Cập nhật tình hình thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam Update 05/2024

Tại Việt Nam thị trường chứng khoán phái sinh chính thức được hoạt động vào tháng 8/2017 và hợp đồng tương lai chính là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đến nay sau gần 4 năm chính thức hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi.

Chứng khoán phái sinh Việt Nam là gì?

Chứng khoán phái sinh Việt Nam là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ. Trong đó, xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở (ở đây là chỉ số cổ phiếu VN30 và Trái phiếu chính phủ) theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Chứng khoán phái sinh Việt Nam được niêm yết và giao dịch tại các sàn chứng khoán tại Việt Nam.

Chứng khoán phái sinh Việt Nam

Chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức hoạt động từ tháng 8/2017

Đặc điểm của chứng khoán phái sinh Việt Nam

  • Chứng khoán phái sinh Việt Nam được thành lập dựa trên tối thiểu một tài sản cơ sở nhất định là Chỉ số VN30 và Trái phiếu chính phủ. 
  • Gắn với đòn bẩy tài chính nên chủ yếu mang tính chất đầu tư vào sự biến động của giá trị tài sản (ở đây là chỉ số VN30 và Trái phiếu chính phủ)
  • Điểm hấp dẫn của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam thể hiện ở vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro, góp phần tích cực vào việc ổn định thị trường cơ sở, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
  • Cơ cấu nhà đầu tư đa dạng, có 3 loại nhà đầu tư được tham gia thị trường chứng khoán phái sinh: nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro (hedgers); Nhà đầu tư đầu cơ rủi ro (speculators) và Nhà đầu tư chênh lệch giá (kiếm lợi trên sự chênh lệch giữa giá phái sinh với giá cơ sở).
  • Hệ thống thành viên giao dịch và bù trừ của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam ngày càng tăng, tính đến năm 2020 đã có 18 công ty chứng khoán (thông tin trên trang Đầu tư chứng khoán)

Các loại chứng khoán phái sinh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, sản phẩm giao dịch phái sinh được lựa chọn niêm yết và giao dịch là hợp đồng tương lai. Trong đó, một bên đồng ý mua tài sản cơ sở trong tương lai gọi là vị thế Long (mua), còn một bên đồng ý bán trong tương lai, gọi là vị thế Short (bán). 

Chứng khoán phái sinh Việt Nam hiện có hai loại là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30. 

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Chỉ số VN30 là chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, có vốn hóa thị trường và thanh khoản cao nhất. Nhóm 30 cổ phiếu này chiếm 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường (thông tin theo nguồn báo điện tử Nhân dân). 

Đặc điểm của chỉ số VN30:

  • Chỉ số VN30 được tính theo phương pháp giá trị vốn hóa thị trường, bao gồm 30 cổ phiếu thành phần, đại diện cho hoạt động của 30 công ty được niêm yết trên sàn HOSE.
  • Chỉ số VN30 được xem xét lại 6 tháng một lần vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm.
  • Các công ty niêm yết trên HOSE phải thỏa mãn các điều kiện về: giá trị vốn hóa thị trường, tỷ lệ free float (tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng), thanh khoản để đủ tư cách tham gia vào tính toán chỉ số. 
  • Mỗi cổ phiếu thành phần được giới hạn tỷ trọng ở mức 10% nhằm loại trừ sự ảnh hưởng quá mức của một cổ phiếu thành phần đối với chỉ số.

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Chỉ số VN30 là chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE

Các thông số Hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 sẽ có các thông số cơ bản sau đây mà nhà đầu tư chứng khoán phái sinh cần nắm khi tham gia giao dịch chứng khoán.

Thông số Mô tả
Tên hợp đồng Hợp đồng tương lai chỉ số VN30
Mã số hợp đồng VN30F
Tài sản cơ sở Chỉ số VN30
Hệ số nhân 100.000 đồng
Quy mô hợp đồng 100.000 đồng x điểm chỉ số cơ sở
Tháng đáo hạn Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, hai tháng cuối 02 quý tiếp theo
Phương thức giao dịch Khớp lệnh & thỏa thuận
Thời gian giao dịch

Phiên ATO: 8h45 – 9h00

Phiên liên tục sáng: 9h00 – 11h30

Phiên liên tục chiều: 13h00 – 14h30

Phiên ATC: 14h30 – 14h45

Biên độ dao động giá ± 7%
Bước giá 0,1 điểm chỉ số (tương đương 10.000 đồng)
Đơn vị giao dịch 01 Hợp đồng
Khối lượng giao dịch tối thiểu 01 Hợp đồng
Ngày giao dịch cuối cùng Ngày Thứ Năm thứ ba trong tháng đáo hạn
Ngày thanh toán cuối cùng Ngày làm việc liền sau ngày giao dịch cuối cùng
Phương thức thanh toán Thanh toán bằng tiền
Phương thức xác định giá thanh toán cuối cùng Giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng của Hợp đồng tương lai.
Giá tham chiếu Giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước hoặc giá lý thuyết (trong ngày giao dịch đầu tiên)

Ưu – nhược điểm của Hợp đồng tương lai chỉ số VN30:

Ưu điểm:

  • Hoạt động công khai, minh bạch khi dựa trên chỉ số VN30. Chỉ số này hoạt động trong khuôn khổ pháp lý, có đầy đủ quy chế quy trình, đảm bảo cho việc niêm yết, giao dịch, bù trừ thanh khoản.
  • Đòn bẩy cao giúp nhà đầu tư có khả năng thu được những khoản lợi nhuận hấp dẫn chỉ với một số tiền ký quỹ nhỏ ban đầu.
  • Cho phép giao dịch T+0, nhà đầu tư được phép mua bán trong ngày, ghi nhận lợi nhận ngay lập tức. Đồng thời có thể giao dịch quay vòng hợp đồng nhiều lần trong ngày.
  • Tính thanh khoản cao do được niêm yết, chuẩn hóa và giao dịch tập trung trên sở giao dịch chứng khoán
  • Nhà đầu tư có thể tham gia vào vị thế bán hợp đồng tương lai bất kỳ lúc nào với điều kiện duy nhất cần đáp ứng là nộp đủ số lượng ký quỹ yêu cầu trước khi tham gia hợp đồng.
  • Khách hàng có thể kiếm lời ở cả 2 chiều tăng/giảm
  • Giá cả của các cổ phiếu trong rổ VN30 sẽ phản ánh tốt nhất mối quan hệ giữa cung và cầu cổ phiếu

Nhược điểm:

  • Sản phẩm thích hợp cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp do nhà đầu tư cần nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường
  • Quy mô nhỏ (chỉ tham chiếu duy nhất chỉ số VN30) nên thị trường dễ bị tác động khiến các nhà đầu tư bị ảnh hưởng về mặt tâm lý

Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ

Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ là một chứng khoán phái sinh niêm yết, có tài sản cơ sở là một Trái phiếu Chính phủ – chứng khoán nợ do Chính phủ phát hành với thời gian đáo hạn từ một năm trở lên. HĐTL Trái phiếu Chính phủ là công cụ được giao dịch trên một sở giao dịch chứng khoán tập trung với những điều khoản chuẩn hóa.

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ

Các thông số của Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ:

Thông số Mô tả
Tên hợp đồng Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ
Tài sản cơ sở Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đáo hạn.
Quy mô hợp đồng 1 tỷ đồng
Bước giá 1,0 (tương đương 10.000 đồng)
Giờ giao dịch Được diễn ra trên sàn, mở cửa sớm hơn 15 phút với thị trường cơ sở nhưng kết thúc đầu thời.
Biên độ dao động giá ± 3% so với giá tham chiếu
Ngày giao dịch cuối cùng Ngày 15 của tháng đáo hạn hoặc ngày giao dịch liền trước nếu ngày 15 là ngày nghỉ.
Ngày thanh toán cuối cùng Ngày làm việc thứ 3 kể từ ngày giao dịch cuối cùng
Giá thanh toán cuối cùng Giá thanh toán cuối ngày tại ngày giao dịch cuối cùng
Giới hạn vị thế 10.000 hợp đồng (tính riêng với tổ chức).
Phương thức thanh toán khi đáo hạn Chuyển giao vật chất

Ưu – nhược điểm của HĐTL Trái phiếu Chính phủ

Ưu điểm:

  • Trái phiếu chính phủ là loại chứng khoán an toàn, độ rủi ro thấp
  • Sản phẩm HĐTL Trái phiếu Chính phủ thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Sản phẩm này còn được gọi là HĐTL lãi suất dài hạn
  • Giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro khi giá trái phiếu có xu hướng tăng lên (xu hướng lãi suất giảm).
  • Tạo động lực kích thích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển
  • Giúp phân bổ tài sản để giảm tác động của biến động thị trường.
  • Giúp nhà đầu tư kiếm lợi nhuận từ biến động lãi suất thị trường mà không cần tham gia giao dịch trên thị trường cơ sở, qua đó tận dụng lợi thế đòn bẩy để đem lại lợi nhuận cao hơn.

Nhược điểm:

  • Quy mô giao dịch lớn nên đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao đối với các nhà đầu tư
  • Giao dịch cho sản phẩm phái sinh HĐTL Trái phiếu chính phủ chỉ áp dụng với các nhà đầu tư tổ chức khiến cho thị trường hợp đồng tương lai này mất thanh khoản.

Đừng bỏ qua: Những điều cần biết về Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ

Kinh nghiệm và chiến lược khi tham gia chứng khoán phái sinh Việt Nam

Trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam, hợp đồng tương lai là sản phẩm phái sinh được niêm yết và giao dịch. Hợp đồng này được sở giao dịch chuyển hóa và quy định về:

  • Loại tài sản: Chỉ số VN30, Trái phiếu chính phủ
  • Quy mô hợp đồng, tức là số lượng tài sản cơ sở được chuyển giao đối với mỗi đơn vị hợp đồng (quy định này tùy theo tài sản cơ sở được lựa chọn giao dịch)
  • Biên độ dao động giá
  • Loại và đơn vị tiền tệ đối với giá chuyển giao
  • Tỷ lệ ký quỹ: Được xem như tài sản đặt cọc trước khi tham gia hợp đồng phái sinh để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hợp đồng giữa hai bên. Tỷ lệ này tính theo tỷ lệ phần trăm của giá trị hợp đồng tương lai, do Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSB) hoặc các công ty chứng khoán quy định. Ví dụ: Bạn tham gia hợp đồng tương lai chỉ số VN30 với giá trị 100 triệu đồng (tương ứng 1000 điểm), mức ký quỹ ban đầu để tham gia hợp đồng là 15% giá trị hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải bỏ ra 15 triệu đồng và nộp vào tài sản ký quỹ trên sàn để tham gia hợp đồng chỉ số VN30. Lưu ý, số dư tài khoản ký quỹ của bên tham gia giao dịch luôn thay đổi theo giá hàng ngày và không được thấp hơn mức ký quỹ duy trì theo quy định.

Khi tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư nên hiểu rõ chiến lược đầu tư của mình, để đưa ra những quyết định đúng đắn và phù hợp nhất. Đối với thị trường chứng khoán phái sinh nói chung và chứng khoán phái sinh Việt Nam nói riêng, có hai chiến lược khi tham gia mà nhà đầu tư nên cân nhắc, đó là: Chiến lược đòn bẩy, đầu cơ và chiến lược hạn chế rủi ro.

Đối với chiến lược đòn bẩy, đầu cơ

Chiến lược đòn bẩy hay lợi thế đòn bẩy của chứng khoán phái sinh thể hiện ngay trên tỷ lệ ký quỹ khi thực hiện giao dịch mua bán hợp đồng tương lai. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra một khoản tiền đặt cọc theo tỷ lệ được quy định để giao dịch các hợp đồng có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần. Điều này đồng nghĩa với việc mức lời/lỗ của nhà đầu tư cũng được đẩy lên cao.

Ví dụ: Nhà đầu tư A tham gia vị thế mua một hợp đồng tương lai chỉ số VN30 với giá 2000 điểm. Theo mẫu hợp đồng tương lai chỉ số VN30 quy định hệ số nhân của một hợp đồng là 100.000 đồng/điểm chỉ số nên giá trị hợp đồng của nhà đầu tư A là 200 triệu đồng. Mức ký quỹ ban đầu được quy định là 15% nên nhà đầu tư A cần đặt cọc số tiền hoặc tài sản có giá trị 30 triệu đồng để tham gia hợp đồng giao dịch này.

Nếu giá hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng lên 2050 điểm, nhà đầu tư A sẽ lãi với giá trị 5 triệu đồng. Lúc này giá trị ký quỹ sẽ tăng lên 35 triệu đồng. Ngược lại nếu giá hợp đồng giảm từ 2000 xuống 1970 bạn sẽ lỗ 3 triệu đồng, giá trị ký quỹ sẽ giảm còn 27 triệu đồng (tương ứng bạn đã mất đi 10% (3/30) 

Trường hợp này hiệu ứng đòn bẩy của tài khoản ký quỹ đã thể hiện rõ. Hiệu ứng chiến lược này sẽ tạo ra lợi nhuận cao nếu giá của hợp đồng tương lai mà nhà đầu tư giao dịch biến động với chiều hướng có lợi. Còn bạn sẽ thua lỗ nếu giá biến động theo chiều hướng bất lợi, nhà đầu tư dự báo chênh lệch so với thực tế. Ngoài ra, do tác động của đòn bẩy, mức độ thua lỗ của nhà đầu tư tính theo phần trăm số tiền ký quỹ ban đầu nên sẽ lớn hơn rất nhiều.

=>> Như vậy chiến lược đòn bẩy có sự tác động 2 chiều, vừa tạo tiềm năng lợi nhuận nhưng cũng vừa tiềm ẩn nguy cơ. Cho nên nếu tham gia chứng khoán phái sinh theo chiến lược này, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ các quy định, các thức ký quỹ và cân nhắc khả năng tài chính, mức độ sử dụng đòn bẩy để có những tính toán hợp lý, mang lại thu nhập.

Chiến lược này thích hợp sử dụng khi nhà đầu tư muốn mua và bán hợp đồng tương lai với mục đích sinh lời dựa trên sự chênh lệch giá.

Chứng khoán phái sinh Việt Nam

Tham gia chứng khoán phái sinh cần có chiến lược rõ ràng

Chiến lược hạn chế rủi ro

Trong thị trường chứng khoán phái sinh, chiến lược hạn chế rủi ro mới chính là mục tiêu mà thị trường này hướng đến. Chiến lược này được sử dụng khi một nhà đầu tư muốn bảo vệ giá trị danh mục trước rủi ro xuất hiện những diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán.

Khi nhà đầu tư sở hữu một danh mục đa dạng các mã chứng khoán thuộc VN30. Sau khi phân tích các điều kiện thị trường, nhà đầu tư dự báo thị trường sẽ đi xuống trong thời gian tới. Tuy nhiên nhà đầu tư không muốn bán danh mục các mã chứng khoán đang có. Lúc này để phòng ngừa rủi ro, nhà đầu tư quyết định mở vị thế bán (short) với hợp đồng tương lai chỉ số VN30 để bảo vệ danh mục trước đà sụt giảm của thị trường. Lúc này được xem là nhà đầu tư đang tham gia chứng khoán phái sinh với chiến lược phòng ngừa rủi ro.

Chiến lược phòng ngừa rủi ro bằng sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai thường thích hợp với các nhà đầu tư tổ chức với danh mục lớn và đa dạng.

Với những phân tích trên có thể thấy, cách giúp bạn thành công với giao dịch chứng khoán phái sinh là phải xác định đúng mục đích và chiến lược khi tham gia. Bạn tham gia để phòng ngừa rủi ro hay đầu cơ sinh lời. Việc xác định đúng mục tiêu sẽ giúp bạn đưa ra được hướng đi đúng và xây dựng được cho mình các chỉ báo khi bắt đầu việc làm giàu bằng các hợp đồng phái sinh.

Tình hình thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2017, đến nay chứng khoán phái sinh của Việt Nam đã tạo dựng được nhiều điểm ấn tượng. Dù có sự tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng theo đánh giá, thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam vẫn có được sự tăng trưởng.

Theo thông tin cập nhật trên Tạp chí Tài chính (Cơ quan thông tin của Bộ Tài chính), tháng 3/2020 khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai VN30 tăng 29,81%.  Về giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, tháng 3/2020 không có giao dịch hợp đồng tương lai TPCP cũng như không có khối lượng OI tại thời điểm cuối tháng.

Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 7/2020, đã có tổng số hơn 67,9 triệu hợp đồng tương lai được giao dịch. Khối lượng giao dịch bình quân trong 7 tháng đầu năm 2020 đã tăng xấp xỉ 95% so với năm 2019, đạt 173.009 hợp đồng/phiên. Về số lượng tài khoản giao dịch phái sinh, tính đến cuối tháng 7/2020 đã có 132.274 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, Con số này tăng gấp 1,5 lần so với cuối năm 2019. 

Bước sang năm 2021, thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam có những biến chuyển sôi động. Cụ thể, tháng 1/2021 xét về giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30, thanh khoản trên thị trường tăng mạnh, khối lượng giao dịch bình quân trong tháng đạt 178.635 hợp đồng, tăng 41,1% so với tháng trước. Khối lượng hợp đồng mở (OI) tại phiên giao dịch cuối tháng 1 đạt 29.637 hợp đồng, giảm 26,53% so với tháng trước. 

Chỉ tiêu Đơn vị Tháng 1/2021 Tháng 12/2020 Tăng/Giảm (%)
Khối lượng giao dịch bình quân phiên Hợp đồng 178.63 126.606 41,1%
Khối lượng OI (cuối kỳ) Hợp đồng 29.637 40.339 -26,53%

Bảng tổng hợp giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 1/2021 (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Về giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, tháng 1/2021 không có giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ cũng như không có khối lượng OI tại thời điểm cuối tháng.

Về số lượng tài khoản giao dịch phái sinh, cuối tháng 1/2021, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 204.407 tài khoản, tăng 17,4% so với tháng trước. Số lượng tài khoản mỗi ngày được mở mới liên tục ở mức trên 1.000 tài khoản/ngày.

Với những dấu hiệu tích cực này, nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định, sau gần 4 năm hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, thể hiện vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro và góp phần vào việc ổn định thị trường cơ sở. Xu hướng này ngày càng cho thấy sự quan tâm mà các nhà đầu tư dành cho chứng khoán phái sinh cũng như vai trò của chứng khoán phái sinh trên thị trường khi vừa là kênh đầu tư nhưng đồng thời là kênh phòng ngừa rủi ro hiệu quả, nhất là khi thị trường chứng khoán cơ sở có sự biến động. 

Có thể thấy, dù thời gian hoạt động chưa lâu nhưng chứng khoán phái sinh Việt Nam đã có những bước tăng trưởng đáng kể, trở thành kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Từ đó trở thành một thị trường tiềm năng.