Tại sao đầu tư vào các quỹ đầu tư chủ động hầu hết đều thua quỹ ETF? Update 11/2024

Mấy ngày gần đây báo chí liên tục đưa tin về việc các quỹ ETF mới được thành lập ở Việt Nam. Giữa tháng 7/2020 thì quỹ VINACAPITAL VN100 ETF đã được niêm yết trên HOSE và mới đây thì thêm một quỹ của SSI là ETF SSIAM VN30 được cấp giấy phép lập quỹ. Như vậy tính tới thời điểm này trên thị trường có 4 quỹ ETF chính đầu tư thụ động mô phỏng theo các chỉ số là: Quỹ ETF VFMVN30, ETF SSIAM VN30, VINACAPITAL VN100 ETF, ETF SSIAM VNX50. Bài viết này sẽ giải thích tại sao việc đầu tư vào các quỹ đầu tư chủ động thường sẽ thua quỹ ETF.

Quỹ ETF mô phỏng VN30 của SSI được thành lập 2020

Quỹ ETF mô phỏng VN30 của SSI được thành lập 2020

Tại sao hầu hết các quỹ đầu tư chủ động về dài hạn sẽ thua quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số?

Mục tiêu hàng đầu của việc đầu tư cổ phiếu là ngoài việc kỳ vọng có lãi hơn so với gửi tiết kiệm, mua trái phiếu thì mục tiêu của hầu hết các nhà đầu tư là cần vượt trên mức lợi nhuận trung bình của thị trường (là mức tăng trưởng của VN-Index). Vì nếu không thể vượt được VN-Index thì hãy mua các quỹ ETF là cách đơn giản nhất để đạt được hiệu quả gần với VN-Index mà lại không phải làm gì.

Rất nhiều nhà đầu tư, các quỹ đầu tư tin rằng mình có khả năng đạt được hiệu quả tốt hơn mức trung bình trên thị trường chứng khoán. Họ là những nhà đầu tư chủ động, quỹ đầu tư chủ động.

Ngược lại với nhóm này là các nhà đầu tư thụ động, mua vào các quỹ ETF với mục tiêu đạt được mức sinh lời trung bình của thị trường. Những nhà đầu tư thụ động này trong bất kỳ khoảng thời gian nào cũng sẽ đạt được mức sinh lời gần với mức sinh lời của thị trường. Vì vậy, nhìn tổng thể thì các nhà đầu tư chủ động (bao gồm cả cá nhân và các quỹ) cũng sẽ chỉ có thể đạt mức lợi nhuận trung bình.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư chủ động sẽ phải chịu chi phí lớn hơn nhiều các nhà đầu tư thụ động vì họ giao dịch thường xuyên hơn, tốn nhiều khoản phí và thuế hơn. Vì vậy, kết quả tổng hợp của các nhà đầu tư chủ động, sau khi trừ các loại chi phí, thuế ​chắc chắn sẽ kém hơn so với các nhà đầu tư thụ động vào các quỹ mô phỏng chỉ số (quỹ ETF).

Chi phí sẽ đặc biệt tăng lên với các nhà đầu tư đầu tư vào các quỹ đầu tư chủ động do các khoản phí quản lý, phí giao dịch, lợi nhuận bị chia sẻ cho các quỹ đầu tư chủ động. Dù các quỹ này được điều hành bởi những người thông minh thì về dài hạn các chi phí này khiến các nhà đầu tư vào các quỹ đầu tư chủ động gặp bất lợi vô cùng lớn. Vì vậy mà theo thời gian, phần lớn các nhà đầu tư vào các quỹ ETF chi phí thấp sẽ đạt được tỷ lệ sinh lời tốt hơn so với việc đầu tư vào các quỹ đầu tư chủ động.

Các vấn đề của quỹ đầu tư chủ động

Các quỹ đầu tư chủ động trên thị trường luôn có các chuyên gia phân tích, chuyên gia kinh tế, chuyên gia đầu tư…Họ được tiếp cận các nguồn thông tin chính xác, nhanh và hiệu quả nhưng không vì thế mà họ có thể dễ dàng giúp các nhà đầu tư vào quỹ chiến thắng được chỉ số VN-Index. Lý do cốt lõi nhất chính là chi phí hàng năm không hề nhỏ đối với nhà đầu tư vào quỹ. Khi đầu tư vào các quỹ đầu tư chủ động, nhà đầu tư sẽ phải chịu rất nhiều khoản phí từ phí giao dịch, tới phí quản lý quỹ, chia sẻ lợi nhuận hàng năm…Tuy vậy, ngoài chi phí các quỹ này còn gặp nhiều vấn đề khác khiến hiệu quả đầu tư không thể vượt trội.

Quy mô vốn lớn

Các quỹ đầu tư chủ động thường huy động được một nguồn vốn rất lớn. Chính vì thế, việc giải ngân không hề dễ dàng. Với nhà đầu tư cá nhân bạn có thể dễ dàng mua cổ phiếu với số vốn 1 tỷ, 2 tỷ hay 10 tỷ. Nhưng khi có một số tiền 1.000 tỷ, các quỹ sẽ không thể đầu tư vào các công ty vốn hóa nhỏ trên thị trường. Khi đó, các cơ hội đầu tư tốt đã bị giới hạn đi một cách đáng kể.

Dòng tiền vào quỹ thay đổi thất thường

Khi quỹ đầu tư hoạt động hiệu quả một vài năm vượt cao so với VN-Index, mọi người sẽ đổ xô đầu tư vào quỹ khiến cho lượng tiền của quỹ tăng lên đáng kể. Điều này khiến việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư càng trở nên khó khăn và sẽ dần làm giảm hiệu quả đầu tư của quỹ theo thời gian. Ngược lại, những năm quỹ thua lỗ thường sẽ khiến các nhà đầu tư vào quỹ rút vốn khiến các quỹ tiếp tục phải bán cổ phiếu (dù đang lỗ) trong lúc thị trường giảm sâu để trả tiền cho các nhà đầu tư khiến các nhà đầu tư vào quỹ thua lỗ càng nặng.

Xu hướng hành động giống các quỹ khác

Danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư chủ động thường có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, danh mục cổ phiếu Blue Chip. Điều này không có gì là sai lầm nhưng mức giá nào mà quỹ giải ngân mới là điều quan trọng. Nỗi lo sợ của các nhà quản lý quỹ là mình bị thua xa các quỹ khác còn đáng sợ hơn rất nhiều so với việc thua chỉ số VN-Index. Chính vì vậy mà nhiều nhà quản lý quỹ sẽ có xu hướng hành động giống nhau để tránh việc bị “mất mặt” do thua kém quá nhiều các quỹ khác.

Tóm lại là nội dung bài viết này mục đích của mình đưa ra một lời khuyên là nếu bạn định đầu tư vào các quỹ đầu tư chủ động thì hãy cân nhắc, lựa chọn đầu tư vào các quỹ mô phỏng chỉ số đã chứng minh về dài hạn mang lại lợi nhuận tốt hơn cho nhà đầu tư.