Cổ phiếu AMD: Giá trà đá nhưng vẫn đầy rủi ro cho nhà đầu tư Update 11/2024

Tôi thường không thích tìm hiểu về các cổ phiếu họ FLC vì như người ta thường nói: Bạn sẽ không bao giờ chỉ bắt gặp một con gián ở trong bếp. Nghĩa là sau khi bạn thấy một con gián thì không sớm thì muộn bạn sẽ bắt gặp họ hàng của chúng ở trong bếp nhà bạn. Vậy mà vẫn có nhiều người hỏi tôi là có nên mua cổ phiếu AMD, cổ phiếu ROS, cổ phiếu FLC…Bài này tôi sẽ điểm qua một vài chi tiết nổi bật về cổ phiếu AMD để các bạn cân nhắc trước khi đầu tư.

Có nên mua cổ phiếu AMD hay không?

Có nên mua cổ phiếu AMD hay không?

Phân tích nhận định cổ phiếu AMD

Phần lớn các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đòi hỏi nhiều thời gian và công sức tìm hiểu thì mới có thể hiểu được. Tuy nhiên, có những cố phiếu như kiểu cổ phiếu AMD thì càng tìm hiểu sẽ chỉ càng cảm thấy nghi ngờ và rủi ro. Yếu tố đạo đức của ban lãnh đạo rõ ràng là vấn đề cần cân nhắc đầu tiên khi phân tích các cổ phiếu họ FLC. Và rõ ràng những vấn đề của những doanh nghiệp họ FLC này cũng dễ dàng nhìn thấy được khi xem xét các số liệu trên báo cáo tài chính.

Khoản phải thu chiếm tới hơn 80% vốn chủ sở hữu của AMD

Khoản phải thu khách hàng, phải thu khác, tạm ứng…Luôn là các vấn đề nổi cộm ở các doanh nghiệp mà những người quản lý nó muốn điều chuyển tài sản sang các doanh nghiệp khác, phục vụ lợi ích của các doanh nghiệp khác mà không phục vụ lợi ích của cổ đông. Và khi khoản phải thu chiếm tới 80% vốn chủ sở hữu thì rõ ràng bạn có đủ nghi ngờ với ban lãnh đạo của doanh nghiệp.

Trong quá khứ, các nhà đầu tư đã từng phải nếm trái đắng khi chỉ trong vài tháng, toàn bộ tiền của JVC (Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật) đã được điều chuyển một cách hợp pháp sang các công ty liên quan tới lãnh đạo của doanh nghiệp và sau đó JVC lỗ ngay hơn 1.300 tỷ năm 2015 do phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu này, sau khi chủ tịch HĐQT rút khỏi hoạt động điều hành doanh nghiệp.

Còn bây giờ hãy quay lại với các khoản phải thu của cổ phiếu AMD. Trước tiên là số dư phải thu khách hàng tính tới 31/12/2019 theo báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Các khoản phải thu của AMD

Các khoản phải thu của AMD

Còn dưới đây là số dư tính đến 30/6/2020 trên báo cáo tài chính Quí II của AMD. Không có sự thay đổi đáng kể, các doanh nghiệp nợ AMD vẫn dường như không chịu trả nợ. Số dư tổng phải thu khách hàng vẫn khoảng trên 1.230 tỷ VNĐ. Điều đáng nói là Doanh thu nửa năm 2020 của AMD cũng chỉ đạt 601 tỷ VNĐ. Như vậy có thể thấy là FLC AMD gần như là bán hàng và không thèm thu tiền với các khoản phải thu khách hàng phần lớn là từ năm 2019.

Các khoản phải thu của AMD 2020

Các khoản phải thu của AMD 2020

Trên phần thuyết minh giao dịch, số dư với các bên liên quan, AMD không thuyết minh các doanh nghiệp này là các bên liên quan. Tuy nhiên, chỉ cần thực hiện một vài thao tác kiểm tra thông tin là tôi đã có đầy nghi ngờ về tính liên quan của các doanh nghiệp này. Bao gồm người đại diện pháp luật, địa chỉ đăng ký kinh doanh khiến tôi nghi rằng rõ ràng những khách hàng này đều là những bên liên quan trong họ FLC.

Kiểm tra sơ lược thông tin đăng ký kinh doanh của 4 khách hàng có số dư phải thu lớn nhất với AMD đến cuối năm 2019 thì bạn sẽ thấy có hai công ty do những người họ Trịnh là Trịnh Văn Đại và Trịnh Văn Nam đều ở Vĩnh Phúc là người đại diện pháp luật. Dĩ nhiên, bạn có quyền đặt câu hỏi những pháp nhân này có liên quan gì tới ông Trịnh Văn Quyết hay không?

Và hai công ty khác thì có địa chỉ đăng ký tại tòa nhà FLC Landmark Tower cũng địa chỉ đăng ký kinh doanh của FLC AMD.

Tương tự như các khoản phải thu khách hàng, khoản trả trước cho người bán cũng có số dư đặc biệt lớn với một nhà cung cấp là CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY LẮP CÔNG TRÌNH VIỆT HÀN. Điều đáng nói là công ty này tiếp tục là một doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại tòa nhà FLC Landmark Tower.

Số dư trả trước trên báo cáo tài chính của FLC AMD

Số dư trả trước trên báo cáo tài chính của FLC AMD

Thông tin nhà cung cấp nhận trả trước từ AMD

Bên cạnh các khoản phải thu khách hàng, trả trước cho người bán, AMD vẫn còn các khoản phải thu khác chủ yếu là tạm ứng cho nhân viên lên tới 114 tỷ tính tới 31/12/2019.

Tài sản của cổ đông AMD đã bị chuyển sang các bên khác

Những phân tích về cổ phiếu AMD ở trên đây, đặc biệt là ở các khoản phải thu chiếm tới hơn 80% vốn chủ sở hữu của AMD đã giúp bạn có cái nhìn về dòng tiền. Nghĩa là phần lớn tiền, tài sản của các cổ đông AMD đã bị chuyển sang các công ty khác (mà tôi nghi ngờ là các công ty liên quan tới lãnh đạo của FLC). Những công ty này không hoạt động phục vụ lợi ích cho các cổ đông AMD nhưng vẫn sử dụng các tài sản của cổ đông AMD từ năm này qua năm khác và chưa biết khi nào với hoàn trả lại cho cổ đông AMD. Dĩ nhiên, khả năng thu hồi của các khoản phải thu này bạn không thể dựa vào các báo cáo tài chính đã được kiểm toán mà phải dựa vào đánh giá của bản thân mình.

Với đầy những nghi ngờ về các vấn đề tiêu cực trong hoạt động điều hành doanh nghiệp, tôi tin là bạn sẽ có những lựa chọn phù hợp xem có nên đầu tư mua cổ phiếu AMD hay không. Còn tôi thì dĩ nhiên là lựa chọn tránh xa cổ phiếu AMD rồi. Và có lẽ để tiết kiệm thời gian, công sức của bản thân thì tôi cho rằng đây sẽ là lần cuối cùng tôi tìm hiểu về cổ phiếu AMD.