Chứng khoán hóa là gì? Vai trò của chứng khoán hóa như thế nào? Update 11/2024

Chứng khoán hóa là kỹ thuật chưa phổ biến tại Việt Nam tuy nhiên lại có thể tạo ra tính thanh khoản. Vì vậy các nhà đầu tư nên tìm hiểu chứng khoán hóa là gì và vai trò của chứng khoán hóa như thế nào?

Chứng khoán hóa là gì?

Theo Wikipedia, chứng khoán hóa (Securitization) là một quá trình tài chính cơ cấu, nơi các tài sản thế chấp khác nhau của những người đi vay được tập hợp và đóng gói rồi dùng làm đảm bảo để phát hành trái phiếu (gọi chung là trái phiếu đảm bảo bằng tài sản).

Tiền mua các loại trái phiếu đảm bảo bằng tài sản được chuyển đến các tổ chức tài chính cho vay thế chấp để họ cho người đem thế chấp tài sản vay tiền.

Theo đó, chứng khoán hóa là quá trình đưa các tài sản thế chấp sang thị trường thứ cấp để trao đổi mua/bán, giao dịch. Như vậy sẽ giúp các tài sản kém thanh khoản thành những loại chứng khoán có tính thanh khoản cao.

Chứng khoán hóa là gì?

Chứng khoán hóa là gì?

Vai trò của chứng khoán hóa

Trong quá trình chứng khoán hóa, có 4 loại chủ thể kinh tế liên quan:

  • Người thế chấp và đi vay
  • Tổ chức tập hợp và đóng gói tài sản thế chấp để phát hành chứng khoán
  • Nhà đầu tư mua/bán chứng khoán
  • Tổ chức tín dụng cho vay

Khi có 4 loại chủ thể thay vì 2 loại như trước đó là người thế chấp, đi vay và tổ chức tín dụng cho vay, rủi ro sẽ được chuyển từ tổ chức tài chính sang nhà đầu tư trái phiếu đảm bảo bằng tài sản. Chính vì vậy, hình thức gộp nhiều loại tài sản thế chấp khác nhau vào một tập hợp sẽ phân tán rủi ro hiệu quả hơn. Cho nên nhiều người gọi các trung gian tài chính tham gia chứng khoán hóa là những người tạo dựng và phân tán rủi ro.

Bên cạnh đó, quá trình chứng khoán hóa cũng giúp giảm chi phí huy động tài chính. Nếu người đi vay có mức độ xếp hạng tín nhiệm không cao thì với tài sản đem thế chấp tốt quy ra loại chứng khoán đảm bảo bằng tài sản vẫn có thể được xếp hạng tín nhiệm cao. Từ đó tạo ra tính thanh khoản cao hơn. Do vậy, chứng khoán hóa tạo thuận lợi cho cả việc vay và cho vay có thế chấp.

Phân loại các sản phẩm chứng khoán hóa

  • Trái phiếu chứng khoán hóa bất động sản – BĐS (Mortgage backed securities – MBS): Là loại chứng khoán hóa được tập hợp từ các khoản vay có tài sản đảm bảo thế chấp là bất động sản, hình thành 1 khoản nợ có giá trị lớn (a pool of mortgages). Sau đó chia nhỏ các khoản nợ thành những phần bằng nhau (shares or participation certificates in pool).
  • Trái phiếu chứng khoán hóa tài sản (Asset-Backed Securities – ABS): Là loại chứng khoán hóa được tập hợp từ giá trị của một số khoản vay hoặc các khoản phải thu gộp lại (a pool of loans or receivables). Đây là công cụ có thu nhập cố định và nguồn thu phải dựa trên nguồn thu dự kiến từ các tài sản cơ sở (các khoản vay hay các khoản phải thu đó).
  • Trái phiếu chứng khoán hóa các khoản nợ: Đây là loại trái phiếu chứng khoán hóa có lãi suất cố định, tương đương 1 phần của thị trường giao dịch các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản.

Lợi ích và rủi ro của chứng khoán hóa

Lợi ích của chứng khoán hóa:

  • Tạo sự luân chuyển liên tục cho dòng vốn, kịp thời cung ứng cho các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là những người đi vay dùng tài sản thế chấp.

Nhờ việc chứng khoán hóa các khoản vay có cùng tính chất, lãi suất và thời hạn của các ngân hàng thương mại giúp lưu thông đồng vốn trên thị trường nhanh hơn, không phải phụ thuộc vào những khoản vay hiện thời. Đặc biệt quá trình chứng khoán hóa cũng thu hút và khai thác được nhiều nguồn vốn nhỏ lẻ, nhàn rỗi trong nền kinh tế, thúc đẩy dòng tiền vận động linh hoạt, tạo khả năng sinh lợi, đưa nền kinh tế phát triển.

  • Hỗ trợ người vay sớm thu hồi vốn, giảm thiểu chi phí và tăng khả năng sinh lợi nhuận khi tái đầu tư. Mặt khác, những NĐT sở hữu chứng khoán vốn được hưởng cả gốc lẫn lãi chia định kỳ hàng tháng nên thu hồi nhanh hơn so với việc sở hữu những loại trái phiếu có kỳ hạn.
  • Tạo ra sự đa dạng các sản phẩm chứng khoán cung ứng cho thị trường tài chính, giúp các NĐT có nhiều lựa chọn, nâng cao tính thanh khoản, tái tạo nguồn vốn mới.
  • Hỗ trợ giảm thiểu rủi ro do các khoản nợ, cải thiện chất lượng tín dụng.
  • Hạn chế rủi ro thanh toán vì có sự tham gia của những người quản lý các khoản nợ, chủ thể đặc biệt và tổ chức xếp hạng tín nhiệm tư vấn tái cấu trúc các dòng tiền. Từ đó, nâng cao mức xếp hạng tín nhiệm tài chính hơn so với những khoản nợ gốc.
  • Đảm bảo kê khai tài chính minh bạch, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về hệ số nợ, hệ số an toàn vốn trong hoạt động kinh doanh.

Rủi ro của chứng khoán hóa:

  • Với các khoản nợ được thanh toán lãi + gốc định kỳ hàng tháng, người đi vay vẫn có quyền được trả trước 1 phần hoặc toàn bộ nợ gốc. Vì vậy, thời hạn của các khoản nợ sẽ bị rút ngắn lại khiến lãi tính trên dư nợ của tháng tiếp theo có thể thấp hơn dẫn đến rủi ro trả trước với người sở hữu khoản nợ đó, sẽ làm lung lay dòng thu nhập trong tương lai.
  • Do khoản nợ được chuyển hóa qua nhiều công đoạn nên có thể dẫn tới khả năng vỡ nợ dây chuyền của những chủ thể liên quan, nếu người đi vay không thanh toán được các khoản nợ gốc và lãi định kỳ.

Qua bài viết này, bạn đọc quan tâm đã hiểu được quá trình chứng khoán hóa là gì, vì sao chứng khoán hóa lại quan trọng trong thị trường tài chính. Đây chính là phương thức hạn chế rủi ro và gia tăng lợi nhuận cơ hội cho nhiều người.