Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Khoản 1 Điều 4 Nghị định 163/2018/NĐ-CP giải thích về trái phiếu doanh nghiệp như sau:
“Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu”.
Hiểu một cách đơn giản, trái phiếu doanh nghiệp chính là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, có kỳ hạn từ 1 năm trở lên.
Đối tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 2, Nghị định 163, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
Nguyên tắc và mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Căn cứ theo Khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định 163, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo nguyên tắc và mục đích như sau:
- Nguyên tắc: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
- Mục đích: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động hoặc để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Mục đích phát hành phải được doanh nghiệp nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu theo quy định tại Nghị định 163.
Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 163, trái phiếu doanh nghiệp có các đặc điểm nổi bật như sau:
– Kỳ hạn trái phiếu: Do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt phát hành căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và tình hình thị trường.
– Khối lượng phát hành: Do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động của thị trường trong từng thời kỳ.
– Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu:
- Đối với trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước: Đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam;
- Đối với trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế: Đồng tiền phát hành thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành;
- Đồng tiền sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu cùng loại với đồng tiền phát hành.
– Mệnh giá trái phiếu:
- Trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước: Mệnh giá là 100.000 đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 đồng Việt Nam.
- Mệnh giá của trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế: Thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.
– Hình thức trái phiếu:
- Trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử;
- Doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt phát hành theo quy định tại thị trường phát hành.
– Lãi suất danh nghĩa trái phiếu:
- Lãi suất danh nghĩa trái phiếu có thể xác định theo một trong các phương thức: lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu; lãi suất thả nổi; hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi;
- Trường hợp lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể cơ sở tham chiếu để xác định lãi suất danh nghĩa tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu về cơ sở tham chiếu được sử dụng;
- Doanh nghiệp quyết định lãi suất danh nghĩa cho từng đợt phát hành phù hợp với tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ. Lãi suất trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành ngoài việc tuân thủ quy định tại Nghị định này phải phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
– Loại hình trái phiếu:
- Trái phiếu không chuyển đổi: là trái phiếu có bảo đảm hoặc trái phiếu không có bảo đảm, trái phiếu kèm theo chứng quyền hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền;
- Trái phiếu chuyển đổi: là trái phiếu có bảo đảm hoặc trái phiếu không có bảo đảm, trái phiếu kèm theo chứng quyền hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền.
– Giao dịch trái phiếu: Trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư; trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác.
– Phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu: Do doanh nghiệp phát hành quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và thông lệ thị trường phát hành, được công bố cho nhà đầu tư trước khi phát hành trái phiếu.
Trái phiếu doanh nghiệp có các đặc điểm khác nhau về lãi suất, kỳ hạn, mệnh giá…
Ai được mua trái phiếu doanh nghiệp?
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 163, đối tượng mua trái phiếu là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Nhà đầu tư mua trái phiếu tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Điều 9 Nghị định 163, cụ thể như sau:
“1. Được doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và bảo đảm việc thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu khi phát hành.
2. Được dùng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, để lại, thừa kế, chiết khấu và sử dụng trái phiếu làm tài sản bảo đảm trong các quan hệ dân sự và quan hệ thương mại theo quy định của pháp luật”
Đừng bỏ qua: Mua trái phiếu doanh nghiệp ở đâu? Hướng dẫn mua trái phiếu doanh nghiệp an toàn
Các quy định liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, pháp luật có những quy định cụ thể về việc phát hành TPDN tại thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể như sau:
Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu cần tuân thủ các điều kiện như sau:
Điều kiện phát hành TPDN tại thị trường trong nước:
Điều 10, Nghị định 163 quy định các điều kiện cụ thể đối với việc phát hành TPDN tại thị trường trong nước:
“1. Đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền:
a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
b) Có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật. Đối với doanh nghiệp được tổ chức lại hoặc chuyển đổi, thời gian hoạt động được tính là thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị chia (trong trường hợp chia doanh nghiệp), thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị tách (trong trường hợp tách doanh nghiệp), thời gian hoạt động dài nhất trong số các doanh nghiệp bị hợp nhất (trong trường hợp hợp nhất doanh nghiệp), thời gian hoạt động của doanh nghiệp nhận sáp nhập (trong trường hợp sáp nhập công ty), thời gian hoạt động của doanh nghiệp trước và sau khi chuyển đổi (trong trường hợp chuyển đổi công ty);
c) Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị định này;
d) Đảm bảo tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành, giao dịch trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 8 Điều 6 Nghị định này;
đ) Có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 14 Nghị định này;
e) Thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có);
g) Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:
a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần;
b) Đáp ứng các điều kiện phát hành quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1 Điều này;
c) Đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật trong trường hợp thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc thực hiện quyền mua của chứng quyền;
d) Các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất sáu tháng;
đ) Trái phiếu chuyển đổi, chứng quyền phát hành kèm theo trái phiếu không được chuyển nhượng trong tối thiểu 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp chuyển nhượng cho hoặc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp phát hành là công ty đại chúng ngoài việc đáp ứng điều kiện phát hành theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này còn phải đáp ứng điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng theo quy định tại Điều 10a của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán”.
Ngoài ra Điều 11, Nghị định 163 còn quy định điều kiện phát hành trái phiếu thành nhiều đợt phát hành:
“1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành nhiều đợt phát hành phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Các điều kiện phát hành quy định tại Điều 10 Nghị định này;
b) Có nhu cầu huy động vốn làm nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Có phương án phát hành trái phiếu trong đó nêu rõ số lượng đợt phát hành; dự kiến khối lượng, thời điểm phát hành và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt phát hành. Đảm bảo thời gian phát hành của từng đợt không được kéo dài quá 90 ngày;
d) Thực hiện công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định này.
2. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này được phát hành trái phiếu làm nhiều đợt, nhưng tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành đầu tiên của đợt phát hành đầu tiên”.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ở thị trường trong nước và quốc tế, tuân thủ điều kiện phát hành theo quy định
Điều kiện phát hành TPDN ra thị trường quốc tế:
Điều 18, Nghị định 163 quy định rõ doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế cần đáp ứng các điều kiện như sau:
“1. Đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền:
a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
b) Đáp ứng điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định tại thị trường phát hành;
c) Phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định tại Điều 19 Nghị định này;
d) Đáp ứng quy định về quản lý ngoại hối và quy định của pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp;
đ) Đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Đối với trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:
a) Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần đáp ứng các điều kiện phát hành quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định hiện hành của pháp luật;
c) Các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất sáu tháng”.
Phương thức phát hành trái phiếu
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 15 Nghị định 163, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo các phương thức sau:
- Đấu thầu phát hành trái phiếu;
- Bảo lãnh phát hành trái phiếu;
- Đại lý phát hành trái phiếu;
- Bán trực tiếp cho nhà đầu tư.
Hồ sơ phát hành trái phiếu
Căn cứ theo Điều 13, Nghị định 163, hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành chuẩn bị, bao gồm:
- Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 163
- Bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 163
- Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu (nếu có);
- Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;
- Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có).
Đối với hồ sơ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt, ngoài các tài liệu nói trên doanh nghiệp còn cần chuẩn bị các loại tài liệu sau:
– Dự án hoặc kế hoạch sử dụng vốn làm nhiều đợt;
– Cập nhật về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, tình hình sử dụng số tiền thu được từ các đợt phát hành trước nếu đợt phát hành sau cách đợt phát hành trước từ 06 tháng trở lên.
– Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành trong hồ sơ phát hành trái phiếu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị định 163. Báo cáo tài chính được kiểm toán là báo cáo chấp thuận toàn phần hoặc có ý kiến ngoại trừ. Trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ, doanh nghiệp phải giải thích về yếu tố ngoại trừ và ảnh hưởng của yếu tố này đến khả năng trả nợ gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính mà chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, hoặc chưa có báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, doanh nghiệp sử dụng báo cáo tài chính bán niên hoặc báo cáo tài chính 09 tháng của năm tài chính trước liền kề được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước hoặc công ty kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị định 163 Chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu;
- Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty mẹ, báo cáo tài chính được kiểm toán gồm báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán của năm trước liền kề năm phát hành và báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty mẹ năm trước liền kề năm phát hành.
Thanh toán gốc, lãi trái phiếu
Căn cứ theo Điều 17, Nghị định 163, thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp cần thực hiện như sau:
- Doanh nghiệp phát hành bố trí nguồn trả nợ gốc, lãi trái phiếu từ các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản, khi doanh nghiệp phát hành không cân đối được nguồn trả nợ gốc, lãi trái phiếu thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý để thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm của trái phiếu theo quy định của pháp luật về tài sản bảo đảm.
- Đối với trái phiếu được bảo lãnh thanh toán, khi doanh nghiệp phát hành không cân đối được nguồn trả nợ gốc, lãi thì tổ chức bảo lãnh thanh toán có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho doanh nghiệp phát hành theo cam kết bảo lãnh giữa tổ chức bảo lãnh thanh toán và doanh nghiệp phát hành.
Quy trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Điều 12 Nghị định 163 quy định cụ thể về quy trình phát hành TPDN như sau:
“1. Doanh nghiệp phát hành chuẩn bị hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
2. Doanh nghiệp phát hành công bố thông tin trước đợt phát hành theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
3. Doanh nghiệp phát hành tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
4. Doanh nghiệp phát hành công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu và báo cáo kết quả phát hành theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.
5. Doanh nghiệp phát hành thực hiện lưu ký trái phiếu theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.
6. Doanh nghiệp phát hành thực hiện thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.
7. Doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin và báo cáo định kỳ kể từ khi hoàn thành đợt phát hành trái phiếu cho đến khi đáo hạn trái phiếu theo quy định tại Điều 24 Nghị định này”
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam
Tại Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh. Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo 2 hình thức là phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Về mục đích phát hành: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đầu tư cho các chương trình, dự án; Tăng quy mô vốn hoạt động và Tái cơ cấu nợ.
Về phương thức phát hành: Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo một trong ba phương thức:
- Đấu thầu
- Bảo lãnh
- Bán lẻ (chỉ đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng).
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính chung cả giai đoạn 2016 – 2020, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt khoảng 1,224 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm phát hành 238.800 tỷ đồng, gấp khoảng 9 lần so với giai đoạn 2011 – 2015.
Thị trường TPDN Việt Nam vẫn sôi động nhưng tiềm ẩn một số rủi ro
Còn theo Hiệp Hội Thị Trường Trái Phiếu Việt Nam (VBMA), 8 tháng đầu năm nay đã có 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tổng giá trị 308.517 tỷ đồng. Nhiều người đánh giá, có vẻ lãi suất tiết kiệm xuống thấp đã tạo thêm lực đẩy cho trái phiếu doanh nghiệp lên ngôi cả về doanh số phát hành và mặt bằng lãi suất cao hơn hai lần lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, tỷ trọng khối lượng phát hành ra công chúng giảm so với cùng kỳ năm 2020 (5,28%).
Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu huy động vốn là thiết yếu đối với các doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp và số đợt phát hành tăng nhanh là cơ sở để kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp là vẫn kênh huy động vốn, được nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.
Về phía Bộ Tài chính, triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, cơ quan này đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm: Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; trong đó, có nội dung quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Thoe Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), các quy định pháp lý mới sẽ khiến trái phiếu doanh nghiệp không còn tăng trưởng quá nóng như năm 2020, nhưng sẽ tạo nền móng cho sự phát triển của thị trường ổn định, bền vững hơn.
Tại thị trường trái phiếu Việt Nam hiện trái phiếu doanh nghiệp đang tăng mạnh nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, loại trái phiếu này vẫn còn nhiều bất cập mà nhà đầu tư cần chú ý. Chia sẻ trên Vietnamplus.vn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ năm 2020 cho đến nay, đang gặp rất nhiều vấn đề, thậm chí có cả các loại trái phiếu “3 không” – không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Theo ông, điều này gây ra những rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư không đủ năng lực thẩm định, phân tích tài chính doanh nghiệp. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên viên phân tích cao cấp Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cũng đánh giá, rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên. Loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác thì hầu hết là trái phiếu không có tài sản đảm bảo.
Thậm chí trong tháng 7/2021, Bộ Tài chính cũng đã phát đi cảnh báo rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Đây chắc chắn là vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý.
Đừng bỏ qua: Có nên mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng?
Có thể thấy tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn diễn ra sôi động, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro mà cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đều khá đồng thuận trong việc chấn chỉnh lại những góc tối của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trên đây là các thông tin liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện và các quy định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu rõ về loại trái phiếu này cũng như có những thông tin bổ ích về thị trường TPDN tại Việt Nam.