Đội lái chứng khoán là gì?
Đội lái chứng khoán là “tiếng lóng” chỉ những nhà đầu tư kinh nghiệm lão làng, có nhiều mối quan hệ trên thị trường chứng khoán, họ sở hữu nguồn vốn lớn hoặc khối lượng cổ phiếu lớn. Họ liên kết với nhau hoặc liên kết với các công ty môi giới chứng khoán để thực hiện chiêu trò làm giá chứng khoán, chủ động đánh lên hay dìm giá cổ phiếu, thao túng thị trường.
Hình ảnh mô tả đội lái chứng khoán
Thực tế, việc thao túng thị trường không phải chuyện lạ, nó đã xuất hiện từ thời thị trường còn sơ khai nhất, khi tâm lý đám đông vẫn chi phối mạnh các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý còn chưa có những quy định quản lý rõ ràng, chặt chẽ.
Một nhóm các nhà đầu tư (NĐT) tập hợp lại với nhau, liên kết thông đồng và tập trung vào một số mã cổ phiếu nhất định, tạo ra cung cầu ảo (tự mua tự bán) nhằm thu hút những NĐT khác cùng giao dịch loại cổ phiếu đó. Giá cổ phiếu có lúc lên lúc xuống được gọi là sóng chứng khoán. Tận dụng lúc sóng lên cao, họ sẽ bán tháo cổ phiếu để thu lợi nhuận.
Tuy thị trường chứng khoán Việt Nam sau nhiều năm phát triển đã bước qua giai đoạn sơ khai nhưng tình trạng làm giá chứng khoán của nhiều đội lái vẫn làm mất đi sự lành mạnh vốn có, đồng thời gây thiệt hại cho các NĐT nhỏ lẻ. Chính điều này đã đặt ra yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn đối với các cơ quan quản lý. Yếu tố quan trọng nhất giúp các đội lái tạo sóng dễ dàng chính là tâm lý đám đông.
Giai đoạn thị trường chứng khoán hoạt động sôi nổi từ 2007 – 2010 cũng là thời kỳ hoàng kim của các đội lái chứng khoán. Quá nhiều thông tin gây nhiễu được các đội lái tung ra trên các diễn đàn làm NĐT quay cuồng, mất phương hướng. Nhiều phiên giao dịch xuất hiện các cổ phiếu nhỏ bỗng dưng tăng trần trong cả chục phiên liên tiếp rồi lại rơi sàn tự do không kiểm soát.
Từ khoản năm 2010 đến hết nửa đầu năm 2011 là năm của đội lái. Trong giai đoạn kinh tế toàn cầu và trong nước có những bất ổn lại tạo điều kiện thuận lợi cho đội lái kiếm tiền. Một vài mã cổ phiếu ưa thích phải kể đến như AAA, APL, HTV, MKV, DHT, VHG, AMV,.. mang tới những khoản lợi nhuận lớn.
Ví dụ, khi nhìn vào đồ thị phân tích kỹ thuật của cổ phiếu Alphanam (ALP) với giá trần tăng liên tục từ 12.000 vnđ/cổ phiếu lên tới 31.000 vnđ/cổ phiếu rồi nhanh chóng rơi sàn tự do xuống dưới 10.000 vnđ/cổ phiếu trong khi công ty không có thông tin quan trọng nào được công bố chính thức thì mới thấy đội lái tài tình và kiếm chác mạnh ra sao.
Những chiêu trò làm giá của đội lái chứng khoán
Cách làm giá của đội lái cũng rất đơn giản
Họ sẽ phân chia nhau để tìm kiếm các mã cổ phiếu có đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi”, chủ yếu như: Giá thấp, hoạt động tiềm năng trong ngành, các thông tin minh bạch, số lượng niêm yết và khối lượng giao dịch chưa cao. Lưu ý cổ phiếu phải niêm yết tập trung và ít bị chia tách.
Sau đó, họ sẽ tạo ra lượng cung cầu ảo đối với mã cổ phiếu đó. Đội lái thường sử dụng những mối quan hệ của mình để thỏa thuận ngầm với ban lãnh đạo của công ty phát hành và những cổ đông lớn nắm giữ nhiều cổ phiếu lớn để tiến hành phương pháp tạo sóng giả.
Họ sẽ đề nghị ban lãnh đạo đưa ra những thông tin có lợi đúng thời điểm làm giá, đồng thời các cổ đông không xả hàng vào thời điểm đó để đẩy giá chứng khoán lên. Lúc đó, một số môi giới chứng khoán của các công ty chứng khoán cũng bắt đầu tham gia vào đường dây với nhiệm vụ tung tin đồn, tư vấn hay đưa ra những kịch bản có lợi cho đội lái.
Với sự kết hợp thành thục và bí mật nhằm không để tin tức rò rỉ ra bên ngoài. Do vậy, chỉ một số người chủ chốt trong đội lại mới biết và thực hiện các giao dịch ngầm này.
Sau khi hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, đội lái tiến hành tạo sóng
- Giai đoạn 1: Bắt đầu quy trình dìm giá xuống: Yêu cầu ban lãnh đạo của công ty phát hành chuyển nhượng một số cổ phiếu làm mồi nhử, sử dụng lượng cổ phiếu được chuyển nhượng đem bán trên thị trường để dìm giá xuống thấp hơn nữa hoặc bắt đầu mua gom vào để tạo lượng cầu ảo sau đó mới dìm giá. Tiến tới mức giá thích hợp thì chuyển qua giai đoạn 2.
- Giai đoạn 2: Tập trung dìm giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất để gom hàng. Đội lái sẽ có chiến thuật tăng cung cổ phiếu hoặc chủ động gom cổ phiếu tùy theo tình hình thị trường để chi cho giá đi ngang lình xình trong khung có kiểm soát. Như vậy, giá cổ phiếu và khối lượng duy trì trạng thái này trong 1 thời gian dài cho đến khi đội lái gom đủ hàng thì chuyển sang giai đoạn 3.
- Giai đoạn 3: Lúc này, đội lái tập trung đẩy giá lên bằng cách cài người vào các diễn đàn, sâu hơn là liên kết với doanh nghiệp để đưa ra những thông tin khả quan như báo cáo lợi nhuận và kết quả kinh doanh cao, chiếm lĩnh thị trường tốt,… về mã cổ phiếu mình đang làm giá để thu hút NĐT, có động thái mua vào để tăng cầu giảm cung.
Vì đội lái đang nắm giữ phần lớn cổ phiếu khi mua gom được ở vùng giá thấp nên thị trường cung không còn nhiều. Hơn nữa, việc những tin tốt ảo được tung ra khiến động thái đặt mua cổ phiếu số lượng lớn với giá cao liên tục đẩy giá lên trần sẽ khiến các NĐT khác đổ tiền vào mua theo.
Cho đến khi đạt trần sẽ duy trì dư mua trần bằng cách bằng cách tiếp tục đổ lệnh lớn để tạo cảm giác nhưng thực chất là cầu ảo vì đặt lệnh cũng không khớp. Nhiều NĐT khác thấy cổ phiếu mình lên trần sẽ xả hàng (nhưng sẽ không nhiều) hoặc tiếp tục nắm giữ nên tầm 2 ngày sau là đã hết hàng để bán.
- Giai đoạn 4: Đây chính là giai đoạn xả hàng khi các NĐT có tâm lý nôn nóng muốn mua sớm và mua được những mã cổ phiếu đang “hot”. Khi đó, họ đặt lệnh sớm với giá trần, và đây cũng là lúc đội lái chứng khoán bắt đầu xả dần lượng cổ phiếu mình đang nắm giữ cho các NĐT này.
Đội lái sẽ rải dần cho tới ngày then chốt, và ngày then chốt sẽ có 2 kịch bản xảy ra:
+ TH1: Sau nhiều phiên tăng giá, cổ phiếu không giữ được giá dư mua trần từ đầu phiên mà chỉ tăng nhưng không đạt trần. Đây là tín hiệu không lành, các NĐT nhỏ lẻ sẽ bán tháo cổ phiếu ngay lập tức nhưng vẫn chậm chân so với đội lái 1 nhịp và kết thúc ngày hôm đó với mức giá rớt thảm ở mức sàn hoặc gần sàn.
+ TH2: Dư mua giá trần cực kỳ lớn nhưng sau đó hủy lệnh, bắt đầu xả tràn lan bất chất giá đặt bán đưa cổ phiếu về giá sàn và dư bán không ai mua.
Kết quả cuối cùng là việc đội lái, ban lãnh đạo và các cổ đông lớn của công ty đã kịp thời xả hàng và kiếm lợi nhuận lớn. Các NĐT nhỏ lẻ do ăn theo nên vào sóng chậm nhịp hơn, rút ra cũng muộn hoặc hoặc không kịp rút rồi bị mắc kẹt với lượng cổ phiếu mà bán chẳng ai mua. Từ đó, đội lái kiếm được lợi nhuận khoản có thể đạt 20 – 30% chỉ trong 1 tuần. Vì sự đầu cơ ảnh hưởng đến thị trường như vậy nên nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ đã được đưa ra nhưng cũng khó làm chùn bước đội lái chứng khoán.
Đội lái chứng khoán đã giúp cho “cá mập” giàu càng thêm giàu, thâu tóm cả tài sản của cá con
Tuy vậy, về khía cạnh khách quan, đội lái hoạt động như vậy có đóng góp mặt tích cực cho thị trường khi làm tăng tính sôi động, hấp dẫn. Nhờ những con sóng mà đội lái tạo ra, nhiều NĐT cũng được hưởng lợi và tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Cách tránh bẫy đội lái chứng khoán như thế nào?
Đội lái là những NĐT chuyên nghiệp, kinh nghiệm nên hiểu rõ tâm lý của các NĐT nhỏ lẻ. Để các NĐT nhỏ lẻ không bán sớm chốt lãi, cách tốt nhất là liên tục đặt mua cổ phiếu giá trần với khối lượng giao dịch lớn ngay từ đầu phiên.
Khi nhìn tình hình đó trên thị trường, các NĐT nhỏ lẻ sẽ tin cổ phiếu còn có thể tiếp tục tăng giá và yên tâm nắm giữ. Đây chính là khoảng thời gian các nhà đầu tư làm giá và dần xả hàng.
Cho tới khi cổ phiếu thoát gần hết, các nhà đầu cơ sở ồ ạt bán tháo lượng cổ phiếu cuối cùng. Cứ như vậy, một vòng tuần hoàn xảy ra khi các nhà đầu cơ liên tục tạo sóng, chốt lãi, xả hàng để dìm giá rồi lại tích cực tạo sóng.
Các chuyên gia chứng khoán cho rằng khi nhiều NĐT tin vào phân tích kỹ thuật thì chính những nhà đầu cơ sẽ là những người vẽ đồ thị.
Như vậy khiến các NĐT ít kinh nghiệm dao động rồi cắt lỗ. Nếu các NĐT nhỏ luôn mua bán theo tâm lý đám đông, cuốn vào cuộc chơi của các nhà đầu cơ thì sẽ mãi thua lỗ.
Chiến lược mua vào hiệu quả nhất của các NĐT nhỏ lẻ, ít kinh nghiệm là chỉ nên mua khi thị trường có tin cực kỳ xấu, VN-Index tạo đáy mới, giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh nhiều phiên và bán ra khi thị trường khởi sắc, hưng phấn.
Hy vọng, với những thông tin trong bài viết, bạn đọc quan tâm đã hiểu được đội lái chứng khoán là gì, những chiêu trò làm giá, thao túng thị trường để biết cách tránh bẫy hiệu quả. Nhìn chung, việc xuất hiện các đội lái chứng khoán không hoàn toàn tiêu cực nhưng cũng không thể hoạt động quá nhiều và ngoài tầm quản lý của các cơ quan kiểm soát thị trường.