Bất kỳ ai khi bắt đầu tìm hiểu về đầu tư chứng khoán cũng cần phải hiểu rõ thị trường chứng khoán là gì? Phân biệt các loại thị trường chứng khoán tập trung (HNX, HOSE, UpCom) và thị trường phi tập trung OTC. Bài viết này sẽ giúp bạn nắm được những thông tin cần thiết này, trước khi quyết định đầu tư chứng khoán.
Thị trường chứng khoán là gì?
Thị trường chứng khoán là nơi các nhà đầu tư mua bán chuyển nhượng, trao đổi các loại chứng khoán. Qua đó chứng khoán được chuyển giao quyền sở hữu từ người này sang người khác trên thị trường. Hàng hóa giao dịch trên thị trường chứng khoán gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ quỹ…Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán hiện nay đã giao dịch bốn loại chứng khoán này trong đó cổ phiếu và trái phiếu chiếm tỷ trọng phần lớn các giao dịch.
Phân loại thị trường chứng khoán: Có nhiều cách phân chia thị trường chứng khoán. Theo phạm vi loại giao dịch thì có thể chia thị trường chứng khoán thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Thị trường sơ cấp giao dịch các loại chứng khoán lần đầu tiên từ nhà phát hành. Sau đó, cổ phiếu và trái phiếu được mua bán ở thị trường thứ cấp.
Không có ranh giới phân chia rõ ràng hai loại thị trường này, sự khác biệt được nhận biết dựa trên mục đích của giao dịch phát hành chứng khoán là sơ cấp (lần đầu) hay thứ cấp (mua bán lại sau đó).
Thị trường chứng khoán là gì?
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng và cả chính phủ. Nhờ có thị trường chứng khoán mà các tổ chức phát hành này mới nhanh chóng có nguồn vốn lớn để phát triển sản xuất, tiến hành các dự án chính phủ và thúc đẩy kinh tế.
Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán tập trung hiện có Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh và thị trường UpCom. Phần dưới đây sẽ đề cập giới thiệu thêm một số khái niệm giúp bạn hiểu rõ thêm thị trường chứng khoán là gì?
Sàn giao dịch chứng khoán HOSE là gì?
HOSE là tên viết tắt của “Ho Chi Minh Stock Exchange”, nghĩa là Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh. HOSE được thành lập vào 07/2000 và hoạt động như một công ty trách nhiệm hữu hạn.
Sàn HOSE là sở giao dịch chứng khoán chính thức tập trung, thuộc hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết của Việt Nam. Sàn HOSE có vai trò như một thị trường thứ cấp mà bạn có thể mua bán, trao đổi các loại trái phiếu, cổ phiếu và các công cụ tài chính khác. Đây cũng là nơi cổ phiếu doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ, trái phiếu chính phủ…được phát hành.
Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh
Cổ phiếu và các chứng chỉ quỹ đầu tư được giao dịch trên sàn này theo cơ chế đặt và khớp lệnh tự động. Chỉ số giá chứng khoán trong các phiên giao dịch tại HOSE được gọi chung là chỉ số VN-Index. Để giao dịch mua bán cổ phiếu thì bạn cần mở tài khoản giao dịch tại các công ty chứng khoán. Các công ty này có hệ thống công nghệ thông tin kết nối với các sàn HOSE, HNX và UpCom.
Sàn giao dịch chứng khoán HNX là gì?
HNX là tên viết tắt của “Hanoi Stock Exchange”, nghĩa là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Sàn HNX chính thức hoạt động từ năm 2005 (trước kia có tên gọi là Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội). Giống như HOSE, HNX hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và cũng là một thị trường tập trung nơi mà chứng khoán được niêm yết.
Sàn giao dịch chứng khoán HNX giữ vai trò tổ chức và quản lý thị trường giao dịch của các chứng khoán niêm yết, đấu giá cổ phần và đấu thầu trái phiếu. Tại sở giao dịch chứng khoán có các loại cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ được giao dịch. Và đây cũng là nơi quản lý thị trường Upcom.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
Chỉ số giá chứng khoán được giao dịch trên sàn HNX được gọi là HNX-Index. Chứng khoán được giao dịch trên sàn này theo 2 phương thức là khớp lệnh liên tục và thỏa thuận. Các công ty chứng khoán có hệ thống công nghệ thông tin kết nối với HNX giúp nhà đầu tư dễ dàng mua bán cổ phiếu trên HNX.
Sàn giao dịch UPCOM là gì?
UPCOM là tên viết tắt của Unlisted Public Company Market, nghĩa là thị trường giao dịch chứng khoán dành cho các công ty đại chúng. Hiểu nôm na thì nhiều công ty chưa đủ điều kiện để niêm yết trên HNX, HSX thì có thể đăng ký niêm yết trên UPCOM. Sàn UPCOM đóng vai trò như một trạm trung chuyển, thử nghiệm các chứng khoán chưa niêm yết trước khi chúng được lên sàn HOSE và HNX.
Ra đời từ tháng 6/2009, sàn UPCOM có nhiệm vụ huy động vốn cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ/ doanh nghiệp chưa thể tuân thủ các quy định/ chuẩn niêm yết trên sàn HOSE và HNX. Hàng hóa trên sàn này gồm cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi của công ty đại chúng chưa niêm yết. Chứng khoán muốn được lên sàn UPCOM cần phải được đăng ký lưu ký tại trung tâm lưu ký trước đó giống như chứng khoán trên HOSE và HNX.
Giao dịch chứng khoán diễn ra trên sàn này bằng cơ chế khớp lệnh liên tục và thỏa thuận, giống như sàn HOSE và HNX. Tuy nhiên, vì là sân chơi chưa có các quy định chặt chẽ nên chất lượng doanh nghiệp cũng như quy mô của sàn UPCOM không thể bằng với HOSE và HNX.
Quy định niêm yết cổ phiếu trên HOSE, HNX và UPCOM khác gì nhau?
HOSE và HNX là 2 sàn giao dịch chứng khoán có quy định niêm yết nghiêm ngặt. Muốn được niêm yết, công ty cổ phần phải đạt nhiều tiêu chí quy định khác nhau. Ví dụ như: có ít nhất 1 năm hoạt động dưới hình thức cổ phần; có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên; công ty không được có lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu.
Đồng thời, công ty phải có ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn giữ ít nhất 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, để đảm bảo tính công bằng và minh bạch của việc kinh doanh. Quy định này cũng không áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá.
Không chỉ thế, cổ đông của công ty phải có đại diện là thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc hoặc kế toán trưởng của công ty. Cổ đông lớn phải cam kết giữ 100% cổ phiếu của mình trong 6 tháng đầu niêm yết; 50% trong 6 tháng tiếp theo…Vì vậy mà hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nhà nước lười lên sàn vì có quá nhiều quy định phải tuân theo.
Khác với 2 sàn trên, UPCOM có quy định niêm yết “dễ thở” hơn. Chỉ cần là công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc đã bị huỷ niêm yết trên HOSE/HNX thì vẫn có thể giao dịch trên UPCOM. Có một lưu ý bạn cần biết là các công ty niêm yết trên HOSE, HNX hay UPCOM đều phải lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD).
Lưu ký chứng khoán ở VSD là gì?
Trung tâm lưu ý chứng khoán Việt Nam (Vietnam Securities Depository) là một cơ quan độc lập đảm nhiệm việc thanh toán bù trừ cho các giao dịch chứng khoán. Đây là nơi doanh nghiệp đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán. Vì vậy, VSD nó giống một cơ quan giám sát đảm bảo quyền lợi, bảo mật thông tin cho nhà đầu tư giúp cho các giao dịch và thanh toán chứng khoán diễn ra an toàn, thông suốt.
Lưu ký chứng khoán: là việc ký gửi, bảo quản, chuyển giao và ghi nhận quyền sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư trên hệ thống của VSD. Theo luật, các công ty đại chúng luôn phải lưu ký chứng khoán tập trung tại VSD trước khi niêm yết và giao dịch chứng khoán trên sàn. Điều này đảm bảo quyền sở hữu của nhà đầu tư với chứng khoán họ đã mua và không ai có thể trục lợi, lấy cắp được.
Công ty chứng khoán có vai trò gì?
Công ty chứng khoán là một tổ chức trung gian về tài chính hoạt động trên thị trường chứng khoán. Hoạt động chính của các công ty chứng khoán là môi giới và tự doanh (tự kinh doanh đầu tư chứng khoán). Công ty chứng khoán có thể cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán cho khách hàng, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính và quản lý các quỹ đầu tư.
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Quy mô lớn nhất thị trường với thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất thì có những cái tên như SSI, HSC, VNDirect, Chứng khoán Bản Việt…Nếu bạn có nhu cầu đầu tư chứng khoán thì chắc chắn là sẽ cần mở một tài khoản chứng khoán ở một trong những công ty này.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ thị trường chứng khoán là gì, phân biệt các sàn giao dịch chứng khoán tập trung như HOSE, HNX, UPCOM và hiểu được các tổ chức chính tham gia trên thị trường là sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký, các công ty chứng khoán và nhà đầu tư.