Những thương vụ ngân hàng bán công ty tài chính
Tính đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều thương vụ ngân hàng bán công ty tài chính cho các đối tác nước ngoài.
Ngân hàng SHB bán SHB Finance
Mới đây vào ngày 25/8, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. Ngân hàng này là thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.
Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri. 50% số vốn còn lại sẽ được tiếp tục chuyển nhượng sau 3 năm.
Thông tin trên baotintuc.vn cho biết, thương vụ bán SHB Finance được định giá ở mức 5,1 tỷ baht Thái, tương đương với 156 triệu USD.
SHB Finance là công ty tài chính tiêu dùng do SHB sở hữu 100% vốn, được thành lập vào tháng 3/2017 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, SHB Finance đã phủ rộng tại 46 tỉnh, thành phố; có gần 300.000 khách hàng vay và được Tổ chức xếp hạng Moody’s xếp hạng tín nhiệm B3 – triển vọng ổn định.
Ông Đỗ Quang Vinh – GĐ Khối Ngân hàng số, Phó GĐ Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, Chủ tịch HĐTV SHB Finance và ông Seiichiro Akita – Chủ tịch kiêm CEO Krungsri ký thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn SHB Finance
Ngân hàng VPBank bán FE Credit
Cuối tháng 4/2021, thị trường tài chính xôn xao khi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) – một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, để bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit.
Với thương vụ này, VPbank thu về 1,4 tỷ USD. Đây được đánh giá là thương vụ bán vốn công ty tài chính lớn nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây.
FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam với khoảng 50% thị phần, 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và trên 13.000 nhân viên.
Đến nay, FE Credit đã phục vụ gần 11 triệu người dân Việt Nam thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho vay tín chấp.
Theo chia sẻ của ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPBank trên báo chí, việc chuyển nhượng 49% vốn góp của FE Credit cho Tập đoàn SMBC sẽ tạo cơ hội để hai bên kết hợp thế mạnh của nhau, trong đó FE Credit có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ và kinh nghiệm điều hành từ SMBC. Qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ đối với khách hàng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng và góp phần đẩy lùi tín dụng đen tại Việt Nam.
Ngân hàng MB bán MCredit
Cuối tháng 11/2017, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBBank) công bố bán 49% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV MB (MCredit) cho ngân hàng Shinsei Bank của Nhật Bản.
Theo thông tin trên các kênh truyền thông, việc bán 49% cổ phần MCredit đã mang lại cho MBbank 615 tỷ đồng lợi nhuận. Con số này giúp nâng khoản thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần của MBBank trong năm 2017 lên 778 tỷ đồng.
Được biết, trước khi bán vốn cho Shinsei Bank, Công ty tài chính Mcredit cũng từng là mũi nhọn trong mảng tài chính tiêu dùng của ngân hàng này với các hợp tác lớn trong lĩnh vực thanh toán và vay tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của Mcredit vào cuối 2017 đã đạt khoảng gần 1.300 tỷ đồng, đóng góp khá lớn cho lợi nhuận của MB.
Ngân hàng HDbank chuyển nhượng vốn công ty tài chính cho đối tác Nhật
Tháng 4/2015, Ngân hàng TMCP Phát Triển TPHCM (HDBank) đã chuyển 49% vốn điều lệ của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDFinance) cho đối tác Nhật Bản là Credit Saison Co., Ltd.
Được biết, Credit Saison Co., Ltd. là công ty dịch vụ tài chính Nhật Bản thuộc tập đoàn tài chính Mizuho Financial Group. Credit Saison được thành lập năm 1946 và là 1 trong 3 nhà phát hành thẻ tín dụng lớn nhất tại Nhật Bản, chỉ sau JCB và Visa Nhật Bản.
Thương vụ chuyển nhượng vốn này trước đó được đánh giá nhằm góp phần phát triển thị trường tài chính, đa dạng hóa các sản phẩm cho vay tiêu dùng tại Việt Nam theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc.
MSB xúc tiên bán vốn tại Công ty tài chính FCCOM
Mới đây Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đang xúc tiến kế hoạch bán vốn tại Công ty tài chính FCCOM.
Theo thông tin trên báo Người lao động, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB chia sẻ, sẽ bán toàn bộ công ty tài chính FCCOM, thay vì bán 50% như kế hoạch trước đây.
Được biết hiện tại đã có 2 – 3 đối tác đang làm việc với ngân hàng để trao đổi về thương vụ này. Dự kiến, MSB sẽ hoàn tất bán vốn trong năm 2022, phụ thuộc vào việc cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó vào đầu năm 2020, MSB đã đàm phán thành công chuyển nhượng 50% vốn của FCCOM cho Hyundai Card – Công ty phát hành thẻ tín dụng, thuộc Tập đoàn ô tô Hyundai, Hàn Quốc. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi chiến lược đối tác khiến thương vụ này bất thành.
Có thể thấy các ngân hàng đang lần lượt có những kế hoạch bán vốn hoặc thoái vốn tại các công ty tài chính cho đối tác nước ngoài. Thực tế các thương vụ này đều mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư cũng như các ngân hàng nội.
Các chuyên gia nói gì?
Trước việc ngân hàng đồng loạt bán công ty tài chính cho đối tác nước ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng hướng đi này không có gì quá ngạc nhiên.
Các chuyên gia đánh giá, trong hơn 10 năm phát triển, các công ty tài chính tại Việt Nam đều có tiềm năng phát triển. Thống kê cho thấy cuối năm 2020 dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012. Nhiều chuyên gia dự báo năm 2021, nhu cầu tín dụng tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể tăng khoảng 13-15%.
Đấy chính là lý do thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư ngoại. Các thương vụ trên đã minh chứng điều này, nhất là 2 thương vụ đình đám của VPBank và SHB.
Có thể thấy, đối với các đối tác nước ngoài việc mua lại công ty tài chính dường như là bước đi nhằm thực hiện các kế hoạch mở rộng thị trường kinh doanh. Còn đối với các ngân hàng nội, việc bán vốn tại các công ty tài chính mang lại lợi ích không nhỏ cho các ngân hàng. Theo đó, các thương vụ này giúp ngân hàng tăng sức mạnh về tài chính, mở rộng quy mô và khai thác tốt hơn việc cho vay tiêu dùng trong tương lai.
VPbank bán FeCredit cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản)
Vietnambiz dẫn lời chia sẻ của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, việc bán vốn ở SHB Finance cho đối tác Krungsri hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng, qua đó góp phần mang lại giá trị cộng hưởng trên nhiều khía cạnh. Đồng thời mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế, nâng cao uy tín, hình ảnh SHB trên khu vực và thế giới.
Còn theo Tổng Giám đốc VPBank – ông Nguyễn Đức Vinh, bán vốn điều lệ ở FE Credit không đồng nghĩa với việc VPBank từ bỏ thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, mà tiếp tục là một bên tham gia tích cực trên thị trường với nhiều tiềm năng phát triển. Khoản lợi nhuận thu được từ bán vốn sẽ giúp VPBank tăng thêm sức mạnh tài chính cho ngân hàng mẹ và là cơ sở để ngân hàng tăng vốn điều lệ vào năm 2022 theo như kế hoạch đã công bố.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế chia sẻ, tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam còn rất lớn. Việc tham gia thị trường này với nhà đầu tư nước ngoài là không dễ dàng do phải đáp ứng nhiều điều kiện, do đó, Sát nhập và mua lại (M&A) chính là con đường ngắn nhất.