Dù là một nền kinh tế còn non trẻ, thị trường chứng khoán Việt Nam được hình thành và phát triển sau 20 năm nhưng cũng đóng góp nhiều cho hoạt động kinh tế vĩ mô của đất nước. Vậy cùng chúng tôi nhìn lại về cơ cấu, tổng quan, chức năng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam
Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán được định nghĩa như sau:
“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Bên cạnh đó, cũng tại khoản 14 của Điều này có thêm định nghĩa về thị trường chứng khoán:
“14. Hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật này.”
Mọi biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều có thể tác động đến nền kinh tế nước ta, vì đây là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, cũng là kênh đầu tư tiềm năng của công chúng. Thị trường chứng khoán có khả năng tạo thanh khoản cao, tập trung phân phối vốn và chuyển thời hạn vốn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế. Nhờ vào thị trường chứng khoán, Chính phủ có thể huy động các nguồn lực tài chính mà không phải chịu áp lực về lạm phát, đặc biệt khi nguồn vốn đầu tư khu vực của Nhà nước còn nhiều hạn chế.
Theo nhiều chuyên gia tài chính – kinh tế hàng đầu, thị trường chứng khoán có thể phản ánh chính xác triển vọng của một nền kinh tế thay đổi như thế nào theo chu kỳ nửa năm. Cụ thể là giá chứng khoán tăng sẽ cho thấy nền kinh tế đang phát triển và ngược lại, giá chứng khoán giảm lại là dự báo không mấy tốt đẹp về triển vọng của một nền kinh tế trong tương lai gần.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã hỗ trợ rất tốt cho hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, TTCK cũng phối hợp với hệ thống tín dụng của ngân hàng tạo ra 1 cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam
Chức năng của thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam có 5 chức năng hoạt động chính:
- Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam
- Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng
- Tạo tính thanh khoản cho các loại chứng khoán
- Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp
- Tạo môi trường hỗ trợ Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô
Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam
Có 4 chủ thể tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm:
Nhà phát hành
Các tổ chức thực hiện hoạt động huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nhà phát hành là các bên: Chính phủ, chính quyền địa phương, Công ty.
- Chính phủ phát hành các loại Trái phiếu Chính phủ với mục đích huy động tiền bù đắp cho thâm hụt ngân sách hoặc để nguồn vốn thực hiện các công trình quốc gia lớn.
- Chính quyền địa phương phát hành Trái phiếu địa phương để huy động tiền đầu tư cho các công trình xây dựng, công cộng hoặc các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
- Các công ty phát hành Trái phiếu, Cổ phiếu để huy động vốn mở rộng sản xuất, đầu tư phát triển kinh doanh.
Nhà đầu tư chứng khoán
- Nhà đầu tư cá nhân: NĐT chấp nhận rủi ro hoặc NĐT không thích rủi ro
- Nhà đầu tư tổ chức: Công ty đầu tư, Công ty bảo hiểm, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Công ty tài chính, Ngân hàng thương mại
Các tổ chức kinh doanh trên thị trường chứng khoán
- Công ty chứng khoán
- Quỹ đầu tư chứng khoán
- Các trung gian tài chính
Các tổ chức liên quan đến thị trường chứng khoán
- Cơ sở quản lý Nhà nước
- Sở giao dịch chứng khoán
- Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB)
- Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam VSD
- Công ty dịch vụ máy tính chứng khoán
- Các tổ chức tài trợ chứng khoán
- Công ty đánh giá hệ số tín nhiệm
Nguyên tắc hoặc trên trên thị trường chứng khoán
Nguyên tắc công khai
Mọi hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải được công khai nhằm đảm bảo công bằng trong giao dịch chứng khoán, quyền lợi của nhà đầu tư, sự minh bạch của thị trường. Các đối tượng công bố đầy đủ thông tin theo luật về tình hình báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành chứng khoán, số lượng và giá cả chứng khoán, quản trị công ty. Mọi thông tin công khai phải thỏa mãn 4 yêu cầu: Chính xác – Kịp thời – Dễ dàng – Đầy đủ.
Nguyên tắc đấu giá
Thị trường chứng khoán có đặc điểm cạnh tranh hoàn hảo và mang tính tự do nhất trong các loại thị trường. Điều này thể hiện qua nguyên tắc đấu giá với 3 hình thức:
- Đấu giá trực tiếp: Với hình thức này, các nhà môi giới sẽ gặp nhau trực tiếp để thương lượng giá, thường gặp ở thị trường chứng khoán Tokyo, New York…
- Đấu giá gián tiếp: Là hình thức các nhà đầu tư liên hệ, thương lượng gián tiếp qua điện thoại hoặc Internet. Loại hình này có ở thị trường chứng khoán London.
- Đấu giá tự động: Hình thức đấu giá qua hệ thống Internet giữa máy chủ của Sở giao dịch với hệ thống máy của các công ty chứng khoán thành viên. Các lệnh mua bán được truyền đến máy chủ, máy chủ tự động khớp lệnh có giá phù hợp và thông báo kết quả cho công ty chứng khoán có lệnh đặt hàng được thực hiện. Hình thức này phổ biến ở thị trường chứng khoán Thái Lan, Việt Nam,…
Nguyên tắc trung gian
Nguyên tắc trung gian là việc mua bán chứng khoán phải thông qua môi giới thực hiện. Đây là nguyên tắc đảm bảo cho thị trường hoạt động đều đặn, lành mạnh, chuyên nghiệp và hợp pháp, có tính an toàn, tiết kiệm chi phí. Điều này thể hiện rõ hơn trên TTCK tập trung – tức là Sở giao dịch chứng khoán, khi mà mua bán chứng khoán phải thông qua các nhà môi giới. Trên thị trường sơ cấp, nguyên tắc này thể hiện qua việc chào bán chứng khoán dưới hình thức đấu giá hoặc bảo lãnh phát hành.
Cấu trúc và phân loại của thị trường chứng khoán Việt Nam
Căn cứ vào sự luân chuyển nguồn vốn
- Thị trường sơ cấp: Là nơi huy động vốn cho nhà phát hành, diễn ra các hoạt động mua bán chứng khoán mới phát hành lần đầu. Những người bán trên thị trường này thường là Ngân hàng Nhà nước, kho bạc, Công ty phát hành, Tập đoàn bảo lãnh phát hành,…
- Thị trường thứ cấp: Là thị trường không huy động vốn cho nhà phát hành, giao dịch chứng khoán sau khi đã phát hành lần đầu, có thể được mua đi bán lại nhiều lần.
Căn cứ vào hàng hóa trên thị trường
- Thị trường cổ phiếu: Nơi giao dịch và mua bán các loại cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi
- Thị trường trái phiếu: Nơi giao dịch và mua bán các loại trái phiếu đã phát hành (trái phiếu công ty, trái phiếu đô thị, trái phiếu Chính phủ)
- Thị trường phái sinh: Nơi giao dịch các sản phẩm phái sinh (ở Việt Nam cụ thể hiện nay là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ)
Căn cứ vào phương thức hoạt động của thị trường
- Thị trường chứng khoán tập trung: Là nơi hoạt động giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật, chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán (Sàn HOSE, sàn HNX)
- Thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC): Là nơi mua bán chứng khoán nằm ngoài sở giao dịch, không có địa điểm tập trung nhà môi giới, nhà đầu tư. Giao dịch thuận mua vừa bán
Nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhịp điều chỉnh mạnh từ đỉnh trong tháng 7/2021. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, triển vọng nửa cuối năm vẫn rất sáng cửa bởi có nhiều yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là với chiến lược dài hạn.
Ông Lê Trọng Minh – TBT Báo Đầu tư tổng kết ý kiến từ các chuyên gia phân tích, cơ quan chính sách và doanh nghiệp tham gia Tọa đàm trực tuyến “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021” với nhận định: “Có những yếu tố tích cực, lạc quan bên cạnh các rủi ro, nhưng chắc chắn, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội, triển vọng phía trước. Nếu chúng ta sớm đón đầu cơ hội thị trường, nhìn dài hạn, thì cơ hội chiến thắng rất cao”.
Sau một chuỗi tăng điểm kéo dài, thời điểm tháng 7/2021, TTCK Việt Nam có điều chỉnh mạnh từ đỉnh do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài hơn. Thị trường có sự suy giảm và chỉ số, khối lượng giao dịch so với giai đoạn trước đó. Nhưng các chuyên gia đều nhận định biến động này chỉ là ngắn hạn.
Theo ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment, cơ quan nghiên cứu kinh tế Mỹ nhận định, suy thoái kinh tế vì Covid-19 đã kết thúc vào tháng 4/2020, Ông cũng phân tích thêm: “Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã hồi phục và thị trường chứng khoán cũng hồi phục. Tương tự, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện đáy thị trường chứng khoán vào cuối tháng 3/2020”. Theo chiến lược dài hạn, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng từ nay cho đến năm 2022, nên nhịp giảm 13% trong tháng 7/2021 chỉ là cơ bản tạo đáy và đang trong xu hướng đi lên.
Kỳ vọng về chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2021
Với kỳ vọng dịch bệnh sớm được khống chế, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phụ tốt hơn thì TTCK cũng theo đà tăng trưởng đến 30 – 40%. Nếu đúng theo dự đoán, cuối năm nay, VN-Index có thể đạt 1. 600 – 1.700 điểm trong điều kiện dịch Covid được khống chế từ tháng 8 – 9.
Bên cạnh đó, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital cũng đồng ý việc điều chỉnh thị trường trong tháng 7 là hợp lý. Tuy chỉ số VN-Index giảm 13 – 14% so với đỉnh nhưng nó đem đến cho thị trường sự trưởng thành vượt bậc. Ông phát biểu thêm: “Thanh khoản 25.000 – 30.000 tỷ đồng không thực chất và mức này khó ổn định trong thời gian dài. Tôi cho rằng, trên sàn HoSE, với mức thanh khoản 15.000 – 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% vốn hóa toàn thị trường là mức hợp lý”.
Ngoài ra, còn 1 yếu tố lớn thúc đẩy thị trường là việc hệ thống giao dịch do FPT cung cấp hoạt động trơn tru và ổn định hơn rất nhiều, khắc phục được tình trạng nghẽn lệnh nên các NĐT cũng có phần yên tâm hơn trong việc giao dịch. Dự kiến đến đầu năm 2022, khi hệ thống giao dịch chứng khoán mới do Hàn Quốc (KRX) cung cấp được đưa vào vận hành, cho phép thực hiện lô lẻ, giao dịch T0, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quản quản lý triển khai các sản phẩm mới, tăng tính thanh khoản và sự hấp dẫn cho thị trường.
Nếu muốn thử sức với thị trường chứng khoán Việt Nam đầy tiềm năng, NĐT hãy tham khảo hướng dẫn đầu tư chứng khoán cơ bản.
Với nhiều yếu tố hỗ trợ cộng nền tảng đang ngày một tốt lên, dự báo trong tương lai chứng khoán Việt Nam sẽ ngày một hấp dẫn hơn nữa, trở thành kênh đầu tư lý tưởng và đầy cơ hội kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển vững mạnh.