Hộ kinh doanh là gì? Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh như thế nào? Update 11/2024

​Hộ kinh doanh là gì?

Hộ kinh doanh không phải loại hình doanh nghiệp vì vậy không được quy định điều khoản trong Luật doanh nghiệp. Khái niệm hộ kinh doanh được quy định trong Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể là Khoản 1 Điều 79:

“1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

Cũng giống như những quy mô kinh doanh khác, hộ kinh doanh cũng cần tìm ra ý tưởng kinh doanh sáng tạo và tận dụng những cơ hội kinh doanh để phát triển tốt hơn.

Hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong nhiều lĩnh vực

Hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong nhiều lĩnh vực

Chủ hộ kinh doanh tiếng Anh là gì?

Chủ hộ kinh doanh tiếng Anh gọi là Household Business.

Đặc điểm của hộ kinh doanh

Đối tượng thành lập hộ kinh doanh

  • Một công dân Việt Nam
  • Một nhóm người có quốc tịch Việt Nam
  • Một gia đình Việt Nam

Nếu cá nhân làm chủ hộ kinh doanh sẽ có toàn quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm người/một gia đình làm chủ thì mọi hoạt động kinh doanh của hộ do các thành viên trong nhóm hoặc trong hộ quyết định. Nhóm người hoặc hộ gia đình phải cử người có đủ điều kiện đại diện cho nhóm/hộ gia đình để tham gia giao dịch với bên ngoài.

Hoạt động sản xuất của hộ kinh doanh là nghề nghiệp thường xuyên

Hộ kinh doanh hoạt động thường xuyên, có quy mô nghề nghiệp ổn định mới phải đăng ký. 

Trường hợp các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, buôn chuyến, bán quà vặt, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp thì không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện.

Hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp

Theo khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, định nghĩa: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”.

Tuy hộ kinh doanh là mô hình khá chuyên nghiệp nhưng họ vẫn không có tư cách doanh nghiệp vì không có con dấu, không có quyền mở chi nhánh, văn phòng đại diện, không có quyền của doanh nghiệp như xuất nhập khẩu hay được phép áp dụng Luật phá sản khi kinh doanh thua lỗ.

Chủ thể cá nhân, nhóm người hay các thành viên trong hộ chịu trách nhiệm vô hạn

Nếu xuất hiện các khoản nợ, cá nhân hoặc các thành viên có trách nhiệm trả hết nợ, không phụ thuộc vào lượng tài sản kinh doanh hoặc dân sự mà họ đang sở hữu, cũng không dựa vào việc họ vẫn đang kinh doanh hay đã chấm dứt kinh doanh.

Khoản 3 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về tính trách nhiệm vô hạn này: “Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại”.

Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh

Hồ sơ thành lập hộ kinh doanh bao gồm các loại tài liệu, giấy tờ sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh điền đầy đủ nội dung: Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh, số điện thoại, số Fax, thư điện tử (nếu có, ngành nghề kinh doanh, số vốn kinh doanh, số lao động, thông tin nhân thân của cá nhân/nhóm người/hộ kinh doanh đăng ký;
  • Bản sao Thẻ CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực;
  • Bản sao biên bản hợp lệ họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do 1 nhóm người thành lập;

Sau khi hoàn thiện hồ sơ và nộp cho cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này có trách nhiệm trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh đủ các điều kiện sau đây trong thời hạn 3 ngày làm việc:

  • Ngành, nghề kinh doanh không nằm trong danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.
  • Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định được nêu tại Điều 73 của Nghị định này.
  • Người đăng ký hộ kinh doanh nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
  • Với những hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo rõ nội dung cần sửa đổi bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh để kịp thời bổ sung.

Trường hợp sau 3 ngày làm việc kể từ ngày người thành lập hộ kinh doanh gửi hồ sơ đăng ký mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh thì người đăng ký thành lập hộ kinh doanh có quyền gửi khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến hộ kinh doanh

Một người có được phép làm chủ hộ kinh doanh của 2 hộ kinh doanh không?

Căn cứ vào khoản 2 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cá nhân hoặc thành viên hộ kinh doanh đăng ký thành lập hộ kinh doanh chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Vì vậy, một người chỉ được làm chủ hộ kinh doanh của một hộ kinh doanh duy nhất.

Chủ hộ kinh doanh có được góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc mua cổ phần của công ty cổ phần không?

Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh, mô cổ phần hoặc phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân, không được lấy tư cách hộ kinh doanh để đầu tư.

Kết luật: Chủ hộ kinh doanh được góp vốn, mua cổ phần với tư cách cá nhân, chứ không lấy tư cách hộ kinh doanh.

Chủ hộ của hộ kinh doanh này có thể trở thành quản lý của chủ hộ kinh doanh khác không?

Hiện nay, pháp luật không cấm điều này nhưng cần lưu ý: Chủ hộ kinh doanh chỉ được phép tham gia quản lý hộ kinh doanh khác chứ không được trở thành thành viên của hộ kinh doanh.

Như vậy, khái niệm hộ kinh doanh là gì và những thông tin liên quan đã được giải thích rõ trong bài viết này để giúp những ai quan tâm hiểu rõ hơn.