Vốn đầu tư được hiểu như thế nào?
Khoản 23, Điều 3, Luật Đầu tư 2020 giải thích thuật ngữ vốn đầu tư như sau:
“Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.
Nói cách khác, vốn đầu tư chính là toàn bộ tiền và tài sản mà một nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện các hoạt động đầu tư. Nguồn tài chính này có thể huy động từ nhiều nguồn khác nhau như từ các cá nhân/tổ chức trong nước, nguồn tài trợ, đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài (có thể là vốn đầu tư gián tiếp ODA hoặc vốn đầu tư trực tiếp FDI).
Bạn có thể tìm hiểu đặc điểm, cách tính vốn đầu tư để nắm rõ hơn về nguồn vốn này trong hoạt động đầu tư.
Vốn điều lệ được hiểu như thế nào?
Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2014 giải thích về vốn điều lệ như sau:
“Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”.
Hiểu một cách đơn giản, vốn điều lệ chính là tổng số vốn do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định khi thành lập công ty.
Nguồn vốn này sẽ được ghi vào điều lệ công ty. Trong quá trình hoạt động, công ty có thể đăng ký tăng hoặc giảm vốn điều lệ và phải làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bạn có thể cập nhật vốn điều lệ tối thiểu của các doanh nghiệp là bao nhiêu? để nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến vốn điều lệ.
Phân biệt vốn đầu tư và vốn điều lệ
Phân biệt vốn đầu tư và vốn điều lệ
Vốn đầu tư và vốn điều lệ sẽ có một số điểm khác biệt cơ bản mà khi nghiên cứu về hai thuật ngữ này, các bạn cần phải nắm rõ.
Điểm giống nhau
Cả hai loại vốn này trong hoạt động kinh doanh đều có điểm giống nhau là:
Vốn đầu tư và vốn điều lệ đều cùng là tài sản hoặc tiền mặt mà chủ đầu tư sử dụng vào hoạt động kinh doanh, nhằm thực hiện kế hoạch kinh doanh và thu về nguồn lợi nhuận.
Điểm khác nhau
Vốn đầu tư và vốn điều lệ dù đều là tài sản hoặc tiền mặt phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư, nhưng hai loại vốn này có một số điểm khác biệt cơ bản về bản chất, hình thức góp vốn, cam kết góp vốn. Bảng dữ liệu dưới đây sẽ cung cấp một số tiêu chí để bạn phân biệt sự khác nhau giữa vốn đầu tư và vốn điều lệ.
Tiêu chí phân biệt | Vốn đầu tư | Vốn điều lệ |
Bản chất | Là toàn bộ tiền mặt hoặc tài sản bỏ ra để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh | Là tổng số vốn (tiền mặt hoặc tài sản) do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty. |
Văn bản thể hiện số vốn | Thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của từng dự án cụ thể | Vốn điều lệ được ghi cụ thể vào bản điều lệ của công ty và thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh |
Nguồn góp vốn | Nguồn vốn được góp bởi chính nhà đầu tư hoặc do nhà đầu tư huy động từ nguồn vốn trong nước/nước ngoài, thậm chí từ nguồn vốn vay… | Nguồn vốn đến từ các thành viên công ty, có thể góp vốn trực tiếp hoặc mua/sở hữu cổ phần hay cổ phiếu của công ty. |
Số vốn tối thiểu |
Mỗi dự án ghi nhận một số vốn đầu tư đầu tư riêng biệt. Doanh nghiệp được quyền được thực hiện nhiều dự án khác nhau |
Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể: – Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh không phân cấp và không có trong danh sách các ngành nghề cần có vốn điều lệ tối thiểu: Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu. – Doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc thù theo quy định: Cần tuân thủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Mức vốn điều lệ tối thiểu phải bằng với mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh đó (Cập nhật mức vốn điều lệ tối thiểu tại đây) |
Thời hạn góp vốn |
– Thời hạn góp vốn được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với từng dự án đầu tư cụ thể. Mỗi dự án được ghi nhận số vốn đầu tư riêng biệt. – Đối với dự án thành lập mới: Thời hạn góp vốn bằng thời hạn góp vốn điều lệ, tức là 90 ngày để từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức thực hiện dự án. |
90 ngày kể từ ngày cấp Giấy nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và ghi nhận tại Điều lệ của doanh nghiệp. |
Đăng ký vốn | Đăng ký theo dự án đầu tư. Mỗi dự án sẽ có một số vốn riêng biệt, doanh nghiệp được thực hiện nhiều dự án khác nhau. | Đăng ký theo quy mô và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp |
Khả năng tăng vốn | Nhà đầu tư có thể tăng vốn đầu tư vào dự án bất kỳ lúc nào mà không cần thiết phải tăng vốn điều lệ | Có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ. Doanh nghiệp phải làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp |
Vốn góp thực hiện dự án có phải là vốn điều lệ không?
Đối với câu hỏi này bạn cần phải xét đến hai trường hợp như sau:
- Trường hợp công ty có một dự án: Trong trường hợp này số vốn phải góp ít nhất bằng vốn điều lệ trong thời hạn ghi trên giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy lúc này vốn điều lệ của công ty cũng chính là vốn góp trong tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án. Đây là trường hợp thường gặp đối với những doanh nghiệp FDI khi thành lập công ty ở Việt Nam với dự án đầu tiên.
- Trường hợp công ty có hai dự án trở lên: Trường hợp này vốn điều lệ sẽ khác biệt so với vốn góp đầu tư. Lúc này vốn điều lệ không nhất thiết bằng vốn góp của doanh nghiệp, nếu thực hiện một dự án khác thì lúc này doanh nghiệp phải có nguồn vốn đầu tư khác. Hay nói cách khác, vốn điều lệ là phần vốn cam kết góp trong một thời hạn và được ghi vào Điều lệ của Công ty khi thành lập công ty. Còn vốn đầu tư được quy định đối với từng dự án đầu tư của doanh nghiệp, trong đó có phần vốn góp của các nhà đầu tư cho dự án.
Góp vốn đầu tư dự án
Lưu ý: Trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư có thể tăng vốn góp của nhà đầu tư vào dự án mà không cần tăng vốn điều lệ.
Vốn đầu tư và vốn điều lệ là hai khái niệm có thể gây nhầm lẫn đối với nhiều người. Hy vọng qua bài viết này các bạn đã hiểu rõ và phân biệt được điểm khác nhau giữa vốn đầu tư và vốn điều lệ.