Từ khi ra đời, chứng khoán phái sinh đã là một kênh đầu tư hấp dẫn nhiều người bởi tính đòn bẩy, khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên còn một lợi ích nữa mà không phải ai cũng biết và áp dụng, đó là phòng ngừa rủi ro rất hiệu quả. Vậy cách chứng khoán phái sinh phòng ngừa rủi ro như thế nào?
Cách chứng khoán phái sinh phòng ngừa rủi ro (Hedging)
Trong đầu tư có một thuật ngữ Hedging, được hiểu là phương pháp phòng ngừa rủi ro trong đầu tư chứng khoán. Giao dịch chứng khoán phái sinh giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro về biến động giá của các cổ phiếu đang sở hữu trên thị trường cơ sở.
Quy tắc trong giao dịch tài chính là lợi nhuận thường tỷ lệ thuận với rủi ro, lợi nhuận càng cao thì rủi ro cũng càng lớn. Tuy nhiên, có những thời điểm rủi ro lại tăng cao hơn cả lợi nhuận kỳ vọng. Lúc đó, nhà đầu tư cần sử dụng kỹ thuật Hedge để bảo vệ danh mục đầu tư của mình trước những biến động của thị trường. Điều này thể hiện sự kinh nghiệm và óc phán đoán của mỗi nhà đầu tư.
Ví dụ: Danh mục đầu tư của bạn đang có nhiều mã cổ phiếu tiềm năng. Nhưng dự đoán cho thấy thị trường có chiều hướng tiêu cực nên danh mục của bạn có khả năng bị ảnh hưởng và thua lỗ. Khi đó, bạn tính đến cách giảm tỷ trọng danh mục và mua lại lúc thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, đây không phải cách tối ưu vì nó tốn kém về chi phí khi không mua lại được với mức giá hợp lý. Lúc này, bạn sẽ chọn kỹ thuật Hedge để phòng ngừa rủi ro và bảo vệ danh mục đầu tư.
Bằng cách đầu tư vào sản phẩm Hợp đồng tương lai trong chứng khoán phái sinh, sản phẩm này cho phép bạn bán khống, kiếm được lợi nhuận khi thị trường chứng khoán cơ sở giảm điểm. Các nhà đầu tư coi đây là “tấm khiên” để bảo vệ danh mục đầu tư. Cụ thể, khi thị trường giảm điểm, Hợp đồng tương lai sẽ đem đến lợi nhuận và bù lại số tiền thua lỗ từ danh mục đầu tư. Vậy nên, tính tổng thể thì nhà đầu tư sẽ không bị tác động nhiều lúc thị trường đang đà giảm điểm.
Giả dụ, ngày 15/07/2021, nhà đầu tư đang nắm giữ 10.000 cổ phiếu GAS, thị giá 100.000 đồng và muốn giữ lại đầu tư lâu dài. Đồng thời, nhà đầu tư cũng đang có 200 triệu đồng trong tài khoản phái sinh.
Dự đoán được thị trường sẽ giảm, nhà đầu tư quyết định bán 10 Hợp đồng tương lai VN30F2108 tại 1200 điểm.
Ngày 20/08/2021, kết thúc kỳ hạn, Hợp đồng VN30F2108 giảm 60 điểm (-5%) và giá cổ phiếu GAS giảm 10.000 đồng về 90.000 đồng (-10%).Vậy nên:
- Chốt lời Hợp đồng tương lai 60 x 100.000 x 10 = 60.000.000 đồng.
- Cổ phiếu GAS: (100.000 – 90.000) * 10.000 = 100.000.000 đồng.
Tổng cộng nhà đầu tư lỗ 40.000.000 đồng.
Như vậy, khi thị trường giảm, nếu không thực hiện bán khống hợp đồng phái sinh thì nhà đầu tư đã lỗ 100 triệu từ việc giảm giá cổ phiếu. Nhưng nhờ bán khống hợp đồng phái sinh nên nhà đầu tư chỉ lỗ 40 triệu đồng.
Chú thích: Bán khống (Short Sell) là hoạt động bán tài sản mà người bán không sở hữu, tài sản này được mượn từ người khác và thực hiện bán với kỳ vọng sẽ mua lại được trong tương lai với mức giá thấp hơn để thu lợi nhuận. Với thị trường chứng khoán phái sinh, nếu nhà đầu tư có kỳ vọng chỉ số cơ sở giảm trong tương lai, nhà đầu tư có thể mở vị thế bán Hợp đồng tương lai của tài sản cơ sở tương ứng ngay tại thời điểm hiện tại mà không còn sở hữu tài sản. Hiện nay, thị trường chứng khoán cơ sở chưa cho phép bán khống, nên đây chính là lợi thế của thị trường chứng khoán phái sinh.
Như vậy, qua bài viết này, chúng tôi đã cung cấp cho bạn cách hoạt động của chứng khoán phái sinh phòng ngừa rủi ro. Hy vọng bạn đã lĩnh hội được kiến thức tham khảo tốt để đầu tư linh hoạt, hiệu quả hơn.