Cổ tức là gì và cách đánh giá ban lãnh đạo dựa trên chính sách cổ tức Update 05/2024

Cổ tức luôn là một chủ đề rất thú vị đối với mình trong quá trình đầu tư cổ phiếu. Trước đây, khi nhìn vào lịch sử chia cổ tức của một doanh nghiệp thì nhìn xong mình chỉ biết thế. Nhưng bây giờ mình còn thường xuyên đánh giá chính sách chia cổ tức của một doanh nghiệp xem nó có hợp lý không, qua đó đánh giá năng lực và động cơ của đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mà ban giám đốc, HĐQT không nắm giữ cổ phần. Nhưng trước tiên mình sẽ cố gắng giải thích một cách đơn giản nhất để bạn hiểu rõ cổ tức là gì!

Cổ tức là gì?

Khi một doanh nghiệp làm ăn có lãi, khoản lãi đó hàng năm có thể được chia cho các chủ sở hữu của doanh nghiệp (một phần, hoặc toàn bộ). Hình thức chia phổ biến nhất là chia tiền lãi và khoản lãi được chia cho cổ đông này được gọi là cổ tức. Tuy nhiên, một doanh nghiệp làm ăn có lãi không phải là lúc nào cũng có tiền để chia cổ tức. Ví dụ như Tập đoàn Đất Xanh mấy năm nay làm ăn có lãi nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn âm do hàng tồn kho và các khoản phải thu tăng liên tục. Vì vậy mà họ không có tiền mặt để chia cổ tức. Trong trường hợp này, họ đã chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Cổ tức là gì?

Cổ tức là gì?

Cổ tức bằng tiền là gì?

Khoản lãi được chia cho cổ đông dưới hình thức chia tiền thì cổ tức này là cổ tức bằng tiền. Tùy theo tỷ lệ sở hữu mà mỗi cổ đông sẽ được nhận tương ứng một phần trong số lợi nhuận được chia. Báo chí thường dẫn tin là Công ty X nào đó chuẩn bị chia cổ tức 30% bằng tiền…Thì bạn cần hiểu là 30% này là tính theo mệnh giá của cổ phiếu (10.000đ) chứ không phải là theo giá trị thị trường của cổ phiếu đó. 

Ví dụ cổ phiếu Vinamilk đang có thị giá là 120.000đ và chuẩn bị chia cổ tức 30%. Nếu bạn sở hữu một cổ phiếu VNM bạn sẽ nhận được 30% x 10.000đ (Mệnh giá) = 3.000đ. Khoản 3.000đ này là thu nhập từ cổ tức, phải chịu thuế TNCN là 5%, nên thực tế bạn sẽ nhận được 3.000đ x 95%=2.850đ cho mỗi cổ phiếu mình nắm giữ.

Cổ tức bằng tiền luôn được các nhà đầu tư yêu thích

Cổ tức bằng tiền luôn được các nhà đầu tư yêu thích

Cổ tức bằng cổ phiếu là gì?

Nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng dòng tiền không tốt, công ty không có nhiều tiền mặt thì có thể chọn hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Việc chia này dựa trên giả định là sau khi chia xong, cổ đông có thể bán cổ phiếu đó trên sàn chứng khoán để lấy tiền về. Tuy nhiên, hình thức này có một nhược điểm lớn so với chia cổ tức bằng tiền mặt. Đó là sau khi chia xong, nếu bạn mang cổ phiếu mình nhận được bán đi thì tỷ lệ sở hữu của bạn trong công ty cổ phần đó sẽ giảm đi.

Bản chất của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể mô tả thông qua giả định doanh nghiệp là một cái bánh. Giả sử một công ty cổ phần chỉ có 2 cổ đông, mỗi người năm giữ 1/2 chiếc bánh (tức mỗi người nắm giữ 1 cổ phần). Bây giờ công ty phát hành thêm 2 cổ phần nữa chia cổ tức dạng cổ phiếu. Mỗi cổ đông được nhận 1 cổ phiếu nữa. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu thì tỷ lệ sở hữu của mỗi cổ đông là không đổi (vẫn là 50%). Tuy nhiên chiếc bánh bây giờ được chia làm 4 phần chứ không phải hai phần như trước kia.

Nếu bạn mang một cổ phần bán đi trên thị trường chứng khoán để thu tiền về thì sau đó bạn chỉ còn nắm giữ 1 cổ phần tức là tỷ lệ sở hữu giảm đi chỉ còn 1/4 = 25% chiếc bánh. Vì vậy mà việc chia cổ tức bằng cổ phiếu về bản chất chỉ là việc cắt cái bánh ra làm nhiều phần chứ không phải là làm cho chiếc bánh to ra.

Tại sao giá cổ phiếu phải điều chỉnh giảm sau khi chia cổ tức

Ví dụ trường hợp chia chiếc bánh ở trên sẽ giúp bạn dễ hiểu. Đó là ngay trước và sau khi chia chiếc bánh thì tổng lại giá trị chiếc bánh không hề thay đổi. Chỉ là ban đầu chiếc bánh có 2 phần (2 cổ phiếu) thì bây giờ được chia thành 4 phần (4 cổ phiếu). Vì vậy mà giá mỗi cổ phiếu cần được điều chỉnh giảm đi 1/2 để đảm bảo vốn hóa của doanh nghiệp không thay đổi trước và sau khia chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trường hợp chia cổ tức bằng tiền là việc trích một phần tài sản của doanh nghiệp (tiền mặt) ra chia cho các cổ đông. Vì vậy mà giá trị doanh nghiệp phải giảm đi một phần tương ứng bằng với tổng lượng cổ tức trả ra. Tức là giá trị mỗi cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng với giá trị cổ tức trả cho cổ đông. Ví dụ VNM có thị giá là 120.000đ, chia cổ tức 3.000đ thì giá sẽ bị điều chỉnh giảm còn 117.000đ.

Đánh giá chính sách cổ tức như thế nào?

Chính sách chia cổ tức thường được ban lãnh đạo là Ban giám đốc, Hội đồng quản trị đề xuất để đại hội đồng cổ đông thông qua. Vì vậy, qua chính sách này bạn sẽ phần nào hiểu được chiến lược, kế hoạch cũng như tầm nhìn của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không chia cổ tức

Nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi và liên tục không chia cổ tức nhiều năm thì cơ sở đánh giá tốt nhất xem chính sách này có hợp lý hay không là dựa vào việc ban lãnh đạo sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư có hiệu quả hay không. Nghĩa là xem xem mỗi một đồng lợi nhuận giữ lại thì doanh nghiệp tạo ra được bao nhiêu đồng giá trị.

Cách đánh giá này cần một cái nhìn dài hạn. Ví dụ là trong 10 năm, doanh nghiệp giữ lại 100 tỷ từ lợi nhuận để tái đầu tư. Và cũng trong thời gian này, loại trừ các ảnh hưởng của lạm phát nếu giá trị doanh nghiệp tăng lên trên 100 tỷ thì có thể hiểu nôm na là một đồng tái đầu tư đã tạo ra nhiều hơn 1 đồng giá trị.

So sánh này dựa trên giả định là giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 10 năm trước và hiện tại đều được định giá một cách hợp lý.

Ngoài cách đánh giá này, còn một cách đánh giá phổ biến hơn và dễ nhìn thấy hơn là xem lợi nhuận giữ lại được đầu tư vào tài sản gì? Điều này có thể đánh giá được thông qua việc đọc báo cáo tài chính các năm. Ví dụ như trường hợp mình có đề cập ở trên là Tập đoàn Đất Xanh lãi liên tục nhưng hàng tồn kho và khoản phải thu hàng năm liên tục tăng lên. Phải thu tăng liên tục thì rõ ràng là không tốt, còn hàng tồn kho thì phải xem khả năng sinh lời của nó ra làm sao.

Qua việc xem xét lợi nhuận giữ lại được đầu tư vào tài sản gì sẽ giúp bạn hình dung và đánh giá xem là chính sách không chia cổ tức có hợp lý hay không. Có một ví dụ khác dễ hiểu hơn là hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp liên tục tạo ra dòng tiền dương rất lớn nhưng chia cổ tức nhỏ giọt (như DCM, DPM). Họ có hàng nghìn tỷ gửi tiết kiệm ở ngân hàng với lãi suất thấp mà không chia trả cổ đông. Đây là cách sử dụng vốn vô cùng kém hiệu quả.

Một doanh nghiệp không chia cổ tức và có nhiều cơ hội đầu tư để gia tăng tài sản luôn là một lựa chọn tuyệt vời để đầu tư. Chỉ sợ nhất là lợi nhuận giữ lại bị sử dụng một cách lãng phí thì cổ đông là người chịu thiệt hại.

Doanh nghiệp liên tục chia cổ tức bằng tiền

Những doanh nghiệp này luôn được các nhà đầu tư yêu thích vì tiền tươi thóc thật. Chia cổ tức liên tục chứng minh là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tạo ra tiền chứ không phải là cái máng lợn không đáy (như FLC suốt ngày đè cổ đông ra bắt mua thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ).

Quyết định chia cổ tức bằng tiền cũng là một quyết định sáng suốt của ban lãnh đạo khi họ không tìm được cơ hội đầu tư nào tốt, có thể gia tăng tài sản cho cổ đông. Tuy nhiên, chia cổ tức bằng tiền cũng có nhược điểm đó là mỗi lần chia bạn sẽ phải chịu thuế TNCN 5%. Về dài hạn thì thuế TNCN sẽ ăn mòn lợi nhuận, giảm sức mạnh của lãi suất kép – kỳ quan thứ 8 của nhân loại.

Doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu

Việc chia một cái bánh ra thành nhiều phần mà tỷ lệ sở hữu chiếc bánh của mỗi cổ đông không hề tăng lên không mang lại giá trị cho cổ đông. Ai mà giữ số lượng nhiều cổ phiếu thì còn phát sinh thêm các khoản phí lưu ký tăng lên. Lợi ích duy nhất có lẽ là làm giảm giá cổ phiếu và có thể làm tăng tính thanh khoản trên thị trường. Với trường hợp này thì mình giữ quan điểm học được từ Benjamin Graham và Warren Buffett là việc chia này không có giá trị gì cả.

Hy vọng là qua đây bạn đã hiểu rõ được cổ tức là gì, các loại cổ tức và biết được những nguyên lý cơ bản để đánh giá chính sách chia cổ tức của các công ty.