Kêu gọi vốn đầu tư là gì?
Kêu gọi vốn đầu tư hay gọi vốn đầu tư là thuật ngữ được dùng phổ biến trong đầu tư kinh doanh. Thuật ngữ này hiểu một cách đơn giản chính là hoạt động mà trong đó doanh nghiệp hoặc các starup đưa ra các bước cụ thể để thuyết phục nhà đầu tư rót vốn cho doanh nghiệp của mình.
Nói một cách dễ hiểu, kêu gọi vốn chính là hoạt động mà bạn trình bày ý tưởng kinh doanh của mình và kêu gọi nhà đầu tư ủng hộ, rút vốn vào dự án kinh doanh đó. Qua đó giúp hoàn thành dự án hay sản phẩm và phát triển ra thị trường.
Nguồn vốn là yếu tố quyết định đến việc phát triển một dự án hay sản phẩm ra thị trường. Bởi vậy kêu gọi vốn đầu tư có thể nói là một vấn đề rất được các doanh nghiệp quan tâm, nhất là với các startup.
Các doanh nghiệp, startup có thể kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư (cá nhân/tổ chức) trong nước và nước ngoài.
Kêu gọi vốn đầu tư chính là thuyết phục nhà đầu tư góp vốn
Nên kêu gọi vốn đầu tư khi nào?
Xác định thời điểm kêu gọi vốn đầu tư là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp, startup nâng cao khả năng thành công khi kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn. Khi kêu gọi vốn đầu tư, về cơ bản cần chú ý các vấn đề sau đây:
Hãy kêu gọi vốn đầu tư khi thực sự cần thiết và đã có sự chuẩn bị
Bạn cần nguồn vốn để đầu tư, bạn có ý tưởng kinh doanh có thể thuyết phục nhà đầu tư rót vốn và bạn tự tin với phần thuyết trình gọi đầu tư của minh, lúc đó hãy kêu gọi vốn đầu tư. Kêu gọi vốn đầu tư không phải là việc dễ dàng bởi nhà đầu tư sẽ không rót vốn theo cảm xúc, họ có sự nhìn nhận đánh giá về dự án, sản phẩm mà mình sẽ đầu tư. Cho nên trước khi kêu gọi đầu tư bạn nên chuẩn bị thật tốt các bước nhằm thuyết phục nhà đầu tự tin vào dự án của bạn. Hãy cho các nhà đầu tư thấy những việc bạn sẽ làm khi có khoản tiền đầu tư đó và mức độ khả thi đi kèm.
Hãy gọi vốn đầu tư khi nguồn vốn đó giúp doanh nghiệp của bạn phát triển
Việc kêu gọi vốn đầu tư mục đích chính vẫn là thu về nguồn vốn đầu tư để phát triển dự án và sản phẩm của mình. Cho nên hãy chắc chắn rằng nguồn vốn mà bạn kêu gọi từ các nhà đầu tư có thể giúp ích cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có khả năng để thuyết phục các nhà đầu tư nhằm kêu gọi họ bỏ vốn đầu tư thì đó không phải là lúc để bạn tiến hành bước gọi vốn đầu tư. Chẳng hạn:
– Đối với các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi nghiệp: Hãy kêu gọi vốn đầu tư khi thực sự cần đầu tư khoản tiền đó vào việc nâng cấp, sửa chữa, mua mới các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho công việc kinh doanh.
– Với các doanh nghiệp mới thành lập: Việc kêu gọi vốn đầu tư có thể nên xác định theo các giai đoạn, chẳng hạn như sau:
- Giai đoạn 1: Khi doanh nghiệp cần tiền để xây dựng sản phẩm và tiếp cận đến các đối tượng khách hàng mục tiêu.
- Giai đoạn 2: Khi doanh nghiệp cần nguồn vốn để công ty phát triển ngoài đời thực.
- Giai đoạn 3: Khi doanh nghiệp đã dần đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra và cần kêu gọi vốn đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của toàn doanh nghiệp.
Kêu gọi vốn đầu tư là việc làm không hề dễ dàng. Trước khi kêu gọi vốn, các doanh nghiệp, cá nhân cần cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố và cần có bản thuyết trình đầy thuyết phục, hướng đến kết quả mà mình mong muốn. Điều này giúp dự án cần vốn đầu tư có thể phát triển theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Cách kêu gọi vốn đầu tư thành công
Kêu gọi vốn đầu tư thành công cho dự án của mình là điều bất kể doanh nghiệp nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, gọi vốn như thế nào để thành công, gọi vốn như thế nào để có thể thuyết phục nhà đầu tư rót vốn… đây là băn khoăn của nhiều người. Đối với việc kêu gọi vốn đầu tư, để thành công bạn cần có ý các vấn đề sau đây:
Lựa chọn cách thức kêu gọi vốn
Hiện nay có rất nhiều cách thức khác nhau mà doanh nghiệp, các startup có thể lựa chọn để kêu gọi vốn đầu tư cho việc phát triển sản phẩm, dự án của mình. Bạn có thể cân nhắc cách thức phù hợp nhất với mình để kêu gọi đầu tư. Một số cách thức kêu gọi vốn mà bạn có thể cân nhắc như sau:
- Gọi vốn đầu tư qua các trang web/app huy động vốn cộng đồng: Hiện nay có nhiều trang web, diễn đàn trực tuyến do các công ty thành lập cho phép các nhà khởi nghiệp tham gia huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Cách thức kêu gọi vốn này được thực hiện bằng cách đăng ký tài khoản và triển khai dự án của mình để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Cách này sẽ giúp bạn tiếp cận được với các nguồn vốn nhanh chóng hơn. Tại Việt Nam, bạn có thể lựa chọn một số trang web kêu gọi vốn đầu tư nổi bật như: Funding.vn, Comicola.com, Betado.com, Kickstater, Indiegogo, GoFundMe, StartEngine, Circleup…
- Tìm kiếm nguồn vốn từ ngân hàng: Ngân hàng là một địa chỉ đáng tin cậy mà các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để phát triển dự án hoặc khởi nghiệp kinh doanh. Cách này đòi hỏi bạn phải đáp ứng một số điều kiện liên quan như có lịch sử tín dụng tốt, có tài sản đảm bảo, có phương án kinh doanh khả thi… Nếu đáp ứng thì việc huy động vốn khởi nghiệp là điều không quá khó.
- Kêu gọi vốn đầu tư qua các chương trình truyền hình thực tế: Hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam có rất nhiều chương trình truyền hình thực tế về kêu gọi vốn giúp các doanh nghiệp, các starter có thể tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án của mình với số vốn kêu gọi khá cao. Một trong số các chương trình được cộng đồng khởi nghiệp quan tâm và yêu thích là Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ. Chương trình này đã trải qua rất nhiều mùa ghi hình và nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã kêu gọi vốn thành công để phát triển dự án. Ưu điểm của Shark Tank là quy tụ nhiều cá nhân nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, các Shark đều là những CEO của các công ty có tiếng trên thị trường, vừa có tiềm lực tài chính vừa có chuyên môn cao. Đây chắc chắn là các nhà đầu tư có thể hỗ trợ cho bạn rất nhiều trong việc đầu tư và phát triển dự án.
- Gọi vốn đầu tư từ các quỹ phát triển doanh nghiệp: Các quỹ phát triển doanh nghiệp cũng là một nguồn gọi vốn mà các bạn có thể lựa chọn. Các quỹ này thông thường cung cấp các khoản cho vay và trợ cấp kinh doanh nhỏ. Hiện nay có các quỹ như: Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (HSIF), Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC)…
- Gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm: Các quỹ đầu tư mạo hiểm là những quỹ hướng đến các doanh nghiệp, công ty vừa và nhỏ, những công ty startup nhưng được đánh giá có tiềm năng phát triển trong tương lai. Tại Việt Nam những năm gần đây hình thức đầu tư vốn này nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Bạn có thể lựa chọn một số quỹ nổi bật như Mekong Capital, CyberAgent Ventures (CAV), Vina Capital Venture, Golden Gate Venture, IDG Venture…
Xây dựng bản kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư thu hút
Một bản kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư bài bản, được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là điểm thu hút các nhà đầu tư. Cho nên bạn chắc chắn cần chú trọng đến vấn đề này.
Thông thường một bản kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư phải thể hiện được các nội dung sau:
- Dự án cần kêu gọi vốn có ý tưởng tốt: Điều này thể hiện ở việc dự án đó có tiềm năng, có tính khả thi và sự sáng tạo hay không. Bạn cần cho nhà đầu tư thấy được ý tưởng của mình có tính khả thi cao, nếu đầu tư vốn vào có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
- Hãy làm cho nhà đầu tư theo đuổi dự án của bạn: Yếu tố này nằm ở việc gây ấn tượng. Kêu gọi vốn đầu tư không chỉ là bạn chạy theo nhà đầu ta mà hãy làm cho nhà đầu tư theo đuổi lại bạn. Muốn làm được điều nhà, bạn cần phải thuyết trình, thuyết phục nhà đầu tư thông qua ý tưởng dự án của mình. Hãy cho nhà đầu tư thấy bạn là người nắm rõ dự án và dự án có một nền tảng đáng tin cậy như: đã có sản phẩm demo và thử nghiệm, đã có khách hàng trải nghiệm, kết quả tăng trưởng trong một khoảng thời gian, các con số theo dõi dự án… Với một kế hoạch được chuẩn bị bài bản như vậy, bạn chắc chắn gây ấn tượng với nhà đầu tư và khả năng nhận được nguồn vốn đầu tư sẽ cao hơn.
- Đưa các giá trị thực tế mà nhà đầu tư nhận được khi rót vốn vào dự án. Đó có thể là tỷ lệ thưởng, tỷ lệ chia cổ phần khi góp vốn. Đồng thời cần vạch ra các chiến lược KPI cho từng thời gian, giai đoạn cụ thể và thiết thực.
Tuân thủ các bước kêu gọi vốn đầu tư
Để kêu gọi vốn đầu tư thành công, hãy chuẩn bị thật hoàn hảo các bước và tuân thủ theo từng bước cho đến khi kêu gọi được nhà đầu tư rót vốn vào. Đối với việc kêu gọi vốn đầu tư, bạn có thể đi theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị kế hoạch
Trong bước này bạn hãy chi tiết nhất kế hoạch để gọi vốn, vạch rõ các định hướng và mục đích khi có nguồn vốn đầu tư. Cụ thể như:
- Bảng kế hoạch chi tiết về dự án sẽ kêu gọi vốn đầu tư
- Hướng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai
- Tiềm năng của dự án và doanh nghiệp
- Mục tiêu khi kêu gọi vốn đầu tư
Bước 2: Chọn nhà đầu tư
Sẽ có rất nhiều nhà đầu tư và mỗi nhà đầu tư sẽ có cách làm việc, định hướng riêng, cho nên xác định được nhà đầu tư là yếu tố giúp bạn dễ thành công hơn. Hãy chọn nhà đầu tư có lập trường tương đồng với mục đích gọi vốn cho dự án của bạn hoặc nhà đầu tư có cùng định hướng phát triển với dự án mà bạn đang muốn gọi vốn.
Hãy tận dụng ưu điểm của nhà đầu tư để nâng cao giá trị của dự án mà bạn đang thực hiện.
Bước 3: Chuẩn bị bài thuyết trình dự án
Đây là bước rất quan trọng, quyết định bạn có thể tìm được nhà đầu tư rót vốn hay không. Một bài thuyết trình dự án tốt nhất là đầy đủ các nội dung sau:
- Ý tưởng dự án và ý tưởng kinh doanh là gì?
- Dự án của bạn có lợi thế gì? Tiếp cận khách hàng nào? Mục đích của dự án?
- Dự án thuộc lĩnh vực nào?
- Dòng tiền từ đâu?
- Dự án có đội ngũ cộng sự không? Họ là những ai?
- Dự án đã được thử nghiệm hay chưa? Có khách hàng trải nghiệm chưa? Kết quả theo dõi như thế nào?
- Lợi thế cạnh tranh trên thị trường
Bài thuyết trình càng chi tiết và rõ ràng bạn sẽ càng tự tin để thuyết phục sự quan tâm của nhà đầu tư hơn.
Bước 4: Đưa ra các định giá về dự án và mức độ mong muốn
Bước này sẽ giúp nhà đầu tư biết được bạn đang cần bao nhiêu vốn cho dự án của mình, tương đương với bao nhiêu phần trăm cổ phần. Khi đưa ra các định giá này nhà đầu tư sẽ nắm rõ hơn hướng đi của bạn cũng như đánh giá được tính khả thi của dự án đang kêu gọi vốn.
Bước 5: Tự bỏ vốn vào dự án của mình
Bạn có thể chính là một nhà đầu tư của dự án mà mình đang gọi vốn đầu tư. Nguồn vốn này cần thiết để bạn xây dựng chiến lược ban đầu, từ đó giúp cho dự án được hoạch định tốt, chỉnh chu và gây ấn tượng hơn cho nhà đầu tư.
Nắm bắt được cách thức trên sẽ giúp bạn gia tăng tỷ lệ thành công khi thực hiện việc kêu gọi vốn đầu tư.
Cần chuẩn bị chi tiết kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư
Những lưu ý khi kêu gọi vốn đầu tư
Khi kêu gọi vốn đầu tư để tránh việc thất bại bạn cần chú ý các vấn đề sau:
– Cần đầu tư thời gian cho việc xây dựng kế hoạch gọi vốn đầu tư: Một chủ dự án, một nhà sáng lập cần có quỹ thời gian nghiên cứu và chuẩn bị cho dự án của mình. Sự chuẩn bị càng tốt việc gọi vốn sẽ càng có khả năng thành công cao. Chuyên gia David Brown – nhà sáng lập, đồng CEO Công ty tư vấn và rót vốn cho startup Techstars cho rằng, một startup muốn tìm kiếm nguồn vốn đầu tư nên dành quỹ thời gian 500 – 1.000 giờ (thường từ 6 – 9 tháng) cho việc chuẩn bị gọi vốn. Khi gọi vốn đầu tư, bạn nên chia quá trình gọi vốn đầu tư thành 4 giai đoạn:
- Hoàn thiện bản mô tả về dự án, kế hoạch kinh doanh cần kêu gọi đầu tư
- Xác định danh sách các nhà đầu tư tiềm năng
- Tiếp cận các nhà đầu tư
- Thương lượng và thuyết phục nhà đầu tư rót vốn.
– Nghiên cứu nhà đầu tư: Hãy xác định và nghiên cứu các nhà đầu tư để lựa chọn đúng nhà đầu tư cho dự án, kế hoạch kinh doanh của bạn. Khi hiểu về nhà đầu tư và lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, hãy dùng thông tin liên quan mà bạn đã nghiên cứu để thuyết phục họ. Các chủ dự án, nhà sáng lập có thể dự đoán trước các câu hỏi, các yêu cầu mà nhà đầu tư có thể đưa ra.
– Hãy nhận sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn: Gọi vốn đầu tư nhất là đầu tư cho các dự án, kế hoạch kinh doanh lần đầu là rất quan trọng. Cho nên bạn đừng từ chối sự giúp đỡ của những chuyên gia tư vấn, tổ chức tư vấn, những người có chuyên môn. Những người có kinh nghiệm này sẽ hướng dẫn, phân tích và có sự tư vấn giúp bạn nắm bắt tốt việc kêu gọi đầu tư.
– Hãy có các kế hoạch dự phòng để việc thương lượng, thuyết phục góp vốn đầu tư có lợi thế hơn.
Kêu gọi vốn đầu tư là việc làm không hề dễ dàng và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc thu hút nhà đầu tư rót vốn vào dự án đầu tư cần có lộ trình và chiến lược, kế hoạch cụ thể. Với những thông tin trên đây hy vọng bạn đã hiểu rõ cách kêu gọi vốn đầu tư cũng như các lưu ý quan trọng, từ đó nâng cao tỷ lệ thành công khi kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư.