Trái phiếu kèm chứng quyền là gì? Những điều cần biết về trái phiếu kèm chứng quyền Update 11/2024

Trái phiếu chứng quyền là gì?

Theo Khoản 5, Điều 4, Nghị định 153/2020/NĐ-CP, trái phiếu kèm chứng quyền được định nghĩa như sau:

5. “Trái phiếu kèm chứng quyền” là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu”.

Chứng quyền (tiếng Anh là Covered Warrant – CW) là một loại chứng khoán cho phép, nhưng không bắt buộc người nắm giữ có thể mua/bán một chứng khoán cơ sở tại một mức giá xác định ở một thời điểm xác định trong tương lai.

Sau khi phát hành, chứng quyền sẽ được niêm yết và giao dịch như một cổ phiếu bình thường trên sàn chứng khoán và được đảm bảo thanh khoản bởi nhà tạo lập thị trường là tổ chức phát hành.

Chứng quyền phát hành kèm trái phiếu thường được gọi là chứng quyền cổ phiếu. Loại chứng quyền này có thể được tách riêng ra và được bán riêng không liên quan đến trái phiếu.

Trái phiếu kèm chứng quyền là gì

Trái phiếu kèm chứng quyền là trái phiếu phát hành có kèm theo chứng quyền

Đặc điểm của trái phiếu kèm chứng quyền

Trái phiếu kèm chứng quyền có các đặc điểm như sau:

  • Người sở hữu chứng quyền được mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành
  • Giá giao dịch của mỗi chứng quyền thường thấp cho nên khi tham gia nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ
  • Các chứng quyền sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán như cổ phiếu, nhà đầu tư được dùng tài khoản giao dịch cổ phiếu để mua/bán chứng quyền
  • Phí giao dịch chứng quyền sẽ tương tự đối với phí giao dịch chứng chỉ quỹ ETF và thấp hơn phí giao dịch cổ phiếu
  • Khi giao dịch chứng quyền nhà đầu tư không phải ký quỹ bất kỳ khoản tiền nào dù là chứng quyền mua hay bán
  • Nhà đầu tư được bảo vệ vì Ủy ban chứng khoán sẽ có những quy định cụ thể về điều kiện để công ty chứng khoán được phép phát hành chứng quyền.

Các thông tin cơ bản của một chứng quyền trong trái phiếu kèm chứng quyền

Một chứng quyền trong trái phiếu kèm chứng quyền sẽ có các thông tin cơ bản như sau:

Thông tin cơ bản Mô tả
Giá chứng quyền Khoản tiền nhà đầu tư bỏ ra để mua chứng quyền
Giá thực hiện Mức giá để nhà đầu tư thực hiện quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở khi chứng quyền đáo hạn
Tỷ lệ chuyển đổi Số chứng quyền mà nhà đầu tư cần phải có để đổi lấy một chứng khoán cơ sở
Thời hạn chứng quyền Là thời gian lưu hành của chứng quyền, tối thiểu 3 tháng và tối đa 24 tháng
Ngày đáo hạn Ngày cuối cùng mà người sở hữu chứng quyền được thực hiện chứng quyền
Ngày giao dịch cuối Ngày cuối cùng mà chứng quyền còn được giao dịch (thông thường là 2 ngày trước ngày đáo hạn)
Phương thức thanh toán Bằng tiền mặt là mức chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở

So sánh trái phiếu kèm chứng quyền và trái phiếu chuyển đổi

Trái phiếu kèm chứng quyền và trái phiếu chuyển đổi đều là hai loại hình trái phiếu khá phổ biến hiện nay trên thị trường chứng khoán. Rất nhiều nhà đầu tư nhầm lẫn hai loại trái phiếu này, tuy nhiên thực chất đây là hai loại trái phiếu có sự khác nhau rất rõ ràng. Bảng sau sẽ so sánh những điểm giống và khác nhau của hai loại trái phiếu này mà bạn có thể tham khảo:

Tiêu chí so sánh Trái phiếu kèm chứng quyền Trái phiếu chuyển đổi
Giống nhau Đều cho phép phát hành cổ phiếu mới khi quyền mua được thực hiện và tạo hiệu ứng pha loãng cổ phiếu đối với cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu
Khác nhau
Định nghĩa Trái phiếu kèm chứng quyền là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu Trái phiếu chuyển đổi (tiếng anh là Convertible Bond) là trái phiếu do công ty cổ phần phát hành cho phép chuyển đổi trái phiếu chủ quyền thành cổ phiếu (thông thường là cổ phiếu thường) của công ty. Trong đó tỷ lệ chuyển đổi và thời hạn chuyển đổi được cố định tại thời điểm phát hành trái phiếu và chỉ thay đổi khi công ty phát hành chia tách hoặc gộp cổ phần.
Giá trị đầu tư Chứng quyền sau khi đã được tách khỏi trái phiếu chào bán ban đầu, người mua cần khoản tiền mặt nhỏ hơn rất nhiều do chỉ phải trả cho phần quyền chọn. Tổng giá trị đầu tư tương đối lớn do bao gồm cả phần trái phiếu và quyền mua kèm theo
Khả năng tiếp cận của nhà đầu tư Dễ tiếp cận hơn vì chi phí thấp hơn Nhà đầu tư cá nhân thường không dễ tiếp cận
Rủi ro khi doanh nghiệp phá sản Với chứng quyền, khoản tiền gặp rủi ro chỉ là phần phí đã trả Trái phiếu chuyển đổi sẽ chịu rủi ro cả phần nợ gốc lẫn phần phí của quyền mua cổ phiếu.

Có nên đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền không?

Hiện nay trái phiếu kèm chứng quyền là một trong những loại trái phiếu được khá nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng và được xem là một công cụ huy động vốn trung và dài hạn.

Tại Việt Nam, FPT là doanh nghiệp áp dụng mô hình trái phiếu kèm chứng quyền sớm nhất. Tại thời điểm tháng 10/2009, FPT đã phát hành 1.800 trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị trái phiếu phát hành là 1.800 tỷ đồng. Theo phương án phát hành đó, cứ 1 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu sẽ được kèm theo 1.158 chứng quyền, 1 chứng quyền được quyền mua 10 cổ phần FPT và công ty cam kết tỷ lệ pha loãng không quá 15% vốn điều lệ tại ngày phát hành. 

Hay năm 2014, Ninh Vân Bay (NVT) phát hành 230 tỷ trái phiếu, kỳ hạn 3 năm, tương đương kèm 23.000 chứng quyền. Theo phương án này với mỗi chứng quyền sắp phát hành của NVT, người nắm giữ sẽ được mua 415 cổ phần  phổ thông với mức giá 7.500 đồng…. 

Thời gian đầu chứng quyền phát hành kèm trái phiếu chưa thực sự mang lại nhiều trái ngọt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay những chứng quyền được phát hành kèm trái phiếu đã có những lợi ích nhất định cho các trái chủ. Điều này khiến không ít nhà đầu tư tỏ ra quan tâm đến trái phiếu kèm chứng quyền. 

Đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền

Có nên đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền?

Đối với việc đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền, tùy vào khẩu vị đầu tư của mỗi người mà có thể quyết định việc có nên đầu tư vào loại trái phiếu này hay không. Tuy nhiên, khi đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền, nhà đầu tư cần chú ý vì loại trái phiếu này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại một số rủi ro. Cụ thể như sau:

Về lợi ích: Chứng quyền kèm trái phiếu sẽ mang đến các lợi ích cho nhà đầu tư như sau:

  • Nhà đầu tư được bảo vệ quyền lợi bởi tổ chức phát hành
  • Vốn đầu tư thấp
  • Nhà đầu tư không cần ký quỹ khi giao dịch
  • Nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và giao dịch chứng quyền với chi phí giao dịch thấp
  • Thanh toán giao dịch tương tự như khi thanh toán cổ phiếu
  • Chứng quyền được xem là công cụ phòng ngừa rủi ro hữu ích khi nhà đầu tư lo ngại các tác động tiêu cực do sự biến đổi của thị trường đến danh mục tài sản của mình

Về rủi ro:

  • Biến động của thị trường có thể tác động đến giá của chứng quyền. Nếu chứng khoán cơ sở bị tạm dừng giao dịch hoặc hủy niêm yết thì dẫn đến chứng quyền cũng bị tạm dừng giao dịch hoặc hủy niêm yết
  • Giá chứng quyền có sự biến đổi bởi nhiều yếu tố nên nhà đầu tư cần có sự nhạy bén và tâm lý vững vàng
  • Chứng quyền có thời hạn nên vào thời điểm đáo hạn nhà đầu tư sẽ không được tiếp tục nắm giữ chứng quyền.
  • Rủi ro khi phát hành nếu không may doanh nghiệp phá sản hoặc gặp khó khăn về tài chính dẫn đến việc không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi trái phiếu kèm chứng quyền đáo hạn

Trên đây là các thông tin về trái phiếu kèm chứng quyền, đặc điểm cũng như các thông tin cơ bản liên quan đến chứng quyền phát hành kèm trái phiếu. Hy vọng qua đây bạn đã hiểu về loại trái phiếu này để có các quyết định đầu tư đúng đắn.