Nên mở tài khoản chứng khoán ở công ty chứng khoán nào 2020? Update 11/2024

Với nhà đầu tư mới thì việc đầu tiên cần làm để có thể mua cổ phiếu, đầu tư chứng khoán là mở tài khoản chứng khoán. Vậy nên mở tài khoản chứng khoán ở công ty nào? Có hai vấn đề quan trọng nhất là phí giao dịch và hệ thống công nghệ của các công ty chứng khoán. Chọn được công ty chứng khoán phù hợp sẽ giúp bạn tiết kiệm phí giao dịch mà vẫn cảm thấy thuận tiện trong sử dụng.

Nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu?

Nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu?

Các loại thuế, phí khi giao dịch chứng khoán

Với các nhà đầu tư cá nhân sẽ có một vài loại phí cơ bản và thuế thu nhập cá nhân khi tham gia đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Mình sẽ đi qua từng loại phí giao dịch và thuế để bạn nắm được. Có một số bạn hỏi là mở tài khoản chứng khoán có mất phí không mình trả lời luôn là không nhé. Việc mở tài khoản chứng khoán cũng khá giống mở tài khoản ngân hàng, hoàn toàn miễn phí.

Phí giao dịch (bắt buộc): Dù bạn mở tài khoản chứng khoán ở công ty nào đi chăng nữa thì cũng luôn có phí giao dịch khi bạn thực hiện mua hoặc bán cổ phiếu. Nghĩa là phí này công ty chứng khoán thu hai chiều của cả người mua và người bán. Đôi khi các công ty chứng khoán còn gọi phí này là phí môi giới chứng khoán. Hiện nay, mức phí này áp dụng đối với giao dịch online qua web/app chứng khoán phổ biến ở mức từ 0,15% – 0,25% giá trị giao dịch. Một số công ty chứng khoán có thể áp dụng mức phí cao hơn mức này.

Biểu phí giao dịch chứng khoán của SSI

Biểu phí giao dịch chứng khoán của SSI

Phí lưu ký chứng khoán (bắt buộc): Đây là khoản phí bạn phải trả cho công ty chứng khoán vì họ thu giúp Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Khoản phí này thu hàng tháng và thường cũng ít nhà đầu tư để ý vì nó không nhiều. Mức phí lưu ký tiêu chuẩn là 0,30đ/cổ phiếu/tháng. Nếu bạn có 100.000 cổ phiếu thì mỗi tháng sẽ mất 30.000đ phí lưu ký. Năm 2020 do ảnh hưởng của Covid nên mức phí này đang được giảm 10% còn 0,27đ/cp/tháng.

Thuế thu nhập cá nhân (khấu trừ): Ngay khi bạn bán cổ phiếu, các công ty chứng khoán sẽ tự động khấu trừ thuế TNCN từ việc bạn chuyển nhượng cổ phiếu. Mức thuế TNCN là 0,1% giá trị bán. Vì là thuế TNCN nên khoản thuế này chỉ thu khi bạn bán cổ phiếu mà không phải chịu khi bạn mua cổ phiếu.

Phí chuyển tiền: Nếu bạn chuyển tiền ra khỏi tài khoản chứng khoán thì cũng có thể phát sinh phí chuyển tiền. Các công ty chứng khoán sẽ thu phí theo biểu giá của các ngân hàng (thường từ 8.000đ – 11.000đ/ giao dịch) và cũng có những công ty chứng khoán miễn khoản phí này.

Phí dịch vụ môi giới (không bắt buộc): Nếu bạn sử dụng dịch vụ môi giới, tư vấn hỗ trợ của các nhân viên môi giới của các công ty chứng khoán thì bạn sẽ phát sinh thêm các khoản phí môi giới. Khoản phí này thì tùy công ty, tùy mức độ dịch vụ bạn sử dụng mà sẽ dao động rất đa dạng có thể lên từ 0,3%-0,5% giá trị giao dịch hoặc cao hơn nữa.

Một năm bạn sẽ tốn bao nhiêu thuế, phí?

Với giả định là nhà đầu tư cá nhân có số tiền 1 tỷ đồng, một năm quay vòng cổ phiếu 2 lần (6 tháng/1 lần) và mình không tính tới lãi lỗ khi bán cổ phiếu. Mình sẽ giúp bạn ước lượng các khoản phí sẽ phát sinh trong 1 năm để bạn có thể hình dung rõ hơn.

– Phí giao dịch: 1 Tỷ x 4 (2 lần mua và 2 lần bán) x 0,15% = 6.000.000đ. Nếu mức phí giao dịch là 0,25% thì phí giao dịch sẽ là 10.000.000đ. Như vậy bạn sẽ thấy tầm quan trọng của việc chọn công ty chứng khoán có mức phí rẻ sẽ tốt hơn rất nhiều mở tài khoản chứng khoán ở công ty có phí cao.

– Phí lưu ký: Giả sử cổ phiếu bạn sở hữu có giá trung bình là 10.000đ thì phí lưu ký 1 năm sẽ là: 1.000.000.000/10.000 x 0,3 x 12 = 360.000đ

– Thuế TNCN: Hai lần bán là 1.000.000.000 x 2 x 0,1% = 2.000.000đ

Với giả thiết 1 năm bạn quay vòng cổ phiếu 2 lần thì mức phí, thuế là như vậy. Trường hợp bạn lướt sóng cổ phiếu nhiều thì các khoản thuế phí sẽ tăng lên rất nhanh. Chính vì thế là tiêu chí hàng đầu khi mở tài khoản chứng khoán phải là chọn các công ty có mức phí hợp lý.

So sánh phí giao dịch các công ty chứng khoán lớn nhất

Mở tài khoản chứng khoán ở một trong những công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất hẳn là sẽ đảm bảo bạn an tâm về chất lượng dịch vụ. Thị trường có rất nhiều công ty chứng khoán, phần này mình sẽ so sánh phí dịch vụ của một số công ty chứng khoán lớn nhất. Bảng so sánh dưới đây áp dụng với các nhà đầu tư chủ động tự thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán online qua web/app của công ty chứng khoán mà không cần nhân viên môi giới tư vấn hay hỗ trợ đặt lệnh.

Biểu phí giao dịch online của các công ty chứng khoán

Biểu phí giao dịch online của các công ty chứng khoán

Như vậy bạn có thể thấy ngay cả trong những công ty chứng khoán lớn nhất thị trường thì phí cũng chênh lệch nhau kha khá. Có SSI và HSC là hai công ty có thị phần lớn nhất nhiều năm thì phí hiện vẫn cao hơn nhiều công ty khác. Trong nhóm các công ty này, mình đang sử dụng tài khoản chứng khoán của VNDirect và VPS. Mình khuyên bạn nên mở tài khoản chứng khoán tại VNDirect vì phí rẻ và hệ thống giao dịch online của VNDirect dùng rất sướng. Bạn có thể xem bài hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán online VNDirect thủ tục đăng ký tài khoản chứng khoán cực kỳ đơn giản.

Nên mở tài khoản chứng khoán ở công ty nào?

Trong nhóm những công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất thị trường thì bạn nên ưu tiên về mặt phí trước. Ở nhóm trên bạn có thể lựa chọn các công ty chứng khoán là Bản Việt, VNDirect, Mirae Asset, MB, FPT, Bảo Việt hay ACBS là các công ty chứng khoán có mức phí giao dịch rẻ ở mức 0.15%.

Ngoài vấn đề về phí giao dịch thì bạn có thể cũng quan tâm tới một số vấn đề khác nữa. Ví dụ trong nhóm các công ty chứng khoán có phí rẻ này thì có Mirae Asset có dịch vụ cho vay margin với lãi suất cạnh tranh rất hấp dẫn, hay VPS là công ty có thị phần số 1 về chứng khoán phái sinh tới thời điểm này, VNDirect thì có hệ thống giao dịch chứng khoán dùng cực kỳ thích, thân thiện người dùng và thủ tục mở tài khoản chứng khoán online ở VNDirect rất đơn giản. Bạn có thể mở tài khoản VNDirect online Tại đây.

Hy vọng các nội dung trong bài viết này sẽ giúp bạn lựa chọn được công ty chứng khoán phù hợp để mở tài khoản chứng khoán, bắt đầu công việc đầu tư chứng khoán của mình.