Chọn cổ phiếu để ứng phó với lạm phát như thế nào? Update 11/2024

Khi các chính phủ còn liên tục in thêm tiền để bù cho các khoản thâm hụt ngân sách và trả nợ nợ công thì lạm phát là một điều tất yếu của nền kinh tế. Một người gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 7%/năm sẽ cảm thấy vô cùng bất công nếu chính phủ đánh thuế trên tiền lãi ở mức 2%/năm.

Vẫn với khoản lãi được hưởng 7%/năm nhưng nếu lạm phát là 8%/năm chẳng hạn thì người gửi tiền cuối mỗi năm lại nghèo đi và anh/cô ta không biết kêu ai, và đành phải chịu toàn bộ thiệt hại từ lạm phát.

Ngay cả khi không tính giai đoạn 10 năm lạm phát phi mã sau khi Việt Nam đổi tiền năm 1985, thì từ năm 1996 – 2020 đồng VND cũng đã mất giá 76% giá trị bởi lạm phát (Theo số liệu của WB).

Đầu tư cổ phiếu là một trong những kênh đầu tư giúp nhà đầu tư giảm thiểu những thiệt hại do lạm phát. Vậy những cổ phiếu nào giúp nhà đầu tư đạt được mục đích này? Mời bạn đọc chi tiết bài viết hôm nay về cách chọn cổ phiếu để ứng phó với lạm phát.

Cách chọn cổ phiếu ứng phó với lạm phát như thế nào?
Cách chọn cổ phiếu ứng phó với lạm phát như thế nào?

Những doanh nghiệp như thế nào giúp nhà đầu tư giảm thiệt hại từ lạm phát?

Để hiểu ảnh hưởng của lạm phát lên các khoản đầu tư cổ phiếu vào các doanh nghiệp khác nhau, mời bạn đọc ví dụ dưới đây. Nội dung ví dụ này, tôi cố gắng mô tả một cách đơn giản, loại bỏ ảnh hưởng của những vấn đề phức tạp khác trong kinh doanh và chỉ tập trung vào khía cạnh lạm phát.

Chọn cổ phiếu nào?

Trên thị trường hiện có hai doanh nghiệp niêm yết vốn hóa đều là ~1.000 tỷ VND gọi là A và B. Hai doanh nghiệp này cùng hoạt động trong lĩnh vực thương mại và đầu tư rất ít tiền vào tài sản dài hạn. Phần lớn các tài sản trên bảng cân đối kế toán là các khoản mục tài sản ngắn hạn.

Doanh nghiệp A: Vốn chủ sở hữu là 500 tỷ, vay nợ rất ít. Lãi năm gần nhất là 100 tỷ và định giá P/E = 10

Doanh nghiệp B: Vốn chủ sở hữu 1000 tỷ, cũng gần như không vay nợ. Lãi năm gần nhất là 100 tỷ và định giá P/E = 10 giống doanh nghiệp A.

Là một nhà đầu tư, bạn sẽ mua cổ phiếu của A hay B để đầu tư?

Chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư yêu thích doanh nghiệp B vì ít ra vốn chủ sở hữu lớn hơn sẽ mang đến cảm giác an toàn cho nhà đầu tư. B có chỉ số P/B = 1 nhỏ hơn P/B của doanh nghiệp A là 2.

Ảnh hưởng của lạm phát như thế nào với A và B?

Bây giờ hãy cùng xem ảnh hưởng của lạm phát tới hai doanh nghiệp A và B. Tôi giả định lạm phát hàng năm sẽ là 7%/năm (giống Việt Nam mấy năm về trước). Với mức lạm phát này sau 10 năm giá cả mọi thứ sẽ tăng lên gấp đôi. Giờ hãy xem doanh nghiệp A và B lúc đó như thế nào.

Sau 10 năm, giả sử hoạt động kinh doanh của A và B không có gì thay đổi, vẫn mua và bán khối lượng hàng hóa y như 10 năm trước đây. Lúc đó do lạm phát nên Doanh thu, chi phí và lợi nhuận của A và B đều đã tăng lên gấp đôi. Lợi nhuận của A và B khi đó sẽ là 200 tỷ/năm.

Với P/E = 10 không đổi so với 10 năm trước, định giá của A và B lúc đó đều là 2.000 tỷ VNĐ

Và bây giờ đến phần phức tạp hơn!

Nếu bạn không có kiến thức kế toán căn bản thì phần này sẽ hơi khó hiểu một chút.

Để duy trì hoạt động kinh doanh với khối lượng mua/bán hàng hóa vẫn như trước đây, giá trị tài sản mà A và B cần sử dụng đều phải tăng lên. Ví dụ với cùng lượng hàng tồn kho như 10 năm trước, thì giá trị của khoản mục hàng tồn kho phải tăng lên gấp đôi do giá mỗi đơn vị hàng tồn kho đã tăng gấp đôi do lạm phát.

Khoản mục phải thu khách hàng cùng sẽ tăng lên gấp đôi vì doanh số bây giờ đã tăng gấp đôi so với trước đây. Và tương tự như vậy, các tài sản ngắn hạn khác trên bảng cân đối kế toán cũng phải tăng lên gấp đôi so với 10 năm trước đây để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động kinh doanh như cũ. Các tài sản ngắn hạn này đều quay vòng liên tục hàng năm.

Lúc đó, vốn chủ sở hữu của A (mức tối thiểu) để duy trì hoạt động kinh doanh như cũ là 1.000 tỷ VNĐ. Vốn chủ sở hữu của B cũng phải tăng lên thành 2.000 tỷ VNĐ.

Như vậy, sau 10 bạn sẽ thấy sự khác biệt ở đây:

Vốn hóa của A tăng từ 1.000 tỷ lên 2.000 tỷ sau 10 năm nhưng vốn chủ sở hữu chỉ cần tăng thêm 500 tỷ.

Vốn hóa của B tăng từ 1.000 tỷ lên 2.000 tỷ sau 10 năm nhưng vốn chủ sở hữu phải tăng thêm 1.000 tỷ

Hay nói một cách khác với doanh nghiệp A, cổ đông chỉ cần tái đầu tư 500 tỷ vào doanh nghiệp trong 10 năm để tạo ra giá trị tăng thêm là 1.000 tỷ (vốn hóa tăng thêm của A).

Còn với B, cổ đông phải tái đầu tư 1.000 tỷ để tạo ra giá trị tăng thêm là 1.000 tỷ. Tức là mỗi đồng cổ đông B đầu tư thêm chỉ tạo ra được 1 đồng giá trị.

Với nhà đầu tư, vốn chủ sở hữu tăng thêm của A và B là một dòng tiền ra (Outflow). Vì vậy trong giai đoạn 10 năm, A rõ ràng là doanh nghiệp có dòng tiền tuyệt vời hơn B.

B là doanh nghiệp bị ảnh hưởng do lạm phát nhiều hơn A. Một đồng tái đầu tư vào A tạo ra giá trị gấp đôi trong giai đoạn 10 năm. Một đồng tái đầu tư vào B cũng trong giai đoạn 10 năm đó chỉ tạo ra giá trị đúng 1 đồng.

Doanh nghiệp đầu tư nhiều vào tài sản dài hạn

Với các ngành không phải là thương mại, phải đầu tư nhiều vào tài sản cố định, tài sản dài hạn thì ảnh hưởng của lạm phát sẽ chậm hơn do tài sản cố định, tài sản dài hạn không cần thay thế hàng năm.

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn thì tài sản cố định rồi cũng phải đến lúc phải thay thế. Và khi đó, giá mua mới của nó chắc chắn phải là mức giá cao hơn, đã phản ánh lạm phát của cả giai đoạn dài.

Vậy kết cục là gì?

Việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư để giảm thiểu các thiệt hại do lạm phát hẳn là đã rõ ràng hơn. Bằng cách so sánh các cơ hội đầu tư, bạn sẽ biết nên chọn lựa cổ phiếu nào tốt hơn. Những doanh nghiệp nào không cần đầu tư nhiều vào tài sản, có ROE cao hơn sẽ là khoản đầu tư an toàn hơn cho nhà đầu tư trước rủi ro lạm phát.

Quan điểm giá trị sổ sách P/B cao hơn là khoản đầu tư an toàn hơn mà trong sách vở về đầu tư thường dạy là một quan điểm sai lầm trong môi trường lạm phát! Hy vọng những thông tin trong bài viết này mang đến cho bạn một cái nhìn rõ ràng về lạm phát và những ảnh hưởng của nó với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.