Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Một trong những điểm chính được sửa đổi đó là bỏ điều kiện doanh nghiệp không được có nợ xấu mới được phép vay gói lãi suất 0% trả lương người lao động tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).
Như vậy theo Nghị quyết sửa đổi, doanh nghiệp có nợ xấu vẫn được vay gói 7.500 tỷ lãi suất 0% để trả lương nhân viên, phục hồi sản xuất.
Gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.
Có hai nhóm doanh nghiệp được tiếp cận gói vay này là:
- Doanh nghiệp cho người lao động đang tham gia bảo hiểm bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên từ 1/5 năm nay đến hết 31/3 năm sau.
- Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng chống dịch… từ 1/5 năm nay đến hết tháng 3 năm sau.
Mức cho vay tối đa bằng lương tối thiểu vùng đối với số người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thời gian trả lương thực tế tối đa ba tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2021, gói này mới giải ngân được khoảng 6% cho chưa đến 1.000 khách vay vốn để trả lương hơn 130.700 lượt người lao động.
Doanh nghiệp có nợ xấu vẫn được vay gói lãi suất 0% (Nguồn ảnh: báo Người lao động)
Trước đó, điều kiện “doanh nghiệp không có nợ xấu”, thủ tục quyết toán thuế đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận với gói hỗ trợ này.
Với việc bỏ điều kiện nợ xấu, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng đẩy nhanh gói vay hỗ trợ trả lương quy mô 7.500 tỷ đồng, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.