sôi động
Đặc điểm của nghiệp vụ thị trường mở
Nghiệp vụ thị trường mở của Nhà nước thường chỉ có 2 loại, bao gồm:
– Mua bán giấy tờ có giá dài hạn
– Mua bán giấy tờ có giá ngắn lại
Nghiệp vụ thị trường mở tại Mỹ thường được thực hiện với trái phiếu chính phủ dài hạn. Còn ở Việt Nam, nghiệp vụ thị trưởng mở được thực hiện bằng hình thức mua, bán ngắn hạn các loại giấy tờ có giá thông qua hình thức đấu thầu.
Theo đó, các loại giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Có thể chuyển nhượng và nằm trong danh Mục các loại giấy tờ có giá được giao dịch qua nghiệp vụ thị trường mở
- Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của thành viên
- Được phát hành bằng đồng Việt Nam
- Lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước hoặc lưu ký tại tài Khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam trước khi đăng ký bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước
- Thời hạn còn lại của giấy tờ có giá trong giao dịch mua, bán có kỳ hạn phải lớn hơn thời hạn giao dịch mua, bán có kỳ hạn theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước; Giấy tờ có giá chỉ được đăng ký bán trước ngày đăng ký cuối cùng thanh toán lãi và gốc giấy tờ có giá đáo hạn.
Theo đó, các loại giấy tờ có giá được phép mua bán trong nghiệp vụ thị trường mở bao gồm:
– Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
– Trái phiếu Chính phủ, bao gồm:
- Tín phiếu Kho bạc
- Trái phiếu Kho bạc
- Trái phiếu công trình Trung ương
- Công trái xây dựng Tổ quốc
- Trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành.
– Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, bao gồm: Trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn.
– Trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành.
– Riêng đối với giao dịch mua có kỳ hạn. Ngân hàng Nhà nước chỉ giao dịch đối với:
- Công trái xây dựng Tổ quốc
- Trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn
- Trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành.
Các chủ thể tham gia thị trường mở
Các chủ thể tham gia thị trường mở bao gồm:
– Ngân hàng Nhà nước: là tổ chức xây dựng và vận hành hoạt động của thị trường mở theo chính sách tiền tệ. Đây là tổ chức đưa ra quyết định trong việc sử dụng các loại nghiệp vụ thị trường mở và tần sử sử dụng nó.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia thị trường mở bằng việc mua bán các giấy tờ có giá như tín phiếu ngân hàng Nhà nước, trái phiếu chính phủ… để tác động đến việc dự trữ của hệ thống ngân hàng đồng thời tác động đến lãi suất thị trường theo mục tiêu
Đây cũng là tổ chức được quyền can thiệp thị trưởng khi cần bằng cách thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng để kiểm soát tiền tệ, đảm bảo đủ phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng, đảm bảo nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
Chính vì thế mà ngân hàng Nhà nước tham gia vào thị trường mở để quản lý và điều tiết thị trường giúp chính sách tiền tệ thực hiện theo các mục tiêu xác định của nó.
– Các thành viên bao gồm: Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân) và được Ngân hàng Nhà nước công nhận là thành viên nghiệp vụ thị trường mở.
Điều kiện đối với thành viên nghiệp vụ thị trường mở:
- Có tài Khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước.
- Được Ngân hàng Nhà nước cấp mã ngân hàng.
(Điều 5, Thông tư 42/2015/TT-NHNN)
Các thành viên tham gia thị trường mở
Cơ chế hoạt động của thị trường mở
Phương thức mua bán giấy tờ có giá
– Phương thức mua hoặc bán giấy tờ có giá bao gồm:
- Mua có kỳ hạn: là việc Ngân hàng Nhà nước mua giấy tờ có giá và nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá từ thành viên, đồng thời thành viên cam kết sẽ mua lại giấy tờ có giá đó sau một thời gian nhất định.
- Bán có kỳ hạn: là việc Ngân hàng Nhà nước bán giấy tờ có giá và chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá cho thành viên, đồng thời cam kết sẽ mua lại giấy tờ có giá đó sau một thời gian nhất định.
- Mua hẳn: là việc Ngân hàng Nhà nước mua giấy tờ có giá và nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá từ thành viên, không kèm theo cam kết bán lại giấy tờ có giá.
- Bán hẳn: là việc Ngân hàng Nhà nước bán giấy tờ có giá và chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá cho thành viên, không kèm theo cam kết mua lại giấy tờ có giá.
Phương thức đấu thầu giấy tờ có giá
Nghiệp vụ thị trường mở được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu khối lượng hoặc đấu thầu lãi suất. Trong đó:
Đấu thầu khối lượng
Là việc xét thầu trên cơ sở khối lượng giấy tờ có giá dự thầu của các thành viên, khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất do Ngân hàng Nhà nước thông báo.Theo đó:
– Ngân hàng Nhà nước sẽ:
Thông báo cho các thành viên mức lãi suất mua hoặc bán giấy tờ có giá
Thông báo hoặc không thông báo khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán của Ngân hàng Nhà nước trong thông báo đấu thầu của từng phiên giao dịch nghiệp vụ thị trường mở
– Thành viên đăng ký dự thầu khối lượng các loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán theo mức lãi suất Ngân hàng Nhà nước thông báo
Có 3 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Tổng khối lượng dự thầu của các thành viên bằng hoặc thấp hơn khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán của Ngân hàng Nhà nước thì:
Khối lượng trúng thầu bằng tổng khối lượng dự thầu của các thành viên và khối lượng trúng thầu của từng thành viên là khối lượng dự thầu của thành viên đó
Trường hợp 2: Tổng khối lượng dự thầu của các thành viên vượt quá khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán của Ngân hàng Nhà nước thì:
Khối lượng trúng thầu của từng thành viên được phân bổ theo tỷ lệ thuận với khối lượng dự thầu của từng thành viên và tương ứng với khối lượng giấy tờ có giá tính theo mệnh giá được làm tròn xuống theo bội số của mệnh giá giấy tờ có giá.
Khối lượng trúng thầu bằng tổng khối lượng trúng thầu của các thành viên và không vượt khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán của Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp 3: Tại đơn dự thầu của thành viên trúng thầu đăng ký nhiều loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán:
– Nếu không bao gồm các loại giấy tờ có giá mà Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ giao dịch tại mỗi phiên giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước xét thầu xác định thứ tự ưu tiên từng loại giấy tờ có giá như sau:
- Thời hạn còn lại của các giấy tờ có giá ngắn hơn
- Giấy tờ có giá đăng ký bán hoặc mua có khối lượng lớn hơn
– Nếu bao gồm các loại giấy tờ có giá có quy định tỷ lệ giao dịch và các loại giấy tờ có giá không quy định tỷ lệ giao dịch, Ngân hàng Nhà nước xét thầu theo nguyên tắc tỷ lệ các loại giấy tờ có giá trúng thầu tương ứng với tỷ lệ giao dịch của các giấy tờ có giá đăng ký tại đơn dự thầu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Việc xác định thứ tự ưu tiên xét thầu trong số giấy tờ có giá không quy định tỷ lệ giao dịch và giấy tờ có giá có quy định trên.
Lưu ý:
– Căn cứ Mục tiêu Điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phương thức đấu thầu phù hợp.
– Tại mỗi phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng một trong 2 phương thức đấu thầu trên.
Phương thức đấu thầu giấy tờ có giá
Vai trò của nghiệp vụ thị trường mở là gì?
– Nghiệp vụ thị trường mở có vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường tiền tệ tại Việt Nam. Sau khi các quy định của pháp luật về nghiệp vụ thị trường mở chính thức có hiệu lực, thị trường mua bán các loại giấy tờ có giá trở nên sôi động hơn với sự tham gia các ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
– Thị trường mở cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn nhàn rỗi hiệu quả hơn đồng thời giúp các tổ chức tín dụng đa dạng các nghiệp vụ kinh doanh của mình. Nhờ đó mà các tổ chức tín dụng không chỉ đơn thuần thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh truyền thống như cho vay, thẻ, bảo lãnh… mà còn sử dụng vốn để mua bán các giấy tờ có giá.
– Thực hiện nghiệp vụ thị trường mở giúp ngân hàng Nhà nước chủ động điều hành chính sách tiền tệ thông qua việc điều tiết cung cầu về vốn ngắn hạn cho các tổ chức tín dụng.
– Thực hiện nghiệp vụ thị trường mở còn giúp ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu ra ngoài thị trường về điều hành chính sách tiền tệ trong tương lai đồng thời đưa ra định hướng về lãi suất thị trường để hạn chế những biến động của lãi suất.
– Thông qua hoạt động của nghiệp vụ thị trường mở, ngân hàng Nhà nước có thể là chủ động điều tiết vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng và kiểm soát lãi suất thông qua việc mua hoặc bán các chứng từ có giá ngắn hạn, nhằm thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
– Hiện nay, thị trường tiền tệ của Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, vì vậy, cần sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ như chính sách lãi suất, dự trữ bắt buộc, tỷ giá, tái cấp vốn để bổ trợ lẫn nhau. Trước mắt, công cụ nghiệp vụ thị trường mở sẽ hỗ trợ các công cụ này, sau này có thể sẽ thay thế dần công cụ tái cấp vốn vào thời kỳ thích hợp.
Quy trình nghiệp vụ thị trường mở
Bước 1: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện Giấy đề nghị tham gia nghiệp vụ thị trường mở đến Ngân hàng Nhà nước để được xem xét cấp Giấy công nhận thành viên nghiệp vụ thị trường mở.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị tham gia nghiệp vụ thị trường mở của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc cấp Giấy công nhận thành viên nghiệp vụ thị trường mở nếu đủ điều kiện tham gia hoặc có văn bản trả lời cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu không đủ điều kiện tham gia,
Bước 2: Ngân hàng Nhà nước thông báo thông tin đấu thầu giấy tờ có giá hoặc thông báo bán giấy tờ có giá trên mạng. Theo quy định thì trước mỗi phiên đấu thầu nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước thông báo mua hoặc bán giấy tờ có giá cho các thành viên theo nội dung cơ bản sau:
- Ngày đấu thầu.
- Phương thức đấu thầu.
- Phương thức xét thầu.
- Phương thức mua, bán.
- Khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán tính theo giá thanh toán hoặc tính theo mệnh giá (trừ trường hợp không thông báo trước khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán của Ngân hàng Nhà nước).
- Các loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán.
- Tỷ lệ giao dịch của các loại giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua).
- Kỳ hạn của giấy tờ có giá.
- Ngày phát hành của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán).
- Phương thức thanh toán lãi của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán).
- Ngày đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán).
- Thời hạn còn lại của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán).
- Thời hạn mua, bán (số ngày).
- Lãi suất Ngân hàng Nhà nước áp dụng khi mua hoặc bán (trường hợp đấu thầu khối lượng).
- Lãi suất phát hành trên thị trường sơ cấp của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán).
- Thời gian nhận đơn dự thầu của thành viên.
- Thời gian đóng thầu.
Thành viên sẽ xác thực thông báo để đảm bảo đã nắm được các thông tin quan trọng về đợt đấu thầu. Ngân hàng Nhà nước và thành viên ký, giao, nhận Hợp đồng khung mua/bán giấy tờ có giá
Bước 3: Căn cứ thông báo mua, bán giấy tờ có giá của Ngân hàng Nhà nước, các thành viên nộp đơn dự thầu đăng ký mua hoặc bán giấy tờ có giá qua mạng máy vi tính kết nối với Ngân hàng Nhà nước, gồm các nội dung cơ bản sau:
- Các loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán
- Kỳ hạn của giấy tờ có giá
- Khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán tính theo giá thanh toán hoặc tính theo mệnh giá
- Các mức lãi suất dự thầu của từng loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán (trường hợp đấu thầu lãi suất)
- Ngày phát hành của giấy tờ có giá (trường hợp thành viên bán)
- Phương thức thanh toán lãi của giấy tờ có giá (trường hợp thành viên bán)
- Ngày đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá (trường hợp thành viên bán)
- Thời hạn còn lại của giấy tờ có giá (trường hợp thành viên bán)
- Phương thức mua hoặc bán
- Thời hạn mua, bán (số ngày)
- Lãi suất phát hành trên thị trường sơ cấp của giấy tờ có giá (trường hợp thành viên bán).
Bước 4: Ngân hàng Nhà nước tổ chức xét thầu
Bước 5: Ngân hàng Nhà nước thông báo kết quả đấu thầu
Bước 6: Ngân hàng Nhà nước và thành viên ký, giao, nhận Hợp đồng cụ thể mua/bán có kỳ hạn giấy tờ có giá
Bước 7: Bên bán sẽ chuyển giao quyền sở hữu giấy tờ có giá cho bên mua. Bên mua có trách nhiệm thanh toán giá trị hợp đồng mua cho bên bán. Bên mua và bên bán sẽ thực hiện việc chuyển giao và thanh toán ngay trong ngày thanh toán.
Bước 8: Xử lý trường hợp các thành viên không thanh toán hoặc không thực hiện theo đúng hợp đồng và xử lý các vấn đề liên quan khác (nếu có).
Thực trạng nghiệp vụ thị trường mở tại Việt Nam hiện nay
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành hoạt động của thị trường mở chủ động linh hoạt, phát hành giấy tờ có giá, tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc ra, kiểm soát lạm phát hiệu quả. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng mua vào giấy tờ có giá gồm tín phiếu ngân hàng Nhà nước và trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản và ổn định lãi suất thị trường tiền tệ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất đều ở mức 2,5%/năm nhằm mục đích phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 42/2015/TT-NHNN quy định về nghiệp vụ thị trường mở. Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 về phương thức đấu thầu như sau: “Đối với phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước qua nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo phương thức đấu thầu lãi suất; trong trường hợp cần thiết, căn cứ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ và diễn biến thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước xem xét phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước theo phương thức đấu thầu khối lượng”. Xem chi tiết tại đây.
Thực trạng nghiệp vụ thị trường mở tại Việt Nam
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt đến ngày 28/5/2021 cho biết: “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phát hành lượng OMO hay tín phiếu nào mới trong tuần vừa qua, đồng thời, cũng không có lượng OMO và tín phiếu nào được đáo hạn. Theo đó, lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành tiếp tục được duy trì ở mức 0. Như vậy, lượng lưu hành kênh tín phiếu vẫn ở mức 0 trong gần 1 năm trở lại đây, kể từ sau lượng đáo hạn 2000 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 6/2020. Ngược lại, trên kênh OMO, NHNN cũng chưa có hoạt động gì kể từ cuối tháng 2 tới nay”.
Như vậy, nhờ có nghiệp vụ thị trường mở mà ngân hàng Nhà nước có thể chủ động kiểm soát lãi suất bằng việc mua, bán giấy tờ có giá. Các quy định về nghiệp vụ thị trường mở sẽ được cập nhật liên tục để mang đến cho bạn đọc các thông tin mới nhất.