Mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt nhất, phí thấp nhất? Update 11/2024

Những nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường chứng khoán sẽ luôn băn khoăn là không biết nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt nhất? Nói cụ thể ra thì những tiêu chí này có thể chuyển thành mở tài khoản chứng khoán ở đâu an toàn, thủ tục đơn giản, phí thấp…Bài viết này mình sẽ nói tổng quan về việc mở tài khoản chứng khoán và đưa ra một vài gợi ý để bạn lựa chọn công ty để mở tài khoản chứng khoán.

Tuy nhiên, bạn hãy luôn ghi nhớ một điều là về dài hạn các khoản phí giao dịch luôn trở thành một gánh nặng ăn mòn lợi nhuận của nhà đầu tư. Vì vậy, tiêu chí hàng đầu luôn luôn cần cân nhắc đó là phí giao dịch. Ở đâu phí giao dịch thấp thì đó sẽ là nơi bạn nên ưu tiên mở tài khoản chứng khoán. Dĩ nhiên, cũng cần chọn một công ty uy tín một chút để tránh các rủi ro tiền của bạn có thể bị công ty chứng khoán lạm dụng như đã từng xảy ra trước đây.

Nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt nhất?

Nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt nhất?

Các loại phí giao dịch chứng khoán

Khi tham gia vào thị trường chứng khoán, phí giao dịch là điều bạn không tránh khỏi. Người nước ngoài thường có câu ngạn ngữ đại loại như là dù nhà đầu tư có lãi hay lỗ thì phí không bao giờ ngủ. Vì vậy, hãy luôn cố gắng tiết kiệm các loại phí và ưu tiên mở tài khoản chứng khoán ở công ty có phí rẻ.

Khi giao dịch chứng khoán bạn sẽ phát sinh các loại phí sau: phí mua bán, phí lưu ký, phí môi giới, lãi suất vay margin, phí chuyển quyền…Không phải tất cả các loại phí này đều phát sinh cùng lúc mà nó phát sinh tùy thuộc vào hành động của nhà đầu tư.

– Phí mua bán chứng khoán: Khoản này phát sinh khi bạn thực hiện giao dịch mua/bán cổ phiếu, trái phiếu. Bạn cần lưu ý là phí này phát sinh cả khi bạn mua và bán chứng khoán. Ngoài ra, khi bán chứng khoán bạn còn bị khấu trừ cả tiền thuế TNCN nữa nhé. Mức thuế hiện tại là 0,1% giá trị bán.

– Phí lưu ký: Phí lưu ký chỉ áp dụng với các tài khoản chứng khoán có số dư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu). Khoản phí này thường không khác biệt giữa các công ty chứng khoán nên sẽ không ảnh hưởng tới quyết định là nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt.

– Phí môi giới: Phí này phát sinh khi bạn đăng ký các dịch vụ tư vấn môi giới chứng khoán của các công ty chứng khoán. Nếu bạn không sử dụng dịch vụ này thì sẽ không phát sinh phí. Bản chất dịch vụ này là bạn sẽ được nhận các thông tin, nhân viên môi giới tư vấn, cung cấp thông tin giúp bạn ra quyết định đầu tư.

– Lãi suất vay margin: Đây là lãi suất áp dụng với khoản tiền bạn vay công ty chứng khoán đề đầu tư cổ phiếu. Tùy công ty mà chính sách lãi suất sẽ khác nhau.

Phí mua bán cổ phiếu tính như thế nào?

Năm 2018, mức phí này phổ biến từ 0,15% – 0,25% giá trị giao dịch. SSI hiện là công ty thu phí cao nhất thị trường (0,25%). Năm 2019, quy định về mức phí sàn 0,15% đã được dỡ bỏ và thời gian tới chắc chắn nhà đầu tư sẽ được lợi từ thay đổi này. Hiện nay, một số công ty chứng khoán như VPBS, Chứng khoán Đại Nam đang quảng cáo miễn phí giao dịch mua bán chứng khoán (dĩ nhiên là cũng sẽ có một thời hạn nào đó thôi).

Những nhà đầu tư giao dịch càng nhiều thì thường sẽ được hưởng các ưu đãi giảm phí từ các công ty chứng khoán. Ở góc nhìn khác rộng hơn thì phí môi giới cũng có thể được coi một loại phí giao dịch chứng khoán. Phí mua bán chứng khoán có môi giới viên tham gia luôn cao hơn so với phí khi bạn độc lập thực hiện giao dịch (ví dụ qua internet, mobile app).

Khi bạn mua bán chứng khoán online, phí giao dịch sẽ được tự động trừ từ tài khoản giao dịch của bạn. Bạn không thể mua khi không có đủ tiền trong tài khoản. Ví dụ, bạn mua 100 cổ phiếu VNM giá 150.000đ. Tổng cộng là 15 triệu, cộng phí 0,15% là 22.500đ. Nên, mức tối thiểu bạn cần chuyển tiền vào tài khoản chứng khoán là 15.022.500đ.

Với hầu hết các nhà đầu tư cá nhân, phí giao dịch này là khoản phí lớn nhất khi đầu tư chứng khoán. Vì vậy việc chọn mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt nhất cũng sẽ chính là việc chọn mở tài khoản chứng khoán ở đâu có phí thấp nhất thị trường.

Phí giao dịch càng lớn thì lợi nhuận của bạn càng ít

Phí giao dịch càng lớn thì lợi nhuận của bạn càng ít

Lời khuyên cho nhà đầu tư: Theo nhiều thống kê, các nhà đầu tư cá nhân giao dịch ít thường thu được lãi cao hơn các nhà đầu tư giao dịch liên tục trong dài hạn. Vì vậy, hãy luôn cố gắng hạn chế phí giao dịch và giao dịch ít thôi.

Mức phí lưu ký cổ phiếu là bao nhiêu?

Trước khi nói về mức phí cụ thể, mình sẽ giải thích nhanh lưu ký chứng khoán là gì. Lưu ký chứng khoán là dịch vụ được cung cấp bởi Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Đây là một cơ quan trung gian của nhà nước có vai trò quản lý, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp liên quan tới chứng khoán của người sở hữu. Tất cả các công ty niêm yết đều phải niêm yết chứng khoán tại VSD. Hàng tháng VSD thu các khoản phí lưu ký này thông qua các công ty chứng khoán.

Khoản phí lưu ý hàng tháng bạn trả là khoản công ty chứng khoán thu hộ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Điều khác biệt với phí lưu ký là nó không tính theo % như các phí khác, mà nó được tính cố định theo số lượng cổ phiếu, trái phiếu.

Hiện nay, mức phí lưu ký là 0,4đ/cổ phiếu/tháng và 0,2đ/trái phiếu/tháng. Ví dụ, nếu bạn Sở hữu 1000 cổ phiếu VNM, thì bạn sẽ mất 400đ/tháng là phí lưu ký chứng khoán.

Lãi suất vay margin bao nhiêu?

Mua ký quỹ là việc bạn mượn tiền (một phần) để mua chứng khoán. Và khi bạn vay tiền công ty chứng khoán để đầu tư thì nghiệp vụ này được gọi là vay margin. Khi đó, bạn sẽ phải thanh toán các khoản lãi vay margin hàng tháng.

Trên thị trường hiện nay, lãi vay margin đang dao động phổ biến từ khoảng 6 – 12% năm. Mức lãi suất này thay đổi tùy theo từng công ty và tùy từng thời kỳ. Khi lãi suất ngân hàng tăng lên thì lãi vay margin cũng được điều chỉnh tương ứng.

Thông thường, lãi suất vay margin sẽ luôn lớn hơn lãi suất tiết kiệm trung bình 12 tháng trên thị trường. Lý do là các công ty chứng khoán coi nghiệp vụ cho vay margin là một hoạt động kinh doanh sinh lời quan trọng của họ và phải có lãi thì họ mới làm. Mức lãi vay margin thấp thường chỉ có trong một số chương trình khuyến mãi thu hút nhà đầu tư thôi.

Ví dụ, bạn vay 50% của 1 triệu trong tài khoản, tức là 500.000đ. Công ty chứng khoán tính lãi 0,04%/ngày. Vị chi mỗi ngày bạn phải trả họ 20.000đ. Trong 30 ngày, tổng lãi vay sẽ tăng lên 600.000đ.

Lời khuyên cho nhà đầu tư cá nhân: Đừng kỳ vọng làm giàu nhanh chóng và hãy luôn cố gắng tránh xa hình thức vay margin để đầu tư. Đây là một trong những cách nhanh nhất để bạn bị cháy tài khoản và trở nên thua lỗ nặng. Vay margin khiến bạn sẽ khó kiểm soát cảm xúc khi tài khoản bị lỗ và rất dễ đưa ra các quyết định đầu tư sai lầm.

Phí môi giới chứng khoán bao nhiêu?

Vai trò của một môi giới viên là hỗ trợ bạn trong quá trình mua bán. Họ là người được đào tạo về chuyên môn. Vì vậy, họ thường có nhiều thông tin hữu ích để cung cấp cho các nhà đầu tư không có chuyên môn về tài chính, kế toán. Trong nhiều trường hợp, môi giới viên cũng có thể giúp bạn quản lý tài khoản và đại diện bạn giao dịch.

Về mặt phí môi giới hiện nay, nhìn chung là tương đối đa dạng. Nếu bạn giao dịch số lượng lớn, ví dụ từ 10.000 cổ phiếu trở lên, phí môi giới có thể thỏa thuận được. Mặt khác, mức phí này thường dao động từ 0,15% đến 0,40%. Ngoài ra, nó cũng được tính theo cấp bậc thang tỷ lệ nghịch với giá trị giao dịch.

Nếu bạn chọn môi giới viên, đây là mức phí mua bán bạn trả. Ví dụ, với một nhà đầu tư độc lập, phí mua bán cố định là 0,15%. Còn với một nhà đầu tư có môi giới viên, phí là 0,35% nếu bạn giao dịch dưới 100 triệu và là 0,15% khi bạn giao dịch trên 1 tỷ.

Mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt nhất?

Qua các phần tổng quan ở trên, hẳn là bạn đã có được những kiến thức cơ bản để đưa ra quyết định là mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt nhất rồi. Tiêu chí hàng đầu là chọn những công ty có phí giao dịch thấp và đó cũng phải là những công ty chứng khoán uy tín. Ví dụ như HSC, VNDirect, VPBS, VCBS, TCBS…Ví dụ dưới đây so sánh phí giao dịch của một vài công ty chứng khoán lớn để bạn tham khảo.

Chứng khoán SSI: SSI tính phí tài khoản đầu tư độc lập 0,25%. Phí môi giới là 0,40% cho giao dịch dưới 50 triệu và 0,25% khi từ 500 triệu trở lên. Phí mua bán trái phiếu là 0,05-0,10%. Lãi suất vay margin 0,0389%/ngày với tỷ lệ cho vay 10-50% và thời gian đáo hạn 90 ngày. 

Chứng khoán HSC: Phí môi giới là 0,35% cho giao dịch dưới 100 triệu và 0,15% khi mua bán trên 1 tỷ. Phí giao dịch trái phiếu là 0,10%. Lãi vay là 0,040% với tỷ lệ cho vay 0-50%. Thời gian đáo hạn là 90 ngày.

Chứng khoán VNDirect: Phí mua bán tài khoản độc lập VNDirect là 0,15-0,20%. Phí môi giới là 0,35% cho giao dịch dưới 80 triệu và 0,15% cho giao dịch từ 80 triệu trở lên. Phí mua bán trái phiếu là 0,02-0,10%. Lãi suất vay 0,0375% với tỷ lệ cho vay 10-50%, và đáo hạn trong 90 ngày.

Lời kết

Việc chọn mở tài khoản chứng khoán ở đâu tốt nhất thường chỉ cần dựa vào bảng phí giao dịch và uy tín của công ty chứng khoán thôi. Trong danh sách 10 công ty chứng khoán lớn nhất, bạn có thể chọn bất cứ công ty nào để mở tài khoản. Thủ tục mở tài khoản tại các công ty chứng khoán thường khá giống nhau và những công ty lớn thì bạn có thể yên tâm là tiền bạn chuyển vào tài khoản chứng khoán sẽ được đảm bảo không bị lạm dụng cho các mục đích khác.