Đối với một thị trường đầu tư đầy biến động và đặc thù như chứng khoán, việc nắm bắt sự biến thiên của giá cổ phiếu, định giá cổ phiếu là điều rất cần thiết mà nhà đầu tư nào cũng cần phải biết. Điều này hỗ trợ nhà đầu tư chứng khoán đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp để thu về lợi nhuận
Định giá cổ phiếu là gì?
Định giá cổ phiếu là cách mà nhà đầu tư chứng khoán tìm giá trị thực hay giá trị nội tại của một cổ phiếu.
Hiểu một cách đơn giản định giá cổ phiếu là việc nhà đầu tư đánh giá xem cổ phiếu đó có giá bao nhiêu tiền tại thời điểm hiện tại. Từ đó đưa ra quyết định có nên đầu tư vào cổ phiếu đó hay không.
Ví dụ: Nhà đầu tư A định giá cổ phiếu của công ty B (mã chứng khoán BBB) xứng đáng với giá là 200.000 đồng nhưng giá bán trên thị trường là 150.000 đồng. Nhà đầu tư A tiến hành mua cổ phiếu BBB và chờ đợi cho đến khi cổ phiếu BBB có giá 200.000 đồng thì sẽ bán ra và hưởng lợi nhuận.
Mục đích của định giá cổ phiếu là xác định giá trị thực của cổ phiếu trong một thời điểm nhất định, từ đó xác định tiềm năng cổ phiếu và đưa ra những quyết định đầu tư liên quan.
Định giá cổ phiếu là tìm giá trị thực hay giá trị nội tại của một cổ phiếu
Tại sao phải định giá cổ phiếu?
Đối với việc tham gia đầu tư chứng khoán, việc định giá cổ phiếu có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này không chỉ tác động đến các nhà đầu tư mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu. Theo đó, cần phải định giá chứng khoán bởi:
- Đối với doanh nghiệp: Định giá cổ phiếu là một trong những bước quan trọng của công ty cổ phần khi muốn chào bán cổ phiếu, huy động vốn và nâng tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán
- Đối với nhà đầu tư: Định giá cổ phiếu giúp người đầu tư biết được loại cổ phiếu nào đáng mua và có khả năng sinh lợi lớn nhất. Từ đó đưa ra quyết định mua vào cổ phiếu nếu giá cổ phiếu thấp hơn so với giá trị mà nhà đầu tư định giá. Hoặc bán ra cổ phiếu nếu giá cổ phiếu hiện đã cao hơn so với định giá để thu về lợi nhuận.
Các phương pháp định giá cổ phiếu
Có rất nhiều cách để người tham gia thị trường chứng khoán có thể định giá một cổ phiếu. Tuy nhiên, về cơ bản khi định giá cổ phiếu nhà đầu tư có thể sử dụng 3 phương pháp định giá cổ phiếu phổ biến sau đây:
Phương pháp P/E
Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E chính là cách dựa vào chỉ số P/E – chỉ số thể hiện mối quan hệ tỷ lệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) so với thu nhập của một cổ phần (EPS). Hay nói cách khác để có được 1 đồng thu nhập từ cổ phiếu, nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền.
Xem ngay: Chỉ số P/E là gì? Cách đánh giá cổ phiếu theo chỉ số P/E
Tính toán được P/E, nhà đầu tư có thể dựa vào đó để định giá một cổ phiếu đang đắt hay rẻ. Cách định giá sẽ dựa trên P/E bình quân các doanh nghiệp cùng ngành của cổ phiếu được tính toán (thông thường sẽ loại bỏ các cổ phiếu có mức P/E chênh lệch quá lớn so với các doanh nghiệp khác trong ngành). Cách định giá này được xác định theo công thức:
Giá trị của một cổ phiếu = EPS * P/E bình quân ngành
Nếu chỉ số P/E cao tức là cổ phiếu đang được định giá cao và ngược lại.
Hệ số P/E rất có ích cho việc định giá cổ phiếu. Chẳng hạn người đầu tư có cổ phiếu BBB không được giao dịch sôi động trên thị trường, vậy cổ phiếu này có giá bao nhiêu là hợp lý? Lúc này nhà đầu tư cần nhìn vào hệ số P/E được công bố đối với nhóm các loại cổ phiếu tương tự với cổ phiếu BBB, sau đó nhân thu nhập của công ty với hệ số P/E sẽ cho chúng ta giá của loại cổ phiếu BBB này.
Tuy nhiên, khi định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E, để đạt hiệu quả, nhà đầu tư cần chú ý:
- Phương pháp P/E chỉ nên áp dụng đối với những doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, nhà đầu tư sử dụng phương pháp P/E để định giá cổ phiếu cần linh hoạt trong cách sử dụng, không nên áp đặt quá nguyên tắc khi so sánh các công ty khác ngành nghề, hay so sánh công ty với thị trường chung.
- Nhà đầu tư cần loại trừ những khoản thu nhập bất thường để tăng tính chính xác của việc định giá. Nếu xét về mặt lý thuyết thì nhà đầu tư nên lấy trung bình tỷ lệ P/E trong khoảng thời gian 2 năm để xây dựng một tỷ lệ P/E tiêu chuẩn và sử dụng trong quá trình ra quyết định đầu tư
Phương pháp PEG
Dựa vào chỉ số PEG, nhà đầu tư cũng có thể định giá cổ phiếu, phương pháp này đưa ra kết quả mang tính khách quan hơn với chỉ số P/E.
Theo đó, PEG thể hiện mối tương quan giữa P/E với tốc độ tăng trưởng (G) lợi nhuận của một doanh nghiệp (là thành phần cấu thành chỉ số EPS). Trong đó, giá trị G được xem xét theo mức tăng trưởng lợi nhuận qua các năm. Công thức xác định như sau:
PEG = (P/E)/G
Nếu:
- PEG > 1 cho thấy cổ phiếu đang được định giá cao, giá trị của cổ phiếu đang lớn hơn so với tốc độ tăng trưởng.
- PEG
- PEG = 1, hay P/E = G cho thấy cổ phiếu đang định giá đúng với giá trị thực.
Lưu ý: Giá trị G sẽ âm trong trường hợp doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm, việc tính toán có thể đem lại kết quả thiếu tin cậy. Cho nên nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến giá trị này để đảm bảo kết quả mang lại đáng tin cậy hơn cho việc đưa ra quyết định mua – bán cổ phiếu.
Phương pháp P/B
Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B chính là việc định giá dựa trên chỉ số P/B.
Chí số P/B là chỉ số được dùng để so sánh giữa giá của một cổ phiếu (Price) với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. P/B là một công cụ của phương pháp phân tích cơ bản để định giá cổ phiếu. Tỷ số P/B thể hiện giá cổ phiếu gấp bao nhiêu lần tài sản ròng (ghi ở báo cáo tài chính) của doanh nghiệp.
Chỉ số P/B được nhiều nhà đầu tư áp dụng để định giá một cổ phiếu. P/B cao thể hiện kỳ vọng vào cổ phiếu đang tốt, tuy nhiên cổ phiếu có thể đang định giá ở mức cao. Giá trị P/B thấp thể hiện kỳ vọng vào cổ phiếu đang thấp, tuy nhiên có thể cổ phiếu đang bị định giá thấp hơn giá trị thực.
- P/B > 1, giá trị cổ phiếu trên thị trường lớn hơn giá trị sổ sách.
- P/B = 1, giá trị cổ phiếu trên thị trường tương đồng với giá trị sổ sách.
- P/B
Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B sẽ phù hợp trong việc định giá những công ty có phần lớn tài sản có tính thanh khoản cao như ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm và các công ty đầu tư.
Phương pháp P/S
Đây là phương pháp định giá cổ phiếu dựa vào chỉ số P/S – chỉ số đo lường giá cổ phiếu trên doanh thu mỗi cổ phần (Price/Sales per Share).
Khi định giá cổ phiếu theo chỉ số này, bạn sẽ phải tính toán chỉ số P/S dựa theo công thức: P/S = Giá cổ phiếu/ Doanh thu mỗi cổ phần.
Trong đó: Doanh thu mỗi cổ phiếu = Tổng doanh thu/ Số lượng cổ phiếu lưu hành
Hoặc: P/S = Tổng vốn hóa/Tổng doanh thu thuần
Chỉ số P/S và cổ phiếu được định giá sẽ tỉ lệ thuận với nhau. Nghĩa là nếu chỉ số P/S cao thì định giá cổ phiếu cao và ngược lại.
Ưu điểm của phương pháp định giá cổ phiếu này là chỉ số P/S có tính chính xác cao do doanh thu ít bị bóp méo hơn so với lợi nhuận. Ngoài ra, với chỉ số này nhà đầu tư có thể dùng định giá cả những công ty làm ăn thua lỗ. Đối với công ty khởi nghiệp thì P/S được xem là chỉ số đáng tin cậy hơn rất nhiều so với chỉ số P/E.
Phương pháp chiết khấu cổ tức
Đối với phương pháp định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu cổ tức, nhà đầu tư cần xem xét quá trình phát triển của công ty ở những giai đoạn khác nhau.
Thông thường quá trình phát triển của công ty được chia thành 2 giai đoạn:
– Giai đoạn tăng trưởng không ổn định: Trong giai đoạn này nhà đầu tư cần căn cứ vào ước tính về thu nhập và chính sách cổ tức của công ty để xác định cổ tức hàng năm. Công thức định giá cổ phiếu sẽ là:
Trong đó:
- P0: Giá trị cổ phiếu
- DIVt: Mức chi cổ tức năm t
- r: Tỷ lệ lợi tức yêu cầu (hay lãi suất chiết khấu hoặc chi phí vốn cổ phần)
– Giai đoạn phát triển lâu dài và giả định đó là giai đoạn có mức tăng trưởng không đổi, từ đó tính được giá của cổ phiếu. Công thức xác định như sau:
P0 = DIV1 / r – g
Trong đó:
- P0: Giá trị cổ phiếu
- DIV1: Mức chi cổ tức năm 1
- g: mức tăng trưởng
- r: tỷ suất thu nhập dự tính
Lưu ý: Công thức này chỉ đúng khi tốc độ tăng trưởng g nhỏ hơn tỷ suất thu nhập dự tính (r)
Ưu điểm của phương pháp này là phản ánh chính xác, trực diện lợi ích mà các nhà đầu tư nhận được trong tương lai. Tuy nhiên, phương pháp này lại không thể sử dụng trong trường hợp chính sách trả cổ tức không phản ánh khả năng sinh lời, hay doanh nghiệp không thể trả cổ tức trong tương lai.
Ngoài ra còn có một số phương pháp định giá cổ phiếu phổ biến khác như: Định giá cổ phiếu dựa vào chỉ số đánh giá doanh nghiệp ROA, ROE; Định giá cổ phiếu theo phương pháp dòng tiền; Định giá cổ phiếu theo công thức Benjamin Graham,…
Khi định giá cổ phiếu, mỗi phương pháp sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau và mỗi phương pháp chỉ phù hợp với từng ngành, từng loại doanh nghiệp khác nhau. Cho nên tùy vào từng trường hợp, nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn phương pháp thích hợp nhất.
Nếu gặp khó khăn trong việc định giá, cách tốt nhất là nhà đầu tư có thể tham khảo ý kiến tư vấn từ các chuyên gia chứng khoán có chuyên môn để có sự xác định đúng đắn nhất cho quyết định đầu tư của mình.
Có nhiều phương pháp để định giá cổ phiếu
Các lưu ý khi định giá cổ phiếu
Khi định giá cổ phiếu, nhà đầu tư cần chú ý đến những vấn đề sau:
– Nắm và tìm hiểu kỹ các yếu tố tác động đến giá cổ phiếu: Đối với giá cổ phiếu, có các yếu tố sau đây có thế gây ảnh hưởng mà nhà đầu tư nên biết:
- Tình hình phát triển kinh tế – chính trị: Giá cổ phiếu bị chi phối lớn bởi nền kinh tế thế giới và nền kinh tế quốc gia cũng như tình hình chính trị. Giá cổ phiếu thường có xu hướng tỉ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế. Nghĩa là giá cổ phiếu tăng khi nền kinh tế phát triển và giá giảm khi kinh tế đi xuống.
- Quy luật cung cầu của thị trường: Thông thường một cổ phiếu được nhiều người mua thì giá cổ phiếu đó sẽ có xu hướng tăng lên và ngược lại.
- Báo cáo tài chính của doanh nghiệp: Nếu kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt với doanh thu và tốc độ tăng trưởng cao thì có khả năng tiếp tục tăng trong tương lai giá cổ phiếu của doanh nghiệp này sẽ tăng lên và ngược lại
- Tâm lý nhà đầu tư: Chứng khoán là thị trường nhạy cảm, thông tin gây nhiễu xuất hiện rất nhiều khiến thị trường giao động mạnh. Nếu nhà đầu tư có tâm lý vững, bình tĩnh để chọn lọc được những thông tin chính xác thì có thể xác định giá cổ phiếu tốt từ đó đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn.
– Không có công thức nào chung duy nhất, chính xác nhất để định giá cho tất cả các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Bởi mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi chu kỳ kinh doanh, mỗi điều kiện vĩ mô, định hướng tương lại, nội lực doanh nghiệp, năng lực nhà đầu tư lại cho một giá trị khác nhau. Cho nên đôi khi có những doanh nghiệp nhà đầu tư không thể định giá được.
Có thể thấy định giá cổ phiếu là yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư chứng khoán cần nắm rõ. Điều này có ý nghĩa trong việc giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư chứng khoán đúng đắn. Hy vọng bài viết này đem đến cho các bạn thông tin hữu ích về định giá cổ phiếu và các phương pháp định giá cổ phiếu trong phân tích tài chính và đầu tư chứng khoán.