Cổ phiếu VCB: Cổ phiếu nóng đầu ngành ngân hàng Update 11/2024

Trong nhóm Big 4 ngân hàng nhà nước, Vietcombank là doanh nghiệp nổi trội lên so với Vietinbank, BIDV, Agribank về hệ thống quản trị nội bộ. Với qui mô tổng tài sản không chênh lệch nhau quá nhiều và đều trên 1 triệu tỷ VNĐ, Vietcombank là ngân hàng có mức lợi nhuận lớn nhất và ở mức khoảng xấp xỉ gần gấp đôi so với các ông lớn còn lại. Nợ xấu của Vietcombank luôn được kiểm soát và duy trì ở mức thấp (tỷ lệ/ dư nợ cho vay) so với các Big 4 khác. Vậy có nên mua cổ phiếu VCB không?

Cổ phiếu VCB, cổ phiếu nóng ngành ngân hàng

Cổ phiếu VCB, cổ phiếu nóng ngành ngân hàng

Lợi thế vô cùng lớn từ thương hiệu

Vietcombank là ngân hàng cổ phần nhà nước sở hữu phần lớn, có mạng lưới rộng, hệ thống cây ATM bao phủ, thương hiệu được nhận diện rộng rãi mang đến lợi thế vô cùng lớn cho Vietcombank. Lợi thế này thể hiện ở tỷ lệ CASA (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng) ở Vietcombank luôn ở mức cao lên tới 30%. Trong khi đó Vietcombank vẫn thu rất nhiều khoản phí tài khoản, thẻ ở mức cao chứ không cần miễn nhiều phí dịch vụ như Techcombank hay MBBank để duy trì tỷ lệ CASA được ở mức tương ứng.

Với tỷ lệ CASA lên tới 30%, Vietcombank có đâu đó khoảng 300.000 tỷ VND tiền gửi không kỳ hạn (hưởng lãi suất rất thấp) của khách có thể mang đi cho vay với lãi suất cao hơn nhiều. Chỉ tính riêng con số tiền gửi không kỳ hạn này đã vượt tổng tiền gửi của các ngân hàng tư nhân hàng đầu như Techcombank, VPBank…Chính vì thế, Vietcombank có lợi thế rất lớn trong cuộc chạy đua ngôi vương lợi nhuận ngành ngân hàng và hiện vẫn đang giữ vững vị trí số 1 của mình.

Ngoài lợi thế vượt trội về thương hiệu, Vietcombank cũng luôn là ngân hàng kiểm soát vô cùng tốt nợ xấu với tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ luôn được truy trì ở mức thấp; tỷ lệ trích lập dự phòng (tỷ lệ dự phòng/ nợ xấu) ở mức cao nên tình hình tài chính của VCB luôn rất lành mạnh. Cũng vì lẽ đó mà giá cổ phiếu VCB đã không ngừng tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua, đưa Vietcombank thành ngân hàng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường.

Vốn hóa Vietcombank ở mức 290.000 tỷ

Vốn hóa Vietcombank ở mức 290.000 tỷ

Hưởng lợi lớn từ chính sách tăng trưởng tín dụng

Trong hơn 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa một phần rất lớn vào việc tăng trưởng tín dụng. Với mức tăng trưởng tính dụng trung bình từ khoảng 10-15%/năm, đây là cơ sở để các ngân hàng không ngừng gia tăng quy mô tăng mức tổng tài sản lên một cách nhanh chóng và cùng với đó là lợi nhuận cũng liên tục tăng cao. Đó chính là lý do mà phần lớn các ngân hàng thường xuyên báo lãi lớn qua các năm với năm sau cao hơn năm trước…cho tới khi covid ập đến vào đầu năm 2020.

Ngành ngân hàng là ngành có tính chu kỳ

Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng, ngân hàng là ngành được hưởng lợi rất lớn từ việc tăng trưởng tín dụng. Đồng thời với đó các khách hàng của ngân hàng là các cá nhân, doanh nghiệp cũng ít gặp khó khăn trong việc trả nợ hơn so với thời kỳ suy thoái kinh tế. Vì thế mà khi kinh tế bùng nổ, vấn đề cốt lõi nhất của ngân hàng là việc đánh giá nợ xấu một cách hợp lý trở lên rất khó khăn.

Chỉ tới khi suy thoái kinh tế, các khách hàng vay tiền dần mất khả năng trả nợ thì bức tranh về nợ xấu ngân hàng mới bắt đầu lộ diện. Như Warren Buffett từng nói: “Only when the tide goes out, you will learn who has been swimming nake”. Trong trường hợp này sẽ là chỉ khi suy thoái tới thì cục nợ xấu của ngân hàng mới lộ rõ bản chất của mình, như điều đã từng xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008 – 2009.

Với các nhà đầu tư, khi thị trường đi lên, ngân hàng liên tục báo lãi thì đó cũng thường là lúc họ sẽ trở lên quá lạc quan mà quên mất những bài học từ quá khứ. Và thời điểm này có lẽ có nhiều điểm tương đồng với thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009.

Cổ phiếu VCB: Cổ phiếu nóng ngân hàng

Là một nhà đầu tư cá nhân và tự nhìn nhận mình là một nhà đầu tư thận trọng, tôi xếp cổ phiếu Vietcombank ở mức giá hiện tại (P/E trung bình 4 năm gần nhất) khoảng trên 20 lần, P/B ~3.3 là một cổ phiếu nóng (a hot stock in the hotest trend). Dĩ nhiên, tôi không mua cổ phiếu Vietcombank ở mức giá hiện tại. Tôi sẽ kiên nhẫn tìm kiếm các cơ hội khác và vẫn không ngừng dõi theo Vietcombank để xem trong thời gian tới những ảnh hưởng của dịch Covid sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tình hình nợ xấu của Vietcombank cũng như các ngân hàng Việt Nam.

Tôi sẽ sẵn sàng chờ cho tới khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 hết hiệu lực để có thể có một cái nhìn đầy đủ hơn về khối nợ xấu bị ảnh hưởng bởi Covid. Và tôi nghi ngờ rằng phần bụi đang được dấu dưới thảm nhờ Thông tư 01 này sẽ không hề ít. Có lẽ khi đó, việc đánh giá tình hình tài chính của các ngân hàng sẽ thận trọng và chính xác hơn nhiều so với thời điểm này. Và biết đâu, có thể lúc đó lại có những cơ hội đầu tư cổ phiếu ngân hàng ở mức giá hợp lý hơn nhiều so với hiện nay.