Chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội tự nguyện Update 05/2024

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Vậy hiện nay, chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội tự nguyện có quyền lợi và cách tính như thế nào?

Đối tượng và điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hưu trí tự nguyện

Quy định về điều kiện hưởng chế độ hưu trí của người tham gia BHXH tự nguyện được nêu trong Điều 73 Luật BHXH 2014 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019:

“1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.”

Như vậy, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường vào năm 2021 là 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam, đủ 55 tuổi 04 tháng với lao động nữ.

Với những ai đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì đóng cho tới khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện như thế nào?

Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí

Cách tính lương hưu của BHXH tự nguyện

Mức hưởng lương hưu hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện được tính cụ thể như trong khoản 1 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP:

“Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.”

Từ đó suy ra công thức tính lương hưu hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện:

Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân thu nhập hàng tháng đóng BHXH

Trong đó:

  • Tỷ lệ hưởng lưu được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP:

Với lao động nữ

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa là 75%.

Với lao động nam

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH. Đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2021 được tính là 19 năm đóng BHXH, từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

  • Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được quy định tại Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP:

Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.

Trong đó, thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố hằng năm.

Ví dụ: Tính đến tháng 04/2021, ông Kiên đủ tuổi về hưu theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 (đủ 60 tuổi 03 tháng). Ông đã đóng BHXH tự nguyện với mức đóng bình quân là 2.500.000 vnđ/tháng, tính đến thời điểm đủ tuổi về hưu là 24 năm.

– 19 năm đầu tham gia sẽ được hưởng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

– Từ năm thứ 20 đến năm thứ 24 là 05 năm được hưởng thêm: 5 x 2% = 10%

– Tổng 02 tỷ lệ là: 45% + 10% = 55% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính bằng mức bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian đóng BHXH. Ông Kiên đóng với mức 2,5 triệu đồng/ tháng.

Vậy, mức hưởng lương hưu của ông Kiên = 55%  x 2.500.000 = 1.375.000 vnđ/tháng.

Hồ sơ, thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội hưu trí tự nguyện

Chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

  • Sổ BHXH (bản chính);
  • Đơn đề nghỉ hưởng lương hưu theo mẫu số 14-HSB.

Sau khi chuẩn bị xong giấy tờ, người tham gia BHXH tự nguyện nộp lên cơ quan BHXH cấp huyện nơi đang cư trú và chờ đợi giải quyết, chi trả chế độ trong vòng tối đa 12 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ.

Đọc thêm: Tổng quan chế độ hưu trí cập nhật hiện nay

Qua bài viết này, chúng tôi đã cung cấp nhiều thông tin giá trị về điều kiện, quyền lợi và thủ tục chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội tự nguyện. Với những ai đủ điều kiện hưởng chế độ này thì chuẩn bị hồ sơ và nộp lên cơ quan BHXH để được giải quyết.