Trái phiếu địa phương là gì? Các quy định về phát hành trái phiếu địa phương Update 11/2024

Trái phiếu địa phương là gì?

Theo Khoản 19, Điều 3, Luật Quản lý nợ công 2009, trái phiếu địa phương hay trái phiếu chính quyền địa phương được giải thích như sau:

Trái phiếu chính quyền địa phương là loại trái phiếu có kỳ hạn từ một năm trở lên, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành hoặc uỷ quyền phát hành nhằm huy động vốn cho công trình, dự án đầu tư của địa phương”.

Hiểu một cách đơn giản, trái phiếu địa phương chính là khoản vay của chính quyền địa phương (thành phố, tỉnh hoặc vùng dân cư) đối với các tổ chức và cá nhân. Việc phát hành trái phiếu địa phương đòi hỏi phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán. 

Trái phiếu địa phương trong tiếng Anh được gọi là Municipal bonds.

Mục đích phát hành trái phiếu chính quyền địa phương

Căn cứ theo Điều 3, Thông tư 100/2015/TT-BTC, trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành nhằm mục đích: 

  • Đầu tư phát triển kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 
  • Đầu tư vào các dự án có khả năng hoàn vốn tại địa phương.

Trái phiếu chính quyền địa phương

Trái phiếu chính quyền địa phương do UBND cấp tỉnh phát hành

Các quy định về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương

Đối với việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, cần tuân thủ các quy định theo Điều 5, Thông tư 100/2015/TT-BTC. Cụ thể như sau:

Mệnh giá trái phiếu

Trái phiếu chính quyền địa phương có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng. Các mệnh giá khác của trái phiếu chính quyền địa phương là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.

Kỳ hạn phát hành 

Trái phiếu chính quyền địa phương có kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Kỳ hạn cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và điều kiện thị trường.

Khối lượng phát hành

Khối lượng phát hành từng đợt do chủ thể phát hành quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của địa phương, khả năng huy động vốn trên thị trường và phải nằm trong hạn mức phát hành đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại Thông tư 100

Lãi suất phát hành

Lãi suất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương do chủ thể phát hành quyết định cho từng đợt phát hành nhưng không được vượt quá khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định theo quy định tại Điều 9 Thông tư 100.

Ngoài ra, theo Điều 9, Thông tư 100, chậm nhất là 15 ngày làm việc trước ngày tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu để Bộ Tài chính thông báo khung lãi suất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Phương thức phát hành 

Theo Điều 10, Thông tư số 100, trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành theo các phương thức như sau:

1. Theo phương thức đấu thầu:

a) Việc đấu thầu trái phiếu chính quyền địa phương được tổ chức tại Sở giao dịch chứng khoán nơi tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ.

b) Nguyên tắc tổ chức đấu thầu, hình thức đấu thầu, đối tượng tham gia đấu thầu, quy trình thủ tục tổ chức đấu thầu, phương thức xác định kết quả đấu thầu, phương thức thanh toán tiền mua trái phiếu được áp dụng theo quy định về phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức đấu thầu tại Sở giao dịch chứng khoán.

2. Theo phương thức bảo lãnh phát hành:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành trái phiếu theo phương thức bảo lãnh cho một tổ chức bảo lãnh chính hoặc cho các thành viên bảo lãnh (sau đây gọi tắt là tổ hợp bảo lãnh) đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư này, cụ thể như sau:

– Đối với trường hợp phát hành theo phương thức bảo lãnh cho một tổ chức bảo lãnh chính thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tổ chức được ủy quyền đàm phán trực tiếp với tổ chức bảo lãnh chính để thống nhất về khối lượng, kỳ hạn, lãi suất và phí bảo lãnh phát hành cho từng đợt phát hành. Tổ chức bảo lãnh chính có thể mua cho chính mình hoặc phân phối trái phiếu cho khách hàng theo thỏa thuận.

– Đối với trường hợp phát hành theo phương thức bảo lãnh cho tổ hợp bảo lãnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tổ chức được ủy quyền đàm phán trực tiếp với thành viên bảo lãnh của tổ hợp bảo lãnh hoặc đàm phán với đại diện của tổ hợp bảo lãnh (nếu tổ hợp bảo lãnh cử đại diện) về khối lượng, kỳ hạn, lãi suất và phí bảo lãnh phát hành cho từng đợt phát hành. Thành viên bảo lãnh có thể mua trái phiếu cho chính mình hoặc phân phối trái phiếu cho khách hàng.

b) Điều kiện để trở thành tổ chức bảo lãnh chính hoặc thành viên tổ hợp bảo lãnh, quyền lợi, nghĩa vụ, quy trình lựa chọn tổ chức bảo lãnh chính và thành viên tổ hợp bảo lãnh, quy trình đàm phán, quy trình thanh toán tiền mua trái phiếu được thực hiện theo quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.

3. Theo phương thức đại lý phát hành:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tổ chức được ủy quyền phát hành trái phiếu lựa chọn các tổ chức đủ điều kiện để làm đại lý phát hành, đại lý thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

b) Quy trình thủ tục lựa chọn đại lý phát hành, đại lý thanh toán gốc, lãi trái phiếu, quy trình tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo phương thức đại lý phát hành áp dụng theo quy trình phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức đại lý phát hành”.

Đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu

Căn cứ theo Điều 13, Thông tư 100, trái phiếu chính quyền địa phương được đăng ký, lưu ký và niêm yết như sau:

  • Trái phiếu chính quyền địa phương được đăng ký, lưu ký tập trung, thanh toán bù trừ tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam và được niêm yết, giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán theo yêu cầu của chủ thể phát hành.
  • Quy trình đăng ký, lưu ký và niêm yết của trái phiếu chính quyền địa phương được áp dụng như quy trình đăng ký, lưu ký và niêm yết của trái phiếu Chính phủ.

Thanh toán lãi, gốc trái phiếu 

Đối với việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu chính quyền địa phương, cần tuân thủ quy định tại Điều 18, Thông tư 100/2015/TT-BTC. Cụ thể như sau:

  • Chủ thể phát hành có trách nhiệm thanh toán lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn bằng các nguồn vốn hợp pháp của mình.
  • Đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh, nguồn thanh toán lãi, gốc trái phiếu được đảm bảo từ ngân sách cấp tỉnh.
  • Đối với các chương trình, dự án đầu tư có khả năng hoàn vốn tại địa phương, nguồn thanh toán lãi, gốc trái phiếu từ nguồn thu hợp pháp của các chương trình, dự án này. Trường hợp nguồn thu của dự án không đủ khả năng thanh toán lãi, gốc trái phiếu đến hạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí nguồn từ ngân sách cấp tỉnh để chi trả.

Phí trái phiếu chính quyền địa phương

Trái phiếu chính quyền địa phương khi phát hành và thanh toán lãi, gốc đều phải chịu một mức phí nhất định theo quy định tại Điều 19, Thông tư 100 như sau:

– Phí phát hành trái phiếu: 

  • Phí đấu thầu phát hành, phí bảo lãnh phát hành và phí đại lý phát hành trái phiếu chính quyền địa phương được thỏa thuận giữa Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu.
  • Mức phí phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của từng phương thức tối đa bằng mức phí phát hành trái phiếu Chính phủ áp dụng đối với phương thức đó tại thị trường trong nước theo quy định hiện hành.

– Phí thanh toán gốc, lãi trái phiếu: 

  • Phí thanh toán gốc, lãi trái phiếu chính quyền địa phương được áp dụng bằng mức phí thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ theo quy định hiện hành.
  • Nguồn thanh toán phí phát hành, phí thanh toán lãi, gốc trái phiếu chính quyền địa phương được đảm bảo từ ngân sách cấp tỉnh.

Phát hành trái phiếu địa phương

Trái phiếu chính quyền địa phương phát hành nhằm đầu tư các dự án, phát triển KT – XH

Trái phiếu chính quyền địa phương mua lại và hoán đổi được không?

Theo quy định tại Thông tư 100/2015/TT-BTC, trái phiếu chính quyền địa phương có thể mua lại và hoán đổi. Cụ thể như sau:

Mua lại trái phiếu

Điều 12, Thông tư 100 quy định: 

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nghĩa vụ nợ hoặc để cơ cấu lại nợ theo phương án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương và giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt phương án mua lại trái phiếu thì các nội dung này phải được nêu rõ trong Nghị quyết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh áp dụng quy trình, thủ tục mua lại trái phiếu Chính phủ để thực hiện mua lại trái phiếu chính quyền địa phương.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc mua lại trái phiếu chính quyền địa phương và báo cáo Bộ Tài chính về kết quả mua lại theo quy định tại Điều 23 của Thông tư này.

Hoán đổi trái phiếu

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể hoán đổi trái phiếu để cơ cấu lại nợ trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc theo quy định tại Điều 13, Thông tư 100 như sau:

  • Thực hiện theo phương án hoán đổi trái phiếu được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt và được Bộ Tài chính có ý kiến bằng văn bản. Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh  phê duyệt chủ trương và giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt phương án hoán đổi trái phiếu thì các nội dung này phải được nêu rõ trong Nghị quyết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân.
  • Đảm bảo nguyên tắc ngang giá trị theo giá thị trường, công khai và minh bạch trong việc hoán đổi.
  • Đảm bảo sau khi hoán đổi trái phiếu tổng dư nợ huy động vốn của ngân sách cấp tỉnh không vượt quá hạn mức huy động vốn theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Luật quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn.
  • Trái phiếu bị hoán đổi là trái phiếu có kỳ hạn còn lại từ một năm trở lên và được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Trong thời gian hoán đổi trái phiếu (kể từ thời điểm đăng ký hoán đổi đến khi kết thúc việc hoán đổi trái phiếu), các trái phiếu đang lưu hành bị hoán đổi sẽ được phong tỏa trên tài khoản lưu ký của chủ sở hữu trái phiếu theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Về phương thức hoán đổi trái phiếu: 

Điều 14 Thông tư 100 quy định, việc hoán đổi trái phiếu thực hiện theo một trong hai phương thức sau:

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành trái phiếu mới để hoán đổi trái phiếu đang lưu hành.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành bổ sung khối lượng trái phiếu nhất định theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu đang lưu hành để hoán đổi cho một trái phiếu đang lưu hành khác.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định phương thức hoán đổi trái phiếu và công bố công khai về phương thức hoán đổi trái phiếu.

Phương án hoán đổi trái phiếu:

Điều 15 Thông tư này ghi rõ phương án hoán đổi trái phiếu phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:

– Mục đích hoán đổi trái phiếu;

– Điều kiện, điều khoản của trái phiếu dự kiến bị hoán đổi (mã trái phiếu, khối lượng trái phiếu bị hoán đổi, ngày phát hành, ngày đáo hạn, lãi suất danh nghĩa, phương thức thanh toán lãi trái phiếu);

– Điều kiện, điều khoản của trái phiếu dự kiến được hoán đổi

  • Trường hợp trái phiếu phát hành bổ sung thì điều kiện, điều khoản bao gồm: ngày phát hành; ngày đáo hạn; lãi suất danh nghĩa; phương thức thanh toán lãi trái phiếu.
  • Trường hợp trái phiếu phát hành lần đầu, điều kiện, điều khoản bao gồm: ngày phát hành dự kiến; kỳ hạn dự kiến; nguyên tắc xác định lãi suất danh nghĩa; phương thức thanh toán lãi trái phiếu.

– Thời gian dự kiến tổ chức thực hiện đợt hoán đổi trái phiếu.

– Hạn mức huy động và dự kiến dư nợ huy động vốn của ngân sách cấp tỉnh trước và sau khi thực hiện hoán đổi trái phiếu.

Sau khi phương án hoán đổi trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi phương án hoán đổi trái phiếu để Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về các nội dung:

– Khối lượng trái phiếu hoán đổi.

– Hạn mức huy động và dư nợ huy động vốn của ngân sách cấp tỉnh trước và sau khi thực hiện hoán đổi trái phiếu.

– Điều kiện, điều khoản của trái phiếu bị hoán đổi và điều kiện điều khoản của trái phiếu dự kiến được hoán đổi.

Như vậy trái phiếu địa phương hay trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành để huy động vốn thực hiện các dự án, công trình địa phương. Toàn bộ số tiền thu được từ phát hành trái phiếu phải được sử dụng theo đúng đề án phát hành trái phiếu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu rõ về loại trái phiếu này cũng như có thêm kiến thức về các quy định liên quan để từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.