Tìm hiểu thông tin về đầu tư, chứng khoán thì hẳn là bạn sẽ luôn gặp các thông tin liên quan tới công ty chứng khoán. Vậy công ty chứng khoán là gì và họ kinh doanh gì? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ vai trò, hoạt động của các công ty chứng khoán trên thị trường.
Công ty chứng khoán kinh doanh gì?
Công ty chứng khoán là gì?
Công ty chứng khoán là một doanh nghiệp trung gian về tài chính. Họ hoạt động trên thị trường chứng khoán với các công việc chủ yếu là: mua bán, môi giới chứng khoán, cung cấp dich vụ về chứng khoán, phát hành và bảo lãnh chứng khoán, tư vấn đầu tư và quản lý quỹ đầu tư.
Ở Việt Nam, các công ty chứng khoán chỉ được hoạt động dưới 2 dạng: Công ty cổ phần hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn. Trên thị trường hiện nay có khoảng gần 100 công ty chứng khoán còn đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng công ty chứng khoán hoạt động hiệu quả, tích cực thì không nhiều. Sự cạnh tranh khốc liệt khiến cho chỉ những công ty đủ mạnh về nhân lực, vốn, quản trị…mới có thể tồn tại và phát triển được.
Các dịch vụ công ty chứng khoán cung cấp là gì?
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của các công ty chứng khoán cung cấp các dịch vụ liên quan tới giao dịch chứng khoán. Các nghiệp vụ này xuất phát từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán – mở tài khoản giao dịch chứng khoán và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán.
Trong quá trình làm trung gian môi giới chứng khoán, các công ty chứng khoán có thể tư vấn đầu tư chứng khoán cho khách hàng, thay khách hàng đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán, thanh toán bù trừ chứng khoán, cung cấp dịch vụ cho vay đầu tư chứng khoán…
Ngoài ra, một số công ty chứng khoán còn cung cấp dịch vụ phân tích nghiên cứu thị trường, phân tích công ty/ cổ phiếu cụ thể. Họ có thể cung cấp cho khách hàng một hệ thống báo cáo, phân tích đánh giá chứng khoán chất lượng và đa dạng nhằm giúp khách hàng đưa ra quyết định đầu tư.
Các công ty chứng khoán cũng có thể cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư như: tư vấn cổ phần hóa, tư vấn tìm kiếm đối tác chiến lược, tư vấn phát hành, bảo lãnh phát hành và niêm yết chứng khoán,…Một số khác thì cung cấp dịch vụ nguồn vốn và đầu tư tài chính cho khách hàng.
Hoạt động tự doanh chứng khoán tuy không phải là một dịch vụ công ty chứng khoán cung cấp nhưng nó cũng là một hoạt động khá quan trọng của các công ty chứng khoán. Chi tiết về hoạt động tự doanh này mình sẽ nói thêm dưới đây.
Công ty chứng khoán nào lớn nhất hiện nay?
Tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (sàn HOSE), phần lớn thị trường môi giới chứng khoán được “thống trị” bởi 5 ông lớn. Đứng đầu là công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), đứng thứ 2 là công ty chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC). Đứng thứ 3 là công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), sau đó là 2 công ty chứng khoán VnDirect (VNDS) và MB (MBS). 5 công ty này đã cùng nhau chiếm gần 50% thị trường hoạt động của công ty chứng khoán.
Còn tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (sàn HNX), SSI cũng là công ty dẫn đầu thị trường. Tiếp theo lần lượt là Công ty chứng khoán VNDIRECT, công ty chứng khoán TP.HCM, công ty chứng khoán MB. Nếu bạn có nhu cầu mở tài khoản giao dịch chứng khoán thì cứ mở ở một trong những công ty này là yên tâm nhất. Lưu ý là SSI thì hiện có phí giao dịch cao nhất.
Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn
Đối với sàn UpCom, VNDIRECT vẫn là cái tên quen thuộc khi dẫn đầu thị trường môi giới chứng khoán. Tiếp theo đó cũng là công ty chứng khoán Sài Gòn và công ty chứng khoán Bản Việt.
Môi giới chứng khoán là gì?
Môi giới chứng khoán là công việc tư vấn, hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch chứng khoán.
Công việc chủ yếu của nhân viên môi giới chứng khoán là phân tích và giải thích cho khách hàng về phương thức hoạt động của thị trường chứng khoán, cách thức đầu tư mua bán cổ phiếu, trái phiếu…Họ thu thập thông tin từ thị trường và nghiên cứu, thẩm định chúng, sau đó cung cấp cho khách hàng và đưa ra lời khuyên để khách hàng có quyết định đầu tư hợp lý.
Nếu được uỷ thác, các nhà môi giới có thể thay khách hàng để thực hiện giao dịch chứng khoán. Nhờ có kinh nghiệm và chuyên môn của người môi giới đứng ra giao dịch, bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu cổ phiếu.
Lưu ký chứng khoán là gì?
Lưu ký chứng khoán là việc nhận ký gửi, bảo quản và chuyển giao chứng khoán an toàn, ghi nhận quyền sở hữu các chứng khoán này của khách hàng trên hệ thống tài khoản. Công việc này thuộc về một đơn vị trung gian, độc lập với người bán và người mua trên sàn chứng khoán nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch của giao dịch chứng khoán trên thị trường.
Tại Việt Nam, hoạt động lưu ký chứng khoán là do Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD quản lý và thực hiện. Luật chứng khoán Việt Nam quy định mọi công ty đại chúng phải lưu ký chứng khoán tại VSD mới được niêm yết và giao dịch trên sàn.
Việc lưu ký chứng khoán sử dụng hệ thống điện tử được lập ra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho người sở hữu chứng khoán. Ngoài ra, chúng cũng là để tiết kiệm chi phí in ấn chứng chỉ/ xác nhận sở hữu cổ phiếu…Chúng cũng đảm bảo việc thanh toán nhanh hơn và an toàn hơn, từ đó đẩy nhanh vòng xoay vốn của thị trường chứng khoán.
Sàn chứng khoán là gì?
Sàn chứng khoán là một địa điểm tập trung các giao dịch chứng khoán, bao gồm một mạng lưới những nhà môi giới chứng khoán, các công ty chứng khoán, người mua và người bán chứng khoán trên thị trường. Hoạt động chủ yếu diễn ra trên sàn chứng khoán là các giao dịch mua bán, chuyển đổi quyền sở hữu chứng khoán. Ngoài ra, sàn này cũng là nơi hỗ trợ phát hành chứng khoán ra công chúng.
Khác với hàng hóa thật được mua bán trên thị trường thông thường, hàng hóa được giao dịch trên sàn chứng khoán là các chứng khoán dưới dạng điện tử, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá. Chứng khoán phải đạt điều kiện niêm yết theo quy định của từng sàn chứng khoán thì mới được thực hiện giao dịch trên sàn đó.
Tại Việt Nam, chúng ta có 3 sàn giao dịch chứng khoán là: sàn HOSE (tại TP.HCM), sàn HNX (tại Hà Nội), và sàn UPCOM (tại Hà Nội). Chứng khoán được giao dịch trên 3 sàn này chủ yếu bằng cơ chế khớp lệnh liên tục hoặc thỏa thuận, thương lượng giữa người mua và người bán.
Hoạt động tự doanh chứng khoán là làm gì?
Tự doanh chứng khoán là việc các công ty chứng khoán tự tiến hành giao dịch mua, bán chứng khoán cho chính mình.
Mục đích của tự doanh chứng khoán hiển nhiên là để tăng thêm lợi nhuận cho công ty chứng khoán. Họ có thể làm nghiệp vụ này song song với việc tư vấn, môi giới chứng khoán cho khách hàng. Nghĩa là họ có thể vừa hỗ trợ khách hàng đặt lệnh giao dịch, vừa tự thực hiện giao dịch cho chính mình. Điều này có thể dẫn đến xung đột lợi ích giữa bản thân công ty chứng khoán và khách hàng là các nhà đầu tư.
Vì công ty chứng khoán có ưu thế về chuyên môn, tốc độ tiếp cận thông tin và sự chủ động trên thị trường chứng khoán, nên công ty chứng khoán luôn có lợi thế khi tự thực hiện doanh. Do đó, luật chứng khoán luôn yêu cầu tách biệt nghiệp vụ môi giới và nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán phải ưu tiên thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng trước khi thực hiện lệnh của mình.