Các cách tiết kiệm tiền cho tương lai hiệu quả mà ai cũng làm được Update 11/2024

Tương lai là điều bạn không thể đoán trước được và càng không thể biết điều gì có thể xảy ra. Tuy nhiên một sự chủ động về mặt tài chính sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ bạn thực hiện các dự định và nâng cao khả năng chống đỡ với các rủi ro có thể đến trong cuộc sống. Nếu không muốn những tháng ngày hưu trí phải sống trong sự lệ thuộc con cháu và cuộc sống khốn khổ hay những mục tiêu phải trì hoãn, thậm chí là không thực hiện được vì vấn đề tài chính, bạn cần phải tiết kiệm từ sớm. Vậy làm thế nào để tiết kiệm tiền cho tương lai hiệu quả mà cuộc sống ở hiện tại vẫn được đảm bảo? 

Quy tắc tiết kiệm tiền cho tương lai

Trước khi tiết kiệm tiền cho tương lai hiệu quả, bạn cần nắm chắc các quy tắc tiết kiệm sau đây, nhằm đảm bảo kế hoạch tiết kiệm được thực hiện một cách nghiêm túc và có kế hoạch.

Đưa ra mục tiêu tiết kiệm cụ thể

Trong tiết kiệm tiền, mục tiêu là yếu tố quan trọng giúp bạn dễ dàng xây dựng kế hoạch tích lũy hiệu quả và thấy được tiến độ tiết kiệm mà mình đang thực hiện. Hãy xác định đâu là những thứ quan trọng với mình và bạn muốn tương lai của mình ra sao. Đây là những cách dễ nhất để bạn thiết lập các mục tiêu tiết kiệm. Sau đó, bạn phải biết mình muốn tiết kiệm bao nhiêu, trong khoảng thời gian bao lâu để đạt các mục tiêu đó. Sau khi đưa ra mục tiêu rõ ràng hãy đều đặn thực hiện việc tiết kiệm để số tiền tăng lên theo thời gian. 

Ngoài ra, đừng quên xác định rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để dễ dàng trong việc phân bổ những khoản chi tiêu sao cho hợp lý. 

Hãy tiết kiệm tiền từ sớm

Tiết kiệm từ sớm bạn sẽ có nhiều tiền hơn

Hãy tiết kiệm từ sớm

Bạn có thể lựa chọn nhiều cách tiết kiệm tiền cho tương lai khác nhau nhưng đừng quên hãy bắt đầu việc tiết kiệm từ sớm. Bắt đầu tiết kiệm từ sớm đồng nghĩa với việc bạn sẽ có khoản tiền nhiều hơn và ngược lại. Đối với tiết kiệm tiền, giá trị sẽ tăng dần theo thời gian. Chẳng hạn bạn lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng và bắt đầu gửi từ năm 22 tuổi (sau khi ra trường và đi làm) thì đến năm bạn 40 tuổi, số tiền tích lũy chắc chắn sẽ lớn hơn so với khi bạn thực hiện kế hoạch này năm bạn 30 tuổi. Bởi vậy đối với việc tiết kiệm tiền cho tương lai, hãy bắt đầu từ sớm.

Tiết kiệm trước khi chi tiêu

Chúng ta thường có thói quen sử dụng tiền theo ý muốn của mình, cố gắng cắt bớt chi tiêu để tiết kiệm. Cách tiết kiệm này nghe có vẻ đúng nhưng thực chất chưa đúng. Quản lý tài chính cá nhân tốt nhất là tiết kiệm trước khi sử dụng chi tiêu, tiết kiệm trước rồi mới phân bổ tiền về các quỹ khác. Mỗi khi có thu nhập, đến tháng nhận lương, bạn hãy giữ lại ngay 10% – 20% cho quỹ tiết kiệm, sau đó mới phân bổ số còn lại cho những nhu cầu thiết yếu khác. Bạn hãy luôn ghi nhớ, đối với việc tiết kiệm tiền: Không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu, mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm.

Lập quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp

Tiết kiệm tiền cho tương lai là điều quan trọng nhưng bạn cũng phải chú ý đến những khoản tiền khác. Bạn nên lập ra một quỹ tích lũy để đề phòng các trường hợp khẩn cấp vì rủi ro trong tương lai là điều bạn không thể lường trước được, thất nghiệp, ốm đau, tai nạn… đều có thể sẽ xảy ra. Nếu bạn có quỹ dự phòng thì sẽ chủ động trong một số tình huống, đồng thời giúp bạn không phải đụng đến số tiền đã tiết kiệm cho tương lai.

Chính tỷ phú John Paul DeJoria cũng đưa ra lời khuyên rằng, ai cũng nên có một khoản dự phòng đủ dùng trong 6 tháng. Bạn có thể gửi tiết kiệm số tiền này với mức lãi suất 2% hoặc hơn cho tới lúc cần dùng tới chúng.

Theo dõi các khoản chi tiêu

Mỗi người đều chỉ để tâm đến việc mỗi tháng tài khoản mình có bao nhiêu tiền mà quên mất việc nắm rõ mình đã chi tiêu hết bao nhiêu mỗi tháng. Điều này dẫn đến việc bạn không biết hoạch định và quản lý tài chính cá nhân như thế nào cho hợp lý giữa chi tiêu và tiết kiệm. 

Hãy theo dõi các khoản chi tiêu

Hãy theo dõi các khoản chi tiêu hàng tháng

Bởi vậy hãy theo dõi các khoản chi tiêu để nắm được nhu cầu nào đang tốn nhiều ngân sách nhất mỗi tháng, từ đó có kế hoạch cắt giảm phù hợp.  Khi theo dõi chi tiêu, bạn sẽ biết mình nên cắt giảm những khoản nào từ đó có kế hoạch phù hợp cho số tiền sẽ cắt giảm và gia tăng số tiền tiết kiệm lên.  Ngoài ra, hãy chi tiêu một cách hợp lý nhất, ưu tiên những khoản chi thiết yếu như sinh hoạt, ăn uống, dịch vụ tiện ích…. ngược lại, tránh những hoạt động chi tiêu không cần thiết, mua sắm theo cảm xúc. 

Không bỏ hết trứng vào một giỏ

Đây là một trong những quy tắc đầu tư, tích lũy mà rất nhiều chuyên gia tài chính khuyến khích mọi người nên áp dụng. “Không nên bỏ hết trứng vào cùng một giỏ” nghĩa là bạn đừng đầu tư, tích lũy tất cả tiền mà mình có vào một loại hình đầu tư, tích lũy nhất định để hạn chế rủi ro. Điều bạn cần làm là đa dạng hóa danh mục các kênh tiết kiệm, tích lũy. Tỷ phú Warren Buffett từng chia sẻ bài học này rằng, nên tích lũy đầu tư vào mỗi ngành một chút, khi ngành này gặp khó khăn có thể lấy vốn ở ngành khác để hỗ trợ. 

Các cách tiết kiệm tiền cho tương lai hiệu quả và an toàn nhất

Tìm kiếm một giải pháp tiết kiệm hiệu quả và an toàn là điều bất cứ ai cũng mong muốn. Việc tiết kiệm tiền cho tương lai qua các kênh an toàn là cách giúp bạn đảm bảo quỹ tài chính vững chắc nhất, không bị gián đoạn và đổ vỡ kế hoạch mà bản thân đã đưa ra. Từ đó gia tăng giá trị tài sản qua các năm, đủ để những dự định trong tương lai của bạn được hoàn thành và dự phòng tốt hơn các rủi ro có thể xảy ra. 

Có rất nhiều kênh tiết kiệm tiền mà bạn có thể lựa chọn như: Gửi tiết kiệm tại ngân hàng, mua bảo hiểm nhân thọ, mua vàng, nuôi heo đất hay mua nhà đất…. Tuy các kênh này khả năng sinh lời không cao nhưng sinh lời đều đặn và đặc biệt là an toàn giúp bạn đảm bảo được mục tiêu tiết kiệm tiền cho tương lai.

Mua vàng

Vàng là một kim loại quý có giá trị thanh khoản cao, tiết kiệm tiền cho tương lai bằng vàng là một cách được nhiều người áp dụng. Thậm chí ngay từ xa xưa, nhiều người đã có thói quen tích vàng. Hầu hết mọi người sẵn sàng mua vàng để tiết kiệm vì vàng không bị hao hụt về mặt giá trị, dù giá vàng có giảm thì giá trị cơ bản của sản phẩm này cũng không có sự thay đổi lớn. Khi mua vàng tiết kiệm nếu cần chi tiêu khoản gì lớn, bạn có thể lấy ra đem đi bán rất tiện. 

Mua vàng tiết kiệm

Mua vàng tiết kiệm sẽ không bị hao hụt về mặt giá trị

Hãy thử làm một phép tính toán đơn giản, mức lương mỗi tháng của bạn là 15 triệu đồng và bạn dành ra 3 triệu để tiết kiệm bằng cách mua 1/2 chỉ vàng. Hàng tháng bạn đều đặn tiết kiệm bằng cách này thì sau 1 năm bạn có 6 chỉ vàng và sau 10 năm tiết kiệm bạn sẽ có trong tay 60 chỉ vàng. Với tỷ giá giá vàng hiện nay khoảng 56 triệu đồng/lượng thì 60 chỉ vàng bạn tích trữ được sẽ có giá trị là 336 triệu đồng (tính ở thời điểm hiện tại). Tuy nhiên, do vàng là kim loại quý có giá trị tăng – giảm thay đổi liên tục theo thời gian nên mức giá này không phải là cố định. 

Gửi tiết kiệm

Đây là một trong những cách tiết kiệm tiền thông dụng và được nhiều người áp dụng nhất nhờ vào tính an toàn, khả năng sinh lời ổn định. Khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng bạn bạn được linh hoạt lựa chọn kỳ hạn gửi phù hợp với nhu cầu và mục đích tiết kiệm tiền của bản thân. Số tiền gửi tiết kiệm sẽ sinh lời ổn định, bạn gửi kỳ hạn càng dài thì số tiền lãi nhận được sẽ càng lớn. 

Đặc biệt, khi gửi tiết kiệm dài hạn bạn sẽ nhận được lãi suất kép từ việc tiền lãi nhận được kỳ này sẽ tiếp tục được trả lãi ở các kỳ tiếp theo. Lãi suất kép trong gửi tiết kiệm được ví là “kỳ quan thiên nhiên thứ 8 của thế giới” vì sức mạnh ngoài tưởng tượng của nó. Chẳng hạn thu nhập cố định hàng tháng của bạn là 10 triệu đồng, mỗi tháng bạn tiết kiệm 3 triệu đồng, tính ra mỗi năm số tiền tiết kiệm được là 36 triệu đồng. Tất cả số tiền tiết kiệm được bạn gửi tiết kiệm tại ngân hàng với lãi suất 7%/năm. Với cơ chế lãi suất kép, nếu gửi tiết kiệm 10 năm tại ngân hàng, bạn dễ dàng tính toán được giá trị tương lai cụ thể như sau:

Số năm tiết kiệm Giá trị hiện tại Giá trị tương lai
1 36.000.000 70.817.449
2 36.000.000 66.184.532
3 36.000.000 61.854.702
4 36.000.000 57.808.133
5 36.000.000 54.026.293
6 36.000.000 50.491.862
7 36.000.000 47.188.656
8 36.000.000 44.101.548
9 36.000.000 41.216.400
10 36.000.000 38.520.000
Tổng tiền tiết kiệm 532.209.575

(Ghi chú: Công thức lãi suất kép: Giá trị tương lai = Số tiền gốc x (1+ lãi suất) ^ kỳ hạn gửi).

Như vậy bằng cách tiết kiệm đều đặn hàng tháng và thực hiện nghiêm túc cách thức gửi tiết kiệm ngân hàng, chỉ với số tiền 3 triệu đồng mỗi tháng, sau 10 năm gửi tiết kiệm, sức mạnh lãi suất kép đã giúp bạn có trong tay số tiền tiết kiệm là 532.209.575 triệu đồng.

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng là kênh sinh lời ổn định và an toàn

Mua bảo hiểm nhân thọ 

Bảo hiểm nhân thọ là một trong những loại hình bảo hiểm đặc thù, đây không phải là kênh tiết kiệm thuần túy mà là sự kết hợp giữa dự phòng tài chính trước rủi ro xảy ra trong cuộc sống, vừa tiết kiệm, tích lũy. Bởi vậy đây là cách tiết kiệm tiền cho tương lai phù hợp với những người có khoản tiền tiết kiệm eo hẹp nhưng vừa muốn bảo vệ vừa muốn tích lũy và cả với những người dư dả về tài chính khi muốn kết hợp “bỏ trứng vào nhiều giỏ”.

Yếu tố tiết kiệm trong bảo hiểm nhân thọ là tiết kiệm dài hạn, kéo dài 20, 25 năm hoặc có thể trọn đời và có tính kỷ luật thông qua hình thức đóng phí đều đặn theo tháng/quý/năm (tùy sản phẩm và sự lựa chọn của khách hàng).

Ưu điểm của cách tiết kiệm tiền này là bạn vừa có thể tiết kiệm, tích lũy khi được nhận gốc và lãi (lãi suất, lãi chia hay bảo tức) vào ngày đáo hạn (nếu may mắn không xảy ra rủi ro nào) để thực hiện các mục tiêu trong cuộc sống. Đồng thời bảo hiểm nhân thọ còn giúp bạn dự phòng các rủi ro tất yếu có thể xảy ra thông qua các quyền lợi bảo vệ, hỗ trợ tài chính khi bạn gặp rủi ro tai nạn, bệnh tật, nằm viện…. 

Mua bảo hiểm nhân thọ

Mua bảo hiểm nhân thọ vừa có thể tích lũy vừa dự phòng rủi ro trong cuộc sống

Mua nhà đất

Mua nhà đất là một cách tiết kiệm tiền cho tương lai được nhiều người lựa chọn. Muốn tiết kiệm bằng cách này bạn phải có trong tay một số tiền lớn, đủ để mua nhà đất, cho nên cách này thích hợp cho những người có điều kiện kinh tế dư dả. Bạn dùng số tiền mình có để mua nhà đất với mục đích tiết kiệm tiền cho tương lai. Ngôi nhà bạn mua có thể dùng để ở, cho thuê lại và kiếm thêm thu nhập hàng tháng hoặc có thể bán khi cần tiền. Giá bán nhà đất tại thời điểm bạn bán có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với thời điểm bạn mua vì phụ thuộc vào giá trị trường, vị trí ngôi nhà và khu vực đất mà bạn mua.

Mỗi một cách tiết kiệm tiền đều mang lại ưu điểm riêng. Tùy theo mục tiêu tiết kiệm về cả số tiền và thời gian mà bạn đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho mình. Dù lựa chọn kênh tiết kiệm nào bạn cũng nên xác định rõ mục tiêu và xây dựng kế hoạch tiết kiệm cụ thể.

Tiết kiệm tiền cho tương lai là điều cần thiết giúp bạn dễ dàng xây dựng một cuộc sống tương lai đủ đầy về vật chất và hạnh phúc về mặt tinh thần nhưng vẫn sống thoải mái ở hiện tại. Một khi xác định rõ mục tiêu tiết kiệm tiền bạn sẽ hoạch định tốt hơn vấn đề quản lý tài chính cá nhân.