Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là gì?
Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hay vốn ngân sách nhà nước được hiểu là tất cả các nguồn vốn được tính dựa trên các khoản thu, chi của Nhà nước, trong đó bao gồm các nguồn từ ngân sách trung ương đến ngân sách địa phương.
Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm tài chính. Nguồn vốn này chỉ được bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước đến từ đâu?
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 5, Luật Ngân sách nhà nước 2015, vốn ngân sách nhà nước chủ yếu đến từ các nguồn thu sau đây:
- Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí;
- Toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương;
- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Chẳng hạn, tiền thuế thu nhập từ cá nhân và tổ chức được thu hàng tháng, hàng năm theo quy định của pháp luật. Tổ chức thu thuế này sẽ có nguồn thu và nguồn thu đó được gọi là nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Vốn ngân sách nhà nước đến từ nhiều nguồn khác nhau
Dự án nào sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước?
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 5, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, vốn ngân sách nhà nước sẽ được chi cho các hoạt động, dự án sau đây:
- Chi đầu tư phát triển;
- Chi dự trữ quốc gia;
- Chi thường xuyên;
- Chi trả nợ lãi;
- Chi viện trợ;
- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì dự án đó được quản lý và sử dụng theo quy định ghi rõ tại Thông tư 59/2015/NĐ-CP. Cụ thể Khoản 2, Điều 16 Thông tư 59 quy định rõ:
“Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực theo quy định tại Điều 63 của Luật Xây dựng năm 2014 và Điều 17 Nghị định này.
Trường hợp nếu người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình là chủ đầu tư dự án thì người quyết định đầu tư giao chủ đầu tư có trách nhiệm ký hợp đồng thuê Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực để thực hiện quản lý dự án theo quy định”.
Các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách nhà nước trước khi thực hiện cần được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, dự án sử dụng ngân sách nhà nước phải trải qua quá trình chọn lọc và thẩm định.
Căn cứ theo Điều 11, Nghị định 59, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước cần chuẩn bị hồ sơ dự án và gửi đến người quyết định đầu tư, tới cơ quan chuyên môn để thẩm định. Hồ sơ thẩm định dự án bao gồm:
- Tờ trình thẩm định dự án theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 59
- Hồ sơ dự án bao gồm phần thuyết minh và thiết kế cơ sở;
- Các văn bản pháp lý có liên quan;
Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo trích lục hồ sơ có liên quan đến các cơ quan, tổ chức theo quy định để lấy ý kiến về nội dung liên quan đến dự án. Khi thẩm định dự án có quy mô nhóm A được đầu tư xây dựng trong khu vực đô thị, cơ quan chủ trì thẩm định phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng về thiết kế cơ sở.
Phân biệt vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách
Rất nhiều người khi tìm hiểu về các nguồn vốn đầu tư từ nhà nước đều có sự nhầm lẫn giữa vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách. Đây là hai nguồn vốn khác nhau, hãy cùng phân biệt thông qua bảng dữ liệu sau đây:
Tiêu chí | Vốn ngân sách nhà nước | Vốn nhà nước ngoài ngân sách |
Khái niệm | Là tất cả các nguồn vốn được tính dựa trên các khoản thu, chi của Nhà nước, trong đó bao gồm các nguồn từ ngân sách trung ương tới ngân sách địa phương. | Căn cứ theo Khoản 14, Điều 2, Nghị định 59: Vốn nhà nước ngoài ngân sách là vốn nhà nước theo quy định của pháp luật nhưng không bao gồm vốn ngân sách nhà nước. |
Quyền quyết định nguồn vốn | Nguồn vốn phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định | Nguồn vốn phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bao gồm: Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định |
Nguồn vốn | Nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu từ các khoản thu từ thuế, lệ phí, phát hành tiền, các khoản nhận viện trợ và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật (Căn cứ theo Luật Ngân sách nhà nước 2015) |
Nguồn vốn của Nhà nước nhưng không nằm trong các nguồn vốn ngân sách trong nhà nước. Có thể là nguồn vốn từ phát hành Công trái quốc gia, phát hành trái phiếu của Chính phủ, phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương… |
Tình hình vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê, tháng 2/2021 vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm:
- Vốn Trung ương quản lý 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2%;
- Vốn địa phương quản lý 15,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3,7%.
Tính chung 2 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể:
- Vốn Trung ương quản lý đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6%;
- Vốn địa phương quản lý đạt 35,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1%.
Tính theo địa phương, trong các tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước. Theo đó, ước tính thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 2/2021 của Hà Nội đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 10,4% kế hoạch vốn năm 2021.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2 tháng đầu năm 2021 (Nguồn ảnh: Tổng cục thống kê)
Thống kê vốn ngân sách nhà nước cấp theo các cấp chính quyền là như sau:
- Vốn ngân sách Nhà nước cấp thành phố thực hiện là 2.990 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 12,7% kế hoạch năm;
- Vốn ngân sách Nhà nước cấp quận, huyện thực hiện 1.998 tỷ đồng, tăng 22,7% và đạt 8%;
- Vốn ngân sách Nhà nước cấp xã, phường thực hiện 277 tỷ đồng, tăng 25,5% và đạt 12,3%, chủ yếu thực hiện vốn của các công trình, dự án chuyển tiếp từ năm 2020 sang.
Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng đã thông tin, năm 2020, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 91,1% kế hoạch năm 2020 và tăng 34,5% so với năm 2019. Đây được đánh giá là mức đạt cao nhất trong giai đoạn 2011 -2020. Con số này chính là kết quả của việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều tác động.
Có thể thấy, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là nguồn vốn được quyết định bởi các cơ quan có thẩm quyền. Mục đích sử dụng nguồn vốn này chính là nhằm bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Hy vọng qua những thông tin trên đây, các bạn đã nắm rõ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, các nguồn thu cũng như chi của nguồn vốn này.