Ngành hàng không vẫn luôn là một ngành sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn để đầu tư vào các tài sản cố định. Tôi vốn chưa bao giờ cảm thấy an toàn với các cổ phiếu hàng không bị đẩy giá lên quá cao. Và trong bối cảnh hiện nay, khi những ảnh hưởng của covid chưa thể lường trước được thì nhìn nhận tương lai ngành hàng không lại càng quá khó. Cổ phiếu VietJet Air (VJC) trước dịch covid bản thân tôi đã cho rằng đã vượt quá giá trị nội tại và trong bối cảnh hiện nay thì lại càng không an toàn để đầu tư.
Tương lai của cổ phiếu VietJet Air bây giờ đã không còn màu hồng.
Cổ phiếu VietJet Air và triển vọng tiêu cực
Từ khi gia nhập thị trường đến nay, với mô hình là một hãng hàng không chi phí thấp LCC (Low cost carrier), VietJet Air đã giúp định hình lại thị trường hàng không ở Việt Nam và mang đến các cơ hội bay bình dân hơn cho mọi người. Dù chịu không ít những lời phàn nàn từ khách hàng, nhưng rõ ràng việc liên tục gia tăng chiếm lĩnh thị phần nội địa đã chứng minh một điều là người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chấp nhận những sự bực bội với mức giá rẻ hơn so với Vietnam Airline.
Tuy nhiên, dù tăng trưởng không ngừng và có kết quả kinh doanh rất tốt, VietJet Air cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong lĩnh vực mang tính chất hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng phổ thông. Với hàng không thì đó là giá, phần lớn khách hàng sẵn sàng đổi hãng bay khi tìm được mức giá tốt hơn. Và đặc biệt những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới tình hình tài chính của VJC trong thời gian tới.
Tình hình tài chính
Năm 2020, với ảnh hưởng tiêu cực của Covid, VietJet Air cũng không tránh khỏi kết quả kinh doanh bết bát với lỗ gộp hoạt động kinh doanh hàng không nửa đầu năm gần 1.000 tỷ và thoát lỗ nhờ dàn xếp giao dịch bán và thuê lại máy bay. Với mức lỗ gộp này, rõ ràng VietJet Air đã cho thấy khả năng chống chọi với các cú sốc về suy giảm nhu cầu tốt hơn rất nhiều so với hãng hàng không Vietnam Airline (cổ phiếu HVN).
Tuy vậy, với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tương lai ngắn hạn trong 1-2 năm phía trước vẫn vô cùng bất ổn. Và nếu như VietJet Air có tiếp tục kinh doanh thua lỗ thì điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu. Ở thời điểm hiện tại, trên thị trường du cung quá lớn và số lượng máy bay nằm một chỗ quá nhiều.
Hết quí II/2020, VietJet Air có nguồn vốn chủ sở hữu là khoảng 15.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là khoảng 34.000 tỷ đồng trong đó riêng các khoản vay tổng cộng là hơn 11.000 tỷ đồng. Vốn hóa của cổ phiếu VietJet Air thời điểm này là 52.000 tỷ VNĐ.
Ở mức giá này, cổ phiếu VJC có P/B = 3,7 và P/E (Trung bình lợi nhuận 2 năm 2018, 2019) là 11,5 lần. Tuy P/E là một trong những tiêu chí quan trọng khi xem xét định giá một doanh nghiệp nhưng với các doanh nghiệp có vay nợ lớn như các hãng hàng không thì tiêu chí này phải đánh giá rất cẩn thận. Lý do là doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn luôn có khả năng làm giảm chỉ số P/E và tăng ROE.
Dòng tiền tương lai: Việc định giá một cổ phiếu phụ thuộc rất lớn vào dòng tiền tự do tương lai của cổ phiếu đó mang lại cho nhà đầu tư. Với nhà đầu tư mua cổ phiếu VJC lúc này họ kỳ vọng trong tương lai dòng tiền tự do phải đạt mức lớn hơn 52.000 tỷ VNĐ (sau khi đã chiết khấu). Với những khoản nợ vay và nợ phải trả vô cùng lớn, gấp tới 2 lần vốn chủ sở hữu, việc ước tính tính khả thi và khi nào dòng tiền này trở lại với nhà đầu tư quả là không hề dễ dàng.
Cổ phiếu VJC và nhà đầu tư thận trọng
Với triển vọng trong ngắn hạn đầy tiêu cực, với nợ vay và đòn bẩy tài chính lớn, và đặc biệt là với mức định giá tôi đánh giá là quá cao, tối đánh giá việc đầu tư mua cổ phiếu Vietjet Air (VJC) ở mức giá hiện tại là không có bất kỳ chút biên an toàn nào cả. Dĩ nhiên, vẫn sẽ có những nhà đầu tư mua cổ phiếu VJC ở mức giá này và vẫn kiếm được tiền, có thể rất nhiều tiền khi bán được sau đó với giá cao hơn. Nhưng tôi đánh giá trên phương diện sở hữu và nắm giữa cổ phần. Thêm một lần nữa, tôi tiếp tục lựa chọn đứng quan sát hơn là mua cổ phiếu VJC ở mức giá hiện tại.