Mỗi một lĩnh vực hợp pháp ở mỗi quốc gia đều có những bộ luật đi kèm quy định về các điều khoản để mọi người nắm được và tuân thủ, chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Vậy Luật chứng khoán là gì? Có những quy định cơ bản nào mà người tham gia cần phải nắm được?
Luật chứng khoán là gì?
Luật chứng khoán bao gồm những quy định của pháp luật Việt Nam về tất cả những gì liên quan đến chứng khoán trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam (chứng khoán, nhà đầu tư, cổ phiếu, trái phiếu, thị trường chứng khoán,…).
Định nghĩa về chứng khoán được quy định tại Điều 4 Luật Chứng khoán 2019:
“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Cũng trong Điều 4 Luật này, định nghĩa về các loại tài sản là chứng khoán được nêu rõ:
“2. Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
3. Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
4. Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
5. Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
6. Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
7. Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.
8. Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
9. Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.”
Xem thêm: Chứng khoán là gì? Những điều cần biết về thị trường chứng khoán
Đối tượng áp dụng Luật Chứng khoán
Theo quy định tại Điều 2 Luật Chứng khoán, những đối tượng sau đây phải áp dụng và thực thi luật chứng khoán:
“1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.”
Luật chứng khoán Việt Nam có nhiều quy định cho người chơi
Nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán theo luật
Khoản 14 Điều 14 của Luật này quy định về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, bao gồm các hoạt động: Chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác theo quy định tại Luật này.
Điều 4 cũng chỉ ra: Đầu tư chứng khoán là hoạt động mua, bán, nắm giữ chứng khoán của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư có thể là tổ chức hoặc cá nhân.
Hiện nay, thị trường chứng khoán được Nhà nước tổ chức hoạt động theo Điều 5 Luật chứng khoán:
“1. Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.
2. Công bằng, công khai, minh bạch.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
4. Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.”
Song song với đó, Điều 6 cũng đưa ra những chính sách mà Nhà nước thực hiện với mục tiêu phát triển và quản lý thị trường chứng khoán tốt hơn:
“1. Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển.
2. Nhà nước có chính sách quản lý, giám sát bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.
3. Nhà nước có chính sách đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cho hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán.”
Trên đây là những tổng hợp một số điều luật cơ bản của Nhà nước Việt Nam về chứng khoán để những người tham gia nắm được, tuân thủ theo và không làm trái luật. Chúng tôi hy vọng đã đem lại những thông tin hữu ích cho những ai quan tâm.