“Bảng tổng sắp” thứ hạng vốn điều lệ: Thay đổi chóng mặt, ngân hàng tư nhân trỗi dậy Update 11/2024

Câu chuyện vốn điều lệ các ngân hàng vẫn luôn có những biến chuyến đầy bất ngờ và năm 2021 là minh chứng cho những thay đổi có thể nói là chóng mặt về thứ hạng vốn điều lệ. Bảng xếp hạng vốn điều lệ liên tục có sự đổi ngôi đầy hấp dẫn, bên cạnh những ông lớn quốc doanh luôn giữ vững vị thế dẫn đầu thì năm 2021 đã có một vài cái tên trong nhóm ngân hàng tư nhân trỗi dậy để chạy đua. Đặc biệt là khi hầu hết các ngân hàng đều có những tham vọng lớn trong kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Nhóm ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống

Theo ghi nhận, trong năm 2021 nhóm ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống là 4 cái tên gồm: Vietcombank, Vietinbank, BDV và VPBank (ngân hàng TMCP). Có thể nói đây là lần đầu tiên cuộc đua vốn điều lệ top đầu có sự cạnh tranh của một ngân hàng tư nhân. Vốn điều lệ của 4 ngân hàng này đang và sắp vượt 40.000 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, đầu năm 2021 BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất với hơn 40.000 tỷ đồng. Vị trí thứ 2 thuộc về Vietinbank và Vietcombank đứng thứ 3. Lúc này VPbank vẫn xếp thứ 6 về vốn điều lệ trong hệ thống ngân hàng. Đến nay thứ hạng này lại có sự xáo trộn. Cụ thể:

Vietinbank

Vietinbank hiện đã vượt BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Vốn điều lệ của Vietinbank hiện là 48.057 tỷ đồng.

Đối với việc tăng vốn điều lệ, chia sẻ trên báo chí, lãnh đạo VietinBank cho rằng, vốn điều lệ là cơ sở để xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vón, cơ sở xác định giới hạn cấp tín dụng… Do đó, việc tăng vốn điều lệ là điều kiện tiên quyết để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo kế hoạch mà Vietinbank đưa ra, sau khi hoàn tất tăng vốn lên trên 48.000 tỷ, VietinBank sẽ tiến hành chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% và cổ phiếu tỷ lệ 12,6%.

Với phương án này, ngân hàng dự kiến chi 2.400 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt và hơn 6.000 tỷ đồng để trả cổ tức cổ phiếu. Sau chia, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng tiếp lên hơn 54.000 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống đến cuối năm 2021.

Vietinbank tăng vốn điều lệ

Vietinbank hiện là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống

Ngân hàng Vietcombank

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án đầu tư bổ sung hơn 7.657 vốn nhà nước cho Vietcombank theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Nếu hoàn tất thủ tục tăng vốn trong quý IV/2021, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên hơn 47.325 tỷ đồng trong năm nay (chia cổ tức 27,6% bằng cổ phiếu). Nếu tăng vốn thì vị trí á quân có thể thuộc về Vietcombank.

Trong năm 2021, Vietcombank cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank sau khi phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Khối lượng phát hành là 307,61 triệu cổ phiếu (khối lượng chào bán có thể điều chỉnh tùy theo vốn điều lệ tại thời điểm phát hành).

Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 3.076 tỷ đồng, qua đó nâng mức vốn lên hơn 50.401 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành.

Ngân hàng BIDV

BIDV sẽ chấp nhận lùi về vị trí thứ 4 trong nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn trong hệ thống ngân hàng. Hiện phương án tăng vốn lên 48.500 tỷ đồng của BIDV vẫn chưa được phê duyệt.

VPbank

Đầu năm 2021 VPbank chỉ xếp vị trí thứ 6 về vốn điều lệ nhưng sẽ sớm vươn lên ngôi vị á quân khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ 80%, lên hơn 45.000 tỷ đồng. Hiện VPBank đã có nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức và phát hành cổ phiếu tăng vốn bằng nguồn vốn chủ sở hữu. Ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức và tăng vốn bằng phát hành từ vốn chủ sở hữu là ngày 8/10/2021.

Bên cạnh việc chia cổ tức, VPBank cũng đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông nước ngoài. Theo đó, trong tương lai gần, VPBank có thể tiến tới ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Thậm chí VPbank đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022 với mức tăng tối thiểu lên 75.000 tỷ đồng. Theo lộ trình tăng vốn, VPbank sẽ tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 25.300 tỷ đồng hiện nay lên 75.000 tỷ đồng từ 3 nguồn chính.

  • Thứ nhất, thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ bán 49% tại FE Credit cho đối tác Nhật (SMBC).
  • Thứ hai, phát hành gần 2 tỷ cổ phiếu giá trị gần 20.000 tỷ đồng từ nguồn cổ tức và thặng dư cổ phần (tương ứng tỷ lệ tổng cộng 80%).
  • Thứ ba, phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược nước ngoài. 

VPbank tăng vốn điều lệ

VPBank là ngân hàng tư nhân duy nhất nằm trong top 4 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống

Nhóm các ngân hàng còn lại

Ngoài 4 cái tên nói trên, nhóm các ngân hàng còn lại cũng có những thay đổi đáng kể về vốn điều lệ, nổi bật có MBbank. Đến tháng 8/2021, sau khi chia cổ tức 35% MB đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 37.783 tỷ đồng và hiện đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng vốn điều lệ. Việc tăng vốn này sẽ giúp MB sẽ tiếp tục giữ vững vị trí này trong hệ thống.

Các ngân hàng còn lại trong năm 2021 cũng thực hiện nhiều kế hoạch tăng vốn. Có thể kể đến như:

  • ACB: Giữa tháng 5/2021, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho ACB tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 5.400 tỷ đồng bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương tỷ lệ 25%. Vốn điều lệ của ACB tăng lên 27.019 tỷ đồng.
  • SHB: Ngân hàng Nhà nước chấp thuận SHB tăng vốn thêm hơn 7.400 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ của ngân hàng này lên hơn 26.674 tỷ đồng.
  • HDbank: Đầu tháng 7/2021, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho HDbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 3.984 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ HDBank thông qua. Đến nay mức vốn điều lệ của HDbank là hơn 20.000 tỷ đồng.

Có thể thấy trong năm 2021 hầu hết các ngân hàng đều thực hiện kế hoạch tăng vốn, kể cả ngân hàng quốc doanh lẫn ngân hàng TMCP. Việc tăng vốn điều lệ thực sự là câu chuyện không dứt của các ngân hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các năm tới việc tăng vốn điều lệ sẽ trở thành áp lực với các ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu của Basel II và hướng đến Basel III, giành “điểm số” cao trong việc xếp hạng ngân hàng, cấp room tín dụng…

Thậm chí theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều rủi ro do tác động của dịch bệnh Covid-19, việc tăng vốn sẽ là gối đệm an toàn cho các ngân hàng. Ngân hàng phải tăng mạnh vốn thì mới có thể hỗ trợ vốn tốt hơn cho nền kinh tế.

Ngân hàng tăng vốn điều lệ

Tăng vốn điều lệ vẫn là bài toán cần lời giải của các ngân hàng

Liên quan đến vấn đề này, báo Đầu tư dẫn thông tin chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng, nếu không được bổ sung vốn điều lệ, thì nhóm ngân hàng nhà nước sẽ bị hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất 1 – 2 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 được Chính phủ phê duyệt.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, hiện nay Agribank là ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tăng vốn, nguyên nhân là do chưa thể cổ phần hóa. Còn các ngân hàng TMCP, đa số điều tăng vốn thuận lợi trong năm nay nhờ tận dụng tốt cơ hội thị trường chứng khoán phục hồi để tăng vốn.

Cùng chờ xem những tháng còn lại của năm 2021 “bảng tổng sắp” vốn điều lệ còn có sự thay đổi như thế nào.