Cổ phiếu SKG: Phân tích những sai lầm cần tránh Update 05/2024

Thừa nhận những sai lầm của bản thân trong đầu tư chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng cổ phiếu SKG là một trong những nhận định sai lầm của tôi. Và dĩ nhiên, tôi cũng đã phải trả một giá khá đắt, cắt lỗ ở mức lỗ khoảng 30% sau hơn một năm đầu tư. Đã hơn một năm kể từ thời điểm cắt lỗ SKG, tôi đã có thời gian để nhìn nhận lại những sai lầm của mình.

Có nên mua cổ phiếu SKG

Có nên mua cổ phiếu SKG?

SKG là một mô doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả cho tới khi bị cạnh tranh

Nhìn vào quá khứ chưa bao giờ là cách tốt để đánh giá tương lai và điều này quả là hoàn toàn đúng với Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang. Trong khoảng thời gian từ 2009 – 2016, Superdong tăng trưởng một cách vượt bậc về doanh thu, lợi nhuận và qui mô và điều này đã khiến tôi đánh giá sai lầm về những khó khăn mà doanh nghiệp này phải đối mặt sau đó.

Lợi thế lớn nhất của SKG trong giai đoạn từ 2009 – 2016 là lợi thế từ việc gần như độc quyền khai thác các tuyến tàu cao tốc khu vực Phú Quốc – Kiên Giang. Tình hình tài chính minh bạch, dòng tiền ổn định từ hoạt động kinh doanh khiến nhiều nhà đầu tư có cái nhìn rất tích cực về SKG mà bị mờ mắt hoặc cho qua những vấn đề tiềm tàng là cạnh tranh và vấn đề giao dịch nội bộ.

Sự cạnh tranh làm giảm lợi nhuận gộp

Với mô hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hiệu quả hoạt động của SKG phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ lấp đầy/ mỗi chuyến tàu. Lý do là bởi các chi phí khấu hao và chi phí nguyên liệu (Dầu DO) biến động rất ít ngay cả khi tàu không chở khách hoặc chở đầy khách. Sự suy giảm lợi nhuận từ sau năm 2016 của Superdong đến từ sự cạnh tranh của Phú Quốc Express, một hãng tàu mới gia nhập thị trường.

Khi sự cạnh tranh ngày càng tăng lên, tỷ lệ lấp đầy khách trên mỗi chuyến của Superdong giảm đi và dẫn đến lợi nhuận gộp liên tục giảm qua các năm. Và đó chính là lý do chính khiến hoạt động kinh doanh vận tải của Superdong ngày càng đi xuống khi cung đã trở lên vượt cầu. Sự gia tăng không ngừng số tàu khai thác của cả Superdong và Phú Quốc Express khiến hiệu quả khai thác ngày càng suy giảm trầm trọng.

Phần lớn tiền tạo ra từ kinh doanh chuyển đi mua tàu của bên liên quan

Mô hình kinh doanh đơn giản và từng rất hiệu quả của Superdong khiến tôi “mờ mắt” mà bỏ qua những cảnh báo về giao dịch với bên liên quan là Kaibuok Shipyard (M) Sdn. Bhd. – công ty liên quan của Chủ tịch hội đồng quản trị. Tất cả các tàu, phà của Superdong từ trước tới nay đều được đặt mua từ Kaibuok Shipyard (M) Sdn. Bhd. Và trong các giao dịch mua tàu này Superdong gần như luôn luôn chuyển tiền ứng trước gần như 100% giá trị tàu – một dàn xếp mà lợi ích hoàn toàn nghiêng về phía Kaibuok Shipyard (M) Sdn. Bhd.

Dù không có đủ thông tin để đánh giá xem giá tàu Superdong là đắt hay rẻ nhưng tôi có đủ lý do để nghi ngờ việc chuyển giá (mua tàu đắt từ Kaibuok Shipyard (M) Sdn. Bhd.) để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Dù hoạt động kinh doanh kém hiệu quả và đội tàu bị dư thừa năng lực khai thác vận chuyển nhưng Superdong vẫn liên tục mua thêm tàu, phà mới. Và đây chính là những giọt nước tràn ly khiến tôi phải nhìn nhận và chấp nhận sai lầm của bản thân. Rõ ràng điều những cổ đông cần khi doanh nghiệp hoạt động dư thừa năng lực khai thác là phải tăng hiệu quả khai thác chứ không phải là liên tục gia tăng đội tàu và phà. Ở đây dường như có sự mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và bên kia là chủ tịch hội đồng quản trị và các bên liên quan.

Thông tin tài chính cổ phiếu SKG

Ở thời điểm hiện tại, vốn hóa của SKG được định giá là khoảng 520 tỷ, đã giảm tới 70% so với thời kỳ đỉnh cao cuối năm 2016. Mức vốn hóa hiện tại của SKG cũng chỉ tương đương với khoảng 55% giá trị sổ sách tính tới cuối Quí II/2020.

Vốn hóa cổ phiếu SKG

Vốn hóa cổ phiếu SKG

Với nhiều nhà đầu tư, mức giá này có thể được coi là một món hời vì SKG là một doanh nghiệp có báo cáo minh bạch, rõ ràng, không có vay nợ và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn rất tích cực qua các năm. Tuy nhiên, trong giả định dòng tiền kinh doanh được dùng để chia cổ tức cho cổ đông thì câu chuyện sẽ khác hơn rất nhiều so với việc tiếp tục đầu tư mua tàu, phà mới để chuyển dòng tiền này cho Kaibuok Shipyard (M) Sdn. Bhd.

Với những quan ngại sâu sắc về vấn đề giao dịch nội bộ và sự cạnh tranh không ngừng tăng lên trong ngành, tôi đành thừa nhận việc lựa chọn đầu tư cổ phiếu SKG của mình là một quyết định sai lầm. Và chắc chắn sau lần thất bại này, bản thân tôi sẽ phải luôn mở to mắt và cẩn trọng trước những giao dịch nội bộ có dấu hiệu chuyển lợi nhuận phục vụ lợi ích cho một nhóm cổ đông trong công ty.