Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giao dịch chứng khoán phái sinh chủ yếu hiện nay là giao dịch mua bán chỉ số VN30 với các kỳ hạn 1 Tháng, 3 Tháng, 6 Tháng. Hợp đồng phái sinh của chỉ số VN30 sẽ đáo hạn vào ngày Thứ 5 tuần thứ 3 của tháng. Vào ngày đáo hạn, các hợp đồng phái sinh đến hạn sẽ tất toán lãi lỗ. Bản chất của giao dịch phái sinh chỉ số VN30 tương lai và việc bạn mua/bán chỉ số. Nếu biến động của thị trường theo đúng hướng bạn dự báo thì bạn kiếm được lãi, ngược lại thì bạn sẽ lỗ.
Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh hiểu rộng ra thì nó là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở này có thể là tỷ giá USD, chỉ số chứng khoán, giá vàng, giá cổ phiếu, lãi suất…Vì thế, chứng khoán phái sinh vô cùng đa dạng và dường như chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của con người.
Trong một giao dịch phái sinh, quyền và nghĩa vụ của các bên được xác lập ở hiện tại theo một mức giá đã được thỏa thuận. Tùy thuộc vào biến động của tài sản cơ sở, tới thời điểm đáo hạn hợp đồng phái sinh sẽ có một bên lỗ và một bên lãi. Nếu không chịu phí giao dịch thì tổng lợi nhuận của các bên bằng 0. Trường hợp có phí giao dịch (do có bên thứ 3 tham gia) thì tổng lợi nhuận của các bên tham gia nhỏ hơn 0.
Một số loại chứng khoán phái sinh phổ biến
Có một số loại chứng khoán phái sinh phổ biến được giao dịch trên thị trường. Và mục này sẽ giúp bạn có hình dung cụ thể hơn về các hợp đồng phái sinh.
Hợp đồng kỳ hạn/ tương lai: Ví dụ hợp đồng tương lai mua bán ngoại tệ, hợp đồng tương lai mua bán hàng hóa (dầu thô, thép, lương thực…). Những loại hợp đồng này vẫn được giao dịch hàng ngày trên thị trường. Hợp đồng mua bán chỉ số VN30 chính là một hợp đồng tương lai. Có loại hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở (như mua bán dầu thô), cũng có loại không có chuyển giao tài sản cơ sở (như hợp đồng tương lai mua/bán chỉ số VN30).
Bảng giá phái sinh HĐTL chỉ số VN30
Hợp đồng quyền chọn: Sản phẩm quyền chọn là sản phẩm mà một bên sẽ trả phí trước để có thể thực hiện một quyền mua/bán tài sản cơ sở trong tương lai ở mức giá đã xác định ở thời điểm hiện tại. Chứng khoán Việt Nam đã có các sản phẩm quyền chọn mua (còn chưa có chứng quyền chọn bán). Phần lớn các nhà đầu tư quyền chọn từ 2019 tới nay đều lỗ nặng.
Bảng giá một số chứng quyền niêm yết trên HOSE
Cơ chế kiếm tiền trên thị trường phái sinh thế nào?
Phần này mình muốn nói cụ thể một chút vì vậy mình sẽ lấy 2 ví dụ về hợp đồng tương lai theo chỉ số VN30 và một giao dịch mua chứng quyền đảm bảo.
Hợp đồng VN30F2008
Đây là hợp đồng mua/bán chỉ số VN30 tương lai, đáo hạn vào ngày 20/08/2020. Ở thời điểm ngày 13/8, VN30F2008 đang được khớp ở mức giá 794. Hợp đồng này có hệ số nhân là 100.000đ. Nghĩa là mỗi hợp đồng có giá trị là 794 x 100.000 = 79.400.000đ. Đây là giá thời điểm hôm nay bạn mua/bán hợp đồng này.
Tại ngày đáo hạn 20/08: Giả sử phiên đóng cửa (ATC) ngày 20/08, chỉ số VN30 chốt ở mức 800 điểm. Tức là mỗi hợp đồng có giá trị 800 x 100.000 = 80.000.000đ. Nghĩa là nếu ngày 13/8 bạn mua chỉ số VN30F2008 thì tới ngày đáo hạn bạn sẽ lãi 600.000đ/ hợp đồng. Ngược lại, nếu bạn ở vị thế bán vào ngày 13/8 thì bạn lỗ 600.000đ/ hợp đồng. Các khoản lãi lỗ này là mình tính trước phí, thuế. Khi giao dịch thực tế bên lỗ sẽ lỗ nhiều hơn 600.000đ/hợp đồng và bên lãi sẽ lãi ít hơn 600.000đ/hợp đồng.
Đòn bẩy trong giao dịch phái sinh: Phần lớn các công ty chứng khoán cho phép bạn dùng đòn bẩy nghĩa là bạn không cần có 79.400.000đ trong tài khoản ngày 13/8 để mua/ bán khống chỉ số VN30F2008. Thường thì tỷ lệ ký quỹ chỉ khoảng 16 – 18%. Nghĩa là bạn cần ký quỹ khoảng 13 – 14 triệu là có thể mua/bán 1 hợp đồng rồi. Và khi dùng đòn bẩy thì lãi/ lỗ khi giao dịch đều sẽ tăng lên.
CHDB2005 – Chứng quyền mua HDB kỳ hạn 4 tháng của KIS
Thêm một ví dụ về chứng quyền đang giao dịch để bạn hiểu rõ thêm về chứng khoán phái sinh là gì trong trường hợp chứng quyền (quyền chọn). Tại ngày giao dich (13/8):
- Mỗi chứng quyền CHDB2005 có giá là 640đ/chứng quyền.
- Tỷ lệ chuyển đổi là 4:1. Nghĩa là bạn mua 4 chứng quyền thì đến ngày đáo hạn sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu HDB
- Ngày đáo hạn là: 1/10/2020
- Giá thực hiện (giá bạn có quyền mua cổ phiếu HDB tại ngày đáo hạn) là 27.327đ/cổ phiếu
=> Chi phí để sở hữu 1 cổ phiếu HDB khi mua chứng quyền là: 4 x 640đ + 27.327đ = 29.887đ
Giá khớp lệnh ngày 13/8 của cổ phiếu HDB là: 26.800đ. Như vậy ai mua chứng quyền ở ngày hôm nay (13/8) thì lỗ hơn nhiều so với mua ngay cổ phiếu HDB.
Chứng quyền CHDB2005
Tại sao đầu tư phái sinh thường thua lỗ?
Phái sinh không phải là một một trò chơi có lợi nhuận tổng bằng không, mà nó là một trò chơi có tổng lợi nhuận với hai bên tham gia nhỏ hơn 0 (vì sẽ luôn phát sinh rất nhiều khoản phí, thuế). Ví dụ với giao dịch chỉ số tương lai VN30, có rất nhiều khoản phí như phí giao dịch, phí quản lý vị thế, phí quản lý tài sản ký quỹ, thuế TNCN…Dĩ nhiên, vẫn có những người kiếm được tiền từ phái sinh. Nhưng về tổng thể thì càng giao dịch nhiều các nhà đầu tư càng có xu hướng mất nhiều.
Với các hợp đồng quyền chọn (chứng quyền có đảm bảo), hiện nay trên thị trường sân chơi này nằm trong tay các công ty chứng khoán. Họ tự quy định mức giá chứng quyền, mức giá thực hiện quyền mua…Và thường là rất cao khiến cho hầu hết các nhà đầu tư chứng quyền thời gian qua đều thua lỗ khi hợp đồng tới thời điểm đáo hạn.
Có nên đầu cơ phái sinh không?
Các hợp đồng phái sinh đặc biệt là những loại dựa trên chỉ số, biến động tỷ giá, hợp đồng forex ngoại hối…là những hợp đồng không có tài sản phía sau. Vì vậy, bản chất không có tài sản sinh lời bên trong mà tiền chỉ chuyển từ bên này sang bên khác mà thôi. Và nhà cái (bên trung gian lập sàn giao dịch) luôn là những bên hưởng lợi nhiều nhất khi nhà đầu tư giao dịch tích cực.
Bản chất của phái sinh mang tính chất đầu cơ chứ không phải là đầu tư. Vì vậy, tôi không tham gia thị trường này. Còn bạn thì tôi tùy bạn quyết định, tôi không có lời khuyên phù hợp cho những ai hiểu những vẫn làm.