Tôi là một nhà đầu tư cá nhân không ngừng dõi theo những chuyển động ở VCG từ cuối năm 2018 tới nay. Đã có rất nhiều sự thay đổi xảy ra ở VCG sau khi các cổ đông nhà nước rút vốn. Và hôm nay, tôi xin điểm lại những sự kiện sẽ giúp nhiều nhà đầu tư có cái nhìn xuyên suốt về cổ phiếu VCG.
Có nên đầu tư cổ phiếu VCG?
Cổ phiếu VCG và dấu ấn của nhóm cổ đông An Quý Hưng
Tháng 11/2018: An Quý Hưng mua 255 triệu cổ phần VCG với giá 28.900đ/ cổ phiếu. Tổng thương vụ là gần 7.400 tỷ. Khi đó, vốn điều lệ của An Quý Hưng chỉ có 500 tỷ, nên đây là một trường hợp điển hình về cá bé nuốt cá lớn. Phần lớn tiền mua cổ phần của nhóm cổ đông liên quan tới An Quý Hưng là tiền vay nợ. Sau nay, tới đại hội cổ đông năm 2019, người ta mới biết trong nhóm cổ đông này có cả ông Đào Ngọc Thanh Ecopark.
Tháng 3/2019: An Quý Hưng thất bại trong việc phát hành trái phiếu 5.300 tỷ đồng (lãi 12%/năm) với tài sản đảm bảo là 255 triệu cổ phần VCG. Hẳn mục đích huy động là để đảo nợ trả nợ cho chủ cũ. Tuy nhiên, khi mà ý đồ phát hành trái phiếu không thành công thì hẳn là nhóm cổ đông liên quan tới An Quý Hưng sẽ phải tìm nguồn tài trợ khác để trả khi các khoản vay tới hạn.
Báo cáo tài chính 2019 của VCG sau khi nhóm An Quý Hưng tiếp quản: Các khoản phải thu tăng 1.455 tỷ so với năm 2018. Trong đó riêng phải thu ngắn hạn khác tăng 647 tỷ VNĐ. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 1.500 tỷ.
Tháng 6/2020, nhóm cổ đông Cường Vũ và Star Invest đã chất vấn chủ tịch HĐQT trong Đại hội cổ đông Tháng 6/2020 về dòng tiền âm nhưng không được giải đáp thỏa đáng.
Tháng 8/2020: Nhóm Cường Vũ và Star Invest đã thoái toàn bộ vốn khỏi VCG, đồng thời với thời điểm VCG ra quyết định thoái vốn khỏi An Khánh JVC.
Quí 3/2020: VCG có doanh thu tài chính hơn 2.800 tỷ từ thoái vốn An Khánh JVC và một vài dự án khác. Tranh thủ lãi lớn của Quí 3, VCG mạnh tay trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 1.200 tỷ.
Mức trích lập 1.200 tỷ này tương đương với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm của Techcombank; lớn hơn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB 9 tháng năm 2020.
Con số dự phòng lớn như thế này cũng từng xuất hiện ở JVC (năm 2015) khi công ty bị rút ruột bằng cách chuyển tiền sang các công ty liên quan tới ban lãnh đạo; hay trường hợp của TTF với gần 1.000 tỷ hàng tồn kho biến mất kỳ lạ vào năm 2016.
Ngày 21/10/2020, VCG công bố nghị quyết dự kiến mua 44 triệu cổ phiếu quỹ (dự chi khoảng gần 2.000 tỷ) khi mà giá cổ phiếu VCG đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
Bình luận về các chuyển động ở VCG
Một thương vụ cá bé nuốt cá lớn, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư giống tôi, đặt câu hỏi về nhóm cổ đông An Quý Hưng. Đầu tiên là khoản vay rất lớn liên quan tới số tiền gần 7.400 tỷ An Quý Hưng bỏ ra để mua cổ phần VCG khi nào đáo hạn và An Quý Hưng sẽ làm gì để có tiền trả cho khoản vay này?
Những chuyển động ở VCG làm dấy lên những nghi ngờ về việc liệu An Quý Hưng có đang tìm cách rút ruột của VCG để lấy tiền trả nợ vay. Khoản trích dự phòng phải thu 1.200 tỷ kia cụ thể là liên quan tới bên nào và tại sao lại phải trích đột ngột như thế (trong quý có lãi hơn 2.800 tỷ từ chuyển nhượng dự án). Có phải trích như vậy để giảm sự chú ý của các nhà đầu tư hay không?
Rồi tới quyết định mua 10% cổ phần lưa hành làm cổ phiếu quỹ, khi mà giá cổ phiếu VCG đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Mua cổ phiếu quỹ khi giá cao nhất mọi thời đại thì không thể nói là để gia tăng giá trị cho cổ đông được. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lúc này bán ra thì rõ ràng sẽ hài lòng nhưng với những nhà đầu tư ở lại, tiếp tục giữ khoản đầu tư của mình ở VCG thì tương lai sẽ bị thiệt hại như thế nào là một câu hỏi khó giải đáp.
Ở thời điểm này, dù có đeo vào một cặp lăng kính màu hồng đi chăng nữa thì bản thân tôi cũng thấy cổ phiếu VCG đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân. Mâu thuẫn lợi ích giữa các cổ đông nhỏ lẻ và nhóm cổ đông An Quý Hưng sử dụng đòn bẩy quá lớn để mua cổ phần và chiếm quyền chi phối ở VCG có thể sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Chắc chắn thời điểm này, lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu VCG không phải là một lựa chọn khôn ngoan.