HNX – Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là một trong 2 sở giao dịch chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam, bên cạnh sàn HOSE (Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM).
Đối với trái phiếu chính phủ, chủ yếu được niêm yết và giao dịch tại HNX. Khi giao dịch trái phiếu chính phủ trên HNX, nhà đầu tư cần tuân thủ các quy định liên quan đến thời gian giao dịch, lệnh giao dịch, phương thức giao dịch… cũng như quy trình giao dịch theo quy định của sàn HNX.
TPCP chủ yếu được giao dịch trên HNX
Thời gian giao dịch TPCP
Giao dịch trái phiếu chính phủ trên sàn HNX sẽ được thực hiện từ Thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, ngoại trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của luật lao động và những ngày nghỉ giao dịch theo quy định của cơ quan quản lý. Khung thời gian cụ thể như sau:
- Phiên sáng: Từ 9h00 – 11h30;
- Phiên chiều: Từ 13h – 14h45;
Các loại trái phiếu chính phủ được giao dịch
Trên sàn HNX, nhà đầu tư được giao dịch các loại trái phiếu chính phủ sau đây:
- Trái phiếu chính phủ có kỳ hạn danh nghĩa trên 1 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành;
- Tín phiếu Kho bạc do Kho bạc Nhà nước phát hành có kỳ hạn danh nghĩa không vượt quá 52 tuần;
- Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
- Trái phiếu Chính quyền địa phương.
Các loại hình giao dịch trái phiếu chính phủ
Đối với việc giao dịch trái phiếu chính phủ, tổ chức 4 loại hình giao dịch như sau:
- Giao dịch mua bán thông thường (giao dịch outright trái phiếu): Là giao dịch mà một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu công cụ nợ cho một bên khác và không kèm theo cam kết mua lại công cụ nợ.
- Giao dịch mua bán lại (giao dịch repo trái phiếu): Là giao dịch mà trong đó một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu công cụ nợ cho một bên khác, đồng thời cam kết sẽ mua lại và nhận lại quyền sở hữu công cụ nợ đó sau một thời gian xác định với một mức giá xác định. Loại hình giao dịch này sẽ gồm: Giao dịch bán (Giao dịch lần 1) và giao dịch mua lại (Giao dịch lần 2).
- Giao dịch bán kết hợp mua lại (SBB): Là giao dịch kết hợp hai giao dịch mua bán thông thường tại cùng một thời điểm với cùng một đối tác giao dịch, bao gồm một giao dịch bán công cụ nợ (Giao dịch thông thường lần 1) kết hợp với một giao dịch mua lại cùng công cụ nợ đó (Giao dịch thông thường lần 2) tại một thời điểm xác định trong tương lai.
- Giao dịch vay và cho vay (SBL): Là giao dịch trong đó bên đi vay thực hiện vay công cụ nợ và cam kết sẽ hoàn trả công cụ nợ đã vay cho bên cho vay sau một thời gian xác định. Giao dịch vay và cho vay được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên và trên hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc trên hệ thống vay, cho vay chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Các bên liên quan tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan đến khối lượng vay, tài sản vay và hoàn trả, tài sản đảm bảo, lãi suất vay và các điều khoản khác.Các thỏa thuận này đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và quy chế của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Phương thức giao dịch trái phiếu chính phủ
Đối với các giao dịch trái phiếu chính phủ trên hệ thống giao dịch, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội áp dụng các phương thức giao dịch như sau:
- Giao dịch thỏa thuận thông thường: Là phương thức giao dịch mà các bên tự thỏa thuận với nhau bằng công cụ gửi tin nhắn trên hệ thống giao dịch hoặc bằng các phương tiện liên lạc ngoài hệ thống về các điều kiện giao dịch và báo cáo kết quả vào hệ thống giao dịch để xác lập giao dịch.
- Giao dịch thỏa thuận điện tử: Là phương thức giao dịch mà trong đó các lệnh giao dịch được chào với cam kết chắc chắn và thực hiện ngay khi có đối tác lựa chọn mà không cần có sự xác nhận lại;
Các lệnh giao dịch trái phiếu chính phủ
Khi giao dịch trái phiếu chính phủ trên HNX, nhà đầu tư tùy thuộc vào phương thức giao dịch, loại hình giao dịch mà có thể lựa chọn các lệnh giao dịch tương ứng. Cụ thể như sau:
Lệnh theo phương thức giao dịch: Với mỗi phương thức giao dịch nhà đầu tư được lựa chọn lệnh giao dịch phù hợp theo quy định:
Phương thức giao dịch thỏa thuận điện tử: Nhà đầu tư có thể chọn các lệnh sau:
– Lệnh thỏa thuận điện tử toàn thị trường: Là các lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn có hiệu lực trong ngày được chào công khai trên hệ thống.
– Lệnh thỏa thuận điện tử tùy chọn: Nhà đầu tư chọn 2 lệnh sau:
- Lệnh yêu cầu chào giá: Đây là lệnh có tính chất quảng cáo được sử dụng khi nhà đầu tư chưa xác định được đối tác trong giao dịch. Lệnh yêu cầu chào giá có thể gửi đến một, một nhóm thành viên hoặc toàn thị trường.
- Lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn: Lệnh này được sử dụng để chào đối ứng với lệnh yêu cầu chào giá. Lệnh chào với cam kết chắc chắn chỉ được gửi đích danh cho thành viên gửi Lệnh yêu cầu chào giá.
Phương thức thỏa thuận thông thường: Nếu nhà đầu tư giao dịch theo phương thức thỏa thuận thông thường thì sẽ chọn lệnh báo cáo giao dịch trong ngày. Lệnh báo cáo được sử dụng để nhập giao dịch vào hệ thống trong trường hợp giao dịch đã được các bên thỏa thuận xong về các điều kiện trong giao dịch.
Lệnh theo từng loại hình giao dịch: Đối với từng loại hình giao dịch, HNX sẽ quy định các loại lệnh phù hợp như sau:
– Giao dịch mua bán thông thường:
- Lệnh thỏa thuận điện tử toàn thị trường
- Lệnh thỏa thuận điện tử tùy chọn;
- Lệnh báo cáo giao dịch.
– Giao dịch mua bán lại:
- Lệnh thỏa thuận điện tử tùy chọn;
- Lệnh báo cáo giao dịch.
– Giao dịch bán kết hợp mua lại:
- Lệnh thỏa thuận điện tử tùy chọn;
- Lệnh báo cáo giao dịch.
– Giao dịch vay và cho vay:
- Lệnh thỏa thuận điện tử tùy chọn;
- Lệnh báo cáo giao dịch.
Đối với việc hủy/sửa lệnh giao dịch, quy định của sàn HNX như sau:
- Nhà đầu tư được phép hủy/sửa lệnh giao dịch chưa được thực hiện
- Nhà đầu tư được phép thực hiện xin sửa lệnh đã được thực hiện trong thời gian giao dịch
- Đối với giao dịch repo trái phiếu chính phủ, giao dịch thỏa thuận đã thực hiện trên hệ thống không được phép huỷ bỏ.
Các quy định về mệnh giá, đơn vị giao dịch
Giao dịch trái phiếu chính phủ trên HNX được quy định cụ thể về mệnh giá, đơn vị giao dịch và biên độ giao động giá như sau:
- Mệnh giá: 100.000 đồng
- Đơn vị yết giá: 01 đồng
- Đơn vị giao dịch: 01 trái phiếu/tín phiếu.
- Biên độ giao động giá: không quy định
Khối lượng giao dịch tối thiểu
Sàn HNX có các quy định cụ thể về khối lượng giao dịch trái phiếu tối thiểu, tùy thuộc vào loại hình giao dịch trái phiếu. Theo đó:
– Đối với giao dịch mua bán thông thường Outright, khối lượng giao dịch sẽ tùy thuộc vào loại lệnh giao dịch như sau:
- Giao dịch mua bán thông thường TPCP theo phương thức thỏa thuận điện tử: Khối lượng giao dịch tối thiểu là 100 TPCP.
- Giao dịch mua bán thông thường TPCP theo phương thức thỏa thuận thông thường: Khối lượng giao dịch tối thiểu là 10.000 TPCP.
– Đối với giao dịch mua bán lại repo: Khối lượng giao dịch tối thiểu quy định đối với 1 mã TPCP là 100 TPCP.
Giao dịch TPCP trên HNX cần tuân thủ các quy định
Cách giao dịch trái phiếu chính phủ trên sàn HNX
Đối với giao dịch trái phiếu chính phủ, HNX quy định rõ quy trình giao dịch cho từng đối tượng nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Cách giao dịch cụ thể được thực hiện theo các bước như sau:
Đối với nhà đầu tư trong nước: Bạn thực hiện giao dịch trái phiếu chính phủ theo các bước như sau:
– Bước 1: Bạn mở tài khoản giao dịch (tài khoản tiền/chứng khoán, tài khoản giao dịch). Tùy nơi bạn mở tài khoản mà việc đặt lệnh sẽ được thực hiện khác nhau:
- Nếu mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán là thành viên thị trường TPCP: Công ty Chứng khoán sẽ có trách nhiệm đặt lệnh cho nhà đầu tư.
- Nếu bạn mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán không phải là thành viên thị trường TPCP: Công ty Chứng khoán nơi bạn mở tài khoản có trách nhiệm đặt lệnh cho khách hàng thông qua Công ty Chứng khoán thành viên.
- Nếu bạn mở tài khoản tại Ngân hàng thương mại (tài khoản tiền/chứng khoán): Nhà đầu tư phải đặt lệnh giao dịch qua Công ty chứng khoán.
– Bước 2: Ký quỹ giao dịch: Mức ký quỹ sẽ khác nhau tùy theo lệnh mua hoặc lệnh bán.
- Khi đặt lệnh mua TPCP: Nhà đầu tư ký quỹ tiền giao dịch theo mức thỏa thuận với Công ty Chứng khoán.
- Khi đặt lệnh bán TPCP: Nhà đầu tư phải có đủ số lượng TPCP đặt bán.
– Bước 3: Đặt lệnh giao dịch: Theo đó lệnh giao dịch được thực hiện qua Công ty Chứng khoán thành viên thị trường TPCP (trừ Ngân hàng thương mại là thành viên hệ thống giao dịch trái phiếu). Nhà đầu tư sẽ viết phiếu lệnh mua/bán TPCP theo mẫu của Công ty Chứng khoán.
– Bước 4: Nhận kết quả giao dịch chi tiết tại Công ty Chứng khoán đặt lệnh giao dịch.
– Bước 5: Thanh toán vào ngày làm việc kế tiếp ngày thực hiện giao dịch, tiền/chứng khoán sẽ được chuyển tới tài khoản của nhà đầu tư thông qua hệ thống thanh toán và bù trừ chứng khoán.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài: Nhà đầu tư nước ngoài khi giao dịch TPCP trên HNX sẽ phải đăng ký mã số giao dịch (đăng ký trực tiếp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, Công ty Chứng khoán, Ngân hàng Lưu ký). Sau đó thực hiện giao dịch TPCP theo các bước giống với nhà đầu tư trong nước.
Tổng quan thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ trên HNX
Thị trường trái phiếu Chính phủ tại HNX năm 2021 vẫn ghi nhận những diễn biến sôi động trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Theo đó trong tháng 6 năm 2021, số liệu thống kê của sàn HNX cho thấy giá trị giao dịch đã đạt 12 nghìn tỷ đồng/phiên. Trong đó:
Trên thị trường sơ cấp:
Thông qua 18 đợt đấu thầu trái phiếu được tổ chức tại HNX trong tháng 6/2021, Kho bạc Nhà nước đã huy động được tổng cộng 31.803 tỷ đồng trái phiếu, giảm 28% so với tháng trước. So với cuối tháng 5/2021, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước giảm tại các kỳ hạn 7, 10, 15 và 20 năm với mức giảm từ 0,01-0,09%/năm, giữ nguyên tại kỳ hạn 30 năm.
Tính đến hết quý 2/2021, HNX đã tổ chức được 94 đợt đấu thầu, huy động được 141.493 tỷ đồng trái phiếu cho Kho bạc Nhà nước đạt 40,4% kế hoạch huy động cả năm 2021 của Kho bạc Nhà nước.
Trên thị trường giao dịch thứ cấp:
Tháng 6/2021, trên thị trường giao dịch thứ cấp tổng giá trị giao dịch TPCP đạt 270.921 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 12.314 tỷ đồng/phiên, tăng 16,7% so với tháng 5/2021. Trong đó, giá trị giao dịch Repos chiếm 28,73% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tháng 6/2021 chiếm 1,54% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị mua ròng đạt 3.718 tỷ đồng.
Tính đến hết 30/6/2021, thị trường TPCP tại HNX có tổng dư nợ đạt 1,36 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,74% so với cuối năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm đạt 11.611 tỷ đồng/phiên, tăng 13,05% so với năm 2020. Trong đó, giao dịch Repos chiếm 33,75% tổng giá trị giao dịch, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 1,66%, NĐTNN mua ròng tổng cộng 9.567 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.
Trái phiếu Chính phủ vẫn là trái phiếu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhờ sự đảm bảo cao, độ rủi ro ít bởi trái phiếu này do Chính phủ phát hành. Giao dịch TPCP vẫn chủ yếu được thực hiện tại HNX nên nhà đầu tư nắm bắt được các quy định giao dịch sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều khi giao dịch mua/bán TPCP, từ đó thu về lợi nhuận ổn định.