Kiểm soát tốt chi phí vốn, VietinBank lãi trước thuế 13.910 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm Update 11/2024

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2021, ghi nhận con số tăng trưởng lợi nhuận đầy khả quan.

Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của VietinBank là 3.060 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

  • Thu nhập lãi thuần quý 3/2021 đạt 9.872 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. 
  • Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tiếp tục có sự tăng trưởng khả quan, riêng quý III đạt 1.154 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đạt 3.794 tỷ tăng 17% so với cùng kỳ năm. Con số tăng trưởng này là nhờ VietinBank đã triển khai thúc đẩy bán sản phẩm có thế mạnh như tài trợ thương mại, chuyển tiền, dịch vụ thẻ… cũng như kiểm soát các khoản chi dịch vụ để tối ưu hóa hiệu quả quản trị chi phí.
  • Mảng mua bán chứng khoán đầu tư tăng trưởng mạnh, thu về cho VietinBank 233 tỷ đồng lãi thuần, gấp 2,2 lần quý III/2020. Tuy nhiên, lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác sụt giảm 46,5% xuống còn 365 tỷ đồng.

Những con số tăng trưởng ấn tượng mà VietinBank đạt được là nhờ ngân hàng này tiếp tục kiểm soát tốt chi phí vốn. Cụ thể, VietinBank đã thực hiện đa dạng các biện pháp kiểm soát, tiết giảm chi phí vốn như phát triển dịch vụ ngân hàng thanh toán, đẩy mạnh chiến dịch về eFAST, eKYC để thu hút mở rộng cơ sở khách hàng, tăng trưởng tiền gửi thanh toán và đa dạng hóa các kênh huy động vốn trong và ngoài nước với chi phí hợp lý.

Bên cạnh đó, để dự phòng rủi ro, VietinBank đã chủ động dành nguồn lực tài chính trích lập dự phòng bổ sung theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Theo đó:

  • Tại 30/9/2021 dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 21.500 tỷ đồng, tăng 8.900 tỷ đồng (tương đương tăng 71%) so với đầu năm.
  • Chi phí dự phòng rủi ro cho vay trích lập trong 9 tháng năm 2021 là 14.000 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ (tương đương tăng 22%) so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý III/2021, ngân hàng trích lập 5.500 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank vẫn đã giảm từ 131,9% xuống còn 118,6%.

Vietinbank đạt lợi nhuận trước thuế cao

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 13.910 tỷ đồng

Theo đại diện VietinBank, ngân hàng tiếp tục kiên trì với chính sách tăng trưởng bền vững, không nới lỏng các tiêu chí tín dụng để kiểm soát chặt chẽ rủi ro song song với tăng trưởng hiệu quả. VietinBank đã cơ cấu danh mục tín dụng, đa dạng hóa và ưu tiên tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích. Ngoài ra, tỷ trọng dư nợ giữa các phân khúc khách hàng được cân đối lại bám sát định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, cho vay khách hàng tại VietinBank đạt 1.084 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với đầu năm.

Về nguồn vốn, số dư tiền gửi khách hàng sau 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 8,3% lên gần 1,073 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 7% lên 199.591 tỷ đồng (chiếm 18,6%), tiền gửi có kỳ hạn tăng 8,7% lên 865.837 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận ghi nhận con số tăng trưởng nhưng báo cáo tài chính quý 3 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, số dư nợ xấu của VietinBank đã tăng hơn 90% lên 18.097 tỷ đồng. Theo đó:

  • Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã giảm hơn 41% xuống còn 3.543 tỷ đồng
  • Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đã tăng vọt lên gần 11.631 tỷ đồng, gấp 7,2 lần so với đầu năm
  • Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn 57% lên 2.923 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank chỉ tăng 6,8% lên gần 1,085 triệu tỷ đồng. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng mạnh từ mức 0,94% thời điểm đầu năm lên 1,67% tính đến cuối quý III/2021.