Chứng khoán phái sinh quốc tế là gì? “Canh bạc” hay “Miếng pho mát” Update 05/2024

Chứng khoán phái sinh quốc tế là gì?

Chứng khoán phái sinh được hiểu là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở như trái phiếu, cổ phiếu, vàng, dầu mỏ… theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai. Chứng khoán phái sinh được niêm yết và giao dịch trên các sàn và sở giao dịch chứng khoán. 

Như vậy, chứng khoán phái sinh quốc tế hiểu đơn giản là các sản phẩm phái sinh được giao dịch trên các sàn quốc tế. Chứng khoán phái sinh quốc tế còn được biết đến với tên gọi là chứng khoán thị trường CFD (Contract For Difference. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn đa dạng các sản phẩm chứng khoán phái sinh của nhiều công ty trên thế giới. Trên thị trường chứng khoán phái sinh quốc tế, sản phẩm phái sinh rất đa dạng như dầu thô, nông sản, kim loại, cổ phiếu của các tập đoàn lớn…

Chứng khoán phái sinh quốc tế là gì?

Chứng khoán phái sinh quốc tế còn được gọi là chứng khoán thị trường CFD

Ưu – nhược điểm của chứng khoán phái sinh quốc tế

Ưu điểm:

– Chứng khoán phái sinh có tính thanh khoản, nhà đầu tư có thể giao dịch t+0 (giao dịch trong ngày)

– Nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi giá giảm bằng việc mở vị thế bán

– Nhà đầu tư được linh hoạt về vốn, tùy thuộc vào khả năng huy động vốn của mình.

– Thông tin thị trường chứng khoán phái sinh quốc tế được công khai, minh bạch

– Đáp ứng đa dạng các nhu cầu của nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường:

  • Nhu cầu phòng ngừa rủi ro
  • Nhu cầu kinh doanh đầu cơ dựa vào biến động giá thị trường.
  • Giúp nhà đầu tư chuyên nghiệp đa dạng hóa sản phẩm tốt.

– Hệ thống giao dịch nhanh, đa dạng sản phẩm

Nhược điểm: Nhược điểm lớn nhất của chứng khoán phái sinh quốc tế là tính rủi ro cao, các sàn giao dịch mà nhà đầu tư mở tài khoản chưa có tính pháp lý rõ ràng. Thậm chí một số sàn còn có mục đích lừa đảo. 

Các loại chứng khoán phái sinh trên thế giới

Thị trường chứng khoán phái sinh quốc tế hiện niêm yết và giao dịch 4 loại chứng khoán sau đây:

Loại chứng khoán phái sinh Đặc điểm
Hợp đồng kỳ hạn (forwards contract)

Là dạng hợp đồng thỏa thuận pháp lý giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một loại tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước tại ngày thực hiện giao dịch.

Loại chứng khoán phái sinh này có có giá trị pháp lý ràng buộc giữa hai bên mua và bán. Đến kỳ hạn thực hiện (ngày đáo hạn hợp đồng), người có hợp đồng mua có quyền và nghĩa vụ phải mua, người có hợp đồng bán có quyền và nghĩa vụ bán.

Hợp đồng tương lai (Futures Contract)

Là dạng hợp đồng kỳ hạn đã được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch tại thị trường tập trung (Sở Giao dịch chứng khoán). Hợp đồng mẫu sẽ do Sở Giao dịch chứng khoán xây dựng, niêm yết, giao dịch tập trung tại Sở và được thỏa thuận mua bán thông qua người môi giới (thành viên giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh).

Khi giao dịch hợp đồng tương lai, nhà đầu tư phải nộp ký quỹ vào tài khoản ký quỹ theo mức quy định của Trung tâm bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh. Nếu hạn mức ký quỹ xuống thấp hơn mức ký quỹ duy trì, nhà đầu tư buộc phải bổ sung để tăng giá trị ký quỹ về mức tối thiểu ký quỹ ban đầu. Nếu mức ký quỹ cao hơn mức ký quỹ duy trì, nhà đầu tư có thể rút về phần tài sản dư.

Khi giao dịch, giá của hợp đồng tương lai sẽ thay đổi liên tục, tăng/giảm trong ngày.

Hợp đồng quyền chọn (Option Contract)

Là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng cho phép người mua có quyền nhưng không bắt buộc, được mua hay bán một tài sản cơ sở với mức giá đã được ấn định vào trước hoặc đúng ngày đã được xác định trong tương lai.

Loại hợp đồng này được cấu thành bởi: người mua quyền, người bán quyền, tài sản cơ sở, giá thực hiện, ngày đáo hạn và phí mua quyền.

Hợp đồng quyền chọn có thể thực hiện theo 2 kiểu:

+ Hợp đồng kiểu Mỹ: Người mua hợp đồng quyền chọn có quyền thực hiện hợp đồng vào bất kỳ thời điểm nào trước khi hợp đồng hết hạn.

+ Hợp đồng kiểu Châu Âu: Người mua hợp đồng quyền chọn chỉ được thực hiện hợp đồng vào thời điểm hợp đồng hết hạn.

Hợp đồng hoán đổi (Swap Contract)

Hợp đồng hoán đổi trong chứng khoán phái sinh là một thỏa thuận pháp lý, trong đó các bên đồng ý thực hiện các khoản thanh toán định kỳ cho nhau hay là đồng ý trao đổi các luồng tiền trong tương lai theo một phương thức đã định sẵn và trong một khoản thời gian xác định trước. 

Hợp đồng hoán đổi có hiệu lực từ ngày khởi đầu (còn được gọi là ngày định giá) và chấm dứt vào ngày kết thúc (hay còn gọi là ngày đáo hạn) của hợp đồng.

Chơi chứng khoán phái sinh quốc tế như thế nào?

Chứng khoán phái sinh quốc tế là một sân chơi thu hút nhiều nhà đầu tư. Các nhà đầu tư Việt Nam cũng nhận được nhiều lời mời chào tham gia vào sân chơi quốc tế đến từ các công ty môi giới chứng khoán quốc tế CFD. 

Đối với chứng khoán phái sinh quốc tế, khi nhà đầu tư muốn thực hiện các hoạt động mua – bán, giao dịch trên thị trường này sẽ thông qua các công ty môi giới. Theo đó, nhà đầu tư sẽ chuyển tiền qua cổng Ngân lượng để đổi từ VND sang USD nhằm thuận tiện cho giao dịch. Số tiền này của nhà đầu tư sẽ được chuyển vào tài khoản đầu tư ở các sàn  – nơi mà công ty môi giới liên kết. Sau đó nhà đầu tư có thể thực hiện mua – bán cổ phiếu trên các sàn đã có tài khoản đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh quốc tế có nhiều loại tài khoản khác nhau như: Tài khoản tiêu chuẩn, Tài khoản Cao cấp, tài khoản Kim cương… Sự khác nhau cơ bản giữa các loại tài khoản này chính là số tiền tối thiểu nộp vào lần đầu, yếu tố đòn bẩy và khối lượng giao dịch. Theo đó:

Loại tài khoản Số tiền tối thiểu nộp lần đầu Mức đòn bẩy Khối lượng giao dịch
Tài khoản Tiêu chuẩn 1.000 USD 1:1.000 0,01 lô
Tài khoản Ruby 5.000 USD 1:500 0,1 lô
Tài khoản Cao cấp 10.000 USD 1:500 1 lô
Tài khoản Kim cương 20.000 USD 1:500 1 lô

Khi đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế nếu giá tăng sau khi mua nhà đầu tư sẽ có lãi cao. Thậm chí nhà đầu tư cũng có thể kiếm lời ngay cả khi giá giảm thông qua việc mở vị thế bán, sau đó mua lại với giá thấp hơn để đóng vị thế.

Lợi ích và rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh quốc tế

Lợi ích của chứng khoán phái sinh quốc tế

Chứng khoán phái sinh quốc tế là một trong những thị trường thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Điều này đến từ các lợi ích mà chứng khoán phái sinh quốc tế mang lại cho nhà đầu tư cũng như cho nền kinh tế thị trường. Theo đó:

Đối với nhà đầu tư:

  • Giúp phòng ngừa và hạn chế rủi ro một cách hiệu quả.
  • Hạn chế sự chênh lệch tỷ giá: Bản chất của chứng khoán phái sinh là giao dịch được thực hiện và chốt giá trong một thời điểm cụ thể ở tương lai nên nó hạn chế được các rủi ro do biến động tỷ giá trên thị trường. Từ đó giúp nhà đầu tư thu về lợi nhuận sớm hơn.
  • Đầu cơ: Nếu tận dụng được các biến động về giá, nhà đầu tư chứng khoán phái sinh có thể thu về lợi nhuận tức thời và trong thời gian ngắn

Đối với nền kinh tế thị trường:

  • Đảm bảo được tài sản cơ sở: Chứng khoán phái sinh giao dịch dựa trên tài sản cơ sở nên nhà đầu tư có thể tính ngay được lãi/lỗ tại thời điểm giao dịch. Từ đó ngăn chặn được các rủi ro thị trường.
  • Tăng tính thanh khoản nhờ sự thanh toán linh hoạt, rõ ràng
  • Tăng thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài

Cảnh báo rủi ro khi chơi chứng khoán phái sinh quốc tế

Chứng khoán phái sinh quốc tế đã xuất hiện từ lâu và dành được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư Việt Nam nhờ vào những lời mời chào rất hấp dẫn. Tuy nhiên, thị trường này vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Một trong những rủi ro lớn mà các nhà đầu tư hay gặp phải khi tham gia sân chơi phái sinh quốc tế là quá tin vào những lời quảng cáo về lợi nhuận thu được khi tham gia. Các môi giới chứng khoán quốc tế thường xuyên thuyết phục các nhà đầu tư về việc vẫn có thể kiếm lời ngay cả khi giá xuống, nếu như nắm bắt được xu hướng. Thậm chí môi giới còn đề cập đến những lợi ích khi nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phái sinh quốc tế CFD như:

  • Được giao dịch T+0
  • Giao dịch diễn ra nhanh chóng
  • Nhà đầu tư được linh hoạt nguồn vốn đầu tư, không có tình trạng chôn vốn trên thị trường CFD…
  • Được tiếp cận với nhiều mã cổ phiếu của các tập đoàn lớn như Apple, McDonald, Facebook.. hoặc có thể giao dịch tiền tệ, hàng hóa như cà phê, cacao; năng lượng như xăng, dầu; kim loại như vàng, bạc…

Rủi ro chứng khoán phái sinh quốc tế

Chứng khoán phái sinh quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tuy nhiên, chứng khoán phái sinh quốc tế hoàn toàn không đơn giản như những lời mời chào. Rủi ro lớn nhất mà nhà đầu tư gặp phải khi tham gia chứng khoán phái sinh quốc tế là:

– Các giao dịch phải thực hiện thông qua môi giới, nhà đầu tư không được trực tiếp giao dịch trên sàn

– Thông tin giấy tờ cũng như hợp đồng không đảm bảo tính pháp lý

– Thị trường quốc tế biến động nhanh và mạnh, nhà đầu tư hoàn toàn không chủ động được việc đầu tư của mình

– Các công ty cung cấp môi giới CFD có cảnh báo các rủi ro thua lỗ nhưng nhân viên môi giới không đề cập mà chỉ nhận mạnh vào lợi tức đạt được nhằm thu hút nhà đầu tư.

– Đầu tư vào những sàn “ăn gian” lừa đảo, là cái bẫy để nhà đầu tư rót tiền rồi sau đó ôm lệnh mất hút.

Cho nên trước khi đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế, các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ, cân nhắc và đưa ra quyết định hợp lý.

Chứng khoán phái sinh quốc tế có lừa đảo không?

Cơ hội thu về lợi nhuận chính là yếu tố thu hút các nhà đầu tư tham gia vào sân chơi chứng khoán phái sinh quốc tế. Tuy nhiên đây cũng là yếu tố khiến một số nhà đầu tư cho rằng chứng khoán phái sinh quốc tế lừa đảo khi không ít nhà đầu tư gặp phải tình cảnh không thể rút tiền kể cả vốn ban đầu, lệnh giao dịch bị trượt hoặc chậm…

Nói về điều này, theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Việt Quang, hình thức đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế CFD đã xuất hiện từ lâu với sự đa dạng về sản phẩm, hệ thống giao dịch nhanh… tuy nhiên nhiều sàn giao dịch vẫn có tính chất lừa đảo. 

Còn theo Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các công ty môi giới để nắm rõ thông tin các công ty này có chức năng, nhiệm vụ về môi giới đầu tư vào hợp đồng quyền chọn hay không, trước khi tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế. 

Bởi vậy lời khuyên mà các chuyên gia kinh tế đưa ra là nhà đầu tư nên thận trọng đối với các lời mời gọi vào CFD. Đặc biệt, về mặt pháp lý nước ta cũng chưa đưa ra quy định cụ thể nào cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài cho mục đích đầu tư tài chính. Trong đó có đầu tư CFD – chứng khoán phái sinh quốc tế.

Về mặt pháp nhân, Bộ Tài chính chỉ ban hành Thông tư 105/2016/TT-BTC cho phép các tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nếu đáp ứng được các điều kiện thì được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Chứng khoán phái sinh quốc tế lừa đảo không?

Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ chứng khoán phái sinh quốc tế trước khi tham gia

Đối với giao dịch chứng khoán phái sinh quốc tế CFD hiện thông tin về hoạt động này vẫn còn khá chung chung, nhà đầu tư chưa nắm rõ các thông tin về đối tác, không được tham gia quản lý hoạt động đầu tư và không kiểm soát được tiền đầu tư. Cho nên không loại trừ những trường hợp nhà đầu tư bị lừa đảo.

Với những thông tin trên đây hy vọng bạn đã hiểu rõ về thị trường chứng khoán phái sinh quốc tế, ưu nhược điểm cũng như cách thức đầu tư trên thị trường này. Qua đó có những quyết định đầu tư đúng đắn nhất cho mình.