Gửi tiết kiệm là một hình thức mà cá nhân hoặc tổ chức sẽ gửi một khoản tiền vào ngân hàng bất kỳ trong khoảng thời gian nhất định. Sau đó, từ khoản tiền này cá nhân, tổ chức sẽ được hưởng một khoản lợi nhuận tương ứng với lãi suất ngân hàng đó đưa ra. Đây được xem là kênh đầu tư an toàn và ít rủi ro nhất hiện nay. Vậy gửi tiết kiệm liệu có bị tính thuế như các hình thức đầu tư khác hiện nay?
Gửi tiết kiệm là gì?
Gửi tiết kiệm là hình thức sử dụng số tiền nhàn rỗi để gửi vào một ngân hàng nào đó nhằm mục đích hưởng lãi theo định kỳ của ngân hàng đưa ra. Hiện nay mức lãi suất sẽ được tính dựa trên kỳ hạn bạn gửi tiền tại ngân hàng, các kỳ hạn thường là 1, 3, 6, 9, 12 tháng hoặc trên 1 năm (18, 24 tháng…). Mức lãi suất sẽ được ngân hàng công bố tương ứng với kỳ hạn bạn lựa chọn.
Gửi tiền tiết kiệm có phải đóng thuế không?
Cá nhân gửi tiết kiệm có phải đóng thuế
Ở thời điểm hiện tại, tiền gửi tiết kiệm sẽ được tính thuế hoặc không tính thuế tùy vào cá nhân hoặc doanh nghiệp khi gửi tiền.
Thuế đối với cá nhân
Hiện nay với khách hàng cá nhân khi gửi tiết kiệm lấy lãi tại ngân hàng, sẽ không phải đóng thuế Theo Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì các khoản thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ đầu tư vốn.
Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:
a) Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng dẫn tại tiết g.1, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
Việc không đánh thuế thu nhập cá nhân vào tiền gửi tiết kiệm là cách để nhà nước khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng – kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, đây cũng là chính sách phúc lợi đối với các đối tượng không có khả năng lao động (người về hưu…) có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng để lĩnh lãi trang trải cho cuộc sống.
Thuế đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp gửi tiết kiệm có phải đóng thuế
Nếu cá nhân được nhà nước khuyến khích gửi tiết kiệm khi có tiền nhàn rỗi, thì ngược lại doanh nghiệp lại không được khuyến khích, nhà nước hạn chế doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng, bởi vì doanh nghiệp khi gửi thường sẽ gửi một lượng tiền lớn vào ngân hàng, đến lúc rút ra thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Do vậy để hạn chế doanh nghiệp gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, nhà nước đã đề ra quy định tại điều điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung theo điều 5 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì tiền lãi gửi ngân hàng thuộc các khoản thu nhập khác chịu thuế TNDN, cụ thể:
– Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong đó, thu nhập khác bao gồm: Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn.
– Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh cao hơn các khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.
– Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh thấp hơn các khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại giảm trừ vào thu nhập sản xuất kinh doanh chính khi xác định thu nhập chịu thuế.
Nếu doanh nghiệp có bất kỳ phát sinh khoản thu nhập nào từ tiền lãi gửi ngân hàng sẽ phải đóng thuế theo quy định định tại điều 11 của TT 78/2014/TT-BTC. Theo đó, mức thuế suất thuế thu nhập từ tiền lãi gửi ngân hàng là 20%.
Như vậy khi gửi tiền tiết kiệm khách hàng cá nhân sẽ không phải đóng thuế, khách hàng doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế theo quy định.