Vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Vốn đầu tư nước ngoài được hiểu là nguồn vốn (dưới dạng tiền mặt hoặc tài sản) mà nhà đầu tư của một quốc gia bỏ ra để đầu tư, thực hiện một hoặc một số hoạt động, dự án sản xuất kinh doanh trong một thời gian nhất định và tại một, một số địa điểm cụ thể, dưới một hình thức đầu tư nhất định tại một quốc gia khác.
Hiểu một cách đơn giản hơn, vốn đầu tư nước ngoài là nguồn vốn từ nhà đầu tư (tổ chức/cá nhân) của một quốc gia bỏ ra để đầu tư vào một dự án, hoạt động kinh doanh tại quốc gia khác với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Chẳng hạn dự án đầu tư phát triển kinh tế của Việt Nam có vốn đầu tư từ một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ, thì nguồn vốn đó gọi là vốn đầu tư nước ngoài.
Vốn đầu tư nước ngoài là nguồn vốn do nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra để đầu tư
Các dấu hiệu nhận biết một nguồn vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động đầu tư có nguồn vốn nước ngoài có các dấu hiệu sau:
- Người bỏ vốn đầu tư là các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Điều 3 Luật Đầu tư 2020 còn quy định rõ: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”
- Vốn đầu tư được dịch chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc có nguồn gốc đầu tư tại Việt Nam. Đó có thể là tiền mặt, tài sản bằng hiện vật hoặc quyền tài sản;
- Hoạt động đầu tư được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam để thu lợi nhuận. Lợi nhuận này có thể được chuyển ra nước ngoài hoặc dùng để tái đầu tư tại Việt Nam;
- Hoạt động đầu tư có thể được thực hiện dưới các hình thức như: hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, khi tìm hiểu về vốn đầu tư nước ngoài, cần phải xác định được các yếu tố sau:
- Quốc tịch của các nhà đầu tư
- Hoạt động kinh doanh mà nhà đầu tư rót vốn vào
- Vốn đầu tư: Điều này giúp xác định được quy mô đầu tư, năng lực tài chính của nhà đầu tư và tính khả thi của việc thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam
- Hình thức đầu tư: Cần tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam
Tầm quan trọng của vốn đầu tư nước ngoài
Vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa và tầm quan trọng nhất định đối với việc phát triển kinh tế. Cụ thể như sau:
- Việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, qua đó đổi mới mô hình tăng trưởng đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.
- Những dự án có vốn đầu tư nước ngoài có hiệu quả sẽ là yếu tố tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam
- Đối với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài còn tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Từ đó từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài góp phần tạo việc làm cho người dân Việt Nam, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong nước
Phân loại vốn đầu tư nước ngoài
Vốn đầu tư nước ngoài thông thường được phân thành 2 loại sau đây:
- Vốn đầu tư trực tiếp: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay còn được gọi là vốn đầu tư FDI. Đây là vốn đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này. Lúc này nhà đầu tư thường hay được gọi là công ty mẹ và các tài sản được gọi là công ty con hay chi nhánh công ty. Vốn FDI là nguồn tiền hoặc dòng tiền được đầu tư trực tiếp từ cá nhân hay tổ chức nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau.
- Vốn đầu tư gián tiếp: Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài còn được gọi là vốn đầu tư ODA. Đây là nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư như: Chính phủ, các nước trực thuộc Liên hợp quốc, Tổ chức phi chính phủ, Tổ chức tài chính quốc tế… đầu tư cho các nước đang và kém phát triển nhằm mục đích để phát triển kinh tế – xã hội. Nguồn vốn này thường được thể hiện thông qua một khoản vay dài hạn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất dành cho Chính phủ một nước được đầu tư.
Vốn đầu tư FDI là nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài
Các hình thức đầu tư có nguồn vốn từ nước ngoài
Đối với hoạt động đầu tư có vốn nước ngoài, theo quy định tại Luật Đầu tư 2020, có các hình thức đầu tư cụ thể như sau:
Đầu tư thành lập các tổ chức kinh tế
Việc thành lập các tổ chức kinh tế thông thường là nguồn vốn đầu tư trực tiếp FDI và được thực hiện thông qua 2 phương thức:
- Thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài
- Thành lập công ty giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc Chính phủ trong nước và nhà đầu tư nước ngoài
Đối với hình thức đầu tư này, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Đây là hình thức đầu tư với nguồn vốn đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức này sẽ được thực hiện thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác. Nhà đầu tư chỉ góp vốn mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Khi thực hiện hình thức đầu tư này, nhà đầu tư cần tuân thủ các hình thức, thủ tục về góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
Đầu tư thực hiện các dự án đầu tư
Đây là hình thức đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn ra để thực hiện các dự án đầu tư cụ thể, có thể ký kết hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP). Phương thức đầu tư này được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, thông qua việc ký kết hợp đồng PPP để thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện dự án đầu tư PPP. Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều dự án nhận được sự đầu tư vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng những tháng đầu năm 2021, có 5 dự án đầu tư nước ngoài với quy mô lớn đã rót nguồn vốn khả quan vào Việt Nam.
Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Nguồn vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC được hiểu là hình thức đầu tư được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới.
Đây là hình thức đầu tư giúp các nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư nhanh chóng mà không mất thời gian, tiền bạc để thành lập và quản lý một pháp nhân mới được thành lập. Đối với hợp đồng BCC có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ngoài các hình thức đầu tư trên, nguồn vốn đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Dù nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức nào thì nhà đầu tư đều cần phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thực hiện các hoạt động đầu tư.
Vốn đầu tư nước ngoài có thể được đầu tư theo nhiều hình thức khác nhau
Các quy định về vốn đầu tư nước ngoài
Đối với vốn đầu tư nước ngoài, Thông tư 06/2019/TT-NHNN có một số quy định cụ thể về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam như sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam theo mức vốn góp của nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành), Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, hợp đồng PPP đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.
- Người cư trú là nhà đầu tư Việt Nam được góp vốn đầu tư bằng nguồn ngoại tệ tự có.
- Việc góp vốn đầu tư bằng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam phải được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
- Các nội dung liên quan đến các khoản vay nước ngoài ngắn, trung và dài hạn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (giao dịch thu tiền rút vốn, chi trả tiền gốc, lãi, phí; tài khoản vay, trả nợ nước ngoài) thực hiện theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Việc sử dụng lợi nhuận được chia của nhà đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối và các quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với việc chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài, Điều 9 Thông tư 06 quy định rõ”
“1. Nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển ra nước ngoài thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp:
a) Vốn đầu tư trực tiếp khi giảm vốn đầu tư; chuyển nhượng dự án đầu tư (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư này); kết thúc, thanh lý, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, hợp đồng BCC, hợp đồng PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư;
b) Tiền gốc, lãi và chi phí vay nước ngoài (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này), lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
2. Trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp do giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp hoặc do chuyển nhượng dự án đầu tư làm thay đổi pháp nhân đăng ký ban đầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch mua ngoại tệ, chuyển vốn đầu tư trực tiếp và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài”
Trên đây là các thông tin liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài. Hy vọng qua bài viết này các bạn đã nắm rõ được vốn đầu tư nước ngoài, phân loại cũng như dấu hiệu nhận biết về nguồn vốn của một nhà đầu tư cá nhân/tổ chức khi đầu tư ra nước ngoài hoặc khi Việt Nam nhận đầu tư từ nước ngoài.