Với những ai nắm giữ tiền thì lạm phát luôn là mối lo thường trực. Qua thời gian, lạm phát làm giảm giá trị của tiền. Vì thế mà các kênh đầu tư luôn là lựa chọn để giảm thiểu các rủi ro từ lạm phát. Các kênh đầu tư với lãi suất cố định như trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm là những kênh đầu tư cơ bản. Cổ phiếu là lựa chọn phức tạp hơn, nhưng cũng mang tới cơ hội bảo vệ vốn trước lạm phát tốt hơn. Nhưng có những cạm bẫy đầu tư mà ngay cả những nhà đầu tư kỳ cựu cũng có thể mắc phải khi đầu tư cổ phiếu. Bài viết này sẽ giúp bạn biết cách lựa chọn cổ phiếu để chống lại lạm phát.
Cạm bẫy đầu tư, mối quan hệ giữa cổ phiếu và lạm phát
Lựa chọn cổ phiếu nào để đầu tư khi có lạm phát?
Lựa chọn đầu tư cổ phiếu để tránh các tác động của lạm phát không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn khái quát quan trọng về vấn đề này. Tình huống lựa chọn giữa hai cổ phiếu dưới đây là một ví dụ đơn giản hóa để bạn thấy được tác động của lạm phát.
Giả sử bạn có 300 tỷ và cần lựa chọn để mua công ty A hoặc B dưới đây.
Công ty A: Có vốn chủ sở hữu là 100 tỷ và lợi nhuận là 25 tỷ/năm. Vốn hóa của công ty A được định giá là 300 tỷ.
Công ty B: Kinh doanh kém hiệu quả hơn A một chút. Tuy cũng có lãi 25 tỷ nhưng cần vốn đầu tư (vốn chủ sở hữu) là 250 tỷ. Hoạt động kém hiệu quả hơn A, nên B được định giá với P/B=1.2 (và cũng có vốn hóa là 300 tỷ).
Hãy xem điều gì xảy ra khi lạm phát khiến giá cả tăng lên gấp đôi?
Với cùng quy mô kinh doanh như trước khi có lạm phát (bán cùng số lượng hàng hóa hàng năm) doanh thu của A và B đều tăng lên gấp đôi. Và mỗi doanh nghiệp bây giờ đều lãi 50 tỷ/năm (do lạm phát).
Để doanh thu tăng lên gấp đôi thì dĩ nhiên là các khoản phải thu, hàng tồn kho…cũng cần tăng lên gấp đôi so với trước đây (về mặt giá trị). Tài sản cố định tuy phản ứng chậm hơn với lạm phát nhưng chắc chắn là cũng cần thay thế theo thời gian và khi hết khấu hao cũng sẽ được thay thế theo giá cả mới đã tăng 100% so với trước đây.
Kết quả là khi giá cả đã tăng gấp đôi thì vốn đầu tư (vốn chủ sở hữu) của công ty A và công ty B cũng cần tăng lên tương ứng khoảng gấp đôi so với trước đây. Vì vậy, vốn chủ sở hữu của A cần tăng lên thành 200 tỷ, của B tăng lên thành 500 tỷ.
Sau lạm phát, vốn hóa của công ty A và B bây giờ đều là 600 tỷ (với P/E, P/B đều không thay đổi so với trước khi lạm phát xảy ra).
Mọi thứ bây giờ đã trở nên rõ ràng hơn!
Với cổ đông của công ty B, trong quãng thời gian có lạm phát, họ đã phải đầu tư 250 tỷ vào vốn chủ sở hữu để có thêm 300 tỷ vốn hóa. Có nghĩa là mỗi 1 tỷ mang đi đầu tư tạo ra được 1,2 tỷ giá trị.
Ngược lại, với các cổ đông của công ty A họ chỉ cần tái đầu tư 100 tỷ để tạo ra 300 tỷ vốn hóa. Có nghĩa là mỗi 1 tỷ mang đi đầu tư thì tạo ra được 3 tỷ đồng.
Như vậy, bản chất có thể thấy ở đây là lạm phát làm thiệt hại cả công ty A và B. Khi có lạm phát, cổ đông công ty A và B đều phải đầu tư thêm tiền vào công ty chỉ để vẫn có mức lợi nhuận như cũ (tính theo giá trị thực). Và doanh nghiệp nào càng cần ít tài sản hữu hình thì doanh nghiệp đó càng ít bị thiệt hại bởi lạm phát.
Cạm bẫy đầu tư với lạm phát!
Trong hầu hết các giáo trình hay bài giảng về kinh tế, người ta thường nói các doanh nghiệp có nhiều tài sản hữu hình như khoáng sản, hàng tồn kho, tài sản cố định…giúp bảo vệ bạn khỏi sự mất giá của đồng tiền.
Nhưng ví dụ trong tình huống này đã cho thấy mọi thứ trong thực tế không hề giống như vậy. Doanh nghiệp B với rất nhiều tài sản hữu hình với P/B = 1,2 nhìn qua thì có vẻ là lựa chọn đầu tư an toàn hơn so với công ty A (P/B=3). Tuy nhiên, cùng với thời gian và ảnh hưởng của lạm phát, bức tranh trở nên rõ ràng sau khi chúng ta phân tích kỹ càng. Doanh nghiệp nào có ROE càng cao thì càng ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát trong dài hạn.
Tuy nhiên, có một cạm bẫy đầu tư khác bạn cũng cần biết. Đó là khi doanh nghiệp hoạt động trong một ngành có ROE cao mà lại còn là công ty niêm yết thì họ rất dễ trở thành mục tiêu. Nhiều người sẽ nhận ra điều này và sẽ đầu tư vốn để cạnh tranh trực tiếp. Kết quả là với các doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh bền vững thì ROE cao chỉ có thể duy trì trong một vài năm. Sau đó khi ngành có thêm các đối thủ cạnh tranh thì ROE chung của cả ngành sẽ giảm đi. Lịch sử là minh chứng rõ ràng về mô hình cạnh tranh này.