Cổ phiếu là gì và có bao nhiêu loại cổ phiếu khác nhau? Update 11/2024

Có khá nhiều khái niệm mà một nhà đầu tư mới, một người tìm hiểu về chứng khoán cần tìm hiểu. Ngoài các khái niệm chung nhất như chứng khoán là gì? Có những loại chứng khoán nào…Thì bạn cũng sẽ cần tìm hiểu cổ phiếu là gì, có những loại cổ phiếu nào. Việc hiểu rõ bản chất của từng loại cổ phiếu sẽ giúp bạn có những quyết định đầu tư thông minh.

Cổ phiếu là gì? 

Trong công ty cổ phần, phần vốn góp của các cổ đông được chia đều thành các phần bằng nhau, mỗi phần đó là một cổ phần và đại diện của mỗi một cổ phần được gọi là cổ phiếu. Với các công ty cổ phần không niêm yết sàn chứng khoán, người mua cổ phiếu sẽ được công ty phát hành trao một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần xác thực quyền sở hữu của nhà đầu tư (gọi là cổ đông) đối với công ty.

Với các công ty niêm yết thì cổ phiếu được lưu ý ở trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD). Việc sở hữu cổ phần sẽ thể hiện trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư, tương tự như tiền khi xem trong tài khoản ngân hàng qua internet banking vậy.

Cổ phiếu là gì?

Cổ phiếu là gì?

Khi mua cổ phiếu của một công ty bạn sẽ trở thành cổ đông. Tất cả các cổ đông đều là người đồng sở hữu công ty đó. Khi công ty kinh doanh có lãi, bạn được chia sẻ lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ cổ phần mình sở hữu. Khi công ty kinh doanh thua lỗ thì giá trị của các phần vốn cổ phần sẽ bị giảm đi tương ứng với tỷ lệ sở hữu của mỗi cổ đông.

Vậy có gì cần lưu ý ở đây?

Việc sở hữu cổ phiếu biến bạn thành cổ đông. Dù chỉ sở hữu 1 cổ phiếu thì bạn vẫn sẽ có quyền lợi giống như các cổ đông khác của công ty. Tỷ lệ quyền lợi của bạn trong công ty cổ phần tương ứng với tỷ lệ % cổ phần bạn sở hữu. Việc mua cổ phiếu có thể thực hiện thông qua các giao dịch trên thị trường chứng khoán với các công ty niêm yết. Với các công ty không niêm yết trên sở giao dịch thì việc mua bán chuyển nhượng cổ phiếu sẽ thông qua hình thức thỏa thuận giữa các bên.

Loại cổ phiếu bình thường không có quyền lợi gì đặc biệt, không bị hạn chế về quyền lợi..thì được gọi là cổ phiếu phổ thông. Ngoài loại cổ phiếu này còn có khá nhiều thuật ngữ khác liên quan tới cổ phiếu mà mình sẽ đề cập thêm dưới đây.

Cổ phiếu ưu đãi cổ tức là gì?

Cố phiếu ưu đãi cổ tức cho phép cổ đông nhận cổ tức cao ưu đãi hơn so với cổ đông phổ thông. Có thể là với mức cổ tức ổn định hằng năm hoặc cao hơn cổ tức trả cho cổ phiếu phổ thông. Có những loại cổ phiếu ưu đãi cổ tức có mức cố tức cố định hàng năm, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những trường hợp này cổ phiếu ưu đãi cổ tức khá giống một khoản vay của doanh nghiệp.

Thậm chí nếu công ty phá sản, nếu bạn sở hữu cổ phiếu ưu đãi cổ tức thì còn được chia tài sản thanh lý của công ty trước khi chia cho các cổ đông khác. Thường thì cổ phiếu ưu đãi cổ tức cũng sẽ có những hạn chế. Phổ biến nhất trong các hạn chế là bạn sẽ mất quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông hay đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của công ty.

Cổ phiếu quỹ là gì?

Theo luật chứng khoán Việt Nam và thông lệ quốc tế, cổ phiếu quỹ là cổ phiếu được chính công ty phát hành mua lại bằng nguồn vốn hợp pháp. Việc mua lại cổ phiếu quỹ này của doanh nghiệp sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Giá trị vốn chủ sở hữu (xem bên dưới) của doanh nghiệp sẽ giảm đi một số tương ứng với số tiền mà công ty cổ phần bỏ ra để mua cổ phiếu quỹ.

Mệnh giá cổ phiếu là gì?

Mệnh giá cổ phiếu là giá trị quy ước của mỗi cổ phiếu. Nó là mức giá được ấn định chiếu theo điều lệ công ty phát hành và không có sự liên quan với giá trị thị trường của cổ phiếu. Hay nói cách khác, mệnh giá cổ phiếu chỉ là giá trị danh nghĩa của nó, đại diện cho vốn điều lệ của công ty.

Mệnh giá cổ phiếu là cái giá mà bạn có thể mua trong đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên. Cổ phiếu niêm yết trên thị trường Việt Nam luôn có mệnh giá 10.000 đồng. Thế nhưng, giá trị cổ phiếu khi mua bán trên thị trường chứng khoán sẽ không phụ thuộc con số này. Giá trị mua bán trên thị trường của cổ phiếu được nhắc đến như là thị giá cổ phiếu.

Thị giá cổ phiếu là gì?

Thị giá cổ phiếu là giá trị thị trường hiện tại của cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường. Nói cách khác, khi cổ phiếu được lưu hành tự do, mức giá mà người ta mua bán cổ phiếu đó trên thị trường gọi là thị giá. Tổng giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu đang lưu hành của công ty chính là đại diện cho giá trị vốn hóa thị trường của một công ty, nghĩa là số tiền mà bạn phải bỏ ra để mua lại toàn bộ doanh nghiệp này trong hiện tại.

Thị giá cổ phiếu là giá trị thị trường của cổ phiếu đó

Thị giá cổ phiếu là giá trị thị trường của cổ phiếu đó

Thị giá cổ phiếu thường sẽ khác biệt với mệnh giá. Thị giá cổ phiếu có thể thấp hơn hoặc cao hơn rất nhiều so với mệnh giá, tùy vào cung và cầu trên thị trường, đánh giá của nhà đầu tư về triển vọng của doanh nghiệp.

Giá trị sổ sách của cổ phiếu là gì?

Giá trị sổ sách của một cổ phiếu là một chỉ số trên báo cáo tài chính. Nó phản ánh cho giá trị tài sản công ty còn lại thực sự là bao nhiêu nếu chia tài sản thuần (Tài sản – nợ) cho tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi và không chia cổ tức thì sau mỗi năm giá trị sổ sách của cổ phiếu sẽ tăng lên. Thông thường giá trị sổ sách càng lớn thì thị giá cổ phiếu cũng lớn.

Nhà đầu tư thường so sánh giá trị thị trường với giá trị sổ sách. Nếu giá thị trường của cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách của nó, thì cổ phiếu đó đang được định giá thấp hơn giá trị sổ sách. Ngược lại, những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh sinh lời tốt thì giá trị thị trường (thị giá) thường lớn hơn giá trị sổ sách rất nhiều.

Cổ phiếu OTC là gì?

Cổ phiếu OTC là một loại cổ phiếu đã phát hành nhưng chưa được niêm yết tập trung trên sàn chứng khoán. Hay nói cách khác, cổ phiếu OTC là những cổ phiếu được giao dịch trên thị trường không tập trung.

Cổ phiếu OTC được giao dịch chủ yếu bằng mua bán trực tiếp dựa trên thỏa thuận, thương lượng giữa người bán và người mua, chứ không qua Sở giao dịch chứng khoánGiá của cổ phiếu OTC không cần được công bố cho công chúng, và chúng cũng dao động không theo biên độ nhất định.

Vì giao dịch ít phổ biến nên cổ phiếu OTC có tính thanh khoản thấp và có nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên lợi nhuận tiềm năng nó mang lại tương đối cao hơn so với cổ phiếu đã niêm yết.

Cổ phiếu thưởng là gì?

Có nhiều doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và gọi cổ phiếu này là cổ phiếu thường. Nghĩa là cổ đông được nhận số cổ phiếu này mà không phải góp thêm vốn mới. Cổ phiếu thưởng phát hành thêm sẽ được chia cho cổ đông theo tỷ lệ cổ phần mà họ đang nắm giữ.

Chia cổ phiếu thưởng sẽ góp phần làm tăng vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên chúng cũng pha loãng cổ phiếu hiện hành trên thị trường, lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng lên khiến giá trị mỗi cổ phiếu giảm đi tương ứng. Do đó, những cổ phiếu này không làm tăng lợi nhuận cho cổ đông. Chúng chỉ giúp công ty phân phối lại giữa tài khoản vốn và các tài khoản vốn chủ sở hữu khác như lợi nhuận chưa phân phối, các quỹ trên báo cáo tài chính.

Ngoài ra, cổ phiếu thưởng cũng thường được đề cập đến là loại cổ phiếu phát hành/ bán rẻ cho cán bộ quản lý, nhân viên của công ty. Những cổ phiếu thưởng này thường có điều khoản về việc hạn chế chuyển nhượng trong thời một vài năm. Mục đích loại cổ phiếu này giống như một khoản phúc lợi chi trả cho nhân viên dưới dạng cổ phiếu. Hết thời hạn hạn chế chuyển nhượng, nhân viên có thể bán các cổ phiếu này ra thị trường.

Trái phiếu chuyển đổi là gì?

Trái phiếu chuyển đổi là một loại trái phiếu được phát hành bởi công ty cổ phần, chúng có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông theo điều kiện và chính sách đã quy định ở thời điểm phát hành trái phiếu. Hiểu cách khác, người nắm giữ trái phiếu chuyển đổi có khả năng chuyển chúng thành một lượng cổ phiếu tương ứng theo tỷ lệ xác định của công ty phát hành, ở một thời điểm xác định trong tương lai.

Trái phiếu chuyển đổi thường có lãi suất thấp hơn một chút so với trái phiếu doanh nghiệp thông thường. Lí do là vì có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu, nghĩa là người sở hữu chúng có thể nhanh chóng hưởng lợi khi cổ phiếu tăng giá, nên các công ty sẽ áp dụng lãi suất thấp đối với trái phiếu chuyển đổi. Nếu công ty thua lỗ, triển vọng kinh doanh không tốt thì trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) có quyền không chuyển đổi và doanh nghiệp vẫn phải thanh toán nợ cho trái chủ.

Quyền chọn mua cổ phiếu là gì?

Khi kí kết hợp đồng quyền chọn mua cổ phiếu, bạn sẽ có quyền (nhưng không bắt buộc) mua một lượng cổ phiếu nhất định, theo mức giá định trước, trong thời gian mà hợp đồng quy định. Người bán bắt buộc phải bán số cổ phiếu đó theo giá quy định trong hợp đồng khi người mua yêu cầu. Tất nhiên người mua sẽ trả một khoản phí gọi là phí quyền chọn cho hợp đồng này.

Thông thường, người mua quyền sẽ thực hiện quyền mua khi thấy cổ phiếu có lợi nhuận. Còn khi cảm thấy cổ phiếu mất giá, người mua quyền có thể hủy hợp đồng và không thực hiện quyền.

Ở một hình thức khác phổ biến hơn, khi một công ty phát hành thêm cổ phiếu thì các cổ đông hiện hữu thường sẽ được quyền chọn mua thêm cổ phiếu để tỷ lệ sở hữu của mình trong công ty không bị giảm đi. Tuy nhiên, bạn cũng không nhất thiết phải thực hiện quyền mua này. Hành động này sẽ được gọi là bỏ quyền chọn mua, và tỷ lệ sở hữu của bạn trong doanh nghiệp sẽ bị giảm đi.

Bản chất phía sau cổ phiếu đó là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Vì vậy, những phần dưới đây mình giới thiệu quả ba khái niệm cơ bản trước là vốn chủ sở hữu, nợ phải trả và tổng tài sản của doanh nghiệp. Những khái niệm này sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm các vấn đề liên quan tới cổ phiếu.

Vốn chủ sở hữu là gì?

Vốn chủ sở hữu là nguồn vốn góp từ các chủ sở hữu cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn này đến từ các thành viên trong một công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong công ty cổ phần thì các khoán vốn này được góp từ các cổ đông.

Mỗi người chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ được chia sẻ lợi nhuận hoặc cùng gánh chịu thua lỗ (theo tỷ lệ mình góp vốn) của doanh nghiệp, tuỳ vào tình hình kinh doanh. Khoản lỗ tối đa mà một chủ sở hữu có thể bị lỗ là tổng khoản vốn góp vào công ty.

Vì là nguồn đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp, thế nên vốn chủ sở hữu không phải là nợ và doanh nghiệp không cam kết trả lại cho cổ đông/ thành viên góp vốn. Phần vốn này chỉ có thể được chuyển nhượng cho người khác hoặc hoàn lại qua hình thức chia những tài sản còn lại khi doanh nghiệp giải thể, hoặc phá sản.

Trong báo cáo tài chính của công ty cổ phần, vốn chủ sở hữu sẽ bao gồm vốn góp ban đầu, lãi lỗ từ hoạt động kinh doanh và một số loại quỹ như quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính…được trích ra từ lợi nhuận sau thuế hàng năm (trư quỹ khen thưởng phúc lợi).

Nợ phải trả trên báo cáo tài chính là gì?

Nợ phải trả là các khoản phải trả trên báo cáo tài chính, phản ánh số tiền nợ tại thời điểm báo cáo mà doanh nghiệp đang nợ các bên khác. Khoản nợ này thường bao gồm nợ phải trả nhà cung cấp, các khoản nợ vay ngân hàng phải trả, phải trả lương nhân viên…Những khoản nợ này có thể được chia thành nợ dài hạn và ngắn hạn.

Nợ ngắn hạn là các khoản nợ có hạn thanh toán một năm (hoặc một chu kỳ kinh doanh) trở xuống, như: khoản vay ngắn hạn, nợ dài hạn đến hạn phải trả, tiền hàng trả cho người bán, thuế nhà nước, lương thưởng cho nhân viên..

Nợ dài hạn là các khoản nợ có thời hạn trên một năm, như: khoản vay dài hạn cho đầu tư phát triển, trái phiếu, các khoản nhận ký quỹ, ký cược dài hạn, thuế thu nhập hoãn lại phải trả,…

Ví dụ như lúc mới thành lập công ty, cá cổ đông góp được 100 tỷ, sau đó công ty này đi vay ngân hàng 100 tỷ. Vậy trong trường hợp này Vốn chủ sở hữu = 100 tỷ; Nợ phải trả = 100 tỷ và như vậy: Vốn chủ sở hữu + Nợ phải trả = 200 Tỷ (Tiền) – Đây là khoản mục Tổng tài sản của doanh nghiệp.

Tổng tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

Tài sản là những nguồn lực mà doanh nghiệp đang kiểm soát và sử dụng nhằm thu lại lợi ích kinh tế, như: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, thiết bị máy móc, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hoá thành phẩm,….

Với cách hiểu đó, ta có thể thấy tài sản chính là tổng nguồn lực của doanh nghiệp = vốn góp + các khoản nợ phải trả. Tài sản nào cũng được sinh ra từ vốn chủ sở hữu hoặc từ nợ phải trả của doanh nghiệp. Ví dụ như một chiếc máy in là tài sản mà công ty in ấn mua được bằng tiền vốn của chủ công ty. Hay 1 tấn bột là nguyên liệu (tài sản) mà một xưởng bánh mua bằng tiền vay ngân hàng (nợ phải trả).

Do đó, ta có thể kết luận rằng với một doanh nghiệp: Tổng tài sản = Vốn chủ sở hữu + Nợ phải trả. Đây là khái niệm/ công thức rất quan trọng trong kế toán mà bạn cần nắm được khi đọc các báo cáo tài chính và cũng là để hiểu về cổ phiếu.