Lợi nhuận ngành ngân hàng quý 3/2021: Bức tranh không hẳn là màu xám Update 11/2024

Lợi nhuận ngành ngân hàng luôn là câu chuyện được nhắc nhiều những ngày gần đây, nhất là khi các nhà băng đang rục rịch công bố báo cáo tài chính quý III/2021. Trước đó có nhiều dự báo về việc con số lợi nhuận của các ngân hàng quý III/2021 sẽ tăng chậm.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, 6 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3 đều tăng trưởng, lãi tăng đột biến với những con số ấn tượng. Điều này cho thấy bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng không hẳn là màu xám như dự báo trước đó. Cùng điểm qua kết quả kinh doanh quý 3 của các ngân hàng vừa công bố sau đây.

Ngân hàng NCB

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 3/ 2021 và gây ấn tượng với con số tăng trưởng vượt trội.

Theo báo cáo tài chính được NCB công bố, quý III/2021 tổng thu nhập hoạt động của NCB đạt 456,7 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng là mảng mang lại 96% thu nhập với 439,4 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ.

Các mảng kinh doanh ngoài cũng tăng trưởng mạnh. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ; Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi 54,6 tỷ đồng, gấp gần 4,3 lần so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, quý III/2021 lợi nhuận trước thuế của NCB tăng 15 lần so với cùng kỳ khi đạt gần 80 tỷ đồng; lãi ròng đạt 64 tỷ đồng, tăng 23 lần. Trong quý này NCB đã trích lập 132 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, con số này tăng 66 lần so với cùng kỳ.

Thống kê chung 9 tháng đầu năm 2021, NCB ghi nhận hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu và 206 tỷ đồng lãi trước thuế, với mức tăng lần lượt 28% và 610% so với cùng kỳ năm 2020.

Về tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 30/9/2021, tỷ lệ nợ xấu NCB là 1,93%, tăng cao so với con số 1,5% tại thời điểm cuối năm 2020; chỉ tiêu nợ cần chú ý cũng tăng gấp 4 lần.

Ngân hàng TPBank

Kết quả kinh doanh quý 3 của TPBank cũng có nhiều điểm sáng. Theo đó, tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 4% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý qua là 15%.

Về lợi nhuận, kết thúc 9 tháng TPbank đã đạt 75,76% kế hoạch cả năm. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên TPBank đề ra mục tiêu lợi nhuận 5.800 tỷ đồng trong năm 2021.

Như vậy, ước tính 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận của TPBank đạt khoảng 4.350 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Riêng quý III, lợi nhuận của ngân hàng đạt 1.344 tỷ đồng, tăng

Tỷ lệ nợ xấu của TPBank ở mức 1,02%, giảm so với tỷ lệ 1,43% cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận quý 3 TPBank

TPBank ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3/2021

Ngân hàng HDBank

Theo công bố của HDBank, tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của HDBank đạt hơn 346 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dư nợ tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Tổng thu nhập hoạt động của HDBank vượt 12.100 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở HDBank mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tại HDBank hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng với thu nhập thuần tăng 88,6% so với cùng kỳ.

Ngân hàng SHB

SHB cũng là ngân hàng có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tích cực trong quý 3/2021. Theo ghi nhận, tính đến 30/09/2021, tổng tài sản SHB đạt 464 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra cho cả năm.

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng quý III, SHB lãi hơn 1.880 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 1,5%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của SHB đạt 25,6%, tương đương với chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống.

Thành tích này của SHB đã phản ánh hiệu quả những đổi mới trong năm 2021 của nhà băng này. Thực tế trong năm 2021, SHB dã có nhiều thay đổi ấn tượng về giá trị chuyển đổi số cũng như chất lượng nhân sự cũng như thế mạnh tài chính. Sau khi tăng vốn điều lệ, SHB còn chuyển nhà từ HNX sang HOSE và được chấp thuận niêm yết khối lượng khủng trái phiếu trên sàn Singapore… Những dấu mốc này của SHB đã nhận được sự kỳ vọng của giới đầu tư về sự lớn mạnh và phát triển của nhà băng gắn liền với ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) trong tương lai.

Ngân hàng SeABank

Theo công bố kết quả kinh doanh 9 tháng, SeABank ghi nhận tổng tài sản hoàn thành 99,7% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Các chỉ tiêu khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng như:

  • Cho vay khách hàng hoàn thành 92% kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020;
  • Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hiệu quả ở mức 35,35%; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,68%.

Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank)

Theo công bố của Kielongbank, ngân hàng này đã thực hiện gần 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng đầu năm.

Lợi nhuận 9 tháng của Kienlongbank tương đương hơn 878 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý III, ngân hàng này lãi 72 tỷ đồng, tăng 76%.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Kienlongbank đạt 113,38% kế hoạch năm, tăng 31% so với đầu năm; dư nợ cấp tín dụng đạt 47.450 tỷ đồng, hoàn thành 80,08% kế hoạch năm; huy động vốn thị trường 1 đạt 92,04% kế hoạch năm.

Mới đây Kienlongbank cũng vừa có sự thay đổi nhân sự cao cấp. Theo đó, bàn Trần Tuấn Anh rời ghế Tổng Giám đốc Kienlongbank. Ông Trần Ngọc Minh được bổ nhiệm làm Quyền Tổng Giám đốc Kienlongbank.

Có thể thấy, dù bối cảnh dịch bệnh có nhiều khó khăn nhưng nhìn chung kết quả kinh doanh quý 3 của các ngân hàng vẫn có dấu hiệu khả quan và tích cực. 6 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý 3 thì cả 6 đều báo tăng lợi nhuận, thậm chí là tăng theo cấp số nhân như NCB, SHB, Kienlongbank.

Trước đó rất nhiều dự báo kết quả kinh doanh toàn ngành ngân hàng sẽ tăng chậm trong quý 3. Các bên phân tích cho rằng lợi nhuận quý 3 của các nhà băng sẽ tăng trưởng chậm lại so với các quý trước, tuy nhiên lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng dương. Thông tin trên CafeF, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo lợi nhuận của VPBank và MB sẽ vượt VietinBank.

Với “ông lớn” Vietcombank, SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế quý III tăng 0,3% lên 5.000 tỷ đồng nhờ tín dụng tăng trưởng khoảng 11,5% và lượng tiền gửi cũng tăng 7,3% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Kết quả quý III bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tăng chi phí tín dụng để chuẩn bị cho khả năng hình thành nợ xấu cao hơn sau một thời gian dài xã hội giãn cách ở các tỉnh miền Nam.

Lợi nhuận ngân hàng trong quý 3/2021

Kết quả kinh doanh ngành ngân hàng quý 3/2021 có nhiều khả quan?

Còn với VPBank, SSI kỳ vọng lãi trước thuế hợp nhất của ngân hàng này ở mức 3.200 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và giảm 36% so với quý trước. Thu nhập theo quý giảm mạnh là do quý II ghi nhận lãi từ giao dịch trái phiếu Chính phủ, nếu loại trừ khoản mục này, tăng trưởng thu nhập theo quý sẽ là âm 12%.

Tuy nhiên, trên thực tế con số lợi nhuận của các ngân hàng khó có thể dự báo. Lợi nhuận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Mức độ giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp của từng ngân hàng những tháng vừa qua
  • Kế hoạch trích lập dự phòng
  • Sự phân hóa trong hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng. Thông thường Ngân hàng Nhà nước sẽ giao hạn mức tăng trưởng tín dụng theo nguyên tắc ngân hàng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được xem xét phân bổ chỉ tiêu cao hơn. Chẳng hạn với tỷ lệ an toàn vốn cao hơn rõ rệt, các ngân hàng tư nhân như TPBank, MSB, MBBank… sẽ được giao “room” tăng trưởng cao hơn so với các ngân hàng thương mại nhà nước.

Chưa kể, quý 3/2021 hàng loạt ngân hàng đã triển khai việc hạ mạnh lãi suất cho vay, mức độ hỗ trợ ở từng nơi có sự chênh lệch. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ ngày 15/7 đến 31/8/2021, có 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện giảm tiền lãi hơn 8.800 tỷ đồng cho khách hàng, đạt 43,01% so với cam kết 20.600 tỷ đồng.

Những yếu tố này sẽ có sự tác động nhất định đến lợi nhuận ngành ngân hàng. Chúng ta cùng chờ đón các kết quả kinh doanh đến từ các ngân hàng khác trong thời gian gần. Từ đó sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về bức tranh lợi nhuận quý III/2021 của toàn ngành ngân hàng.