SHB chuyển đến “nhà mới”: Hành trình tăng trưởng lớn đang bắt đầu? Update 11/2024

Hôm nay (11/10), “con cưng” của bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển) là ngân hàng SHB chính thức giao dịch trên sàn HOSE (Sở GDCK TP HCM), mở ra một thời kỳ mới khiến giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng.

Thông tin trên báo Kinhtedothi.vn cho hay, ngày đầu “chuyển nhà”, cố phiếu SHB tăng tốt cả về giá trị và khối lượng giao dịch. Theo đó, kết phiên giao dịch sáng 11/10, cổ phiếu SHB khá tích cực khi liên tục tăng giá với mức tăng khá tốt. Có thời điểm cổ phiếu của SHB đã đạt mốc 30.000 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên, SHB tăng 2,08% lên mốc 29.500 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, toàn phiên có tới hơn 27,1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Đến hết phiên vẫn còn dư mua hơn 533 nghìn cổ phiếu và dư bán hơn 268 nghìn cổ phiếu. Những con số ấn tượng này có thể xem là “lộc lá” trong phiên giao dịch đầu tiên tại “nhà mới” của SHB.

SHB giao dịch trên sàn HOSE

SHB chính thức “chuyển nhà”, giao dịch trên sàn HOSE từ 11/10/2021

Từ năm 2009, cổ phiếu của ngân hàng SHB chính thức được niêm yết và giao dịch tại HNX. Suốt thời gian giao dịch trên HNX, cổ phiếu của bầu Hiển luôn nằm trong nhóm những cổ phiếu có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao, thông tin minh bạch và ảnh hưởng tích cực đến diễn biến của thị trường.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHB luôn nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Bởi vậy khi SHB được chấp thuận chuyển giao dịch cổ phiếu SHB từ HNX sang HOSE khiến cổ đông cũng như giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng. Nhất là khi SHB đang ở thời điểm nhiều nguồn tiền nhất.

Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB, ông Đỗ Quang Hiển, việc cổ phiếu SHB xuất hiện tại HOSE vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với định hướng chiến lược của ngân hàng khi SHB đang hội tụ đầy đủ các yếu tố về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Sự kiện SHB giao dịch tại HOSE là sự kiện đặc biệt đánh dấu hành trình mới của ngân hàng. SHB tin tưởng sẽ mang đến một luồng gió mới, cảm hứng mới tràn đầy khí thế trên HOSE. Uy tín và năng lực tài chính vững mạnh của SHB cùng lợi thế của HOSE sẽ mang lại sức mạnh cộng hưởng, mở ra triển vọng mới cho cổ phiếu SHB.

Đặc biệt, việc chuyển sàn giao dịch còn là bước đi chiến lược nhằm đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, gia tăng sức hút khi giao dịch trên sàn giao dịch lớn nhất Việt Nam, từ đó, làm tăng giá trị thị trường của cổ phiếu SHB và đem lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông. Trước đó vào giữa tháng 8/2021 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho SHB tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10%.

Những động thái này cho thấy SHB đang bước vào hành trình chuyển động với nhiều chiến lược phát triển mới.

SHB được xem là “con cưng” của bầu Hiển. Nhà băng này gắn liền với thương hiệu bầu Hiển từ năm 2006. Năm 2012, SHB gặp khó khăn khi thực hiện sáp nhập với Habubank – một NHTM được đánh giá là yếu kém. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây hoạt động kinh doanh của SHB chứng kiến sự khởi sắc. Trong 5 năm, lợi nhuận của SHB đã tăng gấp gần 3 lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình là 23%/năm. Nửa đầu năm 2021, SHB báo lãi trước thuế tăng 86% so với cùng kỳ lên 3.095 tỷ đồng, hoàn thành hơn 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của SHB được kiểm soát ở 1,87%; SHB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, ở mức 2.258 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến cuối tháng 6/2021, dư nợ tín dụng của nhà băng đạt 332.000 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với đầu năm, còn huy động vốn tăng 12% lên 423.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của SHB đạt 458.877 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2021, tăng 11% so với thời điểm đầu năm và hoàn thành 99,5% kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, cuối tháng 8/2021, SHB đã chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. Theo Krungsri, giá trị của thương vụ chuyển nhượng này có thể lên đến 3.590 tỷ đồng. Thương vụ này không chỉ mang lại nguồn tiền lớn cho SHB mà còn là một điển hình về M&A chiến lược mang về khoản thặng dư hàng nghìn tỷ đồng từ việc bán công ty tài chính.

Trong một diễn biến khác, cuối tháng 9/2021, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc SHB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 7.413.377.700.000 đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ năm 2020 và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Việc tăng vốn điều lệ đã giúp SHB lọt top các ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam, thêm năng lực tài chính để mở rộng kinh doanh, đảm bảo các tiêu chẩn an toàn, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, tiến tới Basel III.

Năm 2021 có thể nói là năm có nhiều chuyển biến với SHB, mở ra một hành trình tăng trưởng đầy khả quan cho nhà băng này. Sau tăng vốn và “chuyển nhà”, SHB còn được Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX-ST) chấp thuận về nguyên tắc việc đăng ký niêm yết trái phiếu quốc tế đợt 1 theo Chương tình Euro Medium Term Note (EMTN) với giá trị tối đa 300 triệu USD.

Ngân hàng SHB

Ngân hàng SHB đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều sự kỳ vọng

Hiện SHB đang đứng trong Top 5 Ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam, Top 10 Ngân hàng Thương mại cổ phần uy tín nhất Việt Nam, Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam, Top 100 Ngân hàng khu vực ASEAN và và là 1 trong 10 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam… Trong tương lai, SHB không ngần ngại bày tỏ tham vọng mục tiêu tới năm 2025 sẽ trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả và công nghệ trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tầm nhìn tới năm 2030, SHB trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại trong Top đầu của khu vực.

Với uy tín và năng lực tài chính vững mạnh của SHB cùng lợi thế của HOSE chắc chắn sẽ mang lại sức mạnh cộng hưởng, mở ra những động lực tăng trưởng mới. Chúng ta cùng chờ đón những sự bứt phá của SHB trong thời gian tới.